Thai 40 tuần chưa chuyển dạ có nên mổ?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng các Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng .

Thai 40 tuần chưa chuyển dạ có nên mổ không còn phụ thuộc vào tình trạng thai nhi, khả năng sinh tự nhiên cũng như nguyện vọng của người mẹ và gia đình. Điều mẹ bầu nên làm khi quá ngày dự sinh đó là khám thai định kỳ để xác định tình trạng, tùy vào kết quả kiểm tra mà bác sĩ sẽ chỉ định sinh mổ hay áp dụng phương pháp kích thích chuyển dạ để sinh thường hoặc tiếp tục theo dõi.

1. Sự phát triển của thai nhi 40 tuần tuổi

Thai nhi 40 tuần có cân nặng trung bình 3,4kg và dài khoảng 50,8 cm, bé có thể sinh ra vào thời điểm này hoặc không. Do đó nếu thai 40 tuần chưa có dấu hiệu chuyển dạ thì bạn cũng đừng quá lo lắng bởi nhiều người lần đầu làm mẹ phải chờ tới 2 tuần sau ngày dự sinh thì bé mới chào đời.

Trẻ sơ sinh mới sinh ra thường có đầu bị biến dạng tạm thời, cơ thể được bao phủ bởi màng nhầy và máu, da bị đổi màu hoặc khô nẻ. Sự hiện diện của hormone ở mẹ trong bé có thể khiến cho bộ phận sinh dục của bé lớn hơn bình thường. Y tá hoặc bác sĩ là người sẽ hút chất nhầy ra khỏi miệng và mũi của bé, mẹ sẽ nghe được tiếng khóc đầu tiên của con, sau đó trẻ sẽ được cắt dây rốn.

Một loạt các xét nghiệm sàng lọc nhanh ở trẻ sơ sinh sẽ được thực hiện để đánh giá phản ứng của bé, sau đó bé sẽ được đo cân nặng và chiều cao. Nếu mẹ phải mổ lấy thai, bác sĩ chuyên chăm sóc đặc biệt cho trẻ sơ sinh sẽ chăm sóc cho bé.

2. Các dấu hiệu chuyển dạ ở tuần 40

Sau đây là những dấu hiệu chuyển dạ ở tuần 40 mà mẹ bầu nên tham khảo để chủ động hơn trong cuộc vượt cạn sắp tới:

  • Bụng tụt và sa xuống dưới: Vài tuần trước khi sinh, thai nhi có xu hướng dịch chuyển xuống phía dưới trong khung xương chậu, riêng với những thai phụ sinh con lần 2 thì các dấu hiệu này có thể mơ hồ và chỉ cảm nhận được dấu hiệu chuyển dạ khi cuộc vượt cạn thực sự bắt đầu;
  • Cổ tử cung bắt đầu mở: Khi có dấu hiệu chuyển dạ ở tuần 38, tử cung sẽ mở rộng dần và trở nên mỏng hơn. Vì thai kỳ của mỗi mẹ bầu khác nhau nên tốc độ mở cổ tử cung cũng sẽ diễn ra khác nhau;
  • Chuột rút và đau lưng diễn ra nhiều hơn: Một trong những dấu hiệu chuyển dạ ở tuần 38 mà mẹ bầu thường đó là hiện tượng chuột rút, đau xương mu, háng và lưng nhiều hơn. Hiện tượng này thường diễn ra ở những người sinh con lần đầu. Nguyên nhân là do các cơ khớp ở vùng xương chậu và tử cung bị kéo căng nhằm chuẩn bị cho thai nhi chào đời;
  • Hiện tượng tiêu chảy: Tiêu chảy cũng được xem là dấu hiệu chuyển dạ ở tuần 38 mà mẹ bầu cần lưu ý. Nguyên nhân tiêu chảy là do các cơ trong tử cung bị dãn ra và chuẩn bị cho quá trình sinh nở khiến cho toàn bộ cơ thể của mẹ bầu thay đổi, trong đó có trực tràng. Việc bị tiêu chảy sẽ khiến mẹ bầu trở nên mệt mỏi và khó chịu nhưng điều này là hoàn toàn bình thường, bạn hãy uống nhiều nước, hạn chế những thực phẩm khó tiêu và không nên ăn quá no;
  • Cân nặng ngừng tăng: Vào cuối thai kỳ, cân nặng của thai phụ có xu hướng chững lại hoặc có trường hợp bị sụt cân. Điều này được xem là bình thường, không ảnh hưởng gì đến sức khỏe của mẹ và bé. Nguyên nhân sụt cân ở mẹ bầu trong thời gian này là do lượng nước ối giảm xuống;
  • Màu sắc dịch nhầy âm đạo thay đổi và xuất hiện máu báo: Khoảng vài ngày trước sinh, mẹ bầu sẽ thấy dịch nhầy âm đạo thay đổi và tiết ra nhiều hơn. Nguyên nhân là do nút nhầy có tác dụng bịt kín cổ tử cung để ngăn ngừa viêm nhiễm đã bị bong. Một số trường hợp nút nhầy bong ra cùng với một chút máu. Dấu hiệu này được gọi là hiện tượng “máu báo” và nó là tín hiệu cho biết cuộc vượt cạn của bạn sắp bắt đầu;
  • Xuất hiện các cơn co thắt mạnh và liên tục: Khi chuẩn bị chuyển dạ, các cơn co thắt tử cung là dấu hiệu rõ ràng để nhận biết nhất. Những cơn co tử cung chuyển dạ sẽ khiến bạn thấy đau, khó chịu, không có dấu hiệu thuyên giảm hay biến mất khi thay đổi tư thế và tần suất co sẽ dồn dập, đều đặn cách nhau khoảng 5-7 phút;

Vỡ nước ối: Vỡ ối xảy ra khi túi ối bị vỡ và khiến cho dịch ối chảy ra từ âm đạo. Đây là một trong những dấu hiệu sắp sinh chính xác mà mẹ bầu cần lưu ý. Khi có hiện tượng vỡ ối mẹ bầu cần tới cơ sở y tế để chuẩn bị cho cuộc hành trình vượt cạn đón bé yêu của mình.

3. Thai 40 tuần chưa chuyển dạ có nên mổ?

Khi gặp phải trường hợp này, nhiều mẹ bầu thường lo lắng và thắc mắc “thai 40 tuần chưa chuyển dạ có nên mổ không và phải làm sao”. Theo đó, khi thai quá ngày dự sinh bắt buộc phải đi kiểm tra để xác định tình trạng, tùy vào kết quả kiểm tra mà bác sĩ sẽ chỉ định sinh mổ hay áp dụng phương pháp kích thích chuyển dạ để sinh thường hoặc tiếp tục theo dõi. Trong trường hợp có dấu hiệu suy thai, việc chủ động mổ lấy thai là bắt buộc để đảm bảo trẻ sơ sinh có sức khỏe tốt.

Ngoài ra, việc mổ lấy thai cũng được chỉ định với trường hợp thai quá ngày sinh kết hợp với nguyên nhân khác như:

  • Sản phụ lớn tuổi;
  • Người có vết mổ lấy thai cũ;
  • Đang điều trị vô sinh hiếm muộn;
  • Thai nhi ngôi mông,...

Với trường hợp thai quá ngày dự sinh có sức khỏe bình thường, phương pháp sinh tự nhiên vẫn được ưu tiên thực hiện hơn. Khi chưa có dấu hiệu chuyển dạ, bác sĩ sẽ khởi phát việc chuyển dạ bằng thuốc Oxytocin hoặc Prostaglandin. Sau khi có dấu hiệu chuyển dạ, mẹ bầu sẽ được theo dõi chặt chẽ nhằm đảm bảo quá trình sinh thường khỏe mạnh, trẻ sinh ra có sức khỏe tốt.

Một số trường hợp kích thích chuyển dạ nhưng quá trình sinh thường khó khăn hoặc có biến chứng sản khoa thì cũng cần mổ lấy thai ngay. Do đó, thai 40 tuần chưa chuyển dạ có nên mổ không còn phụ thuộc vào tình trạng thai, khả năng sinh tự nhiên cũng như nguyện vọng của người mẹ và gia đình.

4. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng thai trên 40 tuần chưa chuyển dạ

Đa phần thai trên 40 tuần chưa chuyển dạ nếu được theo dõi và xử lý sớm sẽ không nguy hiểm với sức khỏe của mẹ và thai nên mẹ không nên quá lo lắng.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thai trên 40 tuần chưa chuyển dạ, hạn chế những nguyên nhân và yếu tố nguy cơ sau đây có thể giúp mẹ bầu phòng ngừa tình trạng này:

  • Béo phì: Sản phụ béo phì, ăn uống quá nhiều dinh dưỡng trong thời gian mang thai là một trong những nguyên nhân khiến thai to và quá ngày sinh;
  • Bất thường nhau thai hoặc sự phát triển của thai: Đây là một trong những nguyên nhân khiến thời điểm chuyển dạ của mẹ bầu bị kéo dài trên 40 tuần;
  • Tiền sử gia đình: Những thai phụ trong gia đình từng có người mang thai quá ngày sinh thì tỉ lệ gặp tình trạng này cũng cao hơn so với sản phụ khác.

Để dự phòng thai quá ngày sinh, mẹ bầu cần ghi nhớ chính xác ngày đầu tiên của chu kỳ kinh cuối cùng. Đây là dấu mốc quan trọng để tính tuần thai cũng như ngày dự sinh chính xác. Đối với những chị em có chu kỳ kinh nguyệt không đều, quá ngắn hoặc quá dài thì nên ghi nhớ ngày dự sinh dựa vào kết quả siêu âm ở tuần thai thứ 12 - 13.

Có thể nói, thai quá ngày sinh làm tăng nguy cơ gây biến chứng nguy hiểm đến tính mạng và sức khỏe thai nhi, do đó việc khám thai định kỳ là cần thiết để ngăn ngừa biến chứng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

37.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan