Liệu pháp hormone mãn kinh là gì?

Bài viết của Tiến sĩ, Bác sĩ Lê Thị Hường - Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Liệu pháp hormone mãn kinh (Menopausal hormone therapy-MHT) còn được gọi là liệu pháp hormone sau mãn kinh hay liệu pháp thay thế hormone, là phương pháp điều trị mà bác sĩ có thể đề xuất để làm giảm các triệu chứng phổ biến của thời kỳ mãn kinh và giải quyết những thay đổi sinh lý lâu dài ở chị em phụ nữ.

1. Liệu pháp hormone mãn kinh là gì?

Liệu pháp hormone mãn kinh thường bao gồm việc điều trị bằng estrogen đơn độc hoặc estrogen cộng với progestin (loại hormone tổng hợp có tác dụng tương tự như progesterone). Những phụ nữ có tử cung - nghĩa là chưa cắt bỏ tử cung - thường được kê đơn estrogen cộng với progestin cho liệu pháp thay thế hormone.

Thực tế, việc sử dụng riêng lẻ estrogen có thể làm tăng nguy cơ ung thư nội mạc tử cung. Tuy nhiên, nếu kết hợp estrogen cộng với progestin trong liệu pháp thay thế hormone thì sẽ an toàn. Estrogen chỉ được sử dụng một mình ở những phụ nữ đã cắt bỏ tử cung.

2. Nội tiết tố được sử dụng trong liệu pháp thay thế hormone có gì khác biệt?

Các hormone được sử dụng trong MHT đến từ nhiều loại thực vật và động vật khác nhau hoặc được tạo ra trong phòng thí nghiệm. Cấu trúc hóa học của các hormone này tương tự nhau, tuy nhiên thường không giống với các hormone do cơ thể phụ nữ sản xuất.

3. Bằng chứng về ảnh hưởng sức khỏe của MHT đến từ đâu?

Nghiên cứu WHI Estrogen và Progestin đã được tiến hành, trong đó phụ nữ có tử cung được chỉ định ngẫu nhiên để nhận 1 viên thuốc nội tiết tố có chứa cả estrogen và progestin (Prempro TM) hoặc giả dược. Thời gian điều trị trung bình là 5,6 năm.

Nghiên cứu WHI Estrogen-Alone đã được tiến hành, trong đó phụ nữ không có tử cung được chỉ định ngẫu nhiên để nhận 1 viên thuốc nội tiết tố chỉ chứa estrogen (Premarin TM) hoặc giả dược. Thời gian điều trị trung bình là 7,2 năm.

Hơn 27.000 phụ nữ khỏe mạnh từ 50 đến 79 tuổi tại thời điểm ghi danh đã tham gia thử nghiệm liệu pháp hormone WHI. Mục tiêu của các thử nghiệm này là để xem liệu MHT có ngăn ngừa bệnh tim và gãy xương ở phụ nữ sau mãn kinh hay không? Đồng thời xác định xem MHT có ảnh hưởng đến nguy cơ ung thư vúung thư nội mạc tử cung đối với phụ nữ có tử cung hay không? Tuy nhiên, cả 2 thử nghiệm đều bị dừng sớm (lần lượt vào năm 2002 và 2004), khi người ta xác định rằng cả 2 loại liệu pháp đều có liên quan đến các nguy cơ sức khỏe cụ thể.

4. Những ảnh hưởng sức khỏe của MHT là gì?

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, liệu pháp thay thế hormone có liên quan đến các ảnh hưởng sức khỏe sau:

