Bị đau bụng kinh không nên ăn gì?

Vào những ngày hành kinh, phụ nữ thường xuyên phải đối mặt với những cơn đau bụng kinh, đau đầu, đầy hơi, bướng bụng, rối loạn tiêu hóa...Vì vậy, một chế độ ăn uống hợp lý sẽ góp phần rất lớn trong việc cải thiện các triệu chứng liên quan đến chu kỳ kinh trọng cho phái yếu. Vậy khi đau bụng kinh thì không nên ăn gì và những loại thực phẩm nào có thể hỗ trợ làm giảm đi tình trạng này?

1. Thông tin chung về đau bụng kinh

Đau bụng kinh còn gọi là đau bụng đến tháng hay đau bụng tới tháng là những cơn đau dạng co thắt, đau quặn ở vùng bụng dưới (hạ vị), thường xuất hiện ngay trước và trong khi hành kinh, kéo dài khoảng từ 1 – 3 ngày. Một số phụ nữ chỉ cảm thấy cơn đau này hơi khó chịu, phiền nhiễu đi kèm với cơn đau bụng kinh thường là các triệu chứng như buồn nôn, nôn, đau đầu, chóng mặt, chuột rút, tiêu chảy...

Về mặt sinh lý, hơn một nửa số phụ nữ có triệu chứng đau bụng khi hành kinh, tuy nhiên mức độ đau bụng kinh thường là nhẹ đến trung bình, đau âm ỉ không quá mức nghiêm trọng. Nguyên nhân của quá trình này là do tử cung tăng co thắt để tống các tổ chức nội mạc tử cung ra ngoài, gây ra hiện tượng hành kinh. Tuy nhiên, tình trạng đau bụng mạn tính, đặc biệt là đau bụng kinh dữ dội, buồn nôn, nôn, đau đầu...thường liên quan đến những bất thường như :

2. Chế độ ăn cho người đau bụng kinh

2.1. Ăn gì để giảm đau bụng kinh ?

Chế độ ăn hợp lý là một trong những biện pháp hỗ trợ hữu hiệu trong việc giảm các cơn đau vào những ngày “đèn đỏ”. Vì thế, bị đau bụng kinh nên ăn gì là một câu hỏi thường được đặt ra ở hầu hết những người phụ nữ, đặc biệt là trong độ tuổi dậy thì.

Các loại thực phẩm dưới đây được các chuyên gia về dinh dưỡng và các bác sĩ khuyến cáo sử dụng nhằm hỗ trợ giảm đau trong chu kỳ kinh nguyệt.

Ăn nhiều trái cây

Trong những ngày hành kinh, những người phụ nữ cũng có xu hướng thèm ngọt và ăn nhiều hơn, đó là dấu hiệu báo rằng cơ thể đang bị thiếu đường. Các loại trái cây với hàm lượng đường tự nhiên cao như lê, táo, dứa, chuối, kiwi... sẽ không chỉ giúp phái yếu giảm cơn thèm ăn mà còn giúp cung cấp nhiều dưỡng chất cho cơ thể vào những ngày “đèn đỏ”. Ngoài ra, trong các loại trái cây này còn chứa rất nhiều vitamin và khoáng chất, cụ thể là Vitamin B6 và Kali, các hoạt chất có khả năng giúp giảm đau bụng và chướng hơi trong chu kỳ kinh nguyệt.

Rau lá xanh

Cơ thể người phụ nữ thường bị thiếu máu thiếu sắt, nhất là đối với những phụ nữ bị hành kinh với lượng kinh nhiều và kéo dài. Một số triệu chứng có thể gặp phải do tình trạng này là mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt, xanh xao... Giải pháp cho vấn đề này là hãy lựa chọn những loại rau lá xanh đậm, bởi vì đây là những loại rau có chứa nhiều các khoáng chất như sắt, magie và chất xơ, rất tốt cho sức khỏe phụ nữ.

Gừng

Gừng là một thực phẩm rất hữu ích và cần thiết với công dụng chống viêm tiêu sưng kỳ diệu của nó có thể giúp phụ nữ làm dịu các cơn đau co thắt trong những ngày hành kinh. Có thể dùng gừng để pha trà và sử dụng trong ngày kinh nguyệt hoặc bỏ vào các món ăn như món kho hoặc canh, gừng sẽ giúp giảm đau, giảm cảm giác buồn nôn. Tuy nhiên, không nên lạm dụng gừng, vì không phải ai cũng có thể chịu được mùi hăng của gừng, đồng thời để tránh tình trạng ợ nóng, đau bụng.

Thịt gà

Trong thịt gà có chứa nhiều protein và chất sắt là thực phẩm rất tốt cho phụ nữ, nhất là vào những ngày hành kinh. Hơn nữa, thịt gà cũng giúp phụ nữ có được cảm giác no lâu hơn và giảm cảm giác thèm ăn.

Cá và hải sản

Cá đặc biệt là cá hồi hay các loại hải sản đặc biệt là hàu là các loại thực phẩm chứa nhiều dưỡng chất và rất tốt cho cơ thể. Các loại thực phẩm này có nhiều protein, sắt, vitamin D và axit béo Omega-3 rất tốt cho phụ nữ bị thiếu sắt trong những ngày hành kinh. Hơn nữa, Omega-3 trong cá cũng giúp chị em giảm đau bụng do làm giảm các cơn co bóp tử cung để đẩy máu ra ngoài, đồng thời lượng vitamin D sẽ giúp cơ thể hấp thụ được canxi tốt hơn. Ngoài ra, cá và các loại hải sản còn có thể giúp cải thiện sức khỏe tinh thần, tránh tình trạng lo âu, cáu gắt, chán nản trong những ngày đặc biệt này.

Các loại đậu

Các loại đậu có chứa nhiều các chất như sắt, magie và chất xơ rất tốt cho hệ tiêu hóa, giúp giảm nguy cơ đau bụng trong những ngày kinh nguyệt. Ngoài ra, các loại đậu này sẽ giúp bổ sung lượng máu mà cơ thể đang thiếu hụt qua hành kinh. Đậu cũng giàu vitamin B giúp phụ nữ cải thiện tâm trạng. Bên cạnh đó, chất xơ trong đậu cũng hỗ trợ tiêu hoá rất tốt, từ đó hạn chế rối loạn tiêu hoá gây ra các cơn đau bụng chồng lên các cơn đau bụng liên quan đến kinh nguyệt.

Socola đen

Thành phần chính của socola là cacao, là một loại thực phẩm chứa nhiều Magie và chất xơ, các hoạt chất giúp hỗ trợ lưu thông máu và tái sản xuất thêm máu bổ sung cho quá trình mất máu trong những ngày “đèn đỏ”.

2.2. Bị đau bụng kinh không nên ăn và uống gì?

Ngoài việc sử dụng các loại thực phẩm hỗ trợ giảm đau bụng khi hành kinh, phụ nữ cũng cần tránh hay hạn chế sử dụng các loại thực phẩm dưới đây để tránh nguy cơ ảnh hưởng xấu lên những ngày “đèn đỏ”

2.2.1. Các loại đồ ăn không nên sử dụng:

  • Thức ăn chua: Đa phần phụ nữ đến ngày kinh thường thèm đồ chua, tuy nhiên các loại thực phẩm này không hề tốt cho cơ thể. Đồ chua có chứa các chất gây kích thích tới hệ thần kinh thực vật, từ đó làm co thắt cơ trơn tại tử cung và dạ dày, đặc biệt là với những người có cơ địa nhạy cảm. Ăn đồ chua trong những ngày “đèn đỏ” cũng khiến máu kinh ra nhiều hơn, làm cơ thể mệt mỏi hơn và cảm giác đau bụng cũng không thuyên giảm.
  • Thực phẩm có tính hàn hay đồ ăn lạnh: Hạn chế các đồ ăn có tính hàn là một trong những lưu ý quan trọng giúp giảm đau bụng kinh. Các loại thực phẩm chứa tính hàn như dưa chuột, rong biển, bí đao... sẽ làm thay đổi nhiệt độ máu, kích thích máu, tuần hoàn kém lưu gây thêm cảm giác đau bụng, khó chịu.
  • Thức ăn có nhiều dầu mỡ: Các loại thức ăn nhiều dầu mỡ như đồ ăn nhanh, đồ chiên xào... không tốt cho kỳ kinh nguyệt, vì bình thường vào những ngày hành kinh, da của phụ nữ thường có nhiều dầu hơn và lỗ chân lông cũng mở rộng hơn. Vì thế, sử dụng thêm đồ dầu mỡ sẽ khiến da tiết nhiều dầu hơn, dễ nổi mụn, viêm nang lông... Hơn nữa cũng làm cảm giác đau bụng về tiêu hóa kèm theo đau bụng kinh làm cơ thể khó chịu.
  • Đồ ăn cay nóng: Trong các lời khuyên đau bụng kinh không nên ăn uống gì, chắc chắn các bác sĩ sẽ dặn chị em phụ nữ nên tránh xa các đồ ăn có vị cay nóng. Vì các loại thực phẩm này sẽ khiến cho cảm giác đau bụng sẽ nặng nề hơn hay lượng máu mất đi nhiều hơn. Bên cạnh đó, sử dụng đồ ăn cay nóng còn ảnh hưởng đến da cũng như thể trạng và đường tiêu hóa.
  • Thức ăn nhiều muối: Chỉ nên nạp 2300 mg muối (khoảng 1 muỗng cà phê) mỗi ngày, mặc dù muối là nguyên liệu không thể thiếu trong chế biến món ăn. Đặc biệt vào những ngày hành kinh, hạn chế lượng muối nạp vào cơ thể sẽ giúp giảm triệu chứng đầy hơi, khó tiêu, tích nước và đau bụng.

2.2.2. Các loại đồ uống không nên sử dụng

  • Rượu bia: Không chỉ trong ngày hành kinh, mà rượu bia cũng được khuyến cáo không nên sử dụng với tất cả phụ nữ, đặc biệt là trong những ngày hành kinh. Phụ nữ uống nhiều rượu bia nhất là vào ngày “đèn đỏ” sẽ gây ra rối loạn kinh nguyệt gây ra chu kỳ kinh không đều, hay dễ mãn kinh sớm, ảnh hưởng đến quá trình sinh sản... Khi sử dụng rượu bia, cơn đau bụng kinh cũng kéo dài hơn, thậm chí là xảy ra âm ĩ suốt chu kỳ kinh nguyệt.
  • Nước uống có ga: Các đồ uống có ga có thể khiến cơ thể mệt mỏi, làm khả năng chịu đựng các cơn đau bụng kinh của chị em trở nên kém đi, khiến họ lệ thuộc vào thuốc giảm đau. Hơn nữa theo một số nghiên cứu, các bé gái ở tuổi dậy thì uống hơn một ly rưỡi nước có ga sẽ gây ra tình trạng kinh nguyệt đến sớm hơn bình thường khoảng từ 5 - 7 tháng.
  • Trà đen và trà xanh: Hạn chế sử dụng các loại đồ uống này, vì các thành phần như Axit tannic có trong trà có thể làm tăng tình trạng mất máu, từ đó dẫn đến đau bụng nặng hơn, làm tiêu hao lượng vitamin B trong cơ thể nhanh hơn bình thường.

3. Các biện pháp giảm đau bụng kinh khác

Giảm căng thẳng, lo âu: Sử dụng các phương pháp giảm căng thẳng như tập Yoga, ngồi thiền, hít thở sâu hoặc tham gia các hoạt động yêu thích để giảm căng thẳng.

Chườm ấm bụng bằng cách sử dụng khăn ấm hoặc miếng dán nhiệt: có thể giúp thúc đẩy lưu thông máu trong bụng, giãn các cơ tử cung, từ đó làm giảm đau.

Massage bụng bằng tinh dầu: Sử dụng một số loại tinh dầu như hoa oải hương, cây hiền nhân (Sage), lá kinh giới, hoa hồng, quế, đinh hương... pha với tinh dầu nền như dầu dừa hoặc dầu jojoba...sẽ giúp cơ tử cung thư giãn, từ đó giảm nhẹ các cơn đau bụng kinh.

Các hoạt động thể lực : Các hoạt động thể lực nhẹ nhàng mỗi ngày cũng có thể giúp cải thiện triệu chứng đau bụng kinh.

Tập Yoga: Yoga cũng có thể hữu ích để giảm chứng đau bụng trong thời kỳ kinh nguyệt. Phụ nữ nữ tham gia lớp học Yoga 60 phút mỗi tuần một lần trong 12 tuần cho thấy những cơn đau bụng kinh giảm đáng kể.

Sử dụng các thuốc giảm đau

Ngâm mình trong bồn nước ấm: Giúp cơ thể được tiếp xúc với độ ấm cần thiết để các cơ bụng, vùng chậu và cơ lưng được thư giãn. Có thể tăng khả năng giảm đau khi cách thêm một vài giọt tinh dầu vào nước tắm. Cố gắng thư giãn trong bồn tắm nước nóng ít nhất 15 phút để đạt được nhiều lợi ích nhất.

Bổ sung các loại Vitamin và khoáng chất: Canxi, Vitamin B6, Vitamin B1, Vitamin E, Vitamin D, Vitamin B12 và dầu cá.

Uống đủ nước: Mỗi ngày, người phụ nữ nên uống từ 2 - 3 lít nước ấm, vì nước lạnh sẽ gây lạnh bụng làm cho các cơn đau dễ xảy ra và ở mức độ dữ dội hơn.

Bấm huyệt: Tham khảo ý kiến của các chuyên gia về vị trí và cách bấm huyệt tại nhà để có được hiệu quả điều trị tốt nhất.

Thay đổi tư thế ngủ: Tư thế nằm giống của thai nhi, tư thế nghiêng và co người, tư thế nằm ngửa có miếng đệm ở dưới gối... có thể giúp giảm đau bụng kinh hiệu quả vì các tư thế này không đặt trọng lượng lên bụng hoặc thắt lưng, nên các cơn đau sẽ được giảm nhẹ.

Các biện pháp kiểm soát sinh sản: Được sử dụng nếu các biện pháp trên không cắt giảm được cơn đau, phụ nữ đã có đủ con hãy cân nhắc trao đổi với bác sĩ về biện pháp ngừa thai để giảm đau bụng kinh. Các biện pháp này bao gồm: Thuốc tránh thai kết hợp, dụng cụ tử cung, que tránh thai, miếng dán tránh thai, vòng âm đạo....

Đau bụng vào những ngày “đèn đỏ” là một triệu chứng rất phổ biến, nhưng đôi khi chúng có thể xảy ra với mức độ nghiêm trọng và làm ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của những người phụ nữ. Thực hiện một chế độ ăn uống hợp lý là một biện pháp hỗ trợ ban đầu mang lại hiệu quả cao và dễ dàng áp dụng. Tuy nhiên, đối với những cơn đau dữ dội và dai dẳng, chị em nên tham khảo ý kiến và tư vấn từ bác sĩ, để kịp thời phát hiện và điều trị bằng các phương pháp chuyên sâu hơn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

217 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan