Tác dụng phụ của thuốc trưởng thành phổi

Thuốc trưởng thành phổi được sử dụng cho những thai phụ có nguy cơ sinh non, giúp làm giảm các biến chứng nguy hiểm như suy hô hấp, xuất huyết não, tử vong ở trẻ sinh non. Cùng với những tác dụng chính thì những tác dụng phụ của thuốc tiêm trưởng thành phổi cũng có thể xảy ra. Để hiểu rõ hơn về thuốc trưởng thành phổi và những tác dụng phụ, bạn hãy tham khảo bài viết dưới đây.

1. Thuốc trưởng thành phổi là gì?

Thuốc trưởng thành phổi hay còn có tên gọi khác là thuốc trợ phổi, nói một cách dễ hiểu là thuốc giúp cho phổi của trẻ thai nhi phát triển nhanh hơn so với độ tuổi thực. Đây là loại thuốc được sử dụng cho phụ nữ mang thai để dự phòng phòng ngừa các biến chứng suy hô hấp ở những trẻ bị suy dinh dưỡng, trẻ sinh non.

Hiện nay, các thuốc trưởng thành phổi chủ yếu thuộc nhóm thuốc corticosteroid. Hai loại được dùng phổ biến nhất chính là thuốc BetamethasoneDexamethasone. Người ta nhận thấy ưu điểm của loại thuốc này đem lại đó là:

  • Cho tác dụng kéo dài hơn so với hydrocortison(đây cũng là một loại corticosteroid).
  • Giảm tác dụng phụ gây ra ức chế miễn dịch.
  • Thuốc có tác dụng qua nhau thai tốt và không tồn tại lâu ở trong hệ tuần hoàn của trẻ.

Cơ chế tác động của thuốc trưởng thành phổi: Surfactant vốn dĩ là một hoạt chất thường xuất hiện khi thai nhi mới được 32 tuần tuổi, Surfactant có tác dụng làm thuyên giảm sức căng bề mặt ở lớp dịch thể nang, đồng thời giúp chống lại sự đàn hồi của phổi, khiến cho các phế nang luôn mở, không bị xẹp xuống. Đây là nguyên nhân lý giải vì sao khi cơ thể bị thiếu chất Surfactant thì nguy cơ phổi bị xẹp sẽ cao hơn, từ đó sẽ gây ra các triệu chứng suy hô hấp cấp. Phụ nữ trong quá trình mang thai sau khi được tiêm trưởng thành phổi thì các dược tính có trong thuốc sẽ được truyền qua mạch máu rồi tác động và gây ảnh hưởng đến phổi của trẻ. Loại thuốc này có tác dụng giúp kích thích sự sản sinh ra hoạt chất Surfactant. Không những vậy, thuốc trưởng thành phổi giúp kích thích thể tích của phổi tăng lên, đồng thời giúp cho lượng chất lỏng ở phổi giảm xuống.

2. Thuốc trưởng thành phổi có tác dụng gì?

Thuốc trưởng thành phổi đã được nghiên cứu và ứng dụng cách đây rất nhiều năm, ngày nay càng được sử dụng rộng rãi. Những tác dụng của thuốc trưởng thành phổi có thể kể đến như:

  • Nếu thai phụ khi sử dụng thuốc corticoid sẽ làm giảm 50% nguy cơ bị suy hô hấp ở những trẻ bị sinh non.
  • Giảm nguy cơ mắc các bệnh lý như viêm ruột hoại tử, xuất huyết não, nhiễm trùng hệ thống và chậm phát triển ở trẻ...
  • Làm giảm được nguy cơ tử vong ở những trẻ sinh non .

3. Thuốc trưởng thành phổi có tác dụng trong bao lâu?

Chích thuốc trợ phổi cho thai nhi chỉ có thể được thực hiện nếu như mẹ bầu có những dấu hiệu của việc sinh non như có những cơn gò ở tử cung tần suất xảy ra khá thường xuyên; ra chất nhầy hồng hay ra máu âm đạo; Khi thăm khám, bác sĩ thấy cổ tử cung có sự biến đổi khác biệt hoặc vùng xương chậu bị đau tức, vỡ ối non...

Thuốc trưởng thành phổi có tác dụng trong bao lâu là điều mà rất nhiều bà bầu quan tâm, thông thường việc chích thuốc trợ phổi cho thai nhi được thực hiện trong khoảng thời gian từ tuần thứ 24 đến tuần thứ 34 với một đợt gồm 2 liều và mỗi liều cách nhau từ 12 đến 24h. Trong trường hợp nếu như thai phụ đã tiêm thuốc sau 7 ngày nhưng vẫn chưa thể sinh con hoặc có những dấu hiệu bị sinh non ở 7 ngày tiếp theo thì mẹ bầu phải tiêm lại thêm 1 đợt nữa, tối đa mỗi sản phụ chỉ nên được tiêm 2 đợt thuốc trưởng thành phổi. Có nghĩa là thuốc này sẽ có tác dụng bắt đầu từ sau tiêm 24 giờ và kéo dài tới 7 ngày sau tiêm liều thứ 2, nhưng các nhà nghiên cứu kết luận rằng thuốc này vẫn mang tới hiệu quả nếu mẹ sinh con sau khi tiêm liều đầu tiên khoảng 24h.

Vì thuốc kéo dài tác dụng sau 7 ngày tiêm mũi thứ 2, nên nếu sau 7 ngày mà sản phụ vẫn chưa sinh thì có thể có chỉ định tiêm tiếp đợt thứ hai nếu có vẫn còn nguy cơ sinh non trong thời gian tiếp theo.

4. Tác dụng phụ của thuốc trưởng thành phổi

Bên cạnh những ích lợi mà thuốc trưởng thành phổi mang lại cho trẻ sinh non thì việc sử dụng các loại thuốc corticosteroid cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ như:

  • Khiến cho mẹ bầu bị ức chế trục dưới đồi - tuyến yên - tuyến thượng thận, nếu phải chích nhiều lần có nguy cơ suy thượng thận ở mẹ bầu, tuy nhiên tác dụng phụ này rất hiếm gặp. Trong một số trường hợp, tình trạng suy thượng thận còn có thể xảy ra ở trẻ sơ sinh nhưng rất hiếm gặp.
  • Mẹ bầu cũng có thể gặp phải các vấn đề như dị ứng, sốc phản vệ, hạ huyết áp điều này rất hiếm gặp
  • Phụ nữ mang có khả năng cao bị nhiễm trùng hơn khi dùng thuốc trưởng thành phổi. Do dùng thuốc có thể gây ức chế miễn dịch, nên phòng tránh các nguồn lây nhiễm để phòng nhiễm khuẩn.
  • Sau thời gian 12 giờ kể từ khi sản phụ tiêm thuốc, lượng đường trong máu của thai phụ sẽ được tăng nhẹ và tình trạng tăng đường huyết này sẽ thường kéo dài trong thời gian khoảng 5 ngày. Chính vì vậy, người mẹ cần phải kiểm soát được căn bệnh tiểu đường trước và sau khi tiêm để có thể hạn chế những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra. Kiểm soát tốt chế độ ăn uống để giảm nguy cơ tăng đường huyết không thể kiểm soát được.
  • Một số ít thai phụ có thể bị rối loạn giấc ngủ sau khi tiêm thuốc trưởng thành phổi.
  • Có thể khi dùng hơn 3 liều Betamethason có sự liên quan tới chứng tăng động của trẻ và nếu sử dụng quá liều dexamethasone thì thai nhi sẽ có khả năng cao bị nhiễm độc thần kinh.
  • Trẻ cũng có nguy cơ nhẹ cân hơn nếu như mẹ bầu tiêm nhiều đợt thuốc trưởng thành phổi. Tuy nhiên, sau khi sinh nếu được chăm sóc tốt trẻ vẫn có thể nhanh chóng bắt kịp cân nặng của các trẻ cùng độ tuổi.

Mặc dù, bất kỳ loại thuốc nào đều có hai mặt của nó, nhưng các chuyên gia y tế nhận thấy lợi ích của việc chích thuốc trợ phổi cho thai nhi lớn hơn so với nguy cơ tác dụng phụ. Nhưng bởi có nhiều nguy cơ tác dụng phụ nên việc tiêm thuốc trưởng thành phổi cần phải được thực hiện theo sự hướng dẫn và chỉ định của các bác sĩ chuyên khoa. Sau khi tiêm, thai phụ cũng sẽ được y tế theo dõi chặt chẽ để phòng ngừa những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Tóm lại, thuốc trưởng thành phổi có thể gây ra tác dụng phụ, nhưng nó lại giảm thiểu những biến chứng rất nguy hiểm có thể tử vong ở trẻ sinh non. Cho nên, nếu như mẹ bầu có các dấu hiệu sinh non hoặc từng bị sinh non thì cách tốt nhất đó là nên khám thai theo định kỳ, phát hiện sớm nguy cơ sinh non và được nhận lời khuyên từ các chuyên gia y tế.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

7.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan