Phản xạ xuống sữa sau sinh là gì? Sữa mẹ xuống quá nhiều phải làm sao?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Hoàng Thị Ánh Tuyết - Khoa Sản phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Xuống sữa sau sinh là một trong những vấn đề được nhiều chị em phụ nữ quan tâm, đặc biệt là với những người lần đầu làm mẹ. Những yếu tố nào làm ức chế phản xạ xuống sữa? Làm sao để xuống sữa nhiều? Sữa mẹ xuống quá nhiều phải làm sao? Tất cả sẽ được giải đáp trong bài viết dưới đây.

1. Tìm hiểu phản xạ xuống sữa là gì?

Đa số các mẹ sau sinh đều tự cảm nhận được phản xạ xuống sữa. Phản xạ xuống sữa được hiểu đơn giản là khi bé bú mẹ trực tiếp, miệng và lưỡi của bé tiếp xúc trực tiếp với núm vú và quầng ngực của mẹ. Lúc này tuyến yên, tuyến nội tiết sẽ tạo ra 2 loại hormone đó là prolacin và oxytocin giúp kích thích các nang sữa thắt liên tục, sữa sẽ được phóng ra một cách tự nhiên và liên tục tạo thành phản xạ xuống sữa, tiết sữa khi bé bú mẹ.

Mỗi cữ bú của bé trung bình mỗi bên ngực sẽ xuống sữa khoảng 2,2 lần. Nếu như phản xạ xuống sữa của mẹ càng nhiều thì bé sẽ bú được càng nhiều sữa.

Xuống sữa
Phản xạ xuống sữa sau sinh sẽ kéo dài trung bình khoảng 3 phút

Não bộ của các mẹ bầu sẽ mất khoảng từ 1 - 2 phút để kích thích phản xạ tiết sữa và phản xạ xuống sữa sẽ kéo dài trung bình khoảng 3 phút. Các mẹ sẽ cảm nhận được xuống sữa trong khoảng từ 20 - 30s.

2. Những yếu tố làm ức chế phản xạ xuống sữa ở các mẹ sau sinh

Việc phản xạ xuống sữa ở các mẹ sẽ diễn ra một cách tự nhiên. Tuy nhiên, một số mẹ không thể xuống sữa tự nhiên, khiến bé không đủ sữa để bú. Sau đây sẽ là một vài yếu tố gây ức chế xuống sữa ở mẹ sau sinh. Các mẹ có thể tham khảo để tránh mắc phải tình trạng này.

  • Stress: Phụ nữ sau sinh nếu thường xuyên bị stress, mệt mỏi, có nhiều chuyện buồn cũng sẽ ảnh hưởng đến tiết sữa tự nhiên.
  • Áp lực về thời gian: nhiều mẹ không có đủ thời gian để cho con bú do thường xuyên, phải xa con nhiều giờ cũng sẽ gặp khó khăn trong việc xuống sữa.
  • Sức khỏe của mẹ không ổn định: điều này sẽ làm giảm tiết sữa mẹ.
  • Dùng quá nhiều cafein: khi mẹ sử dụng quá nhiều đồ uống chứa cafein như cà phê, socola sẽ khiến cơ thể bị mất nước, sữa cũng tiết ít hơn. Ngoài ra, chất kích thích này có thể truyền từ mẹ sang con thông qua sữa mẹ làm cho bé bị mất ngủ, quấy khóc.

Hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia: những chất này sẽ làm cho tuyến sữa hoạt động kém hiệu quả, làm thay đổi mùi vị của sữa. Cồn có thể truyền từ sữa mẹ sang con gây ảnh hưởng đến sức khỏe của bé.

Xuống sữa
Rượu, bia, thuốc lá, cafein... là những chất gây ức chế tiết sữa

  • Sử dụng các loại thuốc: nếu mẹ cần điều trị bệnh gì trong thời gian cho con bú mà cần phải uống thuốc thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nguồn sữa cho con. Vì vậy, trong giai đoạn cho con bú nếu cần phải uống thuốc các mẹ hãy cân nhắc thật kỹ trước khi uống nhé.
  • Sử dụng thuốc tránh thai: trong thuốc tránh thai có chứa estrogen làm giảm tiết sữa mẹ, các mẹ chỉ nên dùng thuốc tránh thai dành cho mẹ đang cho con bú (progesterone).

3. Cách làm sữa mẹ xuống nhiều sau sinh

Nhiều mẹ sau sinh không có sữa cho con hoặc sữa tiết ra ít không đủ cho con bú. Sau đây sẽ là một số mẹo để có nhiều sữa sau sinh, mời các mẹ tham khảo để thực hiện khi cần:

  • Khi hút sữa cần có tâm lý thoải mái, hút sữa ở nơi quen thuộc. Trong khi hút sữa có thể vừa hút vừa xem chương tivi với các chương trình giải trí, nghe nhạc... để tâm lý được thoải mái
  • Không nên nhìn chằm chằm vào máy hút sữa để xem sữa có ra nhiều hay không. Việc làm này sẽ khiến mẹ bị áp lực gây ức chế phản xạ xuống sữa sau sinh.
  • Để những đồ dùng của con bên cạnh, hoặc ngắm nhìn con khi hút sữa, tưởng tượng bé đang bú trực tiếp. Như vậy sẽ kích thích được sữa xuống nhiều hơn.
  • Trong khi cho bé bú 1 bên có thể hút hoặc vắt sữa ở ngực còn lại song song.
  • Cho bé bú đúng cữ: việc cho bé bú đúng cữ và liên tục sẽ kích thích sữa tiết ra nhiều hơn. Sữa mẹ sẽ phục hồi được 40% sau 1h đồng hồ, 75% sau 2h đồng hồ kể từ lần bú trước của bé. Trong tháng đầu tiên sau sinh có thể bé sẽ khó khăn trong việc bú mẹ do đầu vú quá to. Các mẹ hãy kiên trì mỗi ngày để cho bé bú liên tục để phản xạ xuống sữa diễn ra mạnh hơn.
Xuống sữa
Massage bầu vú để sữa xuống nhiều hơn

  • Massage bầu vú: việc massage sẽ kích thích dây thần kinh quanh quầng vú và đầu vú. Mỗi lần massage nên diễn ra trong khoảng từ 1 - 2 phút, nếu chỉ trong 30s sữa đã xuống thì các mẹ có thể vắt hoặc hút sữa luôn, không cần massage thêm.

Cách massage: các mẹ sử dụng 2 lòng bàn tay xoa bóp nhẹ nhàng 2 bầu ngực trong khoảng 30 giây, sau đó dùng 5 đầu ngón tay chụm lại và dần thu tay về quầng vú. Lực massage cũng không nên quá mạnh hoặc quá nhẹ. Khi có sữa xuống thì dừng.

4. Sữa mẹ xuống quá nhiều phải làm sao?

Trong khi một số mẹ bỉm sữa đang mất ăn mất ngủ vì không đủ sữa cho con bú thì một số mẹ lại lo lắng khi sữa mẹ về có nhiều. Ngay sau đây chúng tôi sẽ mách các mẹ một số mẹo hay để giải tỏa nỗi lo này.

  • Hãy để cho bé bú một bên cho đến khi bé muốn nhả vú, nếu bé bú ít hơn 15 - 20 phút 1 bên và trong khoảng 1 - 2 giờ sau bé lại đòi bú thì cho bé bú tiếp vú mới bú ở cữ bú trước ít nhất là từ 15 - 20 phút nữa.
  • Không cho bé bú tiếp vú còn lại nếu bé không có nhu cầu bú tiếp. Bởi khi bé đã nạp đủ lượng sữa cần thiết chỉ với 1 bên vú. Nếu vú còn lại bị căng sữa, các mẹ có thể “xả” bớt đi để giảm cảm giác căng tức ngực chứ không nên xả hết cả bầu sữa.
  • Vắt bớt sữa: Khi sữa về quá nhiều, chảy nhanh và mạnh thì các mẹ có thể vắt bớt sữa ra ngoài sau đó mới cho bé bú. Phần sữa vắt ra có thể cất trữ trong tủ lạnh để bé bú bình hoặc khuấy bột cho bé ăn.
  • Tránh hút hoặc vắt sữa khi không thực sự cần thiết. Chỉ khi ngực thực sự căng tức mẹ mới nên hút/vắt sữa để giảm bớt lượng sữa. Bởi vì khi bạn vắt sữa đi thì cơ thể của bạn sẽ tự động hiểu là phải “sản xuất” thêm lượng sữa đã mất hụt đi.
  • Uống trà sâm trước khi ngủ: trong thành phần của của sâm có chứa thành phần tự nhiên của nội tiết tố estrogen giúp giảm tiết sữa. Không nên sử dụng quá nhiều sâm tránh tình trạng mất sữa cho con.
  • Cho bé ngậm núm vú giả: Khi bé ngậm vú mẹ càng nhiều sẽ càng gây kích thích tuyến sữa tiết sữa nhiều hơn. Do vậy bạn có thể cho bé ngậm núm vú giả để giảm sự kích thích tuyến sữa.

Thông thường vấn đề sữa về quá nhiều sẽ được khắc phục dần khi bé lớn hơn, bởi khi bé lớn hơn sẽ có nhiều nguồn dinh dưỡng khác thay vì chỉ bú sữa mẹ. Do đó nhu cầu sữa mẹ cũng giảm xuống, tuyến sữa sẽ không bị kích thích quá nhiều để tiết thêm sữa.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

96.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan