Chăm sóc sức khỏe của mẹ sau khi sinh cũng quan trọng như chăm em bé

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Nhất Nguyên - Bác sĩ Chuyên khoa sản - Khoa Sản Phụ Khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Sau khi bé chào đời là lúc cơ thể mẹ dần khôi phục những thay đổi trong thai kỳ và sinh nở. Chăm sóc trẻ sơ sinh thường chiếm hầu hết thời gian, nhưng khám sức khỏe bà mẹ sau sinh cũng quan trọng không kém. Các mẹ phải cố gắng nghỉ ngơi và thư giãn càng nhiều càng tốt.

1. Những khó chịu của phụ nữ thời kỳ hậu sản

Gặp bác sĩ thường xuyên là rất quan trọng để có một thai kỳ khỏe mạnh, nhưng việc khám sức khỏe bà mẹ sau sinh định kỳ và giữa các lần mang thai cũng không nên bỏ qua. Hầu hết phụ nữ đều cảm thấy đẻ xong sức khỏe suy giảm, chủ yếu là do gặp phải những vấn đề khó chịu sau:

  • Sự thu hồi của tử cung

Sau khi lấy nhau ra, tử cung sẽ co thành một khối cầu. Ngày đầu tiên, đáy tử cung cao khoảng 13cm, trung bình mỗi ngày giảm đi 1cm. Sau 12 - 13 ngày, tử cung đã thu nhỏ vừa đủ để nằm gọn trong vùng chậu, không còn sờ thấy trên bụng nữa. Sự thu hồi tử cung ở người mới làm mẹ lần đầu và cho con bú sẽ nhanh hơn, khác nhau tùy vào cơ địa và số lần sinh của mỗi phụ nữ. Tử cung bị nhiễm trùng sẽ thu hồi chậm hơn.

  • Chảy máu

Chảy máu âm đạo có thể xuất hiện bất cứ lúc nào trong 2 - 6 tuần sau sinh. Cho bé bú sữa mẹ giúp sản dịch ngưng nhanh hơn. Ban đầu dịch sẽ có màu đỏ tươi và ra nhiều, dần dần giảm bớt và chuyển sang màu nâu nhạt, kéo dài cho đến kỳ kinh đầu tiên. Phụ nữ sau sinh cần dùng băng vệ sinh thông thường để thấm sản dịch, không nên dùng loại tampon nhét trong âm đạo để tránh nhiễm trùng.

  • Vết khâu tầng sinh môn

Nếu bị rách hay cắt tầng sinh môn, thì vết khâu cần được kiểm tra xem có bị sưng nề, bầm tím, đỏ, đau, tụ máu mủ... hay không. Sản phụ cần bôi thuốc thuốc sát trùng 3 lần/ngày, vệ sinh khi tiêu tiểu, thường xuyên thay mới băng vệ sinh, tránh để ẩm ướt kéo dài sẽ khiến vết thương chậm lành và dễ nhiễm trùng, tập đi tiểu, ngồi dậy đi lại, tránh bị táo bón... Bác sĩ sẽ cho sử dụng kháng sinh trong 5 ngày, nếu ổn định và may bằng chỉ không tiêu thì sẽ được cắt chỉ vào ngày thứ 5 sau sinh.

Vết khâu tầng sinh môn bị đau nhức
Nếu bị rách hay cắt tầng sinh môn, thì vết khâu cần được kiểm tra xem có bị sưng nề, bầm tím, đỏ, đau, tụ máu mủ
  • Táo bón

Bên cạnh sự suy giảm lớn hormone khiến mẹ rất mệt mỏi, thì táo bón cũng là triệu chứng thường gặp sau sinh. Để cải thiện, mẹ nên uống nhiều nước, bổ sung chất xơ - như ngũ cốc nguyên hạt, trái cây tươi và rau. Một số cách khác được khuyến nghị bao gồm: đi dạo, tập Kegel, hạn chế stress, sử dụng chất làm mềm phân hoặc nhai kẹo cao su để kích thích phản xạ tiêu hóa.

  • Bàng quang

Mẹ phải đi tiểu nhiều hơn trong những ngày đầu để thải đi nước dư tích lại trong thai kỳ. Tiểu tiện ban đầu sẽ rất khó khăn vì đau, tuy nhiên nên cố gắng tập đi tiểu sau sinh càng sớm càng tốt, bằng cách đứng dậy và đi lại để giúp dòng tiểu mạnh hơn. Nếu có mũi khâu thì xối nước ấm để đỡ đau rát.

2. Chăm sóc sức khỏe sau sinh và giữa các lần mang thai

Trong các khuyến nghị mới được công bố, các chuyên gia sản phụ khoa Hoa Kỳ nhấn mạnh rằng tất cả phụ nữ trong độ tuổi sinh sản đã mang thai (ngay cả khi bạn chưa thật sự có con do sảy thai hoặc phá thai) đều cần chú trọng chăm sóc sức khỏe. Việc chăm sóc sức khỏe sau sinh và giữa các lần mang thai giúp bạn khỏe mạnh về tinh thần và thể chất trong thời gian dài, cũng như làm tăng cơ hội mang thai thành công nếu bạn quyết định sinh thêm con.

Ngành y tế Hoa Kỳ đang cố gắng giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ sau sinh bằng cách đảm bảo sức khỏe của phụ nữ vừa vượt cạn cũng phải được chú trọng như đứa trẻ vừa ra đời. Chăm sóc sức khỏe giữa các lần mang thai có thể bao gồm:

  • Hướng dẫn nuôi con bằng sữa mẹ tốt cho bạn và đứa trẻ
  • Lập kế hoạch sinh sản
  • Phát hiện và điều trị trầm cảm sau sinh
  • Giúp giảm cân và lấy lại vóc dáng
  • Hỗ trợ tài chính và pháp lý nếu hoàn cảnh khó khăn, làm mẹ đơn thân hoặc đang trong mối quan hệ lạm dụng
  • Đảm bảo nguồn thực phẩm hoặc nhà ở đầy đủ.
  • Sàng lọc một số bệnh mãn tính thường xuyên, đặc biệt là nếu bạn có thai kỳ nguy cơ cao.
Nuôi con bằng sữa mẹ
Đi khám để được bác sĩ hướng dẫn nuôi con bằng sữa mẹ tốt cho bản thân và đứa trẻ

Nếu bị tiền sản giật, tiểu đường thai kỳ, hoặc huyết áp cao trong thai kỳ, các bác sĩ khuyên bạn nên đến cơ sở y tế thăm khám, để được chăm sóc và sàng lọc bệnh mãn tính. Mặc dù những tình trạng này thường tự khỏi khi em bé đã sinh ra, nhưng người mẹ sẽ có nhiều nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe trong tương lai - chẳng hạn như bệnh tim, tiểu đường loại 2 và huyết áp cao mãn tính. Lý tưởng nhất là nên thảo luận với bác sĩ để phát triển trước một kế hoạch chăm sóc sau sinh trong thời gian bạn vẫn đang mang thai.

Sau 9 tháng 10 ngày mang nặng, thai phụ bước vào cuộc đẻ và phải đối mặt với mức độ đau đẻ được so sánh với gãy 20 cái xương sườn cùng lúc. Để cuộc đẻ diễn ra suôn sẻ, an toàn, thai phụ cần hiểu rõ:
- Quy trình cuộc chuyển dạ diễn ra như thế nào, thường kéo dài trong bao lâu để có hướng sinh thường hay sinh mổ, bảo vệ sức khỏe cho thai nhi.

Chăm sóc sức khỏe sau sinh và giữa các lần mang thai là cơ hội để phụ nữ giải quyết các biến chứng và các vấn đề y tế phát triển trong thai kỳ, được chuyên gia y tế đánh giá sức khỏe tinh thần và thể chất, từ đó tối ưu hóa sức khỏe trong suốt cuộc đời. Hầu hết mọi người chỉ tập trung vào sức khỏe của em bé, nhưng để các bà mẹ chú trọng việc chăm sóc bản thân cũng là một điều có ý nghĩa và rất cần thiết.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: babycenter.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

315 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan