Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Hormone progesterone được sản xuất chủ yếu ở buồng trứng bởi hoàng thể giúp chuẩn bị tử cung cho trứng được thụ tinh. Nếu trứng được thụ tinh, progesterone sau đó sẽ giúp niêm mạc tử cung duy trì thai kỳ. Khi mang thai, nhau thai cũng sản xuất progesterone để hỗ trợ thai kỳ khỏe mạnh.
1. Hormone progesterone và vai trò
Progesterone là một trong những hormone trong cơ thể chúng ta kích thích và điều chỉnh các chức năng khác nhau. Hormone progesterone được sản xuất trong buồng trứng, nhau thai (khi phụ nữ mang thai) và tuyến thượng thận. Nó giúp chuẩn bị cho cơ thể của bạn để thụ thai và mang thai và điều chỉnh chu kỳ kinh nguyệt hàng tháng. Nó cũng đóng một vai trò trong ham muốn tình dục.
Hormone progesterone đóng vai trò trong việc duy trì thai kỳ:
- Một trong những vai trò quan trọng nhất của hormone progesterone là làm cho nội mạc tử cung tiết ra các protein đặc biệt trong nửa sau của chu kỳ kinh nguyệt, chuẩn bị để nhận và nuôi dưỡng trứng được thụ tinh.
- Nếu thụ tinh không xảy ra, nồng độ estrogen và progesterone giảm, nội mạc tử cung bị phá vỡ và kinh nguyệt sẽ xảy ra.
- Nếu có thai, hormone progesterone được sản xuất trong nhau thai và nồng độ vẫn tăng trong suốt thai kỳ. Sự kết hợp của nồng độ estrogen và progesterone cao sẽ ngăn chặn sự rụng trứng tiếp theo trong thai kỳ.
- Progesterone còn có tác dụng tăng huyết động mạch và glycogen trong niêm mạc tử cung để đảm bảo chất dinh dưỡng cho thai nhi.
- Hỗ trợ tuyến vú phát triển trong suốt thai kỳ, có vai trò trong quá trình tạo sữa sau sinh.
- Tạo nút nhầy cổ tử cung người mẹ để tránh sự xâm nhập của vi khuẩn.
Đối với nam giới, hormone progesterone có nhiệm vụ hỗ trợ sự hình thành và phát triển của tinh trùng. Tuy nhiên, ở nam giới nồng độ progesterone trong cơ thể là rất nhỏ.
2. Xét nghiệm progesterone
Xét nghiệm progesterone dùng để đo chỉ số progesterone trong máu. Chỉ số progesterone thay đổi trong chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ. Các chỉ số bắt đầu thấp, sau đó tăng lên sau khi buồng trứng giải phóng trứng. Nếu có thai, chỉ số progesterone sẽ tiếp tục tăng khi cơ thể sẵn sàng hỗ trợ em bé đang phát triển. Nếu không mang thai (trứng của không được thụ tinh), chỉ số progesterone sẽ giảm và chu kỳ mới sẽ bắt đầu.
Nồng độ progesterone ở phụ nữ mang thai cao hơn khoảng 10 lần so với phụ nữ không mang thai. Đàn ông cũng tạo ra progesterone, nhưng với số lượng nhỏ hơn nhiều. Ở nam giới, progesterone được tạo ra bởi tuyến thượng thận và tinh hoàn.
Xét nghiệm progesterone được sử dụng để:
- Tìm nguyên nhân gây vô sinh của phụ nữ (không có khả năng sinh con)
- Chẩn đoán khi đang rụng trứng
- Tìm hiểu nguy cơ sảy thai
- Theo dõi thai kỳ có nguy cơ cao
- Chẩn đoán thai ngoài tử cung, thai phát triển sai vị trí (bên ngoài tử cung). Một em bé đang phát triển không thể sống sót khi mang thai ngoài tử cung. Tình trạng này là nguy hiểm và đôi khi đe dọa đến tính mạng đối với phụ nữ.
Quá trình xét nghiệm progesterone bao gồm:
- Bác sĩ lấy một mẫu máu từ tĩnh mạch trên cánh tay, sử dụng một cây kim nhỏ.
- Một lượng máu nhỏ sẽ được thu thập vào ống nghiệm hoặc lọ.
- Gửi mẫu máu đến phòng thí nghiệm để xét nghiệm.
- Nhận kết quả xét nghiệm sau đó trong vòng 24 giờ.
3. Chỉ số xét nghiệm progesterone bình thường
Xét nghiệm progesterone bao nhiêu là bình thường? Còn tùy thuộc vào giới tính, tuổi tác, chu kỳ kinh nguyệt và có đang mang thai hay không.
Kết quả xét nghiệm progesterone bình thường rơi vào các phạm vi sau:
- Đàn ông, phụ nữ mãn kinh và phụ nữ khi bắt đầu chu kỳ kinh nguyệt: 1 ng/mL hoặc dưới.
- Phụ nữ ở giữa chu kỳ kinh nguyệt: 5 đến 20 ng/mL.
- Phụ nữ mang thai trong ba tháng đầu: 11,2 đến 90 ng/mL.
- Phụ nữ mang thai trong ba tháng giữa: 25,6 đến 89,4 ng/mL.
- Phụ nữ mang thai trong ba tháng cuối: 48,4 đến 42,5 ng/mL.
Nếu Chỉ số progesterone không dao động thường xuyên: Xét nghiệm cho thấy mức progesterone của bạn không tăng và giảm hàng tháng, như bình thường, thì bạn có thể không rụng trứng hoặc có kinh nguyệt không đều đặn. Điều này có thể làm cho việc mang thai khó khăn hơn.
Nồng độ progesterone không tăng: Nếu bạn đang ở giai đoạn đầu của thai kỳ nhưng nồng độ progesterone vẫn không tăng, như mong đợi, điều này có thể báo hiệu các vấn đề, chẳng hạn như có khả năng sảy thai.
Chỉ số progesterone cao: Nếu bạn không mang thai, nhưng xét nghiệm cho thấy lượng progesterone tăng lên, kết quả như vậy có thể do:
- U nang buồng trứng.
- Dạng ung thư buồng trứng hiếm gặp.
- Các tuyến sản xuất quá nhiều progesterone.
- Ung thư tuyến thượng thận.
Chỉ số progesterone thấp: Nếu xét nghiệm cho thấy mức progesterone thấp hơn bình thường, đó có thể là do:
- Nhiễm độc máu - một tình trạng có thể xảy ra muộn trong thai kỳ của bạn có thể nghiêm trọng nếu không được điều trị.
- Buồng trứng không hoạt động bình thường.
- Không có hoặc mất kinh nguyệt.
- Sảy thai.
Hormone progesterone ở nữ giới đóng vai trò quan trọng trong việc thụ thai. Xét nghiệm progesterone có thể giúp bác sĩ kiểm tra chỉ số progesterone để đảm bảo chỉ số này dao động ở mức bình thường, giúp bạn tăng khả năng thụ thai và có một thai kỳ khỏe mạnh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.