  • Gãy xương hông và đốt sống: Những phụ nữ dùng estrogen đơn độc hoặc estrogen cộng với progestin có nguy cơ gãy xương hông và đốt sống thấp hơn những phụ nữ dùng giả dược. Trong cả 2 trường hợp, lợi ích biến mất sau khi phụ nữ không còn dùng liệu pháp hormone.
  • Chảy máu âm đạo: Những phụ nữ dùng estrogen cộng với progestin bị chảy máu âm đạo nhiều cần đánh giá bằng sinh thiết nội mạc tử cung hơn những phụ nữ dùng giả dược.
Liệu pháp hormone
Liệu pháp hormone có thể khiến bạn bị chảy máu âm đạo
  • Tiểu không tự chủ: Phụ nữ dùng estrogen đơn độc hoặc estrogen cộng với progestin có nguy cơ mắc chứng tiểu không kiểm soát cao hơn.
  • Chứng mất trí nhớ: Trong số những phụ nữ từ 65 tuổi trở lên, những người dùng estrogen đơn độc hoặc estrogen kết hợp với progestin có nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ cao hơn.
  • Đột quỵ, cục máu đông và đau tim: Phụ nữ sử dụng liệu pháp hormone kết hợp hoặc estrogen đơn thuần có nguy cơ đột quỵ, đông máu và đau tim tăng lên. Tuy nhiên, đối với phụ nữ ở cả 2 nhóm, nguy cơ này trở lại mức bình thường sau khi họ ngừng dùng thuốc.
  • Ung thư vú: Phụ nữ chỉ dùng estrogen có nguy cơ ung thư vú thấp hơn so với phụ nữ dùng giả dược. Sau gần 11 năm theo dõi, nguy cơ ung thư vú ở những phụ nữ chỉ dùng estrogen vẫn thấp hơn so với những phụ nữ dùng giả dược. Những phụ nữ dùng estrogen cộng với progestin có nhiều khả năng được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú hơn những phụ nữ dùng giả dược. Ung thư vú ở những phụ nữ này lớn hơn và nhiều khả năng đã di căn đến các hạch bạch huyết vào thời điểm họ được chẩn đoán. Nguy cơ ung thư vú càng cao khi phụ nữ dùng liệu pháp hormone kết hợp lâu hơn, nhưng nó giảm rõ rệt khi ngừng sử dụng.
  • Ung thư phổi: Những phụ nữ dùng liệu pháp hormone kết hợp có nguy cơ ung thư phổi tương tự như những phụ nữ dùng giả dược. Tuy nhiên, trong số những người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư phổi, những phụ nữ dùng estrogen cộng với progestin có nguy cơ tử vong vì căn bệnh này cao hơn những người dùng giả dược.
  • Ung thư đại trực tràng: Trong báo cáo nghiên cứu ban đầu, phụ nữ dùng liệu pháp hormone kết hợp có nguy cơ ung thư đại trực tràng thấp hơn so với phụ nữ dùng giả dược. Tuy nhiên, các khối u đại trực tràng phát sinh trong nhóm điều trị hormone kết hợp có khả năng phát hiện cao hơn so với những khối u trong nhóm dùng giả dược. Ngoài ra, một nghiên cứu tiếp theo cho thấy rằng việc giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng đã biến mất sau khi những người tham gia nghiên cứu ngừng dùng thuốc điều trị hormone kết hợp.
  • Tỷ lệ tử vong: Trong suốt 18 năm theo dõi, những phụ nữ dùng estrogen cộng với progestin trong thời gian trung bình là 5,6 năm hoặc chỉ dùng estrogen trong thời gian trung bình là 7,2 năm có nguy cơ tử vong tương tự do bất kỳ nguyên nhân nào, do nguyên nhân tim mạch và bất kỳ bệnh ung thư nào (bao gồm cả ung thư vú) như những phụ nữ dùng giả dược.

5. Các liệu pháp hormone mãn kinh có những rủi ro khác nhau không?

Chỉ định điều trị toàn thân và cục bộ cho liệu pháp hormone mãn kinh phụ thuộc vào các triệu chứng mãn kinh mà phương pháp điều trị sẽ giải quyết. MHT toàn thân thường được kê đơn để điều trị chứng bốc hỏa và ngăn ngừa loãng xương. MHT toàn thân với estrogen kết hợp với progestin hoặc với estrogen đơn lẻ có thể được sử dụng dưới dạng thuốc uống, miếng dán, gel hoặc thuốc xịt thẩm thấu qua da và cấy ghép.

Liệu pháp hormone mãn kinh cục bộ được kê đơn để điều trị các triệu chứng tiết niệu sinh dục như khô âm đạo. MHT cục bộ chỉ chứa estrogen liều thấp và được kê đơn cho phụ nữ bất kể tình trạng cắt tử cung của họ. MHT cục bộ (trong âm đạo) chỉ với estrogen liều thấp bao gồm kem, viên nén (pessaries) và vòng.

Kết quả từ nghiên cứu cho thấy, trong số những phụ nữ có tử cung nguyên vẹn thì sử dụng estrogen âm đạo sẽ không có nguy cơ đột quỵ, ung thư vú xâm lấn, ung thư đại trực tràng, ung thư nội mạc tử cung và thuyên tắc phổi/ huyết khối tĩnh mạch sâu.

Liệu pháp thay thế
Chỉ định liệu pháp hormone phụ thuốc vào tình trạng mãn kinh của người bệnh

6. Phụ nữ đã được chẩn đoán ung thư dùng MHT có an toàn không?

Một trong những vai trò của estrogen tự nhiên là thúc đẩy sự phát triển bình thường của các tế bào ở vú và tử cung. Một số bệnh ung thư cũng sử dụng estrogen để thúc đẩy sự phát triển của chúng. Do đó, người ta thường tin rằng liệu pháp hormone mãn kinh có thể thúc đẩy khối u phát triển thêm ở những phụ nữ đã được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú.

Tuy nhiên, các nghiên cứu về việc sử dụng liệu pháp hormone mãn kinh ở những người sống sót sau ung thư vú đã đưa ra kết quả trái ngược nhau. Một số nghiên cứu cho thấy nguy cơ tái phát ung thư vú tăng lên và những nghiên cứu khác cho thấy không tăng nguy cơ tái phát.

7. Phụ nữ nên làm gì nếu có các triệu chứng mãn kinh nhưng lo ngại về việc dùng MHT?

Những phụ nữ đang tìm cách giảm bốc hỏa và khô âm đạo nên nói chuyện với bác sĩ về việc có nên dùng liệu pháp thay thế hormone hay không? Những rủi ro có thể xảy ra khi sử dụng MHT và những lựa chọn thay thế nào có thể phù hợp với họ? FDA hiện khuyên phụ nữ sử dụng liệu pháp thay thế hormone trong thời gian ngắn nhất và với liều lượng thấp nhất có thể để kiểm soát các triệu chứng mãn kinh.

8. Có lựa chọn thay thế nào khi không dùng liệu pháp hormone mãn kinh không?

Những phụ nữ lo lắng về thay đổi xảy ra tự nhiên cùng với sự suy giảm sản xuất hormone xảy ra trong thời kỳ mãn kinh có thể thực hiện những thay đổi trong lối sống và chế độ ăn uống của họ để giảm nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe nhất định. Ví dụ, ăn thực phẩm giàu canxi và vitamin D hoặc dùng thực phẩm chức năng có chứa các chất dinh dưỡng này có thể giúp ngăn ngừa loãng xương. Các loại thuốc được FDA chấp thuận như alendronate (Fosamax®), raloxifene (Evista®) và risedronate (Actonel®) đã được chứng minh trong các thử nghiệm ngẫu nhiên để ngăn ngừa mất xương.

Các loại thuốc được FDA chấp thuận để điều trị trầm cảm và co giật có thể giúp làm giảm các triệu chứng mãn kinh như bốc hỏa. Các loại thuốc đã được chứng minh trong các thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên là có hiệu quả trong điều trị chứng bốc hỏa bao gồm venlafaxine (Effexor®), desvenlafaxine (Pristiq®), paroxetine (Paxil®), fluoxetine (Prozac®), citalopram (Celexa®), gabapentin (Neurontin ®), và pregabalin (Lyrica®).

Một số phụ nữ tìm cách giảm các triệu chứng mãn kinh bằng các liệu pháp bổ sung và thay thế. Một số biện pháp khắc phục này có chứa phytoestrogen, là các hợp chất giống như estrogen có nguồn gốc từ thực vật như các sản phẩm đậu nành, ngũ cốc nguyên hạt, hạt có dầu (chủ yếu là hạt lanh), các loại đậu hoặc hạt đen. Một đánh giá có hệ thống và phân tích tổng hợp các thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên cho thấy một số liệu pháp chứa phytoestrogen có liên quan đến việc giảm nhẹ tần suất bốc hỏa và khô âm đạo nhưng không giảm số lần đổ mồ hôi ban đêm, so với dùng giả dược hoặc không điều trị.

Liệu pháp thay thế
Các triệu chứng mãn kinh có thể cải thiện bằng các liệu pháp bổ sung và thay thế

Tóm lại, các thử nghiệm WHI là những nghiên cứu mang tính bước ngoặt đã làm thay đổi hiểu biết của chúng ta về ảnh hưởng sức khỏe của liệu pháp thay thế hormone. Điều quan trọng cần lưu ý là những phụ nữ tham gia thử nghiệm WHI trung bình là 63 tuổi, mặc dù khoảng 5.000 người trong số họ dưới 60 tuổi, vì vậy kết quả của nghiên cứu cũng có thể áp dụng cho những phụ nữ trẻ hơn. Ngoài ra, các thử nghiệm WHI đã kiểm tra cường độ liều đơn của một loại thuốc chỉ chứa estrogen (Premarin) và một loại thuốc estrogen cộng với progestin (Prempro). Các nghiên cứu tiếp theo đã mở rộng và hoàn thiện các phát hiện ban đầu của 2 thử nghiệm này.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Tài liệu tham khảo: PubMed Abstract

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan