Dấu hiệu vết mổ sau sinh bị nhiễm trùng

Nhiễm trùng vết mổ sau sinh là một biến chứng của phẫu thuật, có thể ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe của sản phụ và quá trình chăm sóc trẻ sơ sinh. Do đó, cần sát sao theo dõi sức khỏe sản phụ để kịp thời phát hiện dấu hiệu nhiễm trùng vết mổ sau sinh.

1. Nguy cơ nhiễm trùng vết mổ sau sinh

Tỷ lệ mổ lấy thai hiện đang gia tăng ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Một số nguyên nhân như phụ nữ đẻ ít đi, tỷ lệ con so nhiều lên, con so nhiễm độc thai nghén, đẻ khó, mang thai khi đã lớn tuổi,... làm gia tăng tỷ lệ mổ lấy thai. Tuy nhiên, tỷ lệ sinh mổ gia tăng cũng tỷ lệ thuận với tỷ lệ nhiễm trùng vết mổ cơ tử cung sau khi lấy thai.

Nhiễm trùng vết mổ sau sinh là một biến chứng của phẫu thuật, xảy ra sau khi sinh mổ lấy thai. Tình trạng này ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của người mẹ, kéo dài thời gian điều trị sau mổ cho sản phụ và ảnh hưởng tới việc nuôi con bằng sữa mẹ. Đặc biệt, thể nặng của nhiễm khuẩn vết mổ sau sinh là nhiễm khuẩn vết mổ cơ tử cung. Nó có thể dẫn tới những hậu quả nặng nề như: Buộc phải cắt tử cung, nhiễm khuẩn huyết, thậm chí đe dọa tính mạng sản phụ nếu không được chẩn đoán, xử lý kịp thời.

2. Nguyên nhân vết mổ sau sinh bị nhiễm trùng

Có một số yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm trùng vết mổ sau sinh. Đó là:

  • Trước mổ: Bệnh nhân bị nhiễm khuẩn ối, chuyển dạ kéo dài, khám âm đạo nhiều lần, viêm âm đạo, mắc bệnh lý nền (đái tháo đường, thiếu máu, tiền sản giật, béo phì,...), vết mổ cũ nhiều lần, nhau tiền đạo, nhau cài răng lược;
  • Trong mổ: Sót nhau, sót màng, thời gian mổ kéo dài, mất máu nhiều, vết mổ cũ dính, rách thêm, máu tụ;
  • Sau mổ: Người bệnh kém vận động, bế sản dịch, vệ sinh hoặc dinh dưỡng không đảm bảo.

Các nghiên cứu ghi nhận, có khoảng 33% trường hợp nhiễm khuẩn vết mổ có thể dự phòng. Do đó, cần nâng cao ý thức về phòng ngừa nhiễm khuẩn mổ lấy thai trước, trong và sau phẫu thuật.

XEM THÊM: Sưng tấy, chảy mủ vết mổ phải điều trị thế nào?

vết mổ sau sinh bị nhiễm trùng
Bế sản dịch là một trong các nguyên nhân gây vết mổ sau sinh bị nhiễm trùng

3. Dấu hiệu nhiễm trùng vết mổ sau sinh

3.1 Đặc điểm lâm sàng

Biểu hiện đặc trưng của tình trạng nhiễm khuẩn là vết mổ sau sinh bị mưng mủ. Ngoài ra, bệnh nhân còn có các triệu chứng khác như sốt, đau bụng, sản dịch đục và có mùi hôi, lắc cổ tử cung đau, ra huyết âm đạo bất thường, tiêu chảy (đi tiêu phân lỏng trên 3 lần/ngày), bụng chướng, chán ăn, mệt mỏi, môi khô, lưỡi bẩn.

3.2 Đặc điểm cận lâm sàng

Giá trị giới hạn trong chẩn đoán nhiễm trùng vết mổ cơ tử cung là:

  • Bạch cầu: trên 12.000, dưới 4.000/mcL;
  • CRP (C-Reactive protein): < 10 mg/l là bình thường; 10-40 mg/l là tăng nhẹ theo tuổi, cao hơn thấy ở người có thai 3 tháng cuối, viêm nhẹ và nhiễm virus; 40-200 mg/l là tình trạng có viêm, nhiễm trùng; ≥ 200 mg/l là tình trạng nhiễm trùng nặng và bỏng;
  • Procalcitonin (PCT): Chỉ định thực hiện khi cần thiết;
  • Cấy máu: Dương tính trong 10 - 30% trường hợp;
  • Siêu âm: Chỉ định trong trường hợp nghi ngờ sót nhau, abces, khối máu tụ, dịch ổ bụng;
  • XQ: Dấu liệt ruột;
  • MRI, CT: Ít chỉ định. Thường dùng để chẩn đoán abscess hoặc khối máu tụ nhiễm trùng vùng chậu.

4. Điều trị vết mổ bị nhiễm trùng sau sinh

4.1 Điều trị nội khoa

  • Dùng kháng sinh bao vây, phối hợp, đường truyền tĩnh mạch: Kháng sinh tiêu diệt vi khuẩn gram +, gram - và kỵ khí;
  • Dùng thuốc tăng co hồi tử cung;
  • Theo dõi diễn tiến bệnh, khả năng đáp ứng với kháng sinh, có thể đưa ra quyết định phẫu thuật giải quyết ổ nhiễm trùng (cắt tử cung toàn phần) tùy thuộc đánh giá lâm sàng.

90 - 95% bệnh nhân được điều trị thành công bằng phương pháp này. Người bệnh hết sốt trong vòng 24 - 48 tiếng. Các bác sĩ cần theo dõi bạch cầu và CRP của bệnh nhân để xem xét sự cải thiện của các triệu chứng cận lâm sàng.

Nếu người bệnh không hết sốt trong khoảng thời gian này thì cần xem xét lý do thất bại của liệu pháp. Có nhiều nguyên nhân khiến việc điều trị thất bại như: Kháng sinh không bao trùm hết các chủng vi khuẩn, abces, viêm tắc tĩnh mạch vùng chậu do nhiễm trùng, sự tiến triển nhiễm trùng ở một vị trí khác trên cơ thể,... Cần đổi kháng sinh nếu bệnh nhân không hết sốt trong vòng 3 ngày điều trị.

điều trị nội khoa vết mổ sau sinh bị nhiễm trùng
Người bệnh có thể được chỉ định điều trị nội khoa vết mổ sau sinh bị nhiễm trùng

4.2 Phẫu thuật

Phương pháp điều trị này được chỉ định khi người bệnh không đáp ứng tốt với kháng sinh điều trị hoặc có dấu hiệu bụng ngoại khoa. Có các lựa chọn điều trị sau:

  • Bảo tồn: Cắt lọc phần cơ tử cung bị nhiễm trùng nếu phần cơ tử cung còn lại vẫn hồng, đàn hồi tốt, trên những bệnh nhân trẻ tuổi và chưa sinh đủ con. Bác sĩ cần tư vấn cho gia đình về khả năng phải mổ lại để cắt bỏ hoàn toàn phần cơ tử cung;
  • Cắt tử cung hoàn toàn, chừa lại 2 buồng trứng trong trường hợp nhiễm trùng vết mổ cơ tử cung nặng hoặc sản phụ đã lớn tuổi, đã sinh đủ con.

Lựa chọn phương pháp phẫu thuật vẫn cần dẫn lưu và duy trì sử dụng kháng sinh cho bệnh nhân .

Khi lựa chọn sinh mổ, sản phụ và gia đình cần chú ý tới những dấu hiệu vết mổ sau sinh bị nhiễm trùng kể trên để kịp thời thông báo cho bác sĩ và can thiệp xử trí nhanh chóng, tránh nguy cơ biến chứng nguy hiểm.

Sau sinh cơ thể người mẹ thay đổi, sản phụ có thể mắc phải nhiều các bệnh lý như xuất huyết sau sinh, són tiểu, rối loạn tiêu hóa,... Đặc biệt, rất nhiều mẹ sinh mổ mắc phải tình trạng nhiễm trùng vết mổ. Vì thế, sau sinh mẹ nên thăm khám sức khỏe tổng quát tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để được nhận định sức khỏe sau sinh. Mẹ sẽ có cơ hội thăm khám với các bác sĩ chuyên khoa, kết hợp với nhiều các chuyên khoa khác để đưa ra lời tư vấn, chăm sóc, giúp mẹ cải thiện sức khỏe sau sinh, mau chóng bình phục sức khỏe và chăm sóc con trẻ thật tốt.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

56.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan