Nên uống hay tiêm thuốc kích trứng?

Thuốc kích trứng là một trong những biện pháp được sử dụng rất phổ biến trong các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản và đã mang lại những hiệu quả tuyệt vời cho các cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn. Tuy nhiên, nhiều cặp đôi vẫn còn thắc mắc rằng nên uống hay tiêm thuốc kích trứng sẽ tốt hơn cho khả năng sinh con của họ ?

1. Thông tin chung về thuốc kích trứng

Thuốc kích trứng là một phương pháp điều trị phổ biến cho những phụ nữ không rụng trứng do suy giảm chức năng buồng trứng, hội chứng buồng trứng đa năng hoặc bất kỳ nguyên nhân nào khác. Các loại thuốc này có khả năng kích thích buồng trứng tạo ra tế bào trứng trưởng thành từ buồng trứng, với hy vọng rằng chúng sẽ sẵn sàng để thụ tinh. Cơ chế này được mở rộng để điều trị vô sinh hiếm muộn với mục đích là tạo ra sự phát triển của nhiều nang trứng, trong đó có nhiều hơn một trứng có thể rụng và làm tăng khả năng thụ tinh. Các phương pháp điều trị thường được sử dụng để kích trứng được chia thành hai loại liên quan đến cách chúng được đưa cho người phụ nữ, đó là thuốc kích trứng dạng uống và dạng tiêm.

Các phương pháp điều trị bằng đường uống, chẳng hạn như Clomiphene citrate hoặc Aromatase Inhibitor (thuốc ức chế men Aromatase) là những thuốc kháng Estrogen giúp giải phóng hormone gonadotropin GnRH ở vùng dưới đồi. Từ đó, Hormone này kích thích giải phóng hormone kích thích nang trứng (FSH) và hormone tạo hoàng thể (LH) từ tuyến yên. Hormone FSH và LH lần lượt thúc đẩy sự phát triển của nang noãn trong buồng trứng và sự rụng trứng. Phương pháp này thường được gọi là cách gián tiếp để tăng Gonadotropin, trái ngược với cách tiếp cận trực tiếp hơn của phương pháp điều trị bằng đường tiêm.

Các phương pháp điều trị dạng tiêm là các thuốc có thành phần là các Gonadotropin được tổng hợp để có tác dụng tương tự như FSH, tác động trực tiếp lên buồng trứng để thúc đẩy sự phát triển của nang trứng. Các chế phẩm đầu tiên của FSH được chiết xuất từ tuyến yên của xác chết người. Tuy nhiên, đây là một quá trình tốn kém và làm dấy lên mối lo ngại về nguy cơ lây truyền dịch bệnh. Các chế phẩm này được thay thế bằng Gonadotropin tiết niệu như các Gonadotropin ở người phụ nữ mãn kinh (hMG), có thêm hoạt tính của hormone LH bên cạnh hoạt tính của hormone FSH. Sự phát triển gần đây nhất là việc sử dụng công nghệ di truyền để tạo ra FSH tái tổ hợp (r-FSH), dạng ngoại sinh tinh khiết nhất của hormone FSH.

2. Nên uống hay tiêm thuốc kích trứng ?

Nhiều cặp đôi đặc biệt là những người đang có nhu cầu sử dụng các biện pháp hỗ trợ sinh sản thắc mắc rằng, thuốc kích trứng uống hay thuốc kích trứng dạng tiêm, loại nào nên dùng hơn. Câu trả lời của các chuyên gia là không thể đánh giá loại thuốc nào tốt hơn, vì việc áp dụng loại thuốc nào là tuỳ vào chỉ định của bác sĩ. Quyết định này được đưa ra sau khi đã qua quá trình thăm khám và thực hiện các xét nghiệm trên bệnh nhân, do đó nó hầu như phụ thuộc vào tình trạng buồng trứng của từng người phụ nữ.

Trong các trường hợp phụ nữ bị vô sinh hiếm muộn không rõ nguyên nhân thì tác dụng của hai loại thuốc này là gần như không có. Tuy nhiên, đối với các trường hợp phụ nữ bị buồng trứng đa nang hoặc những đối tượng chỉ cần điều trị bằng những kích thích buồng trứng nhẹ như trong trường hợp thực hiện phương pháp bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI) hay những người mong muốn mang thai tự nhiên, các bác sĩ sẽ ưu tiên sử dụng các loại thuốc kích trứng dạng uống hơn, cụ thể Clomiphene citrate là loại thuốc thường được sử dụng trước tiên trong trường hợp này. Sau đó nếu Clomiphene citrate không hiệu quả thì các bác sĩ sẽ xem xét đổi qua sử dụng Aromatase Inhibitor (thuốc ức chế men Aromatase) để thay thế trước khi nghĩ đến các loại thuốc kích trứng dạng tiêm. Nguyên nhân của sự lựa chọn này là do việc sử dụng các thuốc kích trứng dạng tiêm cho những người bị buồng trứng đa nang có thể làm tăng khả năng nhiều nang trứng phát triển cùng lúc cả hai bên buồng trứng. Điều này sẽ làm tăng nguy cơ đa thai cho những sản phụ mang thai tự nhiên hoặc thực hiện phương pháp bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI) sau khi tiêm thuốc kích trứng.

Trong trường hợp, các thuốc đường uống không đáp ứng bắt buộc phải sử dụng thuốc kích trứng đường tiêm, việc thực hiện cũng cần được cân nhắc rất kỹ. Ngoài nguy cơ đa thai như nói ở trên, việc sử dụng các thuốc kích trứng dạng tiêm, dù ở liều lượng thấp cũng có thể gây ra những đáp ứng quá lớn trên buồng trứng, gây ra hội chứng buồng trứng kích thích và a các triệu chứng như buồn nôn, nôn, chướng bụng, tiêu chảy, tăng cân, nặng hơn có thể làm buồng trứng sưng to, gây đau bụng, dịch ổ bụng, khó thở... Ngoài ra, nó còn làm tăng nguy cơ xuất hiện các khối u buồng trứng hơn là sử dụng thuốc kích trứng đường uống.

Các thuốc kích trứng dạng tiêm sẽ được sử dụng nhiều hơn ở những trường hợp phụ nữ không thể rụng trứng tự nhiên hoặc rụng không đều, áp dụng phương pháp thụ tinh ống nghiệm (IVF). Việc sử dụng các thuốc kích trứng dạng tiêm sẽ làm tăng số lượng trứng phát triển trong một chu kỳ kinh nguyệt, đây là nguồn nguyên liệu cần thiết để thực hiện phương pháp thụ tinh ống nghiệm.

Ngoài ra, thuốc kích trứng uống sẽ được bác sĩ kê đơn và được phép điều trị tại nhà trong khi các thuốc dạng tiêm thường phải được nhân viên y tế trực tiếp thực hiện, bệnh nhân sẽ phải nhập viện hoặc thường xuyên quay lại bệnh viện để thực hiện, tuy nhiên việc bất tiện này lại có thể mang lại nhiều lợi ích. Các thuốc kích trứng có thể có nhiều các tác dụng phụ ngoài ý muốn, việc sử dụng tại nhà và không có sự theo dõi của bác sĩ sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra các tình huống xấu sau khi sử dụng. Việc sử dụng các loại thuốc tiêm vừa có thể phù hợp cho những đối tượng được chỉ định vừa giúp bệnh nhân được theo dõi định kỳ và không dễ bị quên thuốc giống như việc sử dụng sử dụng thuốc dạng uống.

Trên đây là một số những thông tin liên quan đến thuốc kích trứng dạng uống và dạng tiêm. Để đảm bảo tính an toàn và hiệu quả cao trong điều trị, bệnh nhân cần đến các cơ sở hoặc trung tâm hỗ trợ sinh sản uy tín để được các bác sĩ chuyên khoa thăm khám và tư vấn, từ đó đưa ra được loại thuốc phù hợp cho từng đối tượng khác nhau.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan