Các nguyên nhân gây sảy thai do yếu tố từ mẹ

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi các Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Sảy thai là hiện tượng gặp ở khoảng 12% phụ nữ biết mình có thai, hầu hết các trường hợp sảy thai thường xảy ra sớm trong 3 tháng đầu thai kỳ. Có rất nhiều nguyên nhân gây sảy thai, trong đó có một số nguyên nhân do các yếu tố từ người mẹ.

Các nguyên nhân gây sảy thai do yếu tố từ mẹ bao gồm:

1. Tuổi người mẹ

Nếu người mẹ mang thai trước 30 tuổi, tỷ lệ sảy thai là 10%. Nếu mang thai sau tuổi 35, tỷ lệ sảy thai là 20%. Nếu mang thai trên 45 tuổi, tỷ lệ mang thai là trên 50% tổng số trường hợp mang thai.

2. Các bệnh toàn thân

Do mẹ mắc các bệnh mạn tính như bệnh tim, bệnh thận, tăng huyết áp, lupus, suy giáp, tiểu đường,...

Suy giáp là tình trạng suy giảm nồng độ hormon tuyến giáp trong máu. Suy giáp trong thai kỳ có thể dẫn đến thiếu máu, thai nhẹ cân, sẩy thai hoặc thai chết lưu.

Ở phụ nữ mắc bệnh tiểu đường, nguy cơ sảy thai phụ thuộc vào mức độ kiểm soát đường huyết, nếu kiểm soát tốt đường huyết trong 21 ngày đầu sẽ giảm nguy cơ sảy thai. Tiểu đường thai kỳ là tình trạng tăng đường huyết được phát được phát hiện lần đầu tiên khi mang thai. Những phụ nữ có nguy cơ cao mắc tiểu đường thai kỳ là những người thừa cân, béo phì, có tiền sử bất thường về dung nạp glucose, mang thai sau tuổi 35,... Tiểu đường thai kỳ sẽ là tăng nguy cơ nhiễm khuẩn niệu, sinh non, sẩy thai và thai lưu.

Cường giáp chuyển sang suy giáp
Suy giáp nguyên nhân gây sảy thai từ người mẹ

3. Các bệnh nhiễm trùng

Nếu người mẹ bị nhiễm Rubella, Toxoplasma, vi-rút cúm, sốt rét, viêm phổi, thương hàn,...trong thời gian đầu mang thai, độc tính của các vi khuẩn, vi-rút trên sẽ làm thai chết hoặc tình trạng nhiễm trùng sẽ gây tăng thân nhiệt cao ở cơ thể người mẹ tạo nên những cơn co tử cung và dẫn đến sảy thai.

4. Rối loạn hệ thống miễn dịch

Trong một số trường hợp, sảy thai sớm có nguyên nhân do rối loạn miễn dịch ở cơ thể người mẹ. Hệ thống miễn dịch của người mẹ xem thai như một mảnh ghép lạ trong tử cung, do đó sẽ tìm cách loại bỏ. Cơ thể mẹ sẽ tạo ra kháng thể phospholipid tấn công thai và gây sảy thai.

5. Rối loạn nội tiết

Các rối loạn nội tiết có thể gây sảy thai, ví dụ như giảm hormon hướng sinh dục hCG, giảm các nội tiết tố estrogen, progesteron, cường androgen, cường hoặc thiểu năng tuyến giáp,...

Hormone là gì
Rối loạn nội tiết, giảm hormon

6. Bất thường tử cung, cổ tử cung

Khoảng 10% các trường hợp sảy thai do các nguyên nhân ở tử cung.

Những bất thường ở tử cung do bẩm sinh hoặc mắc phải có thể gây sảy thai như:

  • Tử cung kém phát triển, tử cung nhỏ, tử cung có u xơ tử to hoặc nhiều nhân,
  • Tử cung bị các dị dạng như tử cung đôi, tử cung hai sừng, tử cung có vách ngăn
  • Hở eo tử cung do tổn thương rách cổ tử cung có thể gây sảy thai đột ngột vào 3 tháng giữa thai kỳ, chuyển dạ xảy ra rất nhanh sau vài cơn co mạnh và vỡ ối, không có dấu hiệu báo trước, cổ tử cung mở nhưng sản phụ không thấy đau.
  • Cổ tử cung yếu hoặc có cấu tạo bất thường cũng có thể gây sảy thai. Qua 3 tháng đầu thai kỳ, thai nhi đã có thể tác động lên cổ tử cung, nếu cổ tử cung có cấu tạo bất thường hoặc quá yếu sẽ không giữ được thai nằm trong tử cung, gây sảy thai.

7. Hội chứng buồng trứng đa nang

Hội chứng buồng trứng đa nang là tình trạng buồng trứng lớn hơn bình thường, khi mắc bệnh phụ nữ bị rối loạn hormone sinh dục, nồng độ nội tiết tố nam testosterone trong cơ thể cao ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt và rụng trứng. Không chỉ gây vô sinh, hội chứng buồng trứng đa nang còn gây sảy thai sớm do buồng trứng đa nang dẫn tới tình trạng kháng insulin. Tình trạng này sẽ gây cản trở sự hình thành và phát triển lớp nội mạc tử cung, thai khó bám vào thành tử cung, dẫn đến sảy thai.

Buồng trứng đa nang
Hội chứng buồng trứng đa nang gây sảy thai

8. Nguyên nhân do ăn uống

Chế độ ăn uống không đảm bảo, cơ thể người mẹ bị suy nhược, thiếu các vitamin, đặc biệt là vitamin E làm tăng nguy cơ sảy thai.

Ngoài ra, nhiễm độc thức ăn do ăn phải các thức ăn bị nhiễm khuẩn như: Nhiễm Listeriosis từ các sản phẩm bơ sữa chưa được diệt khuẩn;

Nhiễm Toxoplasmosis, Salmonella từ các thức ăn sống, thịt, trứng chưa được nấu chín,... cũng làm tăng nguy cơ sẩy thai.

9. Nguyên nhân do dùng thuốc

Một số loại thuốc người mẹ sử dụng để điều trị bệnh làm tăng nguy cơ sẩy thai nhi như:

  • Nhóm thuốc ức chế men chuyển (Captopril, Enalapril, Quinapril,...), thuốc kháng thụ thể Angiotensin II (Losartan, Telmisartan, Valsartan,...) sử dụng trong điều trị tăng huyết áp.
  • Nhóm thuốc kháng viêm không steroid NSAIDs như Ibuprofen, Diclofenac,... dùng trong các trường hợp đau, viêm
  • Methotrexate: thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp
  • Retinoids: thuốc điều trị mụn trứng cá và chàm da bội nhiễm.

10. Các nguyên nhân khác gây sảy thai

  • Sự bất tương hợp yếu tố Rh giữa mẹ và thai.
  • Sang chấn: Phụ nữ có thai khi bị tác động bởi những sang chấn mạnh, đột ngột hoặc những sang chấn nhỏ nhưng liên tiếp kéo dài có thể gây sảy thai. Những sang chấn này có thể là những chấn thương thực thế như phẫu thuật, chấn thương vùng bụng hoặc sang chấn tinh thần do sợ hãi, xúc động quá độ.
  • Nghề nghiệp: Nếu phụ nữ có thai làm việc trong môi trường độc hại, không được bảo vệ cẩn thận có thể gây sảy thai.
  • Lối sống: nếu người mẹ hút thuốc lá, nicotin trong khói thuốc lá qua nhau thai sẽ gây cản trở nguồn máu cung cấp chất dinh dưỡng từ mẹ sang thai nhi. Ngoài ra, nếu người mẹ uống nhiều rượu bia, sử dụng chất kích thích, đồ uống có cồn, lạm dụng các loại thuốc,...cũng sẽ ảnh hưởng đến thai nhi và gây nguy cơ sảy thai sớm.

Nếu có triệu chứng bất thường, bạn nên được thăm khám và tư vấn với bác sĩ chuyên khoa.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

10.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan