Rối loạn kinh nguyệt sau điều trị hút thai lưu

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Tạ Quốc Bản - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.

Sau khi điều trị hút thai, hiện tượng rối loạn kinh nguyệt xuất hiện, là nỗi lo của không ít chị em phụ nữ, nhất là các chị em vẫn mong muốn có thai. Đây không phải là hiện tượng hiếm gặp nhưng hầu hết các chị em chưa thực sự hiểu rõ để tìm ra các giải pháp khắc phục tình trạng này.

1. Rối loạn kinh nguyệt sau hút thai lưu là gì?

Vấn đề mà nhiều phụ nữ quan tâm sau hút thai lưu là thai lưu sau bao lâu thì có kinh lại. Thông thường, sau khi điều trị hút thai, kinh nguyệt của người phụ nữ sẽ quay lại trong thời gian từ khoảng 4 – 8 tuần. Khi đó buồng trứng đã có thời gian để phục hồi lại các chức năng phóng noãn một cách bình thường.

Tuy nhiên, có nhiều trường hợp vì một lý do nào đó mà bị rối loạn kinh nguyệt sau hút thai trong thời gian dài: rong kinh, mất kinh kéo dài, kinh ít...

2. Nguyên nhân rối loạn kinh nguyệt sau hút thai lưu

Phụ nữ
Sau khi điều trị hút thai lưu, phụ nữ có thể bị rối loạn kinh nguyệt

Sau khi điều trị hút thai lưu, người phụ nữ sẽ đối mặt với những ảnh hưởng của việc này, trong đó có rối loạn kinh nguyệt. Hầu hết phụ nữ sẽ có kinh nguyệt trở lại bình thường, tuy nhiên có một số phụ nữ bị kinh nguyệt không đều, máu kinh ít và có màu khác lạ, thậm chí có người bị mất kinh. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng bất thường này, cụ thể như sau:

  • Trường hợp máu kinh ra ít và có thể có màu đen:
    • Do bị dính một phần buồng tử cung: trong quá trình hút thai đã làm tổn thương đến lớp niêm mạc tử cung, lớp niêm mạc đó chưa kịp táo tạo lại nên các thành tử cung dính lại với nhau gây cản trở việc phục hồi niêm mạc tử cung, khi hành kinh do sự bong tróc niêm mạc tử cung ít nên kinh nguyệt bị ít đi.
    • Do bị rối loạn nội tiết: Hệ thống nội tiết có thể bị phá vỡ sau khi hút thai dẫn đến sự thay đổi nội tiết khiến rối loạn kinh nguyệt xuất hiện.
    • Viêm nhiễm vùng kín: Đối với trường hợp hút thai không an toàn hoặc sau khi hút thai phụ nữ không biết cách vệ sinh vùng kín sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, gây viêm nhiễm vùng kín. Nếu viêm nhiễm này kéo dài có thể lan đến các bộ phận sinh sản như tử cung, vòi trứng, buồng trứng sẽ gây ra rối loạn kinh nguyệt sau hút thai.
  • Trường hợp mất kinh: có những trường hợp sau khi hút thai đã hơn 2 tháng mà vẫn chưa thấy kinh trở lại, đó là do:
    • Nội tiết tố thay đổi dẫn đến mất cân bằng hormone trong cơ thể nên có thể bị mất kinh
    • Do tâm lý nên kinh đến quá trễ
    • Dính toàn bộ buồng tử cung
    • Viêm nhiễm vùng kín: không chỉ gây ra ít máu kinh mà một số viêm nhiễm cụ thể cũng có thể gây mất kinh
  • Trường hợp rong kinh sau hút thai: có những trường hợp sau khi hút thai máu kinh vẫn ra kéo dài, có mùi có thể do còn sót tổ chức hoặc khi thực hiện thủ thuật không đảm bảo vô trùng...

3. Biện pháp khắc phục rối loạn kinh nguyệt sau hút thai

Chăm sóc
Sau khi hút thai cơ thể đang còn yếu, chị em nên dành nhiều thời gian nghỉ ngơi

Khi gặp vấn đề bất thường trong thai nghén (thai lưu, thai trống hoặc cần đình chỉ thai...) chị em nên đến cơ sở y tế uy tín để thực hiện thủ thuật. Nếu gặp phải hiện tượng rối loạn kinh nguyệt sau hút thai, cách tốt nhất là chị em nên tìm đến bác sĩ để biết được nguyên nhân do đâu và có hướng điều trị phù hợp. Bởi nếu không được can thiệp kịp thời, rối loạn kinh nguyệt sau hút thai chết lưu có thể gây nên những ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe và đời sống của bản thân, nhất là tình trạng vô sinh rất dễ xảy ra.

Bên cạnh đó, trong sinh hoạt hằng ngày chị em nên chú ý thực hiện các hướng dẫn sau:

  • Sau khi hút thai cơ thể đang còn yếu, chị em nên dành nhiều thời gian nghỉ ngơi, giữ tâm lý thoải mái, không căng thẳng, lo lắng, bởi đây cũng là một trong những nguyên nhân gây nên hiện tượng rối loạn kinh nguyệt.
  • Không sử dụng những đồ uống có cồn như rượu, bia, bởi những thức uống này sẽ khiến máu bị loãng và ảnh hưởng trực tiếp đến thời gian phục hồi tổn tưởng của chị em sau khi hút thai.
  • Bổ sung thêm chất dinh dưỡng cho cơ thể, thiết lập chế độ dinh dưỡng khoa học.
  • Vệ sinh vùng kín và cơ thể hằng ngày bằng nước ấm, không thụt rửa âm đạo.
  • Tránh quan hệ tình dục ít nhất từ 2 - 4 tuần sau khi hút thai.
  • Tái khám sau khi thực hiện thủ thuật 2-4 tuần để kiểm tra sức khỏe và được tư vấn về lần có thai tiếp theo

Thạc sĩ. Bác sĩ Tạ Quốc Bản nguyên là Giảng viên Bộ môn Phụ sản Trường Đại học Y Dược – Đại học Thái Nguyên, Bác sĩ sản phụ khoa Bệnh viện Đa khoa TW Thái Nguyên, Phó trưởng khoa sản Bệnh viện Trường Đại học Y Khoa. Bác sĩ có đầy đủ các chứng chỉ thực hành trong lĩnh vực sản phụ khoa như: Siêu âm, phẫu thuật nội soi, soi và đốt điện cổ tử cung, thụ tinh nhân tạo (IUI)...

Ngoài ra, bác sĩ cũng có kinh nghiệm và thế mạnh trong các lĩnh vực:

  • Siêu âm sản phụ khoa
  • Phẫu thuật nội soi trong phụ khoa
  • Tư vấn tiền sản
  • Khám và tư vấn các bệnh lý phụ khoa
  • Khám và tư vấn hiếm muộn, thực hiện kỹ thuật bơm tinh trùng vào buồng tử cung,
  • Khám sàng lọc trước tiêm chủng và xử trí phản ứng sau tiêm chủng...

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

19.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan