Khả năng sinh con sau phẫu thuật cắt buồng trứng

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Tiến sĩ, BS.Ngô Thị Uyên - Bác sĩ Sản phụ khoa -
Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang

Ở phụ nữ, buồng trứng được biết đến với chức năng chủ yếu là sản sinh noãn bào và chức năng nội tiết tạo ra các hormone sinh dục nữ. Trong trường hợp bắt buộc phải phẫu thuật cắt buồng trứng, chị em thường lo lắng về việc cắt 1 bên hoặc cắt 2 bên buồng trứng có con được không.

1. Nguyên nhân khiến phụ nữ phải phẫu thuật cắt buồng trứng

Việc cắt 1 bên hoặc cả 2 bên buồng trứng là một phẫu thuật ngoại khoa để loại bỏ buồng trứng và đôi khi đi kèm cả ống dẫn trứng. Nếu người phụ nữ gặp phải một trong những tình trạng sau đây, việc phẫu thuật cắt buồng trứng có thể được cân nhắc tiến hành trên 1 hoặc cả 2 bên:

1.1 U nang buồng trứng

U nang buồng trứng là hiện tượng xuất hiện khối nhỏ chứa dịch lỏng hoặc khối chất rắn ở buồng trứng. Trong những trường hợp u nang buồng trứng lành tính, các bác sĩ phẫu thuật thường bóc u để lại tổ chức lành của buồng trứng, chỉ trong những trường hợp khó như dính tiểu khung, khối u quá to, u nang buồng trứng xoắn hoại tử...mới phải cắt cả buồng trứng.

1.2 Ung thư buồng trứng

Ung thư buồng trứng bắt đầu khi các tế bào buồng trứng đột biến bất thường và nhân lên một cách không kiểm soát được. Phụ nữ có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư vú hoặc ung thư buồng trứng sẽ có nguy cơ cao mắc phải loại ung thư này. Điều này rất có thể khiến bệnh nhân phải cắt bỏ 1 bên hoặc cả 2 bên buồng trứng tùy trường hợp.

1.3 Lạc nội mạc tử cung ở buồng trứng

Trong kỳ hành kinh, lớp niêm mạc lót bên trong của tử cung bong ra và thoát ra khỏi âm đạo cùng với máu tạo nên hiện tượng kinh nguyệt. Nếu lớp niêm mạc tử cung vì một lý do nào đó nằm ở ngoài buồng tử cung thì gọi là lạc nội mạc tử cung. Các khối niêm mạc tử cung phát triển ở bên ngoài tử cung (trong ổ bụng, ống dẫn trứng, buồng trứng... ) hoạt động giống như niêm mạc trong tử cung nên chúng vẫn sẽ bị bong ra và chảy máu theo kỳ kinh nguyệt. Tuy nhiên, các mô này nằm bên ngoài tử cung nên máu kinh nguyệt không thể chảy ra ngoài mà bị tích lại, gây ra hiện tượng chảy máu bên trong và nhiễm trùng, dẫn đến nhiều triệu chứng nguy hiểm khác. Điều này dẫn đến khả năng phải can thiệp ngoại khoa rất cao.

1.4 Áp xe buồng trứng

Trong nhiều trường hợp nhiễm trùng có túi mủ hình thành bên trong ống dẫn trứng và buồng trứng, còn gọi là áp xe phần phụ . Khi đó, tùy tình trạng buồng trứng bị áp xe có thể cần phải được loại bỏ.

2. Cơ hội mang thai sau khi cắt 1 bên buồng trứng

Buồng trứng chứa các nang noãn và là cơ quan sản sinh ra các nội tiết tố nữ, một trong những bộ phận quan trọng quyết định chức năng sinh sản của người phụ nữ. Trong mỗi chu kỳ kinh nguyệt, các nang noãn phát triển và được phóng noãn vào giữa chu kỳ kinh. Nếu noãn này gặp tinh trùng thì xảy ra hiện tượng thụ thai. Khả năng thụ thai sẽ cao nhất khi có cả 2 buồng trứng khỏe mạnh.

Khả năng sinh con sau phẫu thuật cắt buồng trứng
Cơ hội mang thai sau khi cắt 1 bên buồng trứng là 50%

Cơ hội thụ thai thành công sau khi đã cắt bỏ 1 bên buồng trứng giảm xuống còn 50% so với 2 buồng trứng. Theo cấu trúc sinh lý tự nhiên, buồng trứng là điều kiện cần để đánh giá mức độ thụ thai thành công sau mỗi lần quan hệ của một người phụ nữ. Tương ứng với 2 buồng trứng sẽ là 2 ống dẫn trứng. Cả hai bộ phận này đều có nhiệm vụ dẫn tinh trùng tìm đến noãn bào và tạo thành phôi thai. Hai buồng trứng đều thực hiện cùng một nhiệm vụ nhưng lại hoạt động độc lập với nhau. Vì vậy, nếu phải cắt 1 bên buồng trứng thì bên còn lại vẫn có đủ khả năng để duy trì sức khỏe sinh sản của người phụ nữ.

3. Lưu ý sau khi cắt 1 bên buồng trứng

Sau khi phẫu thuật cắt bỏ 1 bên, những can thiệp ở vùng chậu này có thể để lại những sẹo dính. Khi muốn có thai và thụ tinh thành công thì ngoài việc canh ngày rụng trứng chính xác, hai vợ chồng cần kiêng cữ ít nhất là 3- 6 tháng sau phẫu thuật để cho cơ thể người phụ nữ khỏe hẳn lại và giúp buồng trứng còn lại hoạt động trở lại bình thường.

Nếu thoải mái trong việc quan hệ vợ chồng mà sau khoảng một năm vẫn chưa có thai thì người vợ cần đến bệnh viện kiểm tra vòi trứng của bên còn lại thông hay tắc, buồng trứng còn lại có phóng noãn hàng tháng không.

4. Cắt 2 bên buồng trứng có con được không?

Cắt bỏ 2 bên buồng trứng thì người phụ nữ sẽ không thể sản xuất được noãn bào và mất khả năng thụ thai tự nhiên. Khi đó, chị em đừng suy sụp tinh thần vì chị em hoàn toàn có thể có thai thông qua phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm, bằng cách xin noãn từ một người phụ nữ khác. Do đó, cắt cả 2 bên buồng trứng tuy không tự thụ thai tự nhiên thành công nhưng vẫn có thể mang thai và có con nhờ các kỹ thuật hỗ trợ khác.

Như vậy, nếu như vì một lý do nào đó mà phụ nữ phải cắt bỏ 1 bên buồng trứng hoặc thậm chí cả 2 bên thì cũng không nên quá lo lắng. Trường hợp cắt bỏ 1 bên thì cơ hội có thai là 50%, còn trường hợp cắt cả 2 bên phụ nữ vẫn có thể có con nhờ thụ tinh ống nghiệm.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

47.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan