Liệt mặt Bell ở phụ nữ mang thai

Bài viết của Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Minh Phương - Bác sĩ chuyên khoa Thần kinh - Khoa Nội tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Liệt mặt Bell là tình trạng có thể gặp phải ở bất cứ lứa tuổi nào. Tuy nhiên, phụ nữ mang thai dễ có nguy cơ bị liệt dây thần kinh số VII hơn khi bị lạnh đột ngột. Tình trạng này có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ cũng như thẩm mỹ của nữ giới.

1. Liệt mặt Bell là gì?

Các cơ vùng mặt được chi phối bởi dây thần kinh số VII. Khi dây VII bị tổn thương / viêm sẽ gây liệt các cơ vùng mặt khiến người bệnh sẽ không thể nhăn trán, nhắm kín mắt, và chảy xệ mép bên liệt.

Liệt mặt Bell hay gặp nhất ở hai nhóm tuổi: những người dưới 40 tuổi và những người trên 60 tuổi. Đặc biệt liệt mặt bell ở phụ nữ mang thai 3 tháng đầu - cuối của thai kỳ hoặc tuần đầu tiên sau sinh.

Bệnh liệt Bell là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra liệt mặt với tỷ lệ ước tính khoảng 11-40 người trên 100.000 người. Tỷ lệ liệt Bell trong thai kỳ là 45,1 trên 100.000 ca sinh mỗi năm, so với tỷ lệ không mang thai là 17,4 ở cùng nhóm tuổi.

2. Nguyên nhân nào gây ra liệt mặt khi mang thai?

Nguyên nhân phổ biến nhất của chứng liệt mặt trong thai kỳ là chứng liệt Bell. Những người đang mang thai có nguy cơ mắc bệnh liệt Bell cao hơn những người không mang thai.

Mặc dù nguyên nhân gây bệnh cho tới nay vẫn chưa được xác định, tuy nhiên các nhà khoa học cho rằng bệnh có thể liên quan tới phơi nhiễm virus. Một số loại virus có khả năng gây liệt Bell như:

  • Herpes Zoster (thủy đậu, zona thần kinh)
  • Herpes simplex (mụn rộp sinh dục)
  • Ebstein -Barr
  • Rubella (sởi Đức)
  • Adenovirus (các bệnh về đường hô hấp)
  • Quai bị
  • Coxsackievirus
  • Cúm B
  • Huyết áp cao mãn tính và béo phì cũng được coi là các yếu tố nguy cơ cho sự phát triển của bệnh liệt Bell

Vì vậy, việc mang thai có thể kết hợp nhiều yếu tố khiến nguy cơ bị liệt Bell cao hơn.

herpes-simplex-virus-type-1-va-type-2
Herpes Zoster là một trong các nguyên nhân gây liệt mặt Bell ở phụ nữ mang thai

3. Tại sao tỷ lệ mắc bệnh liệt Bell trong thai kỳ lại tăng lên?

Một số thay đổi thể chất trong quá trình mang thai được cho là tăng nguy cơ bị liệt Bell ở thai phụ, bao gồm:

  • Rối loạn đông máu.
  • Huyết áp cao.
  • Sản giật (bắt đầu co giật ở một phụ nữ bị tiền sản giật).
  • Tăng tổng lượng nước trong cơ thể - ứ đọng dịch có thể tích tụ xung quanh dây thần kinh.
  • Thay đổi mức độ estrogen và progesterone.
  • Suy giảm khả năng dung nạp glucose.
  • Tăng nồng độ cortisol: Cortisol bắt đầu tăng cao trong 3 tháng thứ hai và đạt đỉnh trong vài tuần cuối trước khi sinh ở mức cao hơn bình thường từ hai đến ba lần. Nó được cho là đóng một vai trò trong sự phát triển não bộ và trưởng thành phổi của em bé.
  • Trong ba tháng cuối của thai kỳ hoặc trong tuần đầu tiên sau khi sinh con, thai phụ có nguy cơ đặc biệt bị nhiễm virus herpes simplex (HSV).

4. Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh liệt Bell là gì?

Mỗi thai phụ sẽ có những dấu hiệu liệt Bell khác nhau. Theo ghi nhận, đa số phụ nữ mang thai khi mắc phải tình trạng này đều có một hoặc nhiều triệu chứng sau đây:

  • Khởi phát đột ngột các triệu chứng trong vài giờ
  • Các triệu chứng đạt đến đỉnh điểm trong vòng 1-3 ngày
  • Không có tiền sử chấn thương, phẫu thuật hoặc nhiễm trùng khu trú trước đây
  • Vị giác có thể thay đổi và mắt bị khô
  • Khó nhướn mày, chớp mắt và nhắm mắt
  • Chảy nước mắt
  • Khó cười và chu môi
  • Thức ăn và đồ uống rơi / chảy ra từ một bên miệng

5. Phương pháp chẩn đoán liệt mặt

Để có thể chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh lý, bác sĩ sẽ có một số chẩn đoán lâm sàng để kiểm tra như: Đề nghị bạn nhướn mày, cười hoặc nhe răng; Đề nghị bạn mở và nhắm nghiền mắt của mình ( 2 bên )...

Đồng thời, người bệnh cũng sẽ được kiểm tra phát ban trên da, tai, ở chân tóc hoặc những nơi khác trên mặt bạn. Việc bác sĩ tìm các tìm vết phồng rộp trong miệng hoặc môi cũng giúp chẩn đoán bệnh liệt mặt.

Bệnh liệt Bell có thể xuất hiện các triệu chứng tương đồng với các bệnh lý khác. Do đó, bác sĩ cần tiến hành chụp chiếu để loại trừ các nguyên nhân khác. Những điều này nên được thực hiện sau khi mang thai, trừ khi người bệnh có những dấu hiệu khác gợi ý tổn thương trong não.

Hãy thông báo với bác sĩ về tiền sử bệnh trước khi kê đơn Yescarta
Người bệnh nên gặp bác sĩ để được chẩn đoán liệt mặt Bell ở phụ nữ mang thai chính xác

6. Cách điều trị cho chứng liệt mặt Bell ở phụ nữ mang thai

Không có hướng dẫn hiện tại của NICE (Viện Quốc gia về Y tế và Chăm sóc Xuất sắc) về chẩn đoán, điều trị và theo dõi mẹ và thai nhi khi bệnh nhân mang thai bị liệt Bell. Tuy nhiên, có bằng chứng cho thấy corticosteroid, ví dụ như Prednisolone, có hiệu quả trong việc cải thiện sự phục hồi và hạn chế sự tiến triển của liệt mặt. Việc điều trị hiệu quả nhất nếu được bắt đầu trong vòng 72 giờ nhưng đôi khi bị trì hoãn trong thời kỳ mang thai nếu bạn có có yếu tố nguy cơ khác trong quá trình mang thai.

Thông thường, sự khởi phát đỉnh điểm của liệt mặt hoàn toàn hoặc một phần có thể đạt được trong vòng vài giờ. Những người mang thai bị liệt Bell có nhiều khả năng tiến triển thành liệt mặt hoàn toàn ở bên bị ảnh hưởng. Điều này có thể dẫn đến tiên lượng kém hơn. Do đó, bắt đầu điều trị thích hợp và kịp thời là yếu tố rất quan trọng để đảm bảo bệnh nhân có cơ hội hồi phục hoàn toàn tốt nhất.

Các bác sĩ sẽ kê đơn thuốc tra mắt không chứa chất bảo quản để sử dụng thường xuyên vào ban ngày và thuốc mỡ đặc hơn để sử dụng vào ban đêm. Đồng thời, thực hiện giải thích cách băng mắt khi ngủ cho sản phụ bị liệt mặt và kết hợp điều trị lý liệu pháp

7. Tiên lượng về bệnh liệt Bell trong thai kỳ là gì?

Rất nhiều sản phụ lo lắng tiên lượng về bệnh liệt Bell. Theo các chuyên gia, tỷ lệ hồi phục ước tính trong thai kỳ là 52% so với 77-88% ở nhóm tuổi tương tự của phụ nữ không mang thai.

8. Biến chứng của chứng liệt mặt bell ở phụ nữ mang thai

Các mẹ bầu rất lo lắng về các biến chứng của chứng liệt mặt Bell. Bởi tình trạng này có thể gây ra nhiều ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ của sản phụ và thai nhi. Dưới đây là một số rủi ro về sức khoẻ được các chuyên gia cảnh báo của chứng bệnh này:

  • Không có khả năng nhắm hoặc chớp mắt
  • Dễ bị các triệu chứng khô mắt do sự thay đổi nội tiết tố và giác mạc
  • Tăng nguy cơ bị tổn thương thứ phát hoặc mất thị lực
  • Khi bị liệt mặt hoàn toàn dẫn tới khó nhai đồ ăn trong miệng

Trên đây là các thông tin chi tiết về chứng liệt mặt bell ở phụ nữ mang thai. Hy vọng bài viết đã giúp mẹ bầu nhận biết các dấu hiệu, biến chứng và các điều trị tình trạng trên để hạn chế những rủi ro về sức khỏe.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan