Chọc hút kim nhỏ mào tinh hoàn trong thụ tinh ống nghiệm

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Cẩm Vân - Bác sĩ lab IVF - Trung tâm Hỗ trợ sinh sản - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Hiện nay dựa trên những tiến bộ của khoa học, nam giới bị vô sinh nhưng vẫn có thể có con bằng cách lấy tinh trùng từ tinh hoàn hoặc từ phần khác của ống dẫn tinh. Kỹ thuật hút tinh trùng từ mào tinh hoàn (PESA) là một trong số những kỹ thuật điều trị vô sinh phổ biến.

1. Kỹ thuật chọc hút kim nhỏ mào tinh hoàn là gì?

Hút tinh trùng từ mào tinh hoàn là phương pháp dùng kim nhỏ chọc xuyên qua vùng da của tinh hoàn vào mào tinh hoàn để hút tinh trùng ra, sau đó tinh trùng sống sẽ được sử dụng để kết hợp với trứng thông qua máy vi thao tác và thụ tinh trong ống nghiệm.

Nguyên tắc kỹ thuật: dùng bơm tiêm gắn kim tiêm nhỏ đưa kim qua da vào vùng mào tinh hoặc vùng tổn thương, sau đó dùng lực hút áp lực âm để các thành phần trong mào tinh hoặc vùng tổn thương vào trong kim. Dịch thu được sẽ được đặt giọt trên lam kính để cố định, nhuộm và đưa ra các nhận định hình thái cũng như sự sắp xếp các thành phần hữu hình dưới kính hiển vi quang học. Từ đó các nhà phân tích có thể xác định được mào tinh có hay không tinh trùng giúp chẩn đoán vô sinh nam hoặc loại tổn thương trong mào tinh.

mào tinh
Chọc hút mào tinh giúp chẩn đoán vô sinh ở nam giới

2. Các bước chuẩn bị trong kỹ thuật chọc hút kim nhỏ mào tinh hoàn

Người thực hiện: Bác sĩ giải phẫu bệnh hoặc bác sĩ lâm sàng được đào tạo chuyên môn về kỹ thuật chọc hút kim nhỏ và kỹ thuật viên giải phẫu bệnh.

Phương tiện và hóa chất:

  • Bông sạch, cồn iod, găng tay vô khuẩn, khẩu trang và băng dính y tế
  • Kẹp không mấu, kéo
  • Hộp đựng bông cắt nhỏ vô trùng và bông cồn sát khuẩn vùng chọc hút
  • Bơm tiêm các mức 10 ml và 20 ml tùy trường hợp với các kích cỡ kim 25G đến 21G
  • Lidocaine 5%
  • Dụng cụ gắn bơm tiêm để chọc hút
  • Hộp đựng kim sạch và hộp đựng kim cũng như các dụng cụ y tế đã qua sử dụng
  • Phiến kính sạch ghi mã số bệnh nhân
  • Dung dịch cố định bệnh phẩm, phẩm nhuộm phiến đồ
  • Các dụng cụ nhuộm và kính hiển vi quang học

Người bệnh:

  • Giải thích cho người bệnh về quy trình, mục đích và nguy cơ trong khi thực hiện các thao tác
  • Khai thác đầy đủ được tiền sử bản thân, tiền sử gia đình và các triệu chứng lâm sàng, cận lâm sàng của người bệnh
  • Thăm khám để xác định vị trí cần chọc hút, màu sắc, số lượng, mật độ và kích thước, sự di động.
Vô sinh ở nam giới
Người bệnh được giải thích và tư vấn trước khi thực hiện kĩ thuật

3. Các bước tiến hành kỹ thuật

Kỹ thuật chọc hút kim nhỏ mào tinh hoàn được thực hiện theo các bước sau:

  • Người bệnh nằm ngửa trên giường bộc lộ vị trí cần chọc hút
  • Sát khuẩn vùng cần chọc bằng cồn iod và gây tê trong da tại vị trí chọc
  • Chọc hút lấy bệnh phẩm theo thao tác sau: cố định vị trí chọc bằng 2 ngón bàn tay trái, tay phải cầm kim có gắn bơm tiêm đâm qua da vào mào tinh hoặc vùng tổn thương, hút dưới áp lực âm để dịch chọ vào lòng kim. Trước khi rút mũi kim cần giải phóng áp lực âm rồi rút nhanh kim qua da, có thể chọc tại nhiều vị trí nếu cần thiết
  • Sát trùng vị trí đã chọc hút
  • Làm phiến đồ, cố định phiến đồ và nhuộm các phiến đồ bằng phương pháp như Giemsa, Diff- Quick,... rồi nhận định kết quả dưới kính hiển vi quang học.

4. Những sai sót trong kỹ thuật và lưu ý trong thao tác

Trong một số trường hợp, việc thực hiện kỹ thuật chọc hút sẽ gặp các sai sót đòi hỏi kỹ thuật viên cần có những lưu ý trong việc chọc hút như sau:

Trường hợp phiến đồ quá nghèo tế bào hoặc không lấy được tế bào của tổn thương:

  • Cần đâm mũi kim trúng tổn thương, không quá nông hay quá sâu, ấn ngón tay giữ chặt vùng cần chọc
  • Không đổi hướng kim khi kim đã đâm vào mô để tránh cho mẫu có quá nhiều hồng cầu, nếu thấy máu nhiều cần chọc thêm 1 mũi ở vị trí khác
  • Phụt một lượng vừa đủ mẫu ra phiến kính và dàn nhẹ đều tay để tránh phiến đồ quá dày hoặc tế bào chồng chất, dát
  • Cố định ngay sau khi dàn phiến đồ tránh làm tế bào thoái hóa không nhận định được hình thái nhân và bào tương
  • Nhuộm đủ thời gian và cố định phiến đồ đủ tốt để tế bào không bắt màu kém dẫn tới mẫu không đánh giá được.
Kim tiêm
Kỹ thuật đâm kim vừa phải để mẫu không bị lẫn quá nhiều máu

Ngoài ra người thực hiện cũng cần phải thuyết phục giải thích để người bệnh hợp tác, thực hiện thao tác đúng tránh chọc vào vị trí khác ngoài tổn thương.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan