Phẫu thuật soi buồng tử cung cắt vách ngăn dọc tử cung

Nếu được phát hiện tử cung có vách ngăn, người bệnh nên được các bác sĩ sản phụ khoa khám theo dõi, tư vấn và có chỉ định điều trị thích hợp để tránh những ảnh hưởng xấu tới khả năng sinh sản cũng như quá trình mang thai và chuyển dạ, bảo vệ sức khỏe của mẹ và thai nhi.

1. Tử cung có vách ngăn là gì?

Tử cung là một phần quan trọng trong cơ quan sinh sản của người phụ nữ. Theo thống kê, có khoảng 3,2% phụ nữ có bất thường ở tử cung. Tử cung có vách ngăn là loại dị dạng tử cung thường gặp nhất (chiếm khoảng 40%). Những trường hợp này có thể khó mang thai, thậm chí là vô sinh ở phụ nữ

Ở phụ nữ có tử cung bình thường, trong lòng tử cung là một khoảng trống. Tuy nhiên, đối với những phụ nữ có vách ngăn tử cung thì khoảng trống này bị chia tách làm đôi. Vách ngăn tử cung có 2 loại:

  • Vách ngăn tử cung toàn phần: Vách ngăn chia hoàn toàn tử cung thành 2 phần riêng biệt.
  • Vách ngăn tử cung bán phần: Vách ngăn không phân chia hết tử cung nhưng vẫn làm không gian bên trong bị hạn chế.
Thế nào là tử cung đôi?
Vách ngăn dọc trong buồng tử cung

2. Tử cung có vách ngăn có thể mang thai được không?

Trên thực tế, tử cung có vách ngăn bán phần vẫn có khả năng mang thai nhưng nó có thể gây ra những khó khăn khi thai kỳ đã bắt đầu. Tuy nhiên phụ nữ có vách ngăn tử cung bán phần vẫn mang thai và thai nhi vẫn phát triển và ra đời bình thường. Trường hợp tử cung có vách ngăn toàn phần, khả năng đậu thai sẽ ít hơn.

Khi thai phụ mang thai, vách ngăn tử cung bán phần và toàn phần sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến thai kỳ như:

  • Tăng khả năng sảy thai: Vách ngăn tử cung có thể làm tăng khả năng sảy thai, vì buồng tử cung bị thu hẹp làm giảm khả năng phát triển của thai nhi.
  • Tăng bất thường về ngôi thai: Do khoảng không gian nhỏ hẹp trong tử cung bị chia cắt, thai nhi có thể bị cản trở khi quay đầu, dẫn đến ngôi thai không thuận. Tuy nhiên, trong một số trường hợp thai nhi vẫn quay đầu bình thường và mẹ có thể hoàn thành ca sinh thuận lợi.
  • Sinh non: Tử cung có vách ngăn cũng có thể khiến mẹ bị vỡ ối sớm, sinh non ở giai đoạn cuối thai kỳ.
  • Tăng khả năng sinh mổ: Đa số mẹ bầu đều hướng tới việc sinh thường, tuy nhiên ở các mẹ bị vách ngăn tử cung thì khả năng sinh mổ sẽ cao vì ngôi thai ngược hoặc xuất hiện một số bất thường trong thai kỳ.

Vách ngăn tử cung cản trở rất lớn đối với phụ nữ, do vậy để hạn chế những biến chứng, khi phát hiện thấy tử cung có vách ngăn, người bệnh thường cần phẫu thuật để tạo hình dáng bình thường cho tử cung.

Thành lập phòng khám phụ khoa
Phụ nữ có tử cung vách ngăn nên đi khám chuyên khoa sớm

3. Phẫu thuật soi buồng tử cung cắt vách ngăn dọc tử cung

Điều trị tử cung có vách ngăn chỉ được thực hiện trước hoặc sau thai kỳ và phương pháp chủ yếu là phẫu thuật nội soi buồng tử cung để cắt vách ngăn, tạo hình tử cung. Tuy nhiên cũng có những trường hợp bác sĩ sẽ thực hiện cắt vách ngăn tử cung sau khi thực hiện thủ thuật mổ lấy thai.

Phương pháp phẫu thuật soi buồng tử cung cắt vách ngăn dọc tử cung chỉ định trong trường hợp vách ngăn dọc tử cung làm cho người bệnh không có con.

Chống chỉ định trong trường hợp có các kiểu dị dạng sinh dục khác.

3.1. Các bước thực hiện

  • Bước 1: Vô trùng dụng cụ soi buồng tử cung chẩn đoán và phẫu thuật, dụng cụ nội soi ổ bụng.
  • Bước 2: Khám toàn thân, chuyên khoa đánh giá các bệnh lý phối hợp và tư vấn về nguy cơ, biến chứng, tai biến của phẫu thuật cho người bệnh.
  • Bước 3. Hướng dẫn người bệnh nằm tư thế phụ khoa và giảm đau toàn thân;
  • Bước 4: Sát khuẩn vùng sinh dục của người bệnh. Sau đó, đặt thông tiểu và lưu ống thông; đặt van âm đạo hoặc mỏ vịt; cặp cổ tử cung bằng kẹp Pozzi.
  • Bước 5: Thăm dò buồng tử cung bằng thước đo bằng cách đưa ống soi chẩn đoán vào buồng tử cung rồi làm căng buồng tử cung bằng một trong các dung dịch: Hyskon, manitol, sorbitol, dextran.
  • Bước 6: Tiến hành quan sát buồng tử cung hai bên vách ngăn, xác định vị trí, kích thước, hình dạng vách ngăn để tiến hành cắt vách ngăn.
  • Bước 7: Tiến hành nong cổ tử cung đến 10,5.
  • Bước 8: Đưa kính soi phẫu thuật vào buồng tử cung rồi sử dụng đầu cắt thẳng hay bóng lăn để cắt vách ngăn. Vị trí cắt nằm chính giữa chiều cao của vách ngăn.
  • Bước 9: Quan sát kỹ rồi cắt vách ngăn tử cung. Cắt hết vách ngăn dựa trên cơ sở vị trí của hai lỗ vòi tử cung.
  • Bước 10: Soi lại buồng tử cung để xác định không chảy máu và buồng tử cung toàn vẹn.
Phẫu thuật
Phẫu thuật cắt vách ngăn dọc tử cung

3.2. Chăm sóc sau phẫu thuật

  • Theo dõi toàn thân, mạch, huyết áp, ra máu âm đạo trong vòng vài giờ sau khi thực hiện thủ thuật.
  • Vận động nhẹ nhàng, tránh làm việc nặng hay quá sức;
  • Hỏi bác sĩ về chế độ dinh dưỡng để nhanh chóng bình phục sau khi làm thủ thuật;
  • Kiêng quan hệ tình dục ít nhất 2-4 tuần.
  • Chụp lại buồng tử cung sau vài tháng để đánh giá sự vẹn toàn của buồng tử cung.

Là một thủ thuật an toàn, tuy nhiên phẫu thuật soi buồng tử cung cắt vách ngăn dọc tử cung có thể xảy ra một số biến chứng trong hoặc sau khi thực hiện thủ thuật như:

  • Thủng tử cung
  • Quá tải tuần hoàn do dịch làm căng buồng tử cung đi vào mạch máu.
  • Nhiễm khuẩn.

Nếu có triệu chứng bất thường, bạn nên được thăm khám và tư vấn với bác sĩ chuyên khoa.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan