Những khuyến cáo mới về thuốc tiêm corticosteroid hỗ trợ phổi cho các trường hợp sinh non, bà bầu cần biết

Bài viết của Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thu Hoài - Bác sĩ Sản phụ - Trung tâm Sức khỏe phụ nữ - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Những thai phụ có nguy cơ sinh non thường được bác sĩ chỉ định tiêm corticosteroid hỗ trợ phổi trưởng thành cho thai nhi. Bên cạnh lợi ích làm giảm nguy cơ suy hô hấp ở trẻ sơ sinh, tiêm trưởng thành phổi cũng tồn tại một số tác dụng phụ không mong muốn. Vì thế, mẹ bầu mang thai cần nắm được một số khuyến cáo mới về thuốc tiêm corticosteroid hỗ trợ phổi cho các trường hợp sinh non để cân nhắc và đưa ra quyết định đúng đắn.

Thử nghiệm đầu tiên về corticosteroid trước khi sinh để giảm hội chứng suy hô hấp ở trẻ sinh non được công bố vào năm 1972. Sau đó từ giữa những năm 1980 đến nay, sử dụng corticosteroid trước khi sinh ngày càng được sử dụng nhiều. Từ những bằng chứng mạnh mẽ về hiệu quả của chúng trong vấn đề này, hiện nay tất cả các Tổ chức Y tế trên thế giới đã xác nhận việc sử dụng chúng để cải thiện kết quả cho trẻ sinh non.

Các trường hợp thai đơn có nguy cơ sinh non trước 34 tuần, các nghiên cứu cho thấy việc sử dụng corticosteroids (betamethasone, dexamethasone, hoặc hydrocortisone) cho thấy rõ lợi ích cho trẻ như giảm tử vong chu sinh, giảm hội chứng suy hô hấp, giảm xuất huyết não thất, giảm viêm ruột hoại tử. Những tác hại tiềm ẩn có thể gặp như giảm dung nạp glucose ở những đứa trẻ tiếp xúc với corticosteroid trước khi sinh trong tử cung. Các lợi ích của việc sử dụng steroid trước khi sinh là mạnh nhất đối với trẻ sinh từ 24 đến 34 tuần thai, lợi ích của corticosteroid ít hơn khi dùng vào sau 35 tuần.

Đối với những phụ nữ mang đa thai có nguy cơ sinh non từ 24 đến 34 tuần các nhà sản khoa cũng khuyến cáo nên dùng corticosteroid trước khi sinh để cải thiện kết quả cho em bé.

Với trường hợp mang thai có dự đoán sinh non từ 34 tuần đến 37 tuần tuổi, một nghiên cứu chất lượng cao của Hoa Kỳ đã đánh giá tác dụng của corticosteroid ở 2831 phụ nữ cho thấy việc sử dụng corticosteroid làm giảm có ý nghĩa thống kê nhu cầu hỗ trợ hô hấp cho trẻ sơ sinh trong 72 giờ đầu tiên của cuộc đời, tuy nhiên, hạ đường huyết ở trẻ sơ sinh phổ biến hơn. Mặc dù không có tác hại lâu dài nào được chứng minh sau khi dùng corticosteroid ở thai kỳ non tháng, nhưng không có thử nghiệm theo dõi đáng kể nào. Các nghiên cứu quan sát sử dụng dữ liệu dân số cho thấy phơi nhiễm corticosteroid trước khi sinh có liên quan đến việc gia tăng các chẩn đoán về rối loạn hành vi và tâm thần ở trẻ em. Bởi vậy, Hiệp hội sản phụ khoa quốc tế khuyến cáo: Không nên dùng corticosteroid trước khi sinh thường quy cho những phụ nữ có dự đoán sinh non muộn. Thay vào đó, việc sử dụng corticosteroid trước khi sinh nên được cân nhắc dựa trên sự cân bằng giữa rủi ro và lợi ích cho từng phụ nữ.

Trước đây, phác đồ tiêm corticosteroid thuốc trưởng thành phổi có khác nhau giữa các loại thuốc betamethasone hoặc dexamethasone. Tuy nhiên gần đây, dựa trên nhiều nghiên cứu về hiệu quả của các thuốc, cho thấy với phác đồ tiêm 2 đợt, mỗi đợt cách nhau 24 giờ, các thuốc đều cho hiệu quả tương đương nhau, cũng như các tác dụng phụ cũng tương đương nhau.

Không có thử nghiệm theo dõi ngẫu nhiên lớn nào so sánh các trẻ sơ sinh được sinh ra sau các khoảng thời gian tiêm khác nhau. Các nghiên cứu hồi cứu đã gợi ý rằng, tỷ lệ tử vong và tỷ lệ mắc bệnh là thấp nhất khi sinh trong vòng 18–36 giờ sau khi dùng steroid, mặc dù một số lợi ích có thể thấy được nếu sinh trong vòng 3 giờ sau tiêm. Nguy cơ chấn thương sọ não nặng giảm đáng kể nhất khi sinh trong vòng 48–72 giờ sau khi tiêm steroid. Hầu như tất cả các lợi ích của việc sử dụng steroid trước khi sinh sẽ biến mất, nếu việc sinh xảy ra sau 1 tuần sau khi dùng steroid. Bởi vậy, khuyến cáo nên dùng corticosteroid trước khi sinh lý tưởng là 18-72 giờ và chắc chắn không quá 1 tuần trước khi dự kiến sinh non. Tuy nhiên, nếu dự kiến sinh non trong vòng 18 giờ, vẫn nên dùng corticosteroid trước khi sinh.

Các nghiên cứu trên động vật cho thấy, tác dụng bất lợi của việc dùng nhiều đợt corticosteroid trước khi sinh đối với cân nặng khi sinh của em bé và chức năng trục hạ đồi-tuyến yên-thượng thận và quá trình myelin hóa thần kinh sau đó. Tuy nhiên, ở những phụ nữ vẫn có nguy cơ sinh non 7 ngày trở lên sau đợt điều trị đầu tiên, một đợt corticosteroid lặp lại giúp làm giảm nguy cơ hội chứng suy hô hấp và kết cục nặng ở trẻ sơ sinh. Theo dõi thời thơ ấu (18–24 tháng) không có tác động nào đến trẻ (bao gồm tỷ lệ tử vong, tỷ lệ sống sót không tàn tật, tỷ lệ kết cục nghiêm trọng hoặc chậm tăng trưởng). Không có tác động tích cực hoặc tiêu cực đáng kể nào rõ ràng đối với người mẹ. Hiệp hội Sản phụ khoa quốc tế khuyến cáo có thể dùng thêm một đợt corticosteroid trước khi sinh để cải thiện kết quả cho em bé ở những phụ nữ dự kiến ​​sinh non trong vòng 72 giờ và đã dùng một đợt corticosteroid cách hơn một tuần,

Các trường hợp sinh mổ chủ động với thai đủ tháng (tuổi thai ≥39 tuần), việc tiêm corticosteroid trước khi mổ lấy thai không được khuyến cáo do không thấy lợi ích rõ rệt cho trẻ sơ sinh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

263 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan