Sự thay đổi của bà bầu tuần 31

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ Bùi Đức Hoàn - Khoa Sản phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Ở phụ nữ mang thai tuần 31, lượng oxy cần cung cấp cho mẹ và bé cùng việc tử cung đẩy lên cao làm tình trạng khó thở trở nên nặng nề hơn. Thêm vào đó, các cơn co thắt Braxton Hicks cũng bắt đầu xuất hiện. Thời gian chuyển dạ đang đến gần, việc chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng sẽ giúp chủ động hơn trong bảo vệ mẹ và bé được an toàn.

1. Phụ nữ tuần 31 có những đặc điểm gì cần lưu ý?

Phụ nữ mang thai tuần 31 dễ bị khó thở. Tình trạng khó thở xảy ra do tử cung giãn ra chèn lên trên gây tắc nghẽn phổi. Để cung cấp đủ oxy cho cả mẹ và bé, bắt buộc thai phụ phải tăng cường hô hấp. Cảm giác khó thở sẽ giảm đi vào cuối thai kỳ, khi thai nhi di chuyển dần xuống hố chậu. Để làm giảm khó thở, thai phụ nên thực hiện một số tư thế như đứng thẳng hết mức khi đi lại và ngủ nghiêng hoặc nằm nghiêng.

Cân nặng của thai phụ tăng lên với tốc độ nhanh (khoảng 1 pound mỗi tuần) đồng nghĩa với cân nặng của bé theo đó cũng tăng lên. Các cơn co thắt Braxton Hicks bắt đầu xuất hiện đánh dấu thời gian chuyển dạ đang đến gần. Những cơn co thắt này có thể kéo dài từ 30 giây đến 2 phút. Nếu các cơn co thắt dữ dội hơn hoặc gần nhau hơn có thể báo hiệu sắp chuyển dạ cần được đưa đến bệnh viện ngay.

2. Triệu chứng mang thai tuần 31

2.1 Đi tiểu thường xuyên hơn

Tử cung gây áp lực lên bàng quang nhiều hơn trong tam cá nguyệt thứ ba, khiến bàng quang không còn chỗ để chứa nước tiểu. Thai phụ có thể giảm thiểu số lần đi tiểu bằng cách đi 2 lần liền nhau (đi tiểu, sau khi đi tiểu xong, lại đi tiểu).

2.2 Đau lưng

Tử cung chèn ép cột sống có thể gây đau lưng. Cách tốt nhất để giảm đau lưng khi mang thai là tập yoga và xây dựng thói quen tập thể dục buổi sáng và chiều. Những động tác tập luyện sẽ giúp giảm đau đồng thời giúp thư giãn đầu óc.

Sự thay đổi của bà bầu tuần 31
Tử cung chèn ép cột sống có thể gây đau lưng cho bà bầu

2.3 Vụng về

Trọng tâm cơ thể thay đổi cùng với việc thiếu tập trung có thể khiến thai phụ trở nên vụng về trong các hoạt động thường ngày. Bởi vậy, khi bước chân trên sàn nhà trơn, đi vào nhà tắm và những nơi dễ bị té ngã khác thai phụ cần phải thật cẩn thận.

2.4 Chứng hay quên

Tế bào não bị giảm xuống trong tam cá nguyệt thứ ba. Tuy nhiên, chúng sẽ trở lại bình thường vài tháng sau khi sinh. Lo lắng về tình trạng hay quên chỉ làm cho tình hình trở nên tồi tệ hơn. Thay vào đó, thai phụ nên thực hiện một số cách khắc phục như viết các thông tin, các công việc quan trọng ra giấy hoặc vào điện thoại rồi theo đó thực hiện.

2.5 Mất ngủ

Mất ngủ có thể là hậu quả của một loạt các triệu chứng khác như chuột rút ở chân, ợ nóng, đi tiểu thường xuyên và lo lắng. Nếu căng thẳng gây khó ngủ suốt đêm, thai phụ nên nói chuyện với bạn bè hoặc gia đình để cùng nhau tìm cách giải quyết.

2.6 Nhức đầu thường xuyên

Nếu nhức đầu thường xuyên, thai phụ nên thực hiện một số cách sau để giảm đau:

  • Nếu ở nhà: Thai phụ nên dành vài phút trong một căn phòng tối, yên tĩnh.
  • Nếu làm việc trong văn phòng: Thai phụ nên dành chút thời gian thư giãn, nhắm mắt lại và kê chân lên cao trong 15 phút.
  • Dùng thuốc: Uống Acetaminophen khi các cách trên không có hiệu quả (nên hỏi bác sĩ trước khi sử dụng).

3. Lời khuyên cho phụ nữ mang thai tuần 31

3.1 Theo dõi phù ở mặt

Nếu nhận thấy phù ở mặt đột ngột, thì có thể không phải do tăng trọng lượng cơ thể. Cùng với những thay đổi về thị lực và đau đầu, phù mặt có thể là dấu hiệu của tiền sản giật (một rối loạn thường phát triển muộn trong thai kỳ sau tuần 20, và được đặc trưng bởi huyết áp cao, phù tay và mặt nghiêm trọng). Để phòng ngừa nguy cơ tiền sản giật, thai phụ nên đi khám sức khỏe khi thấy có phù ở mặt hoặc các triệu chứng khác như phù tay, giảm thị lực, đau đầu dữ dội, cao huyết áp.

3.2 Uống nhiều nước

Thân nhiệt của phụ nữ mang thai cao hơn người bình thường, vì vậy có thể làm thoát nước rất nhanh. Việc uống nhiều nước có thể giúp phân tán nhiệt (dưới dạng mồ hôi), từ đó làm hạ nhiệt cơ thể. Thêm vào đó, uống đủ nước còn giúp kiểm soát mệt mỏi khi mang thai (một trong những triệu chứng đầu tiên của mất nước là kiệt sức và đau đầu). Ngoài ra, uống nước có thể làm cảm giác ngứa ngáy và khó chịu.

Sự thay đổi của bà bầu tuần 31
Uống đủ nước còn giúp kiểm soát mệt mỏi khi mang thai

3.4 Ngăn ngừa giãn tĩnh mạch

Giãn tĩnh mạch thường không đau và vô hại. Tình trạng này xảy ra là do tử cung giãn ra gây chèn ép và làm giảm lưu lượng dòng chảy trong các tĩnh mạch ở vùng xương chậu, làm máu từ chân không thể chảy về tim gây phù mạch. Để ngăn ngừa giãn tĩnh mạch, thai phụ nên tập thể dục hàng ngày, không tăng cân quá nhiều, nâng cao chân thường xuyên nhất có thể và ngủ nghiêng bên trái.

3.5 Giảm đau tại cổ

Nhiều phụ nữ cảm thấy đau cổ, đặc biệt là trong tam cá nguyệt thứ ba. Một cách để nới lỏng cơ bắp và thư giãn tâm trí là thực hiện động tác nghiêng đầu sang một bên mà không nghiêng vai, giữ trong 3 giây rồi thở ra, lặp lại ở phía còn lại và thực hiện nhiều lần trong ngày.

4. Những thay đổi của thai nhi tuần 31

Thai nhi tuần 31 đã nặng hơn 3 pounds và dài 16 - 18 inch. Cả 5 giác quan đều đã bắt đầu hoạt động, cụ thể:

  • Thị giác: Mắt bé đã có tròng đen và cảm nhận được ánh sáng.
  • Thính giác: Đôi tai đã có khả năng phân biệt một số loại âm thanh quen thuộc như giọng nói và âm nhạc. Bằng chứng là nhịp tim của thai nhi thực sự tăng lên và chậm lại khi nghe các loại âm nhạc khác nhau.
  • Khướu giác: Bé đã cảm nhận mùi hương từ nước ối chảy qua đường mũi.
  • Xúc giác: Bé bắt đầu tiếp xúc với mũi, ngón chân, dây rốn và thành tử cung của mẹ
  • Vị giác: Bé đã mở cái miệng nhỏ ra, nếm và mút ngón tay cái.

Bộ não của bé đã có khả năng xử lý hàng loạt tín hiệu phát ra từ các giác quan, các kết nối thần kinh được nhân lên với tốc độ đáng kinh ngạc. Sự phát triển của não bộ đang ở mức cao và sẽ tiếp tục phát triển với tốc độ chóng mặt trong vài tuần tới. Phổi của em bé vẫn đang phát triển nhưng chưa hoàn thiện. Bé vẫn cần sự trợ giúp của máy thở nếu được sinh ra trong tuần 31.

Tuần 31 thai kì, tam cá nguyệt thứ 3 thai kì nên bà mẹ sẽ nhận biết thay đổi rõ rệt về cơ thế. Khi phát hiện dấu hiệu bị phù, tăng huyết áp, mệt mỏi, thai không mấy, không đạp thai phụ cần đi khám ngay.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: Webmd.com; Whattoexpect.com và Parents.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

24K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan