Bệnh do nhiễm Chlamydia Trachomatis sinh dục – tiết niệu

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Trịnh Thị Thanh Huyền - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Bệnh do nhiễm Chlamydia là bệnh lây qua đường tình dục thường gặp, gây ra bởi vi khuẩn Chlamydia trachomatis khi quan hệ với bệnh nhân hoặc từ mẹ sang con trong khi sinh nở. Bệnh có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng và khó điều trị, trong đó có vô sinh.

1. Nhiễm Chlamydia ở nam giới

Nhìn chung, biểu hiện nhiễm Chlamydia trachomatis ở nam giới chủ yếu là viêm đường tiết niệu, ngoài ra còn xuất hiện một số bệnh lây qua đường tình dục khác.

1.1. Viêm niệu đạo

Chlamydia Trachomatis là tác nhân chính gây viêm niệu đạo không do lậu (Non Gonococcal urethritis), chiếm khoảng 30 - 60%. Ở nam giới, 75% số ca có triệu chứng lâm sàng thường gặp như sau:

  • Đi tiểu khó: Đái buốt, rắt và đau;
  • Tiết dịch niệu đạo: Dịch nhầy, màu trắng đục hoặc trong, số lượng ít đến vừa;
  • Miệng sáo đỏ, viêm nề;
  • Có dấu hiệu viêm mào tinh hoàn và tiền liệt tuyến;
  • Không thấy các bệnh lý khác như: Sưng hạch bẹn, các ổ đau trong niệu đạo, thương tổn do herpes ở miệng sáo và dương vật.

Viêm niệu đạo gây đái buốt
Viêm niệu đạo gây đái buốt

Thời gian ủ bệnh khá dài từ 7 - 21 ngày, trái với bệnh lậu xuất hiện chậm, triệu chứng nhẹ và ủ bệnh chỉ có 3 - 5 ngày. Nhiều trường hợp viêm niệu đạo chlamydia không biểu hiện triệu chứng bệnh.

Một điều cần chú ý là viêm niệu đạo sau lậu không do lậu cũng thường do Chlamydia trachomatis (chiếm 70 - 80%). Bệnh nhân có nguy cơ mắc cả hai bệnh cùng lúc (tỷ lệ 15 - 35%) nhưng Chlamydia sẽ kéo dài thời gian ủ bệnh, và việc điều trị lậu không diệt được Chlamydia. Ngoài ra, viêm niệu đạo do lậu cũng thường kèm theo Chlamydia (chiếm 35 - 90%).

1.2. Viêm mào tinh hoàn và tuyến tiền liệt

Trước đây y học không rõ căn nguyên gây viêm mào tinh hoàn, nhưng điều trị bằng tetraxyclin bệnh sẽ tiến triển tốt nên có quan điểm cho rằng Chlamydia trachomatis chính là nguyên nhân. Các biểu hiện lâm sàng viêm mào tinh hoàn đơn thuần ở một bên bìu là:

  • Đau;
  • Phù nề;
  • Nhạy cảm;
  • Sốt;
  • Không hoặc có triệu chứng của viêm niệu đạo.

Nam giới bị viêm mào tinh hoàn có triệu chứng đau
Nam giới bị viêm mào tinh hoàn có triệu chứng đau

Mặt khác, chưa rõ cơ chế gây bệnh của Chlamydia trachomatis trong viêm tuyến tiền liệt không do vi khuẩn.

1.3. Viêm trực tràng

50% trường hợp viêm trực tràng do Chlamydia Trachomatis khi giao hợp đồng giới nam qua đường hậu môn có các biểu hiện sau:

  • Đau hậu môn trực tràng;
  • Ra máu;
  • Có dịch nhầy;
  • Tiêu lỏng.

Chlamydia trachomatis không phải LGV có bệnh cảnh lâm sàng từ nhẹ đến nặng. Nhuộm Gram dịch trực tràng thấy nhiều bạch cầu đa nhân. Soi trực tràng phát hiện niêm mạc bị tổn thương, dễ vỡ vụn, chảy máu khi chạm vào.

1.4. Viêm họng

Viêm họng do Chlamydia Trachomatis lây lan qua quan hệ tình dục đường miệng thường không biểu hiện triệu chứng hoặc triệu chứng không rõ ràng.

1.5. Hội chứng Reiter

Hội chứng Reiter có liên quan đến nhiễm trùng Chlamydia trachomatis biểu hiện qua các tình trạng sau:

  • Viêm niệu đạo;
  • Viêm kết mạc mắt;
  • Viêm khớp;
  • Có thương tổn đặc trưng ở da và niêm mạc.

Xét nghiệm bằng miễn dịch huỳnh quang cho kết quả trên 80% số bệnh nhân mắc hội chứng Reiter có nhiễm Chlamydia trachomatis.


Viêm kết mạc mắt do nhiễm trùng Chlamydia trachomatis
Viêm kết mạc mắt do nhiễm trùng Chlamydia trachomatis

2. Nhiễm Chlamydia ở nữ giới

Khoảng 30% số ca viêm sinh dục nữ do nhiễm Chlamydia Trachomatis có triệu chứng lâm sàng, như tiết dịch mủ âm đạo, đau bụng dưới, ra máu sau giao hợp hoặc giữa chu kỳ, đái buốt, khó và các bệnh viêm chậu hông. Bệnh viêm chậu hông (PID) là biến chứng nặng của nhiễm Chlamydia Trachomatis đường niệu sinh dục, chiếm tỷ lệ 18% với các phổ lâm sàng đa dạng gồm:

2.1. Viêm cổ tử cung

Đa số bệnh nhân viêm cổ tử cung không biểu hiện các triệu chứng (30 - 50%), khoảng 1/3 có dấu hiệu tại chỗ thường gặp là:

  • Tiết dịch nhầy mủ hoặc dịch trong;
  • Lộ tuyến phì đại với biểu hiện phù nề, xung huyết cổ tử cung;
  • Cổ tử cung dễ chảy máu;
  • Ra máu lốm đốm sau giao hợp.

Nhuộm Gram dịch tiết cổ tử cung thấy > 30 bạch cầu /vi trường, độ phóng đại 1000X. Swab test dương tính, tăm bông quệt vào tử cung có dịch tiết màu vàng.


Viêm cổ tử cung ở phụ nữ do nhiễm Chlamydia Trachomatis
Viêm cổ tử cung ở phụ nữ do nhiễm Chlamydia Trachomatis

2.2. Viêm niệu đạo

Viêm niệu đạo Chlamydia trachomatis thường gặp ở những phụ nữ trẻ, có hoạt động tình dục mạnh, đặc biệt khi bạn tình cũng xuất hiện triệu chứng viêm niệu đạo hoặc vừa có bạn tình mới. Các dấu hiệu gợi ý bệnh bao gồm:

  • Tiết dịch niệu đạo;
  • Miệng niệu đạo đỏ hoặc phù nề;
  • Đái khó, gắt;
  • Tiết dịch tiết cổ tử cung hoặc viêm cổ tử cung.

Tuy nhiên, phần lớn bệnh nhân bị viêm niệu đạo do Chlamydia trachomatis không có triệu chứng lâm sàng.

2.3. Viêm tuyến Bartholin

Tương tự như lậu cầu, Chlamydia trachomatis cũng gây viêm xuất tiết ống tuyến Bartholin. Viêm tuyến Bartholin có mủ có thể là do Chlamydia trachomatis đơn thuần hoặc phối hợp với lậu cầu.

2.4. Viêm nội mạc tử cung

Hơn 50% bệnh nhân viêm cổ tử cung và viêm vòi trứng cũng bị viêm nội mạc tử cung do vi khuẩn lây lan. Nếu không điều trị Chlamydia trachomatis khi mang thai, sản phụ có thể bị sốt và viêm nội mạc tử cung sau đẻ.

2.5. Viêm vòi trứng

Viêm vòi trứng là biến chứng của viêm cổ tử cung do Chlamydia trachomatis, với những triệu chứng rất mờ nhạt hoặc không có triệu chứng. Tuy nhiên hậu quả sẹo ống dẫn trứng có thể dẫn đến thai ngoài tử cung (9%) và vô sinh nữ (14 - 20%).


Một số bệnh lý phụ khoa do Chlamydia trachomatis gây ra
Một số bệnh lý phụ khoa do Chlamydia trachomatis gây ra

2.6. Viêm quanh gan

Chlamydia từ cổ tử cung di chuyển tới nội mạc tử cung, vòi trứng và lan tới cơ hoành phải gây viêm quanh gan. Bệnh thường gặp ở phụ nữ trong tuổi hoạt động tình dục mạnh, với biểu hiện:

  • Đau hạ sườn phải;
  • Sốt;
  • Buồn nôn hoặc nôn.

Viêm quanh gan (perihepatitis) - hội chứng HC Fitz-Hugh- Curtis có thể xảy ra sau hoặc cùng lúc với viêm vòi trứng. Về lâm sàng, triệu chứng đau nhói vùng thấp bờ sườn phải cần tránh nhầm viêm túi mật và viêm màng phổi.

3. Nhiễm Chlamydia ở trẻ sơ sinh


Hình ảnh Chlamydia Trachomatis
Hình ảnh Chlamydia Trachomatis

Nếu người mẹ bị Chlamydia sẽ lây sang cho trẻ sơ sinh khi đẻ thường qua đường sinh dục.

3.1. Viêm phổi

Viêm phổi do Chlamydia ở trẻ sơ sinh xuất hiện 1 - 3 tháng sau khi các bé chào đời với các biểu hiện sau:

  • Không sốt;
  • Ho giả ho gà;
  • Có đờm nhầy;
  • Thở nhanh;
  • Phổi có rales.

Cận lâm sàng:

  • Xquang thấy thâm nhiễm kẽ đối xứng;
  • Tăng bạch ái toan và Gamma globulin huyết;
  • Kháng thể IgM với Chlamydia.

3.2. Viêm kết mạc

Viêm kết mạc do Chlamydia xuất hiện trong vòng 5 - 15 ngày sau sinh và thường chỉ bị 1 bên. Các triệu chứng bao gồm bờ mi phù, viêm có mủ, kết mạc đỏ tấy,...

Để phòng ngừa viêm đường tiết niệu - sinh dục do nhiễm Chlamydia, mọi người cần thăm khám kỹ và điều trị dứt điểm các bệnh lây qua đường tình dục. Bao cao su chính là biện pháp tránh thai duy nhất có thể giúp phòng tránh nhiễm Chlamydia, cũng như bất kỳ căn bệnh nào lây truyền qua đường tình dục. Khi phát hiện những triệu chứng bất thường ở cơ quan sinh sản, nên ngừng sinh hoạt tình dục và nhanh chóng đến gặp bác sĩ chuyên khoa để kiểm tra.


Viêm kết mạc ở trẻ sơ sinh
Viêm kết mạc ở trẻ sơ sinh

Thạc sĩ. Bác sĩ Trịnh Thị Thanh Huyền được đào tạo chuyên sâu về siêu âm sản khoa, phẫu thuật nội soi và nội soi tử cung tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương và có hơn 13 năm kinh nghiệm công tác tại Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng.

Hiện bác sĩ đang là Bác sĩ Sản phụ khoa tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Video đề xuất:

Khám sức khỏe định kỳ tại Vinmec: Bảo vệ bạn trước khi quá muộn!

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe