Rò trực tràng âm đạo: Nguyên nhân, biến chứng

Rò trực tràng âm đạo là bệnh lý không quá phổ biến nhưng gây ảnh hưởng khá nhiều tới chất lượng cuộc sống và sức khỏe của bệnh nhân.

1. Rò trực tràng - âm đạo là gì?

Rò trực tràng - âm đạo (Recto-Vaginal fistules recto-vaginales) là hiện tượng ít gặp với tỷ lệ chỉ khoảng 5% trong các nhiễm trùng mủ hậu môn.

Rò trực tràng - âm đạo là sự kết nối bất thường giữa 2 ống niêm mạc của trực tràngâm đạo. Các chất có trong ruột có thể bị rò rỉ thông qua các lỗ rò, cho phép khí hoặc phân đi qua âm đạo. Có 2 loại rò trực tràng âm đạo là: Rò đơn giản (lỗ rò ở thấp, kích thước nhỏ, dưới 2,5cm) và rò phức tạp (lỗ rò ở cao, kích thước lỗ rò lớn, trên 2,5cm). Kích thước lớn, nhỏ của lỗ rò có thể ảnh hưởng tới độ nặng, nhẹ của triệu chứng bệnh.

Triệu chứng của rò trực tràng - âm đạo phụ thuộc vào vị trí, kích thước và nguyên nhân gây rò. Cụ thể, người bệnh thường gặp các triệu chứng như: Có khí, phân hay mủ tiết ra từ âm đạo; âm đạo xả mùi hôi (xì hơi qua âm đạo khi trung tiện); nhiễm trùng tái phát đường âm đạo hoặc đường tiểu; kích thích hoặc đau ở âm hộ, âm đạo và vùng giữa âm đạo - hậu môn (tầng sinh môn); đau khi quan hệ tình dục.

Chẩn đoán rò trực tràng âm đạo chủ yếu qua các triệu chứng lâm sàng và khám lâm sàng. Bác sĩ có thể khám trực tràng - âm đạo bằng ngón tay, nhìn thấy lỗ rò khi soi âm đạo và hậu môn - trực tràng, thấy phân trong âm đạo. Để chẩn đoán xác định, bác sĩ có thể đặt miếng gạc trắng vào âm đạo, bơm xanh methylen vào trực tràng, sau 15 - 20 phút rút gạc ra sẽ thấy gạc tẩm mực xanh. Để xác định rõ tình trạng lỗ rò cần phải sử dụng thêm các phương pháp chẩn đoán hình ảnh như: Chụp cản quang đường rò, chụp cộng hưởng từ (chụp MRI), chụp cắt lớp vi tính (chụp CT) siêu âm hậu môn trực tràng hoặc siêu âm qua âm đạo.

Chụp CT toàn thân
Chụp CT là một trong những phương pháp chẩn đoán bệnh

2. Nguyên nhân gây rò trực tràng âm đạo

  • Chấn thương sản khoa: Chuyển dạ kéo dài hoặc thủ thuật sản khoa (kẹp forceps, hút thai, cắt nới tầng sinh môn...) gây hoại tử vách âm đạo - trực tràng hoặc rách phức tạp ở tầng sinh môn gây rò trực tràng - âm đạo;
  • Nhiễm trùng: Biến chứng của bệnh Crohn; áp xe ở thành trước trực tràng có thể vỡ vào âm đạo tạo thành đường thông giữa 2 tạng; viêm tuyến Bartholin ở âm đạo có thể mở vào trực tràng tạo thành lỗ rò trực tràng - âm đạo; viêm nhiễm các túi trong ruột (viêm túi thừa đại tràng); nhiễm trùng do HIV;
  • Ung thư hoặc xạ trị vùng xương chậu: Ung thư ở âm đạo, cổ tử cung, trực tràng, tử cung hoặc hậu môn có thể gây ra một lỗ rò âm đạo - trực tràng. Việc xạ trị các bệnh ung thư ở khu vực này cũng có thể tạo đường thông giữa âm đạo và trực tràng;
  • Phẫu thuật: Phẫu thuật âm đạo, tầng sinh môn, trực tràng hoặc hậu môn có thể gây chấn thương hoặc nhiễm trùng, tạo lỗ rò bất thường giữa âm đạo với trực tràng;
  • Nguyên nhân khác: Phân mắc kẹt trong trực tràng (ứ phân); lao ruột, bệnh hoa liễu, lạm dụng tình dục.

3. Biến chứng rò trực tràng âm đạo

  • Đại tiện không tự chủ;
  • Nhiễm trùng âm đạo hoặc niệu đạo tái phát;
  • Viêm âm đạo, tầng sinh môn, vùng da quanh hậu môn;
  • Lỗ rò bị áp xe, có thể đe dọa tới tính mạng bệnh nhân;
  • Lỗ rò trực tràng - âm đạo tái phát.
Cảnh giác nhiễm trùng tầng sinh môn, âm đạo, âm hộ sau sinh
Rò trực tràng - âm đạo có thể biến chứng gây nhiễm trùng âm đạo

4. Biện pháp đối phó với rò trực tràng - âm đạo

Những thói quen sinh hoạt giúp kiểm soát rò trực tràng - âm đạo gồm:

  • Vệ sinh bên ngoài bộ phận sinh dục bằng nước ấm khi thấy có dịch tiết âm đạo hoặc phân;
  • Tránh sử dụng các chất gây kích ứng như xà phòng mạnh, có mùi thơm và băng vệ sinh có mùi thơm, tránh thụt rửa âm đạo, nên sử dụng xà phòng nhẹ không mùi;
  • Lau khô âm đạo bằng khăn khô, sạch sau khi vệ sinh;
  • Tránh sử dụng giấy vệ sinh khô để lau chùi trực tràng - âm đạo. Nên sử dụng khăn giấy hoặc bông gạc được làm ẩm, không mùi và không chứa cồn;
  • Có thể sử dụng kem dưỡng ẩm, bột phấn rôm hoặc bột bắp để bảo vệ da khỏi sự kích thích bởi dịch tiết âm đạo hoặc phân theo chỉ định của bác sĩ;
  • Mặc đồ lót bằng vải cotton và quần áo rộng thoáng, nên thay đồ lót bẩn liên tục;
  • Có thể sử dụng miếng đệm thấm, miếng lót dùng một lần hoặc tã người lớn nếu có dịch lỏng hoặc phân.

Bệnh nhân nên đi khám bác sĩ ngay khi có triệu chứng cảnh báo tình trạng rò trực tràng âm đạo bởi hiện tượng này có thể là dấu hiệu cảnh báo đầu tiên của những vấn đề trầm trọng như áp xe hoặc ung thư để được chẩn đoán chính xác và có lựa chọn điều trị tốt nhất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

13.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan