Bà bầu bị chảy máu chân răng và cách chữa

Trong thời kỳ mang thai, do nhiều thay đổi của cơ thể nên tình trạng chảy máu chân răng là vấn đề khá phổ biến. Nếu không hiểu rõ về tình trạng này, mẹ bầu có thể gặp phải những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp các thông tin cần thiết về bầu bị chảy máu chân răng và cách chữa hiệu quả, an toàn.

1. Nguyên nhân chảy máu chân răng khi mang thai

Do có nhiều sự thay đổi trong cơ thể của phụ nữ mang thai nên khiến họ bị chảy máu chân răng nhiều hơn, cụ thể:

  • Thay đổi lượng canxi

Nhu cầu canxi ở phụ nữ mang thai cao gấp nhiều lần so với người bình thường do phần lớn được chuyển sang cho bào thai trong quá trình hình thành hệ xương. Dẫn đến tình trạng mẹ bầu thường hay bị thiếu canxi, gây ảnh hưởng đến hệ xương, trong đó cũng khiến răng trở nên xốp hơn, dễ bị sâu răng và chảy máu chân răng.

  • Thay đổi nội tiết tố

Estrogen và Progesterone là 2 hormone thay đổi nhiều nhất trong thai kỳ, dẫn đến lưu lượng máu tới nướu tăng mạnh, gây chảy máu chân răng nhiều hơn. Tình trạng này có thể xảy ra bất kỳ thời điểm nào trong thai kỳ.

  • Thay đổi về chế độ dinh dưỡng hàng ngày

Trong những tháng đầu, mẹ bầu thường có tình trạng ốm nghén, buồn nôn, chán ăn, thèm ăn chua ngọt nhiều hơn bình thường. Đây cũng là nguyên nhân khiến nguy cơ sâu răng xảy ra khá nhiều mà triệu chứng thường gặp nhất là chảy máu chân răng.

  • Các bệnh lý răng miệng

Viêm nướu, viêm nha chu, u nhú thai nghén, sâu răng, mòn răng... là một số bệnh lý răng miệng thường gặp nhất ở phụ nữ mang thai. Triệu chứng chảy máu chân răng là dấu hiệu sớm để cảnh báo cho các bệnh lý này đang tiến triển cần can thiệp kịp thời.

Việc bà bầu mắc phải các bệnh lý trên trong thời kỳ mang thai sẽ làm tăng nguy cơ sinh non, con nhẹ cân hoặc tiền sản giật. Vì vậy, các mẹ bầu tuyệt đối không chủ quan khi bị chảy máu chân răng mà tự ý điều trị tại nhà.

2. Cách chữa chảy máu chân răng cho bà bầu

Để cải thiện tình trạng chảy máu chân răng ở mẹ bầu, có thể áp dụng một số phương pháp dưới đây:

  • Dùng nước súc miệng

Ngoài việc đánh răng 2 lần/ ngày, dùng nước súc miệng sẽ giúp ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn, từ đó hạn chế vấn đề răng miệng và chảy máu chân răng. Nên chọn loại nước súc miệng không chứa cồn để không làm khô miệng.

  • Làm sạch vôi răng

Mặc dù chải răng hàng ngày cũng không thể loại bỏ hoàn toàn các mảng bám thức ăn ở những vị trí các kẽ răng. Dùng chỉ nha khoa hàng ngày hoặc định kỳ lấy cao răng ít nhất 6 tháng/ lần sẽ giúp loại bỏ hoàn toàn các mảng bám trên răng.

  • Dùng kháng sinh

Trong trường hợp chảy máu chân răng kéo dài đã xác định nguyên nhân do các bệnh lý răng miệng như viêm nướu, viêm nha chu... Mẹ bầu có thể được chỉ định dùng kháng sinh theo y lệnh của bác sĩ. Tuy nhiên trước đó, cần được thăm khám đầy đủ do việc dùng thuốc trong thai kỳ nên cẩn trọng và hạn chế, có thể xem xét dùng kháng sinh dạng gel bôi hoặc súc miệng. Nên báo cho nha sĩ biết bạn đang mang thai vào tháng thứ mấy để chỉ định dùng thuốc thích hợp, hạn chế xảy ra các nguy cơ tiềm ẩn ảnh hưởng đến thai nhi.

  • Một số thảo dược giúp giảm chảy máu chân răng tại nhà

Trà xanh, dầu ô liu, mật ong, dầu đinh hương, lô hội, baking soda, trà xô thơm, tinh dầu tràm... giúp giảm tình trạng chảy máu chân răng khá hiệu quả. Tuy nhiên đây chỉ là những thảo dược dùng để giảm chảy máu chân răng tạm thời, không nên dùng trong thời gian dài khi triệu chứng chảy máu không cải thiện.

3. Cách ngăn ngừa chảy máu chân răng khi mang thai

Chăm sóc sức khỏe răng miệng thường xuyên và đúng cách là biện pháp tốt nhất để hạn chế tình trạng chảy máu chân răng.

Các mẹ bầu có thể áp dụng các biện pháp dưới đây để giúp phòng ngừa chảy máu chân răng bao gồm:

  • Đánh răng sau mỗi bữa ăn chính với kem đánh răng có chứa fluoride, đánh răng đúng cách theo chiều dọc lên xuống hoặc xoắn ốc, không đánh quá mạnh và theo chiều ngang sẽ làm mòn lớp men răng ở bên ngoài từ từ và gây đau nướu. Dùng bàn chải có lông mềm, kích thước phù hợp.
  • Vệ sinh lưỡi: Không chỉ răng cần được chăm sóc, mà thậm chí lưỡi, nướu, mô miệng khác cũng được vệ sinh nhẹ nhàng mỗi ngày. Việc chải lưỡi sẽ giúp làm giảm bớt mảng bám và lượng vi khuẩn có trong miệng.
  • Dùng chỉ nha khoa để loại bỏ các mảng bám trên răng ở giữa các kẽ răng thay vì dùng tăm tre có thể làm tổn thương vùng nướu răng.
  • Súc miệng bằng nước muối 2 lần/ ngày để giảm tình trạng viêm nhiễm.
  • Có chế độ ăn đa dạng với các loại rau củ, trái cây... Hạn chế các thức ăn nhiều đường, dầu mỡ, nhiều phẩm màu, các thức uống có ga, tinh bột như kẹo, bánh quy, bánh ngọt và trái cây khô.
  • Bỏ thuốc lá.
  • Trường hợp đang mắc đái tháo đường, hãy tuân thủ điều trị và kết hợp chế độ ăn, luyện tập phù hợp để giữ mức đường huyết trong phạm vi cho phép.
  • Nếu tình trạng nghén làm bà bầu nôn quá nhiều thì nên súc miệng thật sạch sau mỗi lần nôn để tránh tình trạng các mảng thức ăn bám vào răng.
  • Khám định kỳ 3 tháng/lần với nha sĩ để được chăm sóc răng miệng như lấy cao răng cũng như phát hiện các vấn đề cần được can thiệp kịp thời trong thời kỳ mang thai.

Chảy máu chân răng khi mang thai là một vấn đề khá phổ biến và có thể được điều trị dễ dàng nên các mẹ bầu đừng quá lo lắng. Tuy nhiên, các mẹ bầu cần lưu ý rằng việc chăm sóc sức khỏe răng miệng là việc cực kỳ cần thiết khi mang thai. Hy vọng bài viết trên đã giúp các mẹ bầu trang bị cho mình những kiến thức hữu ích về tình trạng chảy máu chân răng và cách chữa phù hợp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

13.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan