Bị bốc hỏa tiền mãn kinh uống thuốc gì?

Phụ nữ khi bước vào giai đoạn tiền mãn kinh sẽ xuất hiện nhiều sự thay đổi, dẫn đến sức khỏe và tinh thần thay đổi theo. Trong đó triệu chứng hay gặp và gây nhiều khó chịu là tình trạng bốc hỏa. Vậy chị em bị bốc hỏa tiền mãn kinh uống thuốc gì?

1. Bốc hỏa tiền mãn kinh là gì?

Trước khi tìm câu trả lời cho thắc mắc bốc hỏa tiền mãn kinh uống thuốc gì, chị em cần hiểu sơ lược về tình trạng này. Phụ nữ từ 50 đến 55 tuổi đa phần đều đã kết thúc chức năng sinh sản, đồng nghĩa thời kỳ kinh nguyệt đã chấm dứt và được gọi là thời kỳ mãn kinh. Tiền mãn kinh là giai đoạn trước giai đoạn mãn kinh. Trong giai đoạn tiền mãn kinh, thể trạng của mỗi chị em không giống nhau nên các triệu chứng của cơ thể cũng có sự khác nhau.

Bốc hỏa là thuật ngữ miêu tả hiện tượng xuất hiện cơn nóng đột ngột, lan từ mặt xuống ngực rồi nóng bừng toàn thân. Mỗi cơn bốc hỏa tiền mãn kinh có thời gian khác nhau, trung bình khoảng vài phút và tần suất thay đổi tử 5 - 10 cơn mỗi ngày, thậm chí một số trường hợp thường xuyên phải căng thẳng và áp lực thì số cơn bốc hỏa có thể lên đến 20 cơn mỗi ngày. Dù trong cơn đã rất khó chịu thì sau mỗi cơn bốc hỏa đi qua chị em phụ nữ lại gặp phải những triệu chứng thứ phát như toát mồ hôi, ớn lạnh, bủn rủn chân tay, tim đập nhanh, tâm trạng dễ cáu gắt và cảm thấy vô cùng mệt mỏi.

Để xác định chính xác loại thuốc trị bốc hỏa tiền mãn kinh, chúng ta cần hiểu rõ về cơ chế hình thành triệu chứng này. Khi bước vào giai đoạn tiền mãn kinh, một số cơ quan của phụ nữ cũng đã bị lão hóa, trong đó quan trọng nhất là buồng trứng, tuyến yên và não bộ. Hệ quả là sự suy giảm chức năng của hệ trục nội tiết hạ đồi-tuyến yên-buồng trứng, dẫn đến giảm bài tiết 2 nội tiết tố nữ quan trọng là Estrogen và Progesterone. Bên cạnh đó, cơ chế phản hồi ngược (feedback âm) từ buồng trứng trở về tuyến yên và não bộ để điều chỉnh lại quá trình bài tiết hormon cũng xảy ra trục trặc.

Sự thay đổi nồng độ nội tiết tố nữ trong cơ thể chị em đã tác động đến trung khu kiểm soát thân nhiệt (thuộc vùng dưới đồi), làm cho vùng này rối loạn và nhìn nhận sai lệch về thân nhiệt của cơ thể, cụ thể hơn là vùng dưới đồi truyền tín hiệu để toàn thân tăng giải phóng nhiệt và gây ra cơn bốc hỏa. Ngoài ra, một số cơ chế khác tham gia vào hình thành cơn bốc hỏa tiền mãn kinh bao gồm giãn mạch máu dưới da, tim phải tăng bơm máu và khiến thân nhiệt tăng lên đột ngột. Kết thúc một loạt quá trình như trên thì cơ thể chị em vã mồ hôi dẫn đến mất nhiệt, từ đó sinh ra ớn lạnh, mệt lả và thấp thỏm lo âu.

2. Nguyên nhân gây bốc hỏa tiền mãn kinh

Đến nay nguyên nhân chính xác khiến phụ nữ bị bốc hỏa tiền mãn kinh vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên nhiều chuyên gia cho rằng các yếu tố sau đây có liên quan mật thiết với tình trạng bất thường này:

  • Rối loạn nội tiết tố nữ, trong đó sự suy giảm nồng độ Estrogen được cho là nguyên nhân chính gây ra cơn bốc hỏa. Do đó tuổi tiền mãn kinh nên uống thuốc gì sẽ không thể thiếu các sản phẩm bổ sung/thay thế Estrogen;
  • Sử dụng một số loại thuốc như giảm đau opioid, chống trầm cảm... có thể khiến phụ nữ giai đoạn tiền mãn kinh dễ lên cơn bốc hỏa;
  • Béo phì hoặc thừa cân: Nhóm phụ nữ này có nguy cơ bốc hỏa tiền mãn kinh cao hơn bình thường;
  • Tâm lý thường xuyên căng thẳng, stress, bồn chồn và lo lắng cũng khiến phụ nữ dễ bị bốc hỏa tiền mãn kinh;
  • Thực phẩm chua, cay hoặc nóng, có nhiều gia vị, chứa cồn hoặc cafein.... rất dễ làm cơ thể chị em khó chịu, bí bách và nóng bức;
  • Một số bệnh lý như cường giáp có thể khiến chị em nóng bức, hồi hộp, tim đập nhanh, tiểu tiện liên tục... Hoặc bệnh nhân nhiễm virus hay vi trùng cũng rất dễ bị bốc hỏa tiền mãn kinh bên cạnh những khó chịu trên đường ruột hoặc tiêu chảy...;
  • Môi trường sống, nhà ở ngột ngạt, nóng bức...

3. Thuốc trị bốc hỏa tiền mãn kinh

Tuổi tiền mãn kinh nên uống thuốc gì để cải thiện những cơn bốc hỏa là thắc mắc của đại đa số chị em. Theo các chuyên gia, những trường hợp mắc phải triệu chứng này có thể điều trị bằng những loại thuốc sau:

3.1. Liệu pháp Hormon

Liệu pháp Hormone (Hormone Therapy) hay còn gọi là liệu pháp thay thế Hormone (HRT) bao gồm các biện pháp bổ sung Estrogen có hoặc không kết hợp với Progesterone. Liệu pháp này được bác sĩ chỉ định nhằm mục đích kiểm soát triệu chứng mãn kinh và tiền mãn kinh do thiếu hụt Estrogen như bốc hỏa, âm đạo khô hạn... Ưu điểm của liệu pháp Hormone là mang lại hiệu quả cao nhất. Tuy nhiên do kết hợp cả Estrogen và Progesterone nên làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông (gây nhồi máu cơ tim, đột quỵ), ung thư vú hoặc ung thư niêm mạc tử cung ở đối tượng chưa phẫu thuật cắt bỏ tử cung. Liệu pháp thay thế Estrogen đơn thuần cũng làm tăng nguy cơ đột quỵ và ung thư nội mạc tử cung.

Các thuốc trị bốc hỏa tiền mãn kinh theo liệu pháp Hormone có thể ở dạng uống (thuốc viên), dạng hấp thu qua da (miếng dán và thuốc xịt).

3.2. Thuốc tránh thai

Một trong những thuốc trị bốc hỏa tiền mãn kinh đã và đang được sử dụng là tránh thai đường uống (bản chất là một hình thức khác của liệu pháp Hormone). Thuốc tránh thai được bác sĩ chỉ định cho phụ nữ thời kỳ tiền mãn kinh để kiểm soát chu kỳ kinh nguyệt bất thường, bên cạnh đó là giảm các cơn bốc hỏa hoặc đôi khi là tránh mang thai ngoài ý muốn.

3.3. Thuốc chống trầm cảm và một số thuốc khác

Nhóm hoạt chất chống trầm cảm được sử dụng với mục đích kiểm soát (giảm) số lượng và thời gian cơn bốc hỏa tiền mãn kinh, bao gồm nhóm ức chế tái hấp thu Serotonin chọn lọc và một số thuốc liên quan khác. Tuy nhiên, sản phẩm này lại có nhược điểm là gây ra một số tác dụng phụ như giảm ham muốn hoặc rối loạn chức năng tình dục.

Ngoài ra, một số thuốc trị bốc hỏa tiền mãn kinh khác đã được chuyên gia chứng minh có thể giúp làm giảm các cơn bốc hỏa bao gồm nhóm chống động kinh, Gabapentin, Clonidine và một số thuốc điều trị tăng huyết áp.

4. Biện pháp cải thiện bốc hỏa tiền mãn kinh tại nhà

Sau khi giải đáp thắc mắc bốc hỏa tiền mãn kinh uống thuốc gì, chị em mắc phải tình trạng này có thể áp dụng kết hợp các biện pháp sau tại nhà để tăng hiệu quả điều trị.

4.1. Làm mát cơ thể

Những cơn bốc hỏa tiền mãn kinh có biểu hiện đặc trưng là sự tăng thân nhiệt một cách đột ngột. Vì vậy một phương pháp giúp làm dịu đi cảm giác nóng bức này là cố gắng làm mát cơ thể, chẳng hạn như uống một cốc nước lạnh.

Nếu đang ở nhà, chị em có thể tắm ngay sau khi những cơn tăng thân nhiệt đầu tiên xảy ra. Ngược lại nếu đang ở ngoài trời, chị em hãy tận dụng khăn ướt hoặc tìm một địa điểm có điều hòa hoặc máy phun sương để trú ẩn và làm mát cơ thể.

4.2. Quan hệ tình dục đều đặn

Các nghiên cứu cho thấy phụ nữ có đời sống tình dục điều độ có nguy cơ bốc hỏa thấp hơn. Các chuyên gia khuyến cáo phụ nữ tuổi 35 nên quan hệ tình dục 2 lần/tuần và tuổi 45 là 1 lần mỗi tuần.

Nếu đang bước vào tuổi tiền mãn kinh và hay xảy ra những cơn bốc hỏa, vã mồ hôi, chị em khi ngủ nên đắp riêng chăn để không ảnh hưởng đến giấc ngủ của người nằm bên cạnh.

4.3. Kiểm soát chế độ ăn

Để thân nhiệt cơ thể không tăng do nhiệt sinh ra từ quá trình tiêu hóa quá nhiều thức ăn cùng một lúc, chị em tiền mãn kinh hãy chia nhỏ các bữa ăn trong ngày thành 5-6 bữa, đồng thời không nên ăn quá no, tránh xa rượu bia, cà phê và những món ăn cay nóng. Thay vào đó chị em bị bốc hỏa nên tăng cường nhiều hơn các loại thực phẩm có hàm lượng cao Estrogen thực vật như tinh chất mầm đậu nành, sữa đậu nành, đậu phụ...

4.4. Hít thở sâu

Nghiên cứu trên thế giới cho thấy những trường hợp luyện tập hít thở sâu có thể giảm 50% số cơn bốc hỏa trong ngày. Các nhà khoa học nhận thấy động tác hít thở sâu, chậm rãi (8-16 lần/phút) còn có công dụng giảm căng thẳng, giải độc cho cơ thể và kích thích máu lưu thông tốt hơn.

4.5. Trang phục thoáng mát

Quần áo chất liệu sợi tổng hợp có thể gây cản trở quá trình hô hấp của da, khả năng thấm hút mồ hôi kém nên khiến da bí bách, khó chịu và nóng nực. Chị em bốc hỏa tiền mãn kinh nên ưu tiên những chất liệu may mặc thoáng mát và khả năng thấm hút mồ hôi tốt như cotton, lanh hoặc len. Kèm theo đó, không khí dễ dàng lọt qua những chất liệu có nguồn gốc tự nhiên này và chị em nên từ bỏ thói quen bận quần áo bó chặt cơ thể để không làm các tế bào biểu bì trên da nghẹt thở.

4.6. Bổ sung estrogen thực vật

Bốc hỏa tuổi tiền mãn kinh và mãn kinh thường liên quan đến tình trạng rối loạn nội tiết tố nữ. Chức năng sản sinh Hormone Estrogen của cơ thể suy giảm đã khiến các cơn bốc hỏa đột ngột kèm theo đổ mồ hôi có tần suất xảy ra và mức độ nghiêm trọng tăng lên.

Chị em bị bốc hỏa tiền mãn kinh có thể bổ sung Estrogen thông qua các sản phẩm có nguồn gốc thực vật theo tư vấn của bác sĩ chuyên khoa.

4.7. Luyện tập yoga

Nghiên cứu mới đây tại một trường đại học nổi tiếng tại Mỹ chứng minh việc tập luyện yoga mỗi tuần có thể giảm gần 30% các cơn bốc hỏa. Vận động cơ thể mỗi ngày, đặc biệt là đi bộ có thể cải thiện tinh thần ở tuổi tiền mãn kinh và mãn kinh, đồng thời hạn chế tối đa các triệu chứng bất thường như bốc hỏa, mất ngủ, tiểu đêm, đổ mồ hôi.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

6.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan