Dậy thì sớm có gây mãn kinh sớm không?

Trong cuộc đời người phụ nữ có 2 mốc đánh dấu tương đối quan trọng là dậy thì và mãn kinh. Dậy thì hay mãn kinh đều có liên quan đến chức năng sinh sản ở phụ nữ. Ngày nay, hiện tượng dậy thì sớm xảy ra khá nhiều. Câu hỏi đặt ra là dậy thì sớm có sao không? Liệu dậy thì sớm có mãn kinh sớm không?

1. Dậy thì sớm có sao không?

Dậy thì là một quá trình thay đổi tâm sinh lý mà qua đó, trẻ sẽ phát triển trở thành một cơ thể trưởng thành, có khả năng sinh sản.

Trong suốt quá trình dậy thì, trẻ sẽ có nhiều thay đổi về mặt thể chất và diễn biến tâm lý. Dậy thì sớm là khi những thay đổi này đến sớm hơn so với bình thường, với bé gái được hướng tới dậy thì sớm nếu trẻ có biểu hiện dậy thì trước 8 tuổi, bé trai trước 9 tuổi.

Dậy thì sớm có sao không? Đây là câu hỏi được rất nhiều phụ huynh đặt ra khi nói chuyện với các bác sĩ chuyên khoa về tình trạng của con cái. Thực tế, dậy thì sớm có ảnh hưởng khá nhiều tới trẻ.

Việc phát triển thể chất sớm hơn mốc thời gian quy ước có thể gây những ảnh hưởng về sau. Ở những trẻ dậy thì sớm, hệ xương phát triển sớm, khi mới dậy thì bạn sẽ thấy con bạn cao hơn các trẻ cùng lứa tuổi. Tuy nhiên, do đầu xương đóng sớm, nên sự phát triển chiều cao bị giới hạn, khi trưởng thành trẻ sẽ thấp hơn bình thường.

Dậy thì sớm làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh lý toàn thân như huyết áp, tiểu đường, béo phì... Ở bé gái, rối loạn nội tiết sớm dẫn đến nguy cơ mắc hội chứng buồng trứng đa nang, có thể gây ảnh hưởng đến chức năng sinh sản của trẻ ở những giai đoạn sau.

Không chỉ ảnh hưởng sức khỏe, dậy thì sớm có thể gây nên những rối loạn tâm sinh lý tuổi dậy thì, kéo theo những rối loạn hành vi ở trẻ.

Quan hệ tình dục sớm, mang thai sớm khi còn quá nhỏ cũng là một trong những điều đáng lo ngại ở những trẻ dậy thì sớm. Tuy nói vậy, nhưng nếu trẻ có dấu hiệu dậy thì sớm mà gia đình phát hiện kịp thời để có hướng xử lý, điều trị phù hợp, kết hợp với việc động viên củng cố tinh thần thì trẻ vẫn có thể phát triển khỏe mạnh, bình thường như những bạn bè cùng trang lứa khác.

2. Dậy thì sớm có mãn kinh sớm không?

Nếu nói dậy thì là cột mốc đánh dấu thời điểm bắt đầu chức năng sinh sản ở người phụ nữ thì mãn kinh lại là dấu hiệu báo hiệu sự kết thúc của tuổi sinh sản.

Bước vào giai đoạn mãn kinh, phụ nữ sẽ không có chu kỳ rụng trứng, kinh nguyệt bị mất đi và phụ nữ sẽ không thể sinh con được nữa. Mãn kinh thường xảy ra trong độ tuổi từ 45 đến 55 tuổi, có thể sớm hơn hoặc muộn hơn tùy vào cơ thể của mỗi người. Nếu người phụ nữ bắt đầu có dấu hiệu tiền mãn kinh trước 45 tuổi thì được xem như mãn kinh sớm.

Trả lời cho câu hỏi dậy thì sớm có mãn kinh sớm không, các chuyên gia nói rằng, chức năng của buồng trứng không bị ảnh hưởng bởi việc trẻ dậy thì sớm hay muộn.

Trong hệ sinh dục nữ giới, buồng trứng có vai trò cực kỳ quan trọng. Buồng trứng là tuyến sinh dục có nhiệm vụ điều tiết các hormon sinh dục ở nữ giới, đồng thời sản sinh ra các tế bào trứng. Việc trứng rụng hàng tháng sẽ tạo nên các chu kỳ kinh nguyệt. Nếu không có trứng sẽ không có kinh nguyệt, và đương nhiên, không thể có khả năng thụ thai rồi sinh con.

Nghiên cứu về giải phẫu với mô phôi cho biết, trẻ vừa sinh ra đã có 1 triệu đến 2 triệu quả trứng. Sau khi trẻ được sinh ra, trứng sẽ không được sản sinh thêm mà bị chết dần đi. Ước tính mỗi tháng trẻ mất đi khoảng 10000 quả trứng, cho đến khi dậy thì, trẻ chỉ còn lại khoảng 300 đến 400 quả. Số liệu này chỉ mang tính tham khảo, số quả trứng thực tế của mỗi người phụ nữ là khác nhau, có thể cao hơn hoặc thấp hơn tùy mỗi người.

Trứng của buồng trứng cũng có chu kỳ chín và rụng tương ứng với các chu kỳ kinh nguyệt. Khi hết trứng, nữ giới sẽ bước vào giai đoạn mãn kinh, tức là dừng kinh nguyệt. Do đó, bản chất việc mãn kinh sớm hay muộn phụ thuộc vào chức năng buồng trứng và số lượng trứng trong cơ thể. Vậy nên không thể khẳng định có kinh sớm thì mãn kinh sớm.

Một số nguyên nhân gây mãn kinh sớm ở nữ giới:

  • Yếu tố di truyền.
  • Suy giảm chức năng buồng trứng trong suy buồng trứng nguyên phát.
  • Do bị mắc một số bệnh toàn thân như bệnh tự miễn (bệnh thấp khớp, bệnh về tuyến giáp,...), hay do mắc các khiếm khuyết về nhiễm sắc thể như trong hội chứng Turner, hội chứng Fragile X...
  • Do bị suy giảm tự nhiên của nồng độ các hormon sinh dục nữ, thường là suy giảm nồng độ estrogen và progesteron.
  • Do điều trị bệnh lý có chỉ định cắt tử cung hay cắt buồng trứng.
  • Do sử dụng hóa trị liệu, xạ trị.
  • Đôi khi, một lối sống không lành mạnh, ăn uống không khoa học, sử dụng quá nhiều các chất kích thích cũng có thể gây nên tình trạng mãn kinh sớm ở nữ giới.

Cả dậy thì và mãn kinh đều là 2 giai đoạn quan trọng với phụ nữ. Dậy thì sớm hay mãn kinh sớm cũng đều có tác động trực tiếp đến khả năng sinh sản. Không thể nói có kinh sớm thì mãn kinh sớm bởi vốn dĩ việc mất kinh sớm hay muộn phụ thuộc vào chức năng buồng trứng và số lượng trứng trong cơ thể. Hãy liên hệ bác sĩ để được tư vấn cụ thể nếu bạn đang gặp vấn đề về dậy thì sớm hay mãn kinh sớm.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan