Khi nào phải chẩn đoán ngôi thế kiểu thế?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Trương Thị Phượng - Bác sĩ Siêu âm sản phụ khoa - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Ngôi thế kiểu thế là phương thức mô tả tư thế và vị trí một cách tương đối phần thai đi qua đường sinh khi so với những điểm mốc. Theo đó, chẩn đoán ngôi thế kiểu thế của thai nhi bắt buộc được thực hiện khi sản phụ chuyển dạ để đánh giá khả năng sinh đường âm đạo của sản phụ, hoặc giúp đưa ra quyết định sinh nở.

1. Ngôi thế kiểu thế là gì?

Ngôi thế kiểu thế là phương thức mô tả tư thế và vị trí một cách tương đối phần thai đi qua đường sinh khi so với những điểm mốc. Trong đó, cụ thể như sau:

  • Ngôi: Phần trình diện của thai nhi nằm trước eo trên khung chậu của người mẹ trong thai kỳ và khi chuyển dạ được gọi là ngôi. Ngôi gồm có ngôi dọcngôi ngang. Trong ngôi dọc còn có ngôi chỏm, ngôi mặt, ngôi trán, ngôi thóp trước, ngôi ngược hoặc ngôi mông.
  • Thế: Tương quan giữa điểm mốc của ngôi và khung chậu trái hoặc khung châu phải của người mẹ được gọi là thế. Thế gồm có thế trái và thế phải đối với mỗi ngôi.
  • Kiểu thế: Tương quan giữa điểm mốc của ngôi và điểm mốc khung chậu của người mẹ. Mỗi ngôi sẽ có 6 kiểu thế là trái trước, trái ngang, trái sau, phải trước, phải ngang và phải sau.
Thai nhi ngôi vai
Ngôi thế kiểu thế là phương thức mô tả tư thế và vị trí một cách tương đối phần thai đi qua đường sinh khi so với những điểm mốc

2. Chẩn đoán ngôi thế kiểu thế

Để chẩn đoán ngôi thế kiểu thế có thể sử dụng những phương pháp sau:

  • Sờ nắn bụng
  • Thăm khám âm đạo
  • Nghe tim thai
  • Các phương pháp khác (siêu âm hoặc chụp X-quang)

2.1 Sờ nắn bụng

Sờ nắn bụng là thủ thuật Léopold được dùng để giúp xác định chẩn đoán ngôi thế kiểu thế của thai nhi, gồm 4 thao tác sau:

  • Xác định đầu hoặc mông: Dùng hai bàn tay sờ nắn nhẹ vùng đáy tử cung để xác định cực nào của thai nhi (là đầu hay mông) đang ở vùng đáy tử cung.
  • Xác định lưng, chi: Dùng tay sờ nắn nhẹ nhàng hai bên bụng để xác định bên nào là lưng, chi của thai nhi.
  • Xác định lại tên ngôi thế kiểu thế thai nhi: Dùng ngón cái và các ngón còn lại của bàn tay phải để sờ nắn vùng trên xương vệ của sản phụ nhằm xác định lại tên của phần thai đang nằm ở đoạn dưới của tử cung.

Cuối cùng, để chẩn đoán ngôi thế kiểu thế của thai nhi, người khám sẽ xoay người lại với chiều mặt hướng về chân sản phụ, sau đó, dùng đầu ngón tay ấn vào xương vệ và theo hướng trục của eo trên. Trường hợp thai nhi ngôi đầu thì bàn tay sẽ bị chặn lại bởi ụ đầu (là một khối u tròn), còn bàn tay kia không bị chặn lại sẽ xuống sâu hơn.

2.2 Thăm khám âm đạo

Thăm khám âm đạo được là phương pháp được thực hiện trong quá trình thai phụ chuyển dạ, khi cổ tử cung đã mở tạo điều kiện thuận lợi để tìm và xác định điểm mốc của ngôi thai, từ đó giúp chẩn đoán ngôi thế kiểu thế của thai nhi chính xác.

Trong thăm khám âm đạo, khi xác định ngôi cần lưu ý cụ thể sau:

  • Đối với ngôi chỏm: cần xác định vị trí của các chóp và rãnh liên đỉnh để từ đó xác định kiểu thế của thai nhi là chẩm chậu trái trước, chẩm chậu trái ngang, chẩm chậu trái sau, chẩm chậu phải trước, chẩm chậu phải ngang, chẩm chậu phải sau, chẩm vệ, chẩm cùng.
  • Đối với ngôi mặt: cần xác định vị trí cằm của thai nhi.
  • Đối với ngôi mông: cần xác định vị trí đỉnh xương cùng và hai ụ ngồi của thai nhi.

2.3 Nghe tim thai

Sử dụng ống nghe gỗ Pinard để nghe tim thai là phương pháp được dùng để hỗ trợ trong chẩn đoán ngôi thế kiểu thế của thai nhi. Trong tử cung, tim thai truyền theo cột sống của thai nhi sát với thành của tử cung hoặc mỏm cùng vai. Tùy theo ngôi thai và độ lọt của ngôi thai, vị trí ống nghe sẽ đặt khác nhau.

  • Khi chẩn đoán là ngôi chỏm và ngôi mông, sử dụng ống nghe để nghe tim thai rõ ở phía lưng hoặc mỏm vai của thai nhi.
  • Đối với ngôi mặt, đặt ống tim thai rõ nhất ở vùng ngực của thai nhi.
Mang thai nhưng không tăng cân, tăng cân ít: Nguyên nhân là gì?
Tùy theo ngôi thai và độ lọt của ngôi thai, vị trí ống nghe sẽ đặt khác nhau

2.4 Các phương pháp khác

Siêu âm hoặc chụp X-quang là những phương pháp khác được dùng để hỗ trợ chẩn đoán ngôi thế kiểu thế của thai nhi trong những trường hợp gặp nhiều khó khăn như:

  • Sản phụ bị béo phì, thừa cân
  • Thành bụng của sản phụ dày, chắc
  • Ối nhiều
  • Rau bám trước

3. Khi nào phải chẩn đoán ngôi thế kiểu thế?

Chẩn đoán ngôi thế kiểu thế là thủ thuật bắt buộc được thực hiện trong giai đoạn thai phụ chuyển dạ để cả y bác sĩ và người mẹ biết được quá trình sinh nở có thể diễn tiến như thế nào hoặc đưa ra quyết định đối cuộc sinh. Qua đó, đánh giá khả năng sinh bằng đường âm đạo của sản phụ.

Khi xác định ngôi, trong ngôi dọc, tùy vào độ cúi của phần đầu thai nhi, các kiểu ngôi sau sẽ ảnh hưởng đến khả năng sinh đường âm đạo của sản phụ như:

  • Ngôi chỏm: Đầu của thai nhi cúi hẳn, sản phụ có khả năng sinh được với đường âm đạo.
  • Ngôi mặt: Đầu của thai nhi ngửa hẳn. Khi chẩn đoán ngôi thế kiểu thế với ngôi mặt, nếu là ngôi mặt cằm vệ thì sản phụ có khả năng sinh được bằng đường âm đạo, còn nếu là ngôi mặt cằm cùng thì không có khả năng sinh được với đường âm đạo.
  • Ngôi trán: Đầu của thai nhi ở tư thế trung gian, sản phụ không thể sinh được với đường âm đạo.
  • Ngôi thóp trước: Đầu của thai nhi cúi hơn so với ngôi trán. Nếu chẩn đoán ngôi thế kiểu thế là ngôi thoi trước và ngôi cố định ở tiểu khung thì sản phụ không thể sinh đường âm đạo.
  • Ngôi ngược hoặc ngôi mông: Đầu của thai nhi nằm ở trên. Trong đó chia ra nhiều trường hợp cụ thể gồm ngôi ngược hoàn toàn (mông và chân của thi nhi ở phần eo trên), ngôi ngược không hoàn toàn kiểu mông (mông của thai nhi trước eo trên và 2 chân vắt lên 2 vai), ngôi ngược không hoàn toàn kiểu đầu gối (2 đầu gối ở trước eo trên, thai nhi có hình dáng quỳ trong tử cung) và ngôi ngược không hoàn toàn kiểu chân (2 chân trước eo trên, thai nhi có hình dáng đứng trong tử cung. Khi chẩn đoán ngôi thế kiểu thế là ngôi ngược, sản phụ có khả năng sinh đường âm đạo với điều kiện thai nhỏ.
  • Đối với trường hợp ngôi ngang (hay còn gọi là ngôi vai, do vai ở trước eo trên), sản phụ không thể sinh đường âm đạo.
Xử trí khi thai nhi ngôi vai
Chẩn đoán ngôi thế kiểu thế là thủ thuật bắt buộc được thực hiện trong giai đoạn thai phụ chuyển dạ để cả y bác sĩ và người mẹ biết được quá trình sinh nở có thể diễn tiến như thế nào

Chẩn đoán ngôi thế kiểu thế của thai nhi bắt buộc được thực hiện khi sản phụ chuyển dạ để đánh giá khả năng sinh đường âm đạo của sản phụ, hoặc giúp đưa ra quyết định sinh nở.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

13.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan