Cách giảm đau xương mu khi mang thai

Đau xương mu là hiện tượng có thể xuất hiện suốt thời gian mang thai, tuy nhiên thường gặp nhất là ở 3 tháng cuối của thai kỳ. Đau xương mu khiến cho thai phụ mệt mỏi, khó chịu, ảnh hưởng cuộc sống hàng ngày. Vậy cách giảm đau xương mu khi mang thai như thế nào?

1. Nguyên nhân dẫn đến đau xương mu khi mang thai

Để lựa chọn cách giảm đau xương mu khi mang thai, cần xác định nguyên nhân của tình trạng này là sinh lý hay bệnh lý thì mới điều trị hiệu quả.

Các nguyên nhân gây đau xương mu khi mang thai bao gồm:

  • Sự phát triển của thai nhi: Thai nhi lớn dần theo thời gian, tử cung cũng to dần, kéo theo sự giãn của xương chậu gây đau xương chậu, xương mu. Áp lực lên xương chậu, xương mu tăng dần theo thời gian phát triển của thai nhi. Đặc biệt là khi thai phụ đi lại nhiều, tăng vận động thì cảm giác đau sẽ tăng lên và đau liên tục hơn.
  • Sự thay đổi vị trí của thai nhi: Vào những tuần cuối của thai kỳ, thai nhi sẽ có hiện tượng dịch chuyển xuống thấp hơn, tạo áp lực lên xương mu gây đau. Mặt khác trong thời gian này, cơ thể còn tiết ra hormone Relaxin, Progesterone khiến cho các khớp vùng chậu giãn nở nhiều hơn.
  • Mang thai nhiều lần: Thai phụ đã trải qua nhiều lần mang thai có cơ thành bụng giãn ra, điều này khiến cho thai nhi thường ở vị trí thấp hơn so với lần mang thai trước đó, tạo áp lực lớn lên xương mu và gây đau nhức.
  • Thai phụ đi lại, vận động quá nhiều: Nếu thai phụ vận động mạnh vào những tuần cuối của thai kỳ - khi thai nhi đã phát triển to và chuẩn bị chào đời - sẽ gây ra áp lực lớn lên xương mu và gây đau.
  • Thai phụ thiếu calci: Đau xương mu vào 3 tháng cuối của thai kỳ có thể liên quan đến việc thai phụ không được cung cấp đủ calci. Điều này khiến khớp xương yếu và dễ bị đau nhức.
  • Hệ tuần hoàn của thai phụ có vấn đề: Hệ thống tuần hoàn trong cơ thể thai phụ phải hoạt động một cách liên tục để thai nhi phát triển khỏe mạnh. Vì vậy, một số vấn đề ở hệ tuần hoàn có thể dẫn đến phù nề và đau xương mu.
  • Thai phụ có tiền sử bệnh lý xương khớp: Thai phụ bị thoái hóa khớp hay thoát vị đĩa đệm làm tăng “gánh nặng” cho cột sống và có thể dẫn đến tình trạng đau xương mu.
  • Chuyển dạ: Đau xương mu cũng có thể là dấu hiệu của chuyển dạ.

2. Các cách giảm đau xương mu khi mang thai

Đau xương mu khi mang thai có thể không ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi, tuy nhiên nó khiến cho thai phụ đau nhức, khó chịu, ảnh hưởng sinh hoạt, cuộc sống hàng ngày. Dưới đây là một số cách giảm đau xương mu khi mang thai mà phụ nữ có thể tham khảo.

2.1. Thay đổi tư thế

Việc thay đổi tư thế linh hoạt giúp giảm tối đa áp lực lên xương mu khi mang thai. Nên tiến hành thay đổi tư thế từ từ, tránh thay đổi đột ngột:

  • Thay đổi tư thế nằm: Thai phụ nên nằm nghiêng sang trái, bởi vì nếu nằm nghiêng phải nhiều sẽ đè lên mạch máu nuôi dưỡng thai nhi. Nằm ở tư thế thoải mái nhất, có thể thêm đệm hay gối nhỏ vào thắt lưng và dưới bụng.
  • Thay đổi tư thế ngồi: Thai phụ ngồi thẳng lưng, không khom lưng hay ngửa ra đằng trước. Không ngồi xổm hay ngồi vắt chéo chân.
  • Thay đổi tư thế đứng: Vào các tháng cuối của thai kỳ, thai phụ không nên đứng quá nhiều, khi đứng nên thả lỏng vai.
  • Thay đổi tư thế đi: Giữ tư thế đi thẳng lưng, không ngước đầu lên cao hay cúi đầu xuống đất, không sử dụng giày cao gót trong quá trình mang thai.

2.2. Nghỉ ngơi hợp lý

Thai phụ cần phân bổ thời gian làm việc - nghỉ ngơi hợp lý để giảm tình trạng đau nhức xương mu. Đặc biệt vào những tháng cuối của thai kỳ, thai phụ nên nghỉ ngơi hợp lý, ngủ đúng giờ, ngủ đủ giấc để làm dịu cơn đau xương mu.

2.3. Bài tập giảm đau xương mu cho bà bầu

Một số bài tập giảm đau xương mu cho bà bầu như tập thể dục hoặc yoga nhẹ nhàng tốt cho sức khỏe của phụ nữ mang thai, nhất là ở 3 tháng cuối của thai kỳ. Tập thể dục đều đặn mang lại nhiều lợi ích như: giúp xương chắc khỏe, giảm đau xương mu,...

2.4. Sử dụng đai bụng bầu

Tình trạng đau xương mu khi mang thai có thể được cải thiện nhờ việc sử dụng đai bụng bầu. Nhờ giảm áp lực trong khoang chậu mà đai hỗ trợ giảm kéo căng giúp thai phụ đỡ khó chịu hơn.

2.5. Tích cực bổ sung đầy đủ dinh dưỡng

Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng trong khẩu phần ăn hàng ngày có ý nghĩa quan trọng đối với việc giảm đau xương mu khi mang thai. Bên cạnh các dưỡng chất cần thiết, bệnh nhân có thể bổ sung calci nhằm mục đích phòng ngừa thiếu calci cho thai nhi và tốt cho xương khớp. Thai phụ cần uống nhiều nước để đảm bảo chuyển hóa trong cơ thể.

3. Cách làm giảm đau xương mu sau sinh

Sau khi sinh, tình trạng đau xương mu vẫn có thể tiếp diễn gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Đau xương mu sau sinh khiến sản phụ suy nhược, ảnh hưởng đời sống vợ chồng, thậm chí làm tăng nguy cơ vô sinh, hiếm muộn.

Dưới đây là một số biện pháp hỗ trợ, một số cách làm giảm đau xương mu sau sinh:

  • Dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ
  • Phương pháp vật lý trị liệu
  • Chế độ nghỉ ngơi hợp lý, thể dục nhẹ nhàng.

Tóm lại, đau xương mu là triệu chứng thường gặp ở phụ nữ có thai. Tuy nhiên, không vì thế mà chủ quan trước tình trạng này, nhất là khi đau xương mu kèm với các triệu chứng khác như đau bụng, ra máu âm đạo. Nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa trước khi điều trị giảm đau xương mu ở phụ nữ có thai.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

31K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan