Sinh mổ 1 năm có bầu lại được không?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Nguyễn Anh Tú - Bác sĩ Siêu âm sản – Chẩn đoán trước sinh – Khoa Sản - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Sản phụ sinh thường sẽ có tốc độ hồi phục cơ thể nhanh hơn so với sản phụ sinh mổ. Tuy nhiên, không phải bà mẹ nào cũng sinh thường một cách thuận lợi, có không ít sản phụ đã lựa chọn hoặc bắt buộc phải sinh mổ. Vậy sinh mổ 1 năm có bầu lại được không, đây là thắc mắc của không ít sản phụ “vỡ kế hoạch” có thai sau mổ đẻ 1 năm hoặc mong muốn sinh con năm một.

1. Sau sinh mổ 1 năm có bầu lại được không?

Khoảng cách giữa hai lần sinh nở rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, sự an toàn của cả mẹ bầu và thai nhi. Sau mổ đẻ được 1 năm có thai trở lại được không là vấn đề được rất nhiều mẹ bầu quan tâm tìm hiểu. Thông thường khi đã sinh mổ ở lần sinh thứ nhất, hầu hết các mẹ sẽ có xu hướng tiếp tục sinh mổ ở lần thứ 2. Tuy nhiên việc mang thai quá sớm sau lần sinh mổ đầu tiên có thể khiến người mẹ đối mặt với những nguy hiểm nhất định, tốt nhất nên có một khoảng cách đủ lâu để vết mổ được phục hồi.

Trên thực tế, mang thai trở lại sau khi mổ đẻ được 1 năm không phải là tình huống hiếm gặp. Không nhất thiết mọi thai phụ rơi vào trường hợp này đều phải chỉ định bỏ thai. Cơ hội mẹ tròn con vuông là hoàn toàn có thể xảy ra. Tuy nhiên lúc này, thai phụ cần thăm khám, theo dõi thai một cách chặt chẽ xem vết mổ cũ có đau hay bất thường gì không, lên kế hoạch sinh nở tại một Bệnh viện tuyến tỉnh hay Bệnh viện chuyên khoa Phụ Sản - những nơi có đầy đủ điều kiện để xử lý các tình huống nguy hiểm nếu có xảy ra. Trong thời gian này, ngay khi có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, thai phụ cũng cần nhanh chóng đến bệnh viện để được thăm khám, xác định nguyên nhân và có hướng xử trí phù hợp, kịp thời.

Tóm lại, sinh mổ 1 năm có bầu lại được không? Câu trả lời không hẳn là “Không” nhưng hoàn toàn không khuyến khích các bà mẹ sinh mổ mang thai lại quá sớm.

2. Rủi ro có thể gặp phải khi mang thai lại quá sớm sau sinh mổ

2.1 Nứt vết mổ cũ nếu hai lần mang thai quá gần nhau

Đặc biệt đối với thai phụ mang thai trở lại sau khi mổ đẻ được 1 năm hoặc thậm chí ngắn hơn. Vết sẹo mổ cũ tồn tại ở tử cung có thể vẫn chưa lành lặn hoàn toàn, khi kích thước thai nhi lớn lên, tử cung phải giãn nở khiến vết mổ dễ bị bục chỉ.

Tuy việc nứt vết mổ khi mang thai không phải thai phụ nào cũng gặp phải, nhưng chắc chắn tồn tại một tỉ lệ cao nhất định và thường xảy ra ở các tháng cuối thai kỳ. Do đó nếu thai phụ “vỡ kế hoạch” thì phải tuyệt đối tuân thủ các yêu cầu của bác sĩ, ghi nhớ các dấu hiệu cảnh báo bất thường để vào viện kịp thời. Tình trạng nứt vết mổ cũ chủ yếu sẽ gây nguy hiểm cho người mẹ.

Sinh mổ 1 năm có bầu lại được không?
Vết sẹo mổ cũ có thể bị rách nếu như mang thai gần nhau

2.2 Tăng tỉ lệ nhau cài răng lược

Nhau cài răng lược là hiện tượng nhau thai bám chặt vào thành tử cung. Trong quá trình vượt cạn, bác sĩ sẽ phải tìm cách bóc nhau thai, điều này sẽ làm tăng nguy cơ chảy máu khi sinh và tăng nguy cơ phải cắt bỏ cả tử cung để lấy thai trong trường hợp xấu nhất.

2.3 Thai làm tổ trên vết sẹo cũ

Đây là hiện tượng thai nhi hình thành và bám vào vết sẹo mổ cũ khiến thai phụ có nguy cơ bị chảy máu nhiều khi sinh, trường hợp xấu có thể phải cắt tử cung sau khi lấy thai để cầm máu. Có thể thấy nếu 2 lần sinh mổ quá gần nhau, người mẹ sẽ phải đối mặt với những nguy cơ sức khỏe nghiêm trọng, thậm chí là đe dọa tính mạng.

2.4 Xuất huyết vết mổ trong suốt thai kỳ

Khi thai nhi dần lớn lên theo thời gian, tử cung của thai phụ sẽ giãn ra, điều này có thể khiến vết khâu cũ bị rách hoặc căng giãn dẫn đến xuất huyết. Tình trạng này có thể xảy ra sớm từ giai đoạn 3 tháng giữa hoặc xảy ra ở 3 tháng cuối thai kỳ.

3. Khi nào có thể mang thai lại sau khi sinh mổ ?

Theo các bác sĩ Sản khoa, để đảm bảo an toàn sau khi sinh mổ, các bà mẹ nên chờ tối thiểu từ 18 - 23 tháng mới nên có thai trở lại, tốt nhất chị em nên mang thai lần thứ hai cách lần thứ nhất từ 2-3 năm, đây là thời gian cần thiết để vết sẹo tử cung hồi phục hoàn toàn. Nếu thai phụ lớn tuổi (>35) thì có thể có thai trở lại sớm hơn một chút, tuy nhiên vẫn cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi có kế hoạch sinh con tiếp theo sau khi sinh mổ trước đó.

4. Lỡ mang thai quá gần có nên phá hay không?

Bên cạnh những bà mẹ khăng khăng muốn giữ bé, vẫn có rất nhiều người đã vội vàng quyết định “bỏ” mà không biết rằng đây có thể là một phương án tiêu cực và kém an toàn hơn cả.

Vấn đề không chỉ là tâm lý nặng nề mà còn là nguy cơ về mặt thể chất. Khi vết sẹo mổ còn rất mới, mọi thủ thuật tác động vào buồng tử cung lúc này - bao gồm cả “bỏ” thai có thể là một nguyên nhân khiến vết sẹo càng tồi tệ hơn, ảnh hưởng đến vấn đề sinh sản sau này. Mặt khác, sự tồn tại của vết sẹo còn có thể làm tăng nguy cơ tai biến khi phá thai, kể cả phá thai nội khoa bằng thuốc.

Sinh mổ 1 năm có bầu lại được không?
Thăm khám bác sĩ khi lỡ mang thau quá gần

Vì vậy, khi chị em lỡ vỡ kế hoạch sau khi mổ đẻ được 1 năm thì có thai, điều quan trọng hơn hết là tìm đến sự hỗ trợ của bác sĩ chuyên khoa uy tín để nhận được lời khuyên đúng đắn, không nên tự ý “bỏ thai” vì lợi ích chưa hẳn vượt trội hơn nguy cơ mà người mẹ có thể gặp phải.

5. Làm thế nào để giảm thiểu các rủi ro khi sinh mổ?

Theo Thạc sĩ. Bác sĩ Nguyễn Ngọc Chiến, bác sĩ lâm sàng tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City:

  1. Nếu có chỉ định sinh mổ hoặc xin mổ thì không nên vì chọn ngày chọn giờ mà xin mổ sớm. Nếu có chỉ định mổ thì nên mổ sát ngày dự sinh sẽ tốt hơn cho quá trình liền sẹo vết mổ.
  2. Chọn nơi để sinh cũng như bác sĩ mổ cho mình nếu được. Mổ lấy thai thường không phải là một kỹ thuật khó, nhưng thực tế cũng có những ca khó. Bác sĩ mổ nhiều tất sẽ mổ nhanh hơn, nhưng mổ quá nhanh hoặc quá lâu đều không tốt. Không phải một bác sĩ mổ lấy thai 15 – 20 phút là người mổ giỏi, mổ lấy thai cần từ 30 phút - 1h tùy từng ca. Nếu một bác sĩ mổ bệnh nhân bị khuyết sẹo và tụ dịch vết mổ nhiều thì bác sĩ đó mổ không tốt. Nhiều người nghĩ, nhất là các bác sĩ, nguyên nhân là do cơ địa bệnh nhân tuy nhiên cũng theo bác sĩ Chiến kỹ thuật mổ đóng vai trò quyết định. Tại bệnh viện Vinmec với phương pháp đẻ không đau tiên tiến cùng đội ngũ bác sĩ gây mê hồi sức chuyên nghiệp, các sản phụ sẽ không còn những cơn đau vật vã nữa. Với các sản phụ đẻ mổ sẽ được gây tê thần kinh bằng máy siêu âm trong điều trị đau sau mổ. Kết quả đánh giá hiệu quả giảm đau gần đây nhất cho thấy: Toàn bộ sản phụ sinh mổ đều không phải sử dụng morphin, tình trạng đau sau sinh khi vận động và sinh hoạt gần như không còn được ghi nhận

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

172.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan