Thai IVF dùng thuốc nội tiết đến tuần bao nhiêu?

Thai kỳ IVF đặc biệt nhạy cảm và do đó đòi hỏi bà bầu cần được quản lý một cách chặt chẽ. Một trong những vấn đề được bà bầu thắc mắc là thai IVF dùng thuốc nội tiết đến tuần bao nhiêu?

1. Thai IVF dùng thuốc nội tiết đến tuần bao nhiêu?

Thai ivf dùng thuốc nội tiết đến tuần bao nhiêu được rất nhiều người quan tâm. Thực tế, mang thai là một quá trình đầy thách thức và cũng rất gian nan mà bà bầu phải vượt qua để chào đón khoảnh khắc em bé chào đời vô cùng hạnh phúc. Đặc biệt những trường hợp mang thai bằng phương pháp IVF (thụ tinh trong ống nghiệm) thì quá trình này còn diễn ra khó khăn hơn gấp nhiều lần.

Để đảm bảo nhận được kết quả mỹ mãn, bà bầu cần được quản lý thai kỳ IVF một cách chặt chẽ, trong đó bao gồm việc dùng thuốc nội tiết khi mang thai. Câu hỏi đặt ra là thai IVF dùng thuốc nội tiết đến tuần bao nhiêu? Theo các chuyên gia, Progesterone là loại nội tiết tố nữ có tác dụng dưỡng thai được bác sĩ chỉ định trong 3 tháng đầu, và chỉ định vẫn phù hợp với thai kỳ IVF. Việc dùng thuốc nội tiết khi mang thai có vai trò đảm bảo cho bào thai phát triển đầy đủ trong giai đoạn nhau thai chưa thể đảm nhiệm hoàn toàn vai trò cung cấp dinh dưỡng.

Bên cạnh vấn đề thai IVF dùng thuốc nội tiết, bà bầu có em bé theo phương pháp này cần được quản lý chặt chẽ, bắt đầu từ lúc phôi thai hình thành, sau đó chuyển phôi vào buồng tử cung cho đến khi em bé chào đời một cách an toàn, khỏe mạnh. Đồng thời, quá trình quản lý IVF còn hỗ trợ ngăn ngừa một số tác dụng không mong muốn đối với bà bầu (như sảy thai, thai chậm hoặc ngừng phát triển, sinh non, nhau bong non, nhiễm trùng, băng huyết...) và đối với thai nhi (như nhẹ cân, suy dinh dưỡng, dị tật, nhiễm trùng, suy hô hấp...).

2. Quản lý thai kỳ IVF như thế nào?

Trước khi tìm hiểu về các biện pháp quản lý thai kỳ IVF, bà bầu cần biết khi nào cần thử thai sau khi được chuyển phôi. Nhiều cặp vợ chồng thường có tâm lý sốt ruột sau khi được chuyển phôi, từ đó tạo ra tâm lý lo lắng về kết quả có mang thai hay không và thử thai từ rất sớm liên tục nhiều lần. Hành động này không mang lại hiệu quả mà còn làm mất thời gian và tiền bạc. Theo bác sĩ, thời điểm thử thai phù hợp nhất là ít nhất 14 ngày sau khi chuyển phôi.

Chị em có thể thử thai bằng que hoặc xét nghiệm định lượng beta+hCG trong máu. Trong đó xét nghiệm máu cho kết quả chính xác hơn trong khi que thử lại tiện lợi và dễ thực hiện hơn.

Sau khi xác định chính xác bản thân mang thai, chị em cần tiếp tục duy trì việc dùng thuốc nội tiết khi mang thai (trong 3 tháng đầu) theo chỉ định bác sĩ và có kế hoạch quản lý thai kỳ đặc biệt nhạy cảm này.

2.1. Tam cá nguyệt đầu tiên

Bà bầu được bác sĩ yêu cầu khám thai lần đầu tiên sau khoảng 3-4 tuần tính từ lúc chuyển phôi. Thai IVF dùng thuốc nội tiết trong giai đoạn này là vô cùng quan trọng và quyết định đến kết quả của quá trình thụ tinh trong ống nghiệm. Do đó, bà bầu cần tuân thủ tuyệt đối theo hướng dẫn của bác sĩ, đồng thời nhanh chóng tái khám khi xuất hiện những dấu hiệu bất thường.

Trong tam cá nguyệt đầu tiên, bà bầu cần thực hiện những yêu cầu cơ bản sau đây:

  • Tính chỉ số khối cơ thể (BMI) và đo huyết áp để đánh giá nguy cơ;
  • Tiến hành một số xét nghiệm cần thiết như xét nghiệm nước tiểu và định lượng hCG nhằm theo dõi sự phát triển của bào thai;
  • Thực hiện siêu âm thai nhằm xác định vị trí, số lượng túi ối và ghi nhận tim thai (thường là tuần thứ 4 sau chuyển phôi, tương ứng với thai khoảng 6 tuần tuổi;
  • Khi thai được 11 đến 13 tuần tuổi, siêu âm thai sẽ giúp đánh giá chính xác tuổi thai và ngày dự sinh, đồng thời phát hiện sớm một số bất thường nhiễm sắc thể thông qua việc đo độ mờ da gáy, đo mũi và vòm khẩu cái;
  • Đến tuần 12-13, bà bầu sẽ được yêu cầu thực hiện xét nghiệm Double test. Xét nghiệm này giúp sàng lọc một số bất thường, đặc biệt chính xác khi kết hợp các xét nghiệm khác như định lượng nồng độ β-hCG tự do và PAPP-A, qua đó giúp đánh giá nguy cơ của các hội chứng di truyền bẩm sinh như Down, Edward hoặc Patau.

2.2. Tam cá nguyệt thứ 2

Từ tuần thai 14 đến 27, bà bầu cần được thăm khám mỗi 4 tuần một lần. Với mỗi lần khám thai, bà bầu sẽ được bác sĩ quản lý thai kỳ IVF bằng cách thực hiện một số xét nghiệm và siêu âm thai để đánh giá tình hình phát triển của bào thai:

  • Xét nghiệm Triple test vào tuần thứ 16 đến 18 của thai kỳ nhằm mục đích tầm soát và phát hiện nguy cơ dị tật bẩm sinh;
  • Từ tuần thai 18 đến 22, siêu âm thai giúp đánh giá hình thái và tầm soát dị tật với các yêu cầu như sau:
    • Quan sát hình thái và cấu trúc hộp sọ, não bộ;
    • Quan sát gương mặt thai nhi để phát hiện một số dị tật như sứt môi hay hở hàm;
    • Quan sát hình dạng cột sống thai nhi, đặc biệt phải đảm bảo xương phát triển đồng đều, đầy đủ, thẳng hàng và phải không có khe hở cột sống;
    • Quan sát bụng, đảm bảo liên tục và che phủ được toàn bộ cơ quan bên trong;
    • Quan sát tim thai và đánh giá tình trạng của các mạch máu;
    • Quan sát dạ dày, hai bên thận và bàng quang nhằm đảm bảo các cơ quan hoạt động bình thường;
    • Quan sát tay chân của thai nhi: 3 tháng giữa là thời điểm tốt nhất để đánh giá và đảm bảo bàn tay, bàn chân đủ ngón, chân tay hoạt động bình thường;
    • Quan sát nhau thai, dây rốn và tình trạng nước ối;
  • Trong tam cá nguyệt thứ 2, bà bầu cần được đo lường các chỉ số sinh học nhằm đánh giá tình trạng phát triển của em bé;
  • Xét nghiệm công thức máu, xét nghiệm nước tiểu và đông cầm máu trong cơ thể.

Từ tuần thai thứ 20 trở đi, bà bầu nên được đo BMI mỗi 2 tuần, đồng thời đo huyết áp, xét nghiệm nước tiểu và đặc biệt là đo chiều dài cổ tử cung để đánh giá nguy cơ đẻ non.

Việc tiêm phòng uốn ván trong 3 tháng giữa nên thực hiện theo chỉ định của bác sĩ, mũi đầu tiêm sau tuần 22 còn mũi 2 cách mũi 1 tối thiểu một tháng và phải đảm bảo trước sinh ít nhất một tháng.

2.3. Tam cá nguyệt cuối

Ba tháng cuối thai kỳ là giai đoạn đặc biệt quan trọng, do đó bà bầu cần theo dõi sát sao nhằm đảm bảo thai nhi khỏe mạnh và quá trình sinh đẻ diễn ra thuận lợi. Trong tam cá nguyệt cuối này, bà bầu cần duy trì lịch khám thai mỗi 4 tuần một lần, đặc biệt sau tuần thai 36 thì bà bầu cần được kiểm tra thai kỳ mỗi tuần.

Trong những lần khám thai cuối này, bác sĩ sẽ xác định những vấn đề sau:

  • Ngôi thai;
  • Cân nặng em bé ước lượng;
  • Đánh giá khung chậu của bà mẹ;
  • Theo dõi tim thai và cơn gò tử cung bằng máy chuyên biệt;
  • Đánh giá và tiên lượng khả năng chuyển dạ;
  • Theo dõi các biểu hiện của chuyển dạ và cân nhắc phương pháp em bé chào đời.

Hy vọng những thông tin trong bài viết trên đã giúp bạn giải đáp được những thắc mắc: “Thai ivf dùng thuốc nội tiết đến tuần bao nhiêu?” Nếu có bất kỳ băn khoăn thắc mắc nào, bạn hãy liên hệ đến bác sĩ hoặc đến các trung tâm y tế để thăm khám, và nhờ sự tư vấn của bác sĩ, dược sĩ tư vấn. Tuyệt đối không được tự ý thay đổi, ngừng thuốc, hay sử dụng nhiều hơn nhằm gia tăng lợi ích sử dụng. Bởi việc này có thể gây nguy hại đến sức khỏe của mẹ và thai nhi.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

20.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan