Các biến chứng có thể gặp sau chọc hút trứng

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS, BS. Nguyễn Ngọc Chiến, Trung tâm Hỗ trợ sinh sản - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Kỹ thuật chọc hút trứng vốn dĩ là một kỹ thuật tinh vi. Mọi thao tác đòi hỏi sự nhẹ nhàng, nếu không thực hiện đúng sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro. Theo đó, các biến chứng có thể gặp sau chọc hút trứng là những điều cần nắm vững và dự phòng tối đa, nhằm đảm bảo một tiến trình thụ tinh trong ống nghiệm thành công cho người phụ nữ hiếm muộn.

1. Thủ thuật chọc hút trứng là gì?

Sau khi điều trị bằng hormone để kích thích buồng trứng tạo ra nhiều trứng cùng một lúc, các bác sĩ hỗ trợ thụ tinh trong ống nghiệm sẽ chọc hút lấy những noãn đã trưởng thành ra ngoài.

Thủ thuật chọc hút trứng sẽ diễn ra trong khoảng 36 giờ sau khi tiêm mũi HCG trưởng thành noãn. Trong quá trình phóng noãn tự nhiên, một nang trứng sẽ vỡ ra và noãn sẽ thoát ra ngoài. Sau đó, noãn sẽ nhanh chóng được hút vào loa vòi, đi qua ống dẫn trứng hướng về phía tử cung. Chính vì thế, việc lấy trứng phải được hẹn giờ chính xác để có thể kịp bắt lấy trứng ngay trước khi chúng bắt đầu hành trình này, tại thời điểm chúng đã sẵn sàng thụ tinh nhưng vẫn ở trong nang và có thể dễ dàng quan sát thấy dưới siêu âm.

Để lấy trứng, bác sĩ sẽ đặt đầu dò siêu âm vào âm đạo có gắn gá kim nhằm đưa kim qua thành âm đạo và vào buồng trứng. Tất cả các thao tác đều được hướng dẫn bởi siêu âm. Một khi đầu kim đã nằm trong buồng trứng, bác sĩ sẽ điều chỉnh kim chọc thủng lần lượt các nang trứng. Khi kim nằm trong nang, máy hút sẽ hút toàn bộ dịch nang theo kim cho vào ống nghiệm. Cuối cùng, các bác sĩ sẽ tìm trong chất lỏng lấy được từ ​​các nang trứng để tìm thấy tế bào trứng (noãn).

Chọc hút trứng qua đường âm đạo
Chọc hút trứng

Cuộc thủ thuật thường kéo dài khoảng 15 phút và được thực hiện tại phòng thủ thuật, bệnh nhân lưu viện trong ngày. Chính vì thế, người phụ nữ sau thời gian quan sát ổn định sẽ được về nhà. Mặc dù vậy, đây vẫn là một thủ thuật cần được thực hiện dưới gây mê và không thể phủ nhận những rủi ro tiềm ẩn. Theo đó, các biến chứng có thể gặp khi chọc hút trứng được trình bày lần lượt sau đây.

2. Các biến chứng có thể gặp sau khi chọc hút trứng

Hầu hết các biến chứng do thủ thuật chọc hút trứng bắt nguồn từ con đường đi của kim được đưa qua âm đạo và vào buồng trứng, gây tổn thương một số cơ quan và mô nhạy cảm khác nằm gần đó, như là động mạch chậu trong chạy cạnh buồng trứng hay niệu quản nằm ngay bên cạnh buồng trứng.

Theo đó, người bệnh có nguy cơ bị xuất huyết trong ổ bụng sau chọc hút trứng do chọc kim vào động mạch lớn. Thành các động mạch trong bụng chậu có thể dễ bị xé nát thêm sau từng nhịp đập, càng làm ổ chảy máu thêm nặng nề. Máu có thể lan tràn ổ bụng hay chảy ra âm đạo; theo đó, đôi khi cần phải phẫu thuật cấp cứu để cầm máu rửa sạch ổ bụng. Tuy nhiên, nhờ vào hướng dẫn của siêu âm, tỷ lệ xảy ra các biến chứng do thủ thuật này là rất thấp. Chảy máu trong ổ bụng ngay sau chọc hút trứng cũng có thể do tổn thương các mạch máu trên hay trong buồng trứng trong quá trình chọc hút. Tai biến này ít nghiêm trọng hơn nhưng xảy ra với tần suất lớn hơn chảy máu do tổn thương mạch chậu.

Đau bụng
Sau khi chọc hút trứng có thể xuất hiện biến chứng

Các biến chứng khác có thể xảy ra là chấn thương đường ruột, viêm phúc mạc, tổn thương niệu quản gây chít hẹp, áp xe vùng chậu...

Một biến chứng khác cũng đã được báo cáo xuất hiện sau chọc hút trứng là xoắn buồng trứng, xảy ra khi buồng trứng xoắn quanh chính nó, làm cắt đứt nguồn cung cấp máu. Trong một nghiên cứu trên 1.500 phụ nữ, tỷ lệ xoắn buồng trứng xảy ra trong 0,13% các chu kỳ. Tuy nhiên, một điều đáng tiếc là sự xoắn vặn của buồng trứng thường xảy ra muộn, 6 đến 13 tuần sau khi lấy tế bào trứng. Đồng thời, do đây cũng là biến chứng cũng có thể gặp trong một thai kỳ bình thường, tai biến này sảy ra với tần suất lớn hơn ở thai TTON do hai buồng trứng to sau khi kích trứng nên dễ xoắn hơn.

Nhằm tránh các biến chứng nêu trên, những thao tác thực hiện sẽ đặt yêu cầu mức độ chuẩn xác cao nhất. Điều này đặc biệt lưu ý ở các đối tượng nguy cơ cao như từng có phẫu thuật trong vùng bụng chậu, tiền sử bệnh viêm vùng chậu hay cả lạc nội mạc tử cung buồng trứng.

3. Các biến chứng do gây mê/gây tê

Bên cạnh những rủi ro tiềm ẩn liên quan đến việc thủ thuật, phụ nữ sau khi trải qua quá trình chọc hút trứng cũng lại phải đối mặt với những rủi ro tiềm ẩn nhất định từ việc gây mê được sử dụng để kiểm soát cơn đau trong lúc thực hiện.

Theo đó, cơn đau do chọc hút trứng là do lực đẩy kim qua thành âm đạo và đưa kim vào buồng trứng. Do các tín hiệu đau này sẽ trở về tủy sống trước khi lên não bộ, người bệnh có thể xem xét dùng một loại thuốc gây tê thường được sử dụng trong khi sinh con. Đây là các loại thuốc tiêm gây tê tủy sống, ức chế dẫn truyền thần kinh ở hai bên cổ tử cung để ngăn chặn cơn đau. Nếu không sử dụng được thuốc gây tê tủy sống, bệnh nhân có thể cần tiêm thuốc tĩnh mạch để gây mê. Lúc này, người bệnh sẽ có nguy cơ khi dùng thuốc mê tương tự như các bệnh nhân trong phẫu thuật thông thường khác như dị ứng với thuốc mê, tụt huyết áp, ức chế hô hấp kéo dài...Hiện tại hầu như tất cả các bệnh nhân chọc hút trứng đều được giảm đau bằng phương pháp mê tĩnh mạch do sự đơn giản và ít biến chứng của thủ thuật này.

4. Các biến chứng dài hạn trên chức năng sinh sản

Có hai lý do để giải thích các nguy cơ có thể xảy ra sau chọc hút trứng mà có khả năng ảnh hưởng đến khả năng sinh sản trong tương lai. Lý do đầu tiên bắt đầu với biến chứng nhiễm trùng và chảy máu, như được mô tả ở trên và đôi khi cần phải phẫu thuật để xử trí tổn thương, các phẫu thuật này có thể ảnh hưởng về lâu dài lên khả năng sinh sản.

Lý do thứ hai là những tổn thương trên các cơ quan của hệ sinh sản khi đâm kim xuyên qua bề mặt, đi từ âm đạo cho đến buồng trứng. Có một số giả thiết đã ​​cho rằng các chấn thương này có thể dẫn đến sự hình thành các kháng thể chống lại buồng trứng, và thực tế, một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những phụ nữ sau khi chọc hút trứng sẽ có tỷ lệ kháng thể đối với mô buồng trứng cao hơn so với những người không trải qua thủ thuật này.

Hơn nữa, các kháng thể đối với kháng nguyên buồng trứng đã được chứng minh là có liên quan đến sự thất bại khi thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm. Vì do các kháng thể sẽ làm cản trở sự liên kết của tinh trùng khi xâm nhập vào tế bào trứng và do đó sẽ làm cho việc thụ tinh trứng trở nên khó khăn hơn. Rất may là tai biến này rất hiếm gặp.

Phụ nữ nên khám định kỳ bệnh gì
Nên đến gặp bác sĩ khi thấy biểu hiện bất thường sau chọc hút trứng

Tóm lại, thủ thuật chọc hút trứng từ nang trứng bằng cách đưa kim xuyên qua thành âm đạo vào buồng trứng cần được thực hiện với gây mê thì khó tránh khỏi một số biến chứng nhất định. Tuy các thống kê cho thấy nguy cơ biến chứng là tương đối thấp. Chính vì thế, việc lựa chọn trung tâm hỗ trợ sinh sản uy tín, chuyên môn cao là điều vô cùng cần thiết, nhằm giảm thiểu tuyệt đối nguy cơ xảy ra biến chứng là bước cơ bản đầu tiên trong hành trình tìm kiếm nụ cười trẻ thơ.

Thạc sĩ.Bác sĩ. Nguyễn Ngọc Chiến đã được đào tạo cũng như được cấp chứng chỉ bởi nhiều trường Đại học Y danh tiếng trong nước và thế giới. Với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản phụ khoa, hiện Bác sĩ đang làm việc tại Trung tâm hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

133.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan