Tăng prolactin máu và khả năng sinh sản

Prolactin là một hormone có vai trò quan trọng đối với tạo sữa, chuyển hoá và đặc biệt là chức năng sinh sản của người phụ nữ. Tăng prolactin máu là một bệnh lý nội tiết thường gặp và cũng là một trong những nguyên nhân có thể gây vô sinh cho nữ giới.

1. Tăng prolactin máu là gì?

Tăng prolactin máu là khi có quá nhiều prolactin trong máu. Prolactin là một loại hormone được sản xuất bởi tuyến yên . Ở phụ nữ, prolactin hỗ trợ điều hòa kinh nguyệt và giúp ngực phát triển và sản xuất sữa.

Tăng prolactin trong máu làm giảm estrogen và cản trở quá trình rụng trứng , gây ra hiện tượng kinh nguyệt không đều hoặc không có và ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Tình trạng này cũng dẫn đến mật độ xương thấp và khiến phụ nữ không mang thai sản xuất sữa mẹ.

Nồng độ prolactin cũng sẽ có sự thay đổi nhất định ở mỗi giai đoạn của người phụ nữ.

Nồng độ prolactin tiêu chuẩn:

  • Phụ nữ trong độ tuổi trưởng thành: 127 – 637 μIU/mL
  • Phụ nữ khi mang thai: 200 – 4500 μIU/mL
  • Giai đoạn mãn kinh: 30 – 430 μIU/mL

Rối loạn trục dưới đồi- tuyến yên dẫn đến hiện tượng tăng prolactin máu. Tình trạng này được xác định bởi nhiều nguyên nhân khác nhau.

ung thư vú
Tăng prolactin trong máu khiến phụ nữ không mang thai sản xuất sữa mẹ

2. Nguyên nhân nào gây tăng prolactin máu?

Tình trạng tăng prolactin máu đôi khi không xác định được nguyên nhân. Dưới đây là một số nguyên nhân thường gặp:

  • Do khối u không phải ung thư trong tuyến yên tạo ra mức prolactin cao. Điều này ảnh hưởng đến 50-60 % phụ nữ bị tăng prolactin máu. (một số trường hợp rất hiếm xảy ra, khối u có thể là ung thư.)
  • Tế bào hoạt động quá mức trong tuyến yên
  • Tuyến giáp kém hoạt động (suy giáp)
  • Một số loại thuốc điều trị bao gồm trầm cảm và huyết áp cao
  • Tổn thương vùng ngực (ví dụ như do bệnh zona hoặc sẹo phẫu thuật)
  • Suy thận: Giảm thoái hoá, giảm thanh thải prolactin
  • Xơ gan: Tổn thương các vùng sản xuất dopamine ở hạ đồi do bệnh lý não
  • Estradiol: gây phì đại và tăng sản tế bào lactotrophe (sản xuất PRL), phản hồi âm lên dopamine neuron vùng hạ đồi (làm giảm dopamine là chất ức chế sản xuất prolactin).
  • Lượng prolactin cũng có thể tăng lên cao sau khi bạn ăn quá nhiều thịt, sau khi quan hệ tình dục, kích thích núm vú, sau khi luyện tập thể dục hoặc khi bị căng thẳng
  • Do nồng độ estradiol huyết thanh trong thai kỳ tăng nên phụ nữ trong giai đoạn mang thai có nguy cơ tăng prolactin ở thời kỳ này. Hàm lượng prolactin có thể trở lại bình thường sau khi sinh khoảng 6 tuần
  • Nồng độ prolactin trong máu tăng trong giai đoạn cho con bú bởi việc kích thích núm vú.

Tăng prolactin máu sẽ ngăn cản hoặc ức chế nhịp tiết GnRH bình thường, ngoài ra còn tăng hoạt tính dopaminergic tại vùng hạ đồi dẫn đến nồng độ FSH (hormone kích thích nang trứng phát triển) và LH (hormone gây rụng trứng và hỗ trợ hoàng thể) ở mức thấp hoặc không đủ hiệu quả. Từ đó gây nên rối loạn rụng trứng, rối loạn chu kỳ kinh nguyệt, không rụng trứng, vô kinh hay nguy hiểm hơn là suy sinh dục.

3. Các triệu chứng của tăng prolactin máu là gì?

Một số phụ nữ không có bất kỳ triệu chứng nào. Một số trường hợp khác có thể xuất hiện các triệu chứng như:

  • Kinh nguyệt không đều hoặc không có kinh nguyệt
  • Tiết sữa mẹ khi không mang thai hoặc cho con bú
  • Khô âm đạo
  • Nóng bừng
  • Mật độ xương thấp
Vì sao cho con bú dẫn đến không có kinh nguyệt?
Kinh nguyệt không đều hoặc không có kinh nguyệt là triệu chứng có thể gặp phải

4. Tăng prolactin máu được chẩn đoán như thế nào?

Xét nghiệm máu có thể cho biết mức độ prolactin của bạn có cao hơn bình thường hay không. Nếu còn nghi ngờ, bạn có thể được kiểm tra hai lần để chắc chắn. Bác sĩ cũng có thể cho bạn khám sức khỏe và yêu cầu chụp MRI để lấy hình ảnh não của bạn.

5. Điều trị tăng prolactin máu là gì?

Nếu bạn bị nhẹ hoặc không có triệu chứng, bạn có thể không cần điều trị. Nhưng hãy cho bác sĩ biết nếu các biểu hiện khiến bạn khó chịu hoặc nếu bạn khó mang thai. Phương pháp điều trị tăng prolactin máu đầu tiên thường là bromocriptine hoặc cabergoline, hai loại thuốc được gọi là chất chủ vận dopamine làm giảm nồng độ prolactin, thu nhỏ khối u tuyến yên, phục hồi khả năng rụng trứng và khả năng sinh sản.

  • Bromocriptine được coi là phương pháp điều trị an toàn. Nó có nguy cơ gây dị tật bẩm sinh rất thấp và được khuyến khích cho những phụ nữ đang mong muốn thụ thai. Bạn có thể cần dùng thuốc trong vài tháng trước khi giảm prolactin của bạn xuống mức bình thường. Nhưng một khi mức độ prolactin của bạn trong giới hạn bình thường, quá trình rụng trứng sẽ được phục hồi và bạn có kinh trở lại.
  • Cabergoline là một loại thuốc mới hơn và chưa được kê đơn lâu như bromocriptine, song loại thuốc này không gây dị tật bẩm sinh nếu dùng trong tháng đầu tiên của thai kỳ. Cabergoline hoạt động theo cách tương tự như bromocriptine và được đánh giá là hiệu quả hơn trong việc giảm mức prolactin. Thuốc thường được kê cho những người không phản ứng với bromocriptine hoặc những người có tác dụng phụ từ bromocriptine.

Khi đã sẵn sàng, bạn có thể cố gắng thụ thai tự nhiên hoặc nhờ sự trợ giúp của bác sĩ, tùy thuộc vào khả năng sinh sản của bạn. Nếu bạn không thụ thai sau khi rụng trứng trong một vài tháng, bác sĩ có thể đề nghị một phương pháp điều trị khác.

6. Điều trị tăng prolactin máu do một khối u lớn ở tuyến yên là gì?

Một số phụ nữ có thể phát triển khối u trong khi mang thai. Những phụ nữ có khối u tuyến yên đường kính lớn hơn 10mm muốn mang thai thường dùng thuốc chủ vận dopamine, như bromocriptine hoặc cabergoline, để thu nhỏ khối u trước khi thụ thai.

Nếu khối u không co lại hoặc nếu nó gây ra các triệu chứng như các vấn đề về thị lực, bác sĩ có thể khuyên bạn nên phẫu thuật loại bỏ khối u trước khi mang thai.

uống trà Kombucha trong khi mang thai
Một số phụ nữ có thể phát triển khối u tuyến yên trong khi mang thai

7. Điều trị tăng prolactin máu mất bao lâu?

Bác sĩ sẽ bắt đầu dùng thuốc với liều lượng thấp và tăng dần khi cần thiết. Mức prolactin của bạn sẽ bắt đầu giảm từ 2 đến 3 tuần sau khi bạn bắt đầu điều trị.

Với bromocriptine, bạn dùng thuốc uống hoặc đặt âm đạo một hoặc hai lần mỗi ngày cho đến khi mang thai. Nếu cabergoline được kê đơn, bạn sẽ uống thuốc một hoặc hai lần một tuần cho đến khi mang thai.

Bạn có thể sử dụng một trong hai loại thuốc một cách an toàn trong vài năm, nếu cần. Nhưng một khi bạn ngừng dùng thuốc, tăng prolactin máu có thể trở lại. Để phòng ngừa thêm, bác sĩ có thể ngừng dùng bromocriptine hoặc cabergoline nếu bạn phát hiện ra rằng bạn đang mang thai.

8. Tác dụng phụ của thuốc tăng prolactin máu là gì?

Trong khi dùng bromocriptine hoặc cabergoline, bạn có thể gặp những tác dụng phụ sau:

  • Huyết áp thấp
  • Buồn nôn
  • Căng thẳng
  • Mệt mỏi
  • Nghẹt mũi
  • Phiền muộn
  • Táo bón
  • Chóng mặt
  • Đau đầu
  • Ngất xỉu

Các tác dụng phụ có thể nghiêm trọng hơn khi bắt đầu điều trị hoặc bất cứ khi nào tăng liều lượng sử dụng nhưng thường giảm dần khi cơ thể bạn quen với thuốc. Cho đến khi bạn thích nghi với thuốc, hãy dùng thuốc vào buổi tối khi bạn đi ngủ vì bạn có nguy cơ ngất xỉu (do huyết áp thấp) bất cứ khi nào bắt đầu hoặc tăng liều.

Dùng thuốc trong bữa ăn cũng có thể hữu ích và những bệnh nhân sử dụng bromocriptine qua đường âm đạo thường ít xảy ra các tác dụng phụ hơn . Các tác dụng phụ của cabergoline cũng có xu hướng ít nghiêm trọng hơn.

Khi bệnh nhân buồn nôn cần dừng tập ngay lập tức
Trong khi dùng bromocriptine hoặc cabergoline, bạn có thể gặp những tác dụng phụ như buồn nôn, chóng mặt,...

9. Cơ hội mang thai sau khi điều trị chứng tăng prolactin máu là bao nhiêu?

Mức prolactin trở lại bình thường ở khoảng 90 phần trăm phụ nữ dùng bromocriptine hoặc cabergoline. 85% phụ nữ dùng những loại thuốc này sẽ rụng trứng và trong số những người rụng trứng, 70 đến 80% có thai. (tỷ lệ mang thai là do tất cả các yếu tố khác ảnh hưởng đến việc mang thai, từ độ tuổi của bạn đến chất lượng tinh trùng của bạn tình.).

Bromocriptine và cabergoline không làm tăng nguy cơ sinh đôi trở lên.

Nếu bạn vẫn không rụng trứng mặc dù mức prolactin bình thường, các loại thuốc hỗ trợ sinh sản như clomiphene hoặc gonadotropins có thể được thêm vào chế độ dùng thuốc của bạn.

Nguồn tham khảo: babycenter.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

42.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan