Siêu âm qua đường âm đạo có chẩn đoán hở eo tử cung không?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Trịnh Thị Phương Nga - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh và Y học hạt nhân - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City. Bác sĩ đã có gần 20 năm kinh nghiệm trong chuyên ngành chẩn đoán hình ảnh.

Và Thạc sĩ, Bác sĩ Hoàng Văn Làn Đức - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh và Y học hạt nhân - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City. Bác sĩ có trên 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh đặc biệt trong chẩn đoán với các bệnh lý cấp cứu nội, ngoại khoa, ổ bụng, lồng ngực, cơ xương khớp, thần kinh và các tuyến giáp, vú,...

Hở eo tử cung xảy ra ở 0.5% phụ nữ mang thai và 8% phụ nữ có tiền sử sảy thai vào 3 tháng giữa thai kỳ. Siêu âm qua ngã âm đạo là phương pháp chẩn đoán hở eo tử cung an toàn, hiệu quả.

1. Hở eo tử cung là gì?

Cổ tử cung như một kênh hình ống hẹp nối tử cung với âm đạo. Khi không mang thai, cổ tử cung hơi mở ra để kinh nguyệt chảy ra ngoài và tinh trùng dễ dàng di chuyển vào tử cung. Khi phụ nữ mang thai, cổ tử cung trở nên cứng, dài, các dịch nhầy có trong cổ tử cung sẽ tạo một hàng rào làm cổ tử cung đóng kín lại giúp thai được nuôi dưỡng tốt ở bên trong. Khi thai nhi phát triển và gần đến ngày chuyển dạ, cổ tử cung trở nên ngắn lại, mềm, mở rộng để thuận lợi cho em bé chào đời. Đây là sinh lý bình thường của quá trình sinh nở.

Hở eo tử cung là tình trạng trong thai kỳ, cổ tử cung bị suy yếu, mỏng, giãn quá sớm làm thai không thể giữ được trong buồng tử cung gây sảy thai. Hở eo tử cung xảy ra ở 0.5% phụ nữ mang thai và 8% phụ nữ có tiền sử sảy thai vào 3 tháng giữa thai kỳ.

Hở eo tử cung khó chẩn đoán, người bệnh sẽ không nhận thấy bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào khi cổ tử cung bắt đầu hở trong giai đoạn đầu. Từ tuần 14-20 của thai kỳ, người bệnh có thể thấy khó chịu nhẹ và ra dịch âm đạo. Một số triệu chứng có thể gặp khác là: cảm giác căng ở vùng chậu, có các cơn gò nhẹ, đau lưng, thay đổi tính chất dịch âm đạo,... Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giúp ngăn chặn nguy cơ sảy thai, do đó khi cảm thấy có các triệu chứng bất thường, mẹ bầu hãy nhanh chóng đến khám bác sĩ để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Chữa hở eo cổ tử cung khi mang thai bằng kỹ thuật khâu vòng cổ tử cung tại Vinmec
Thai phụ nên đến gặp bác sĩ nếu thấy xuất hiện triệu chứng của hở eo tử cung

2. Siêu âm qua đường âm đạo có chẩn đoán hở eo tử cung không?

Để chẩn đoán hở eo cổ tử cung, bác sĩ sẽ dựa vào triệu chứng lâm sàng, tiền sử mang thai và kết quả siêu âm. Siêu âm chẩn đoán hở eo tử cung được thực hiện qua ngã âm đạo. Siêu âm qua ngã âm đạo là phương pháp an toàn và hiệu quả. Do tiếp cận tử cung tốt hơn nên siêu âm qua ngã âm đạo cho kết quả chính xác hơn siêu âm qua đường bụng thông thường.

Để thực hiện siêu âm chẩn đoán hở eo tử cung, bệnh nhân sẽ được hướng dẫn nằm trên bàn khám, chân gập đầu gối. Để thuận lợi hơn, bác sĩ có thể cho người bệnh kê một gối nhỏ ở mông.

Đầu dò âm đạo được bôi trơn, sau đó được đưa vào âm đạo. Dù không gây đau nhưng người bệnh có thể sẽ cảm thấy áp lực và khó chịu. Khi đầu dò phát sóng âm và thu lại tín hiệu, các tín hiệu này sẽ mã hóa và cho ra hình ảnh các cơ quan vùng chậu. Bác sĩ siêu âm sẽ quan sát hình ảnh trên màn hình và điều chỉnh đầu dò cho thích hợp. Quá trình siêu âm qua ngã âm đạo thường kéo dài 30-60 phút. Siêu âm giúp đánh giá độ dài của cổ tử cung và kiểm tra xem màng ối có sa ra ngoài tử cung không. Chẩn đoán hở eo tử cung được xác định khi chiều dài cổ tử cung ≤ 25mm trước 24 tuần thai.

Siêu âm đầu dò âm đạo
Đầu dò âm đạo được sử dụng trong siêu âm chẩn đoán hở eo tử cung

Ưu điểm của siêu âm qua ngã âm đạo để chẩn đoán hở eo tử cung là dễ thực hiện, cho kết quả chính xác và an toàn. Do không sử dụng bức xạ nên siêu âm qua ngã âm đạo an toàn cho cả mẹ và thai nhi. Khi đầu dò được đưa vào âm đạo, một số bệnh nhân sẽ cảm thấy khó chịu. Tuy nhiên, sự khó chịu chỉ ở mức độ nhẹ và sẽ hoàn toàn biến mất khi siêu âm hoàn tất.

3. Hở eo cổ tử cung được điều trị như thế nào?

Khi đã xác định thai phụ bị hở eo cổ tử cung, đặc biệt nếu người bệnh có thai dưới 24 tuần hoặc có tiền sử sinh non, bác sĩ có thể chỉ định khâu eo cổ tử cung. Đây là kỹ thuật mà cổ tử cung sẽ được khâu lại chắc chắn bằng chỉ. Khâu eo cổ tử cung giúp giúp giữ được em bé trong bụng mẹ cho đến khi chào đời ở thời điểm phù hợp. Chỉ khâu sẽ được cắt trong tháng cuối cùng của thai kỳ hoặc trong khi chuyển dạ. Khâu eo cổ tử cung có thể được thực hiện sớm vào tuần thứ 14 của thai kỳ khi cổ tử cung còn đóng nếu như thai phụ có tiền sử sinh non do hở eo tử cung trước đây.

Chữa hở eo cổ tử cung khi mang thai bằng kỹ thuật khâu vòng cổ tử cung tại Vinmec
Kỹ thuật khâu vòng điều trị hở eo tử cung

Ngoài ra để ngăn ngừa nguy cơ sảy thai do hở eo cổ tử cung, thai phụ cần có chế độ ăn uống hợp lý, tăng cường nghỉ ngơi tại giường, tránh đứng lâu, mang vật nặng. Khám thai định kỳ để bác sĩ theo dõi tình trạng thai nhi, dùng thuốc dưỡng thai theo chỉ định của bác sĩ. Cần đi khám ngay khi có các dấu như như ra máu âm đạo, đau bụng, căng tức ở vùng chậu,...

Hở eo cổ tử cung có thể được chẩn đoán qua kỹ thuật siêu âm. Vì thế, khi được chẩn đoán bệnh, thai phụ cần thực hiện điều trị theo phác đồ của bác sĩ để đảm bảo sức khỏe, an toàn cho cả mẹ và thai nhi

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan