Cắt ống dẫn trứng: Những điều cần biết

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Mận - Khoa Sản Phụ Khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng. Bác sĩ đã có trên 10 năm kinh nghiệm trong việc chẩn đoán, tư vấn và điều trị trong lĩnh vực Sản Phụ khoa.

Cắt ống dẫn trứng là thủ thuật loại bỏ 1 hoặc cả hai ống dẫn trứng. Tùy vào mục đích của phẫu thuật, cắt vòi trứng đôi khi cũng được kết hợp với cắt bỏ buồng trứng và tử cung. Những thủ thuật này đều có thể được tiến hành bằng phương pháp mổ hở truyền thống hay phẫu thuật nội soi.

1. Cắt ống dẫn trứng là gì?

Ống dẫn trứng là con đường để trứng di chuyển từ buồng trứng đến tử cung. Cắt ống dẫn trứng là phẫu thuật cắt bỏ một bên ống dẫn trứng (bán phần) hoặc cả hai bên (toàn phần).

Cắt ống dẫn trứng có thể được thực hiện đơn độc hoặc kết hợp với các thủ thuật khác, bao gồm cắt buồng trứng, cắt tử cung và mổ lấy thai nằm hoàn toàn trong tử cung.

2. Chỉ định cắt ống dẫn trứng

Phẫu thuật cắt ống dẫn trứng có thể được tiến hành nhằm điều trị một số vấn đề liên quan đến sức khỏe đường sinh dục của phụ nữ. Thông thường, bác sĩ sẽ đề nghị bệnh nhân cắt ống dẫn trứng trong những trường hợp sau:

  • Mang thai ngoài tử cung;
  • Tắc một hoặc cả hai ống dẫn trứng;
  • Vỡ một hoặc cả hai ống dẫn trứng;
  • Viêm nhiễm vòi trứng;
  • Ung thư ống dẫn trứng.

Trong đó, tỷ lệ mắc ung thư ống dẫn trứng là rất hiếm và chỉ phổ biến ở những phụ nữ có đột biến gen BRCA. Những tổn thương xảy ra ở ống dẫn trứng cũng chỉ xuất hiện ở khoảng một nửa số bệnh nhân có mang đột biến gen BRCA và đã bị ung thư buồng trứng.

Các nghiên cứu phát hiện rằng một số loại ung thư buồng trứng bắt nguồn từ những tế bào bên trong ống dẫn trứng. Do đó, cắt bỏ vòi trứng mang đến hy vọng làm giảm nguy cơ hình thành ung thư buồng trứng.

Ngoài ra, thủ thuật này cũng được biết đến như một phương pháp ngừa thai vĩnh viễn (triệt sản).

Cắt ống dẫn trứng
Bác sĩ sẽ đề nghị bệnh nhân cắt ống dẫn trứng trong trường hợp mang thai ngoài tử cung

3. Chuẩn bị trước phẫu thuật

Bác sĩ phẫu thuật sẽ thảo luận với bệnh nhân về quy trình thực hiện, cũng như cung cấp các hướng dẫn trước và sau phẫu thuật. Những thông tin này có thể khác nhau tùy thuộc vào hình thức mổ hở hay nội soi. Việc xác định hình thức phẫu thuật cũng phải dựa trên các yếu tố như: lý do phẫu thuật, tuổi tác và tình hình sức khỏe của bệnh nhân.

Dưới đây là một vài điều cần chuẩn bị trước khi tiến hành phẫu thuật:

  • Sắp xếp công việc và dành thời gian nghỉ ngơi hoàn toàn sau phẫu thuật. Khi được xuất viện, bệnh nhân vẫn có thể bị choáng vì tác dụng của thuốc mê và đau tại vết mổ;
  • Hỏi bác sĩ về những loại thuốc được phép sử dụng trước, trong và sau ngày phẫu thuật;
  • Nắm rõ yêu cầu về thời gian nhịn ăn trước khi tiến hành phẫu thuật;
  • Chuẩn bị những bộ quần áo rộng và thoải mái để mặc khi được về nhà.

4. Quy trình tiến hành phẫu thuật

4.1. Mổ hở truyền thống

Ngay trước khi phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được gây mê toàn thân. Sau đó, bác sĩ sẽ rạch một đường dài khoảng vài cm ở bụng dưới của bệnh nhân. Thông qua vết mổ này, ống dẫn trứng được nhìn thấy và lấy ra khỏi cơ thể. Cuối cùng, vết mổ hở sẽ được khâu lại bằng các mũi chỉ chuyên dụng.

4.2. Phẫu thuật nội soi

Phẫu thuật nội soi là một thủ thuật ít xâm lấn, có thể được thực hiện sau khi gây mê toàn thân hoặc cục bộ.

Bác sĩ sẽ rạch một vết mổ nhỏ ở bụng dưới của bệnh nhân và đưa thiết bị nội soi vào (một ống dài có gắn đèn và camera ở cuối). Trong suốt quá trình mổ, khí sẽ được bơm vào ổ bụng cho phép bác sĩ phẫu thuật quan sát các cơ quan vùng chậu trên màn hình máy tính một cách rõ hơn.

Sau đó, một vài vết mổ nhỏ khác cũng sẽ được thực hiện để chèn các công cụ làm nhiệm vụ loại bỏ ống dẫn trứng. Những vết mổ này chỉ dài khoảng 1cm và sẽ khâu lại ngay sau khi vòi trứng đã được đưa ra ngoài.

5. Hồi phục sau phẫu thuật

Sau khi phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được đưa đến phòng hồi sức để theo dõi. Bệnh nhân sẽ phải mất thêm một thời gian để có thể hoàn toàn tỉnh táo sau khi gây mê, ngoài ra triệu chứng buồn nôn và đau nhức nhẹ quanh vết mổ cũng có thể xuất hiện.

Bệnh nhân sẽ nằm lại khoa ngoại trú cho đến khi có thể tự đứng dậy và đi tiểu tiện bình thường thì mới được xuất viện.

Cần tuân thủ theo chỉ dẫn của bác sĩ trong sinh hoạt hậu phẫu thuật để có thể hồi phục nhanh sau vài ngày. Người bệnh phải tránh nâng vật nặng hoặc tập thể dục mạnh trong ít nhất một tuần.

Sau khi về nhà, nên báo ngay cho bác sĩ nếu bệnh nhân gặp một trong những dấu hiệu sau:

  • Sốt và ớn lạnh;
  • Vết thương đau nhiều hoặc buồn nôn;
  • Chảy dịch mủ hoặc sưng tấy đỏ xung quanh vết mổ;
  • Đột ngột chảy nhiều máu âm đạo;
  • Không thể đi tiểu tiện.

Các vết mổ từ phẫu thuật nội soi nhỏ hơn nên có xu hướng lành nhanh hơn so với mổ hở. Mỗi người sẽ có thời gian hồi phục khác nhau, song nhìn chung, khả năng bình phục hoàn toàn là trong vòng 3 - 6 tuần đối với mổ hở hoặc 2 - 4 tuần sau khi phẫu thuật nội soi.

Cắt ống dẫn trứng
Sau khi về nhà, nên báo ngay cho bác sĩ nếu bệnh nhân gặp dấu hiệu sốt và ớn lạnh

6. Các biến chứng tiềm ẩn

Bất kỳ loại phẫu thuật nào cũng có nguy cơ xảy ra rủi ro, chủ yếu là tình trạng phản ứng với thuốc gây mê. Phẫu thuật nội soi cắt ống dẫn trứng sẽ mất nhiều thời gian hơn so với mổ hở, do đó bệnh nhân cũng được gây mê lâu hơn. Những rủi ro khác của phẫu thuật cắt ống dẫn trứng bao gồm:

  • Nhiễm trùng: So với mổ hở, nguy cơ nhiễm trùng khi mổ nội soi thấp hơn;
  • Xuất huyết bên trong hoặc chảy máu tại vị trí phẫu thuật;
  • Thoát vị ổ bụng;
  • Tổn thương mạch máu hoặc các cơ quan lân cận.

Tuy nhiên, một nghiên cứu trên những phụ nữ đã phẫu thuật cắt bỏ vòi trứng kết hợp với mổ lấy thai cho thấy tỷ lệ của các biến chứng là rất hiếm.

7. Khả năng có kinh nguyệt và mang thai

Tiên lượng tổng thể của phẫu thuật cắt ống dẫn trứng là khá tốt. Nếu vẫn còn buồng trứng và tử cung, phụ nữ sẽ vẫn tiếp tục có kinh nguyệt sau phẫu thuật.

Trường hợp chỉ loại bỏ một ống dẫn trứng sẽ không có khả năng triệt sản, vì vậy phụ nữ vẫn cần áp dụng các biện pháp tránh thai sau đó. Mặt khác, loại bỏ cả hai ống dẫn trứng đồng nghĩa với việc phụ nữ không thể mang thai tự nhiên, cũng như không cần dùng các biện pháp tránh thai. Tuy nhiên, nếu vẫn còn tử cung, phụ nữ có thể mang thai với sự trợ giúp của phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Do đó trước khi phẫu thuật cắt bỏ ống dẫn trứng, bệnh nhân cần trình bày rõ ràng với bác sĩ về nguyện vọng sinh sản trong tương lai.

Mặc dù phải mất một thời gian hồi phục lâu hơn, tuy nhiên phẫu thuật nội soi cắt ống dẫn trứng vẫn được cho là một sự thay thế an toàn của biện pháp thắt ống dẫn trứng. Thủ thuật này không chỉ mang đến hiệu quả tránh thai tuyệt đối, mà hơn nữa còn có vai trò nhất định trong việc bảo vệ phụ nữ khỏi căn bệnh ung thư buồng trứng nguy hiểm. Tóm lại, phẫu thuật nội soi cắt bỏ ống dẫn trứng là một lựa chọn đáng để cân nhắc cho nữ giới mong muốn triệt sản hoặc có các bệnh liên quan đến đường sinh dục.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: healthline.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

47.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan