Cắt tử cung bán phần và thắt động mạch hạ vị trong phẫu thuật sản khoa

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS, Bs.Trịnh Thị Thanh Huyền - Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng

Chảy máu sản khoa sau sinh là một nguy cơ lớn đe dọa tính mạng sản phụ. Đây là một cấp cứu sản khoa, người bệnh cần được hồi sức và can thiệp tích cực. Cắt tử cung bán phần và thắt động mạch hạ vị là phương pháp có thể được lựa chọn nếu điều trị nội khoa không hiệu quả.

1. Chỉ định cắt tử cung bán phần và thắt động mạch hạ vị

Chảy máu sản khoa sau sinh là một trong những tai biến nguy hiểm nhất của sản khoa. Chảy máu sản khoa sau sinh được định nghĩa là tình trạng mất hơn 500 ml máu trong và ngay sau cuộc đẻ đường âm đạo hay mổ lấy thai, nếu không được can thiệp tích cực, kịp thời sản phụ sẽ có nguy cơ tử vong cao.

Khi chảy máu sản khoa sau sinh xảy ra, người bệnh sẽ được hồi sức tích cực, thiết lập đường truyền, co hồi tử cung bằng các thuốc như Oxytocin, Methyl-ergometrin, Carbetocin,... kết hợp xoa đáy tử cung, kiểm tra âm đạo cổ tử cung, sử dụng kháng sinh dự phòng. Nếu các biện pháp trên không có hiệu quả sẽ chuyển sang thực hiện các can thiệp ngoại khoa.

Cắt tử cung bán phần và thắt động mạch hạ vị là một trong những phẫu thuật sản khoa có thể được chỉ định trong các trường hợp chảy máu thứ phát sau mổ lấy thai.

Cắt tử cung
Cắt tử cung bán phần giúp điều trị chảy máu sản khoa sau sinh

2. Quá trình cắt tử cung bán phần và thắt động mạch hạ vị diễn ra như thế nào?

2.1 Quá trình chuẩn bị

  • Bác sĩ sản khoa có kinh nghiệm cùng kíp phụ mổ.
  • Phương tiện: Bộ phẫu thuật phụ khoa, dụng cụ phẫu thuật đại phẫu đã được đảm bảo vô trùng, bông, gạc, kim, chỉ chất lượng tốt, thông Neslaton, Disteur dùng để bóc tách và bộc lộ động mạch hạ vị, niệu quản.

Người bệnh: Chuẩn bị người bệnh như một trường hợp cấp cứu sản khoa, thực hiện các xét nghiệm cần thiết, kiểm tra lại thong số máu để đánh giá sự mất máu, tư vấn cho người bệnh mục đích ca mổ và những tai biến có thể xảy ra, khám kỹ tầng sinh môn và cơ vòng hậu môn để phát hiện các tổn thương nếu sinh đường âm đạo.

2.2 Các bước tiến hành

  • Thì 1: Mở bụng theo đường rạch của phẫu thuật lấy thai trước đó, đường ngang trên khớp mu hoặc đường giữa dưới rốn.
  • Thì 2: Tiến hành kẹp cắt dây chằng tròn.
  • Thì 3: Thực hiện bóc tách phúc mạc đoạn dưới tử cung, đẩy xuống dưới, tách bàng quang ra khỏi tử cung.
  • Thì 4: Nếu có cắt bỏ phần phụ thì cặp cắt dây chằng thắt lưng buồng trứng, nếu để lại phần phụ thì cặp cắt dây chằng vòi-buồng trứng.
  • Thì 5: Thực hiện cặp cắt động mạch tử cung hai bên ở ngang mức hoặc thấp hơn một chút phần tử cung sẽ cắt bỏ, vị trí cặp cắt thường là ngang phần ranh giới giữa thân tử cung và cổ tử cung.
  • Thì 6: Tiến hành cắt bỏ thân tử cung, thường cắt theo hình chêm để khâu cầm máu mỏm cắt cho dễ dàng, cổ tử cung được để lại.
  • Thì 7: Khâu mỏm cắt, phủ phúc mạc mỏm cắt.
  • Thì 8: Nếu có chỉ định thì tiến hành thắt động mạch hạ vị. Thắt động mạch hạ vị thực hiện theo các bước sau:
    • Rạch phúc mạc sau tương ứng với vị trí động mạch hạ vị. Xác định điểm mốc ở vị trí 2-3cm bên phải và bên trái mỏm nhô. Dùng kẹp kéo nếp phúc mạc lên để cắt một lỗ thủng ở phúc mạc sau đúng vị trí điểm mốc. Sau đó dùng kéo cong tù tách phúc mạc và cắt rộng phúc mạc xuống dưới khoảng 4cm dọc theo đường đi của động mạch chậu trong.
    • Bộc lộ niệu quản và động mạch hạ vị bằng kéo cong khép kín.
    • Thắt động mạch hạ vị: Sử dụng kẹp mũi cong tù, luồn qua mặt dưới động mạch hạ vị và phía trước tĩnh mạch hạ vị từ ngoài vào trong. Khi mũi kẹp đã lộ rõ ở bờ trong động mạch hạ vị thì mở kẹp ở kẹp sợi chỉ kéo luồn qua động mạch hạ vị. Khi xác định sợi chỉ đã luồn đúng vị trí dưới động mạch hạ vị, tiến hành buộc thắt động mạch hạ vị, cắt chỉ cách nút buộc 1cm.
  • Thì 9: Kiểm tra tình trạng chảy máu và niệu quản hai bên.
  • Thì 10: Tiến hành đóng thành bụng theo các lớp giải phẫu.

3. Tai biến có thể gặp sau phẫu thuật cắt tử cung bán phần và thắt động mạch hạ vị

Phát hiện & điều trị chảy máu tử cung bất thường
Bệnh nhân có thể gặp phải tai biến chảy máu và rối loạn đông máu khi phẫu thuật

Tai biến thường gặp nhất là chảy máu và rối loạn đông máu. Chảy máu xảy ra khi phẫu thuật viên buộc các mạch không kỹ, nguyên nhân gây rối loạn đông máu là do chảy máu kéo dài. Để đề phòng trường hợp trên, trong khi phẫu thuật, phẫu thuật viên cần buộc các cuống mạch thật chắc, tùy vào tình trạng mất máu của bệnh nhân mà chỉ định truyền máu và các chất tăng đông máu. Sau mổ, bệnh nhân cần được theo dõi sát các chỉ số về mạch, huyết áp, huyết động. Đặt ống dẫn lưu ổ bụng nếu có biểu hiện rối loạn đông máu.

Chảy máu sản khoa sau sinh là một nguy cơ khó lường trước, tất cả sản phụ đều được coi là có nguy cơ vì có tới hơn 40% trường hợp chảy máu sau sinh mà không tìm được nguyên nhân. Cắt tử cung bán phầnthắt động mạch hạ vị là phẫu thuật có hiệu quả cao trong điều trị chảy máu sau mổ lấy thai. Tuy nhiên, đây là một kỹ thuật khó, sự thành công của ca mổ phụ thuộc rất lớn vào tay nghề của bác sĩ và điều kiện vật chất, trang thiết bị phục vụ cuộc mổ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: Tài liệu hướng dẫn của Bộ Y tế

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan