Rau bong non - tai biến sản khoa nguy hiểm

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Lê Thị Phương - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Rau bong non là một cấp cứu sản khoa thường xảy ra ở ba tháng cuối của thời kỳ thai kỳ với diễn biến đột ngột, nhanh chóng có thể đe doạ tính mạng của mẹ và thai nhi do tình trạng sốc mất máu, biến chứng rối loạn đông máu hay vô niệu. Cần phải chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời mới có thể cứu sống mẹ và thai nhi.

1. Rau bong non là gì?

Rau bong non là trường hợp rau bám đúng vị trí nhưng bị bong sớm trước khi thai nhi được sổ ra ngoài, do có sự hình thành khối máu tụ sau rau. Khối máu tụ này lớn dần làm bong bánh rau ra khỏi thành tử cung cắt đứt sự nuôi dưỡng giữa mẹ và thai nhi

Rau bong non là một tai biến sản khoa nguy hiểm cần được phát hiện sớm và có hướng điều trị thích hợp để bảo vệ sức khỏe cho mẹ và thai nhi.

2. Rau bong non có nguy hiểm không?

Rau bong non tiến triển nhanh, nếu không xử lý kịp thời sẽ đưa đến những biến chứng nguy hiểm như sau:

  • Sốc mất máu: sốc xảy ra nhanh, nhất là sau khi thai và rau thai được sổ ra ngoài. Điều cần chú ý là lượng máu ứ lại trong lòng tử cung có thể rất nhiều so với lượng máu chảy ra ngoài âm đạo.
  • Rối loạn đông máu: do thiếu sinh sợi huyết, phát hiện sau khi sổ rau thấy máu loãng không đông vẫn tiếp tục chảy ra ngoài âm đạo. Biến chứng này càng nặng nếu diễn biến rau bong non càng kéo dài, vì vậy cần phải phát hiện sớm để có ngay hướng xử trí.
  • Vô niệu: cần theo dõi nước tiểu liên tục trong những giờ đầu và những ngày tiếp theo sau đó để phát hiện biến chứng này. Người bệnh có biểu hiện tiểu ít, thậm chí là không có nước tiểu, đau vùng hông lưng, ure huyết tăng cao nhưng ure niệu giảm. Vô niệu phần lớn là do tình trạng sốc gây tụt huyết áp, chảy máu nhiều. Một số khác do hoại tử không hồi phục của lớp vỏ thận, tiên lượng nặng, có thể dẫn đến tử vong.

Ngoài ra rau bong non có thể để lại các di chứng khác hết sức nguy hiểm như: suy gan thận cấp, suy tuyến thượng thận, tăng huyết áp, ...

3. Dấu hiệu của rau bong non

3.1 Triệu chứng cơ năng

  • Đau: đau vùng bụng dưới xuất hiện một cách đột ngột, bắt đầu từ tử cung đau lan ra sau lưng và xuống đùi sau đó lan ra khắp cả bụng. Cơn đau có tính chất liên tục, kéo dài. Khi tử cung cứng như gỗ, bệnh nhân đau lăn lộn, vật vã, hốt hoảng, có dấu hiệu sốc ngày càng nặng, mạch nhanh, huyết áp tụt, trường hợp nặng có thể kèm theo hội chứng tiền sản giật.
Rau bong non - tai biến sản khoa nguy hiểm
Đau vùng bụng dưới xuất hiện một cách đột ngột

  • Xuất huyết: xuất huyết âm đạo có thể có hoặc không có do máu đọng lại trong tử cung mà không chảy ra ngoài. Tính chất máu chảy ra là máu đỏ sậm, loãng, không đông.

3.2 Triệu chứng toàn thân

  • Người bệnh có tình trạng vật vã, kích thích do thiếu máu hoặc người mệt lả, ngất xỉu.
  • Sốc xảy ra nhanh chóng mặc dù có thể thấy máu ra âm đạo ít. Độ nặng của tình trạng sốc không đi đôi với số lượng máu mất ra ngoài âm đạo.
  • Có thể có hội chứng tiền sản giật đi kèm, lúc đầu huyết áp hơi tăng về sau giảm, mạch chậm, chân tay lạnh, vã mồ hôi, da niêm mạc nhợt nhạt, ...

3.3 Triệu chứng thực thể

  • Tử cung co cứng là triệu chứng quan trọng nhất. Tử cung co cứng một cách bất thường, trương lực cơ bản của tử cung cũng cao hơn bình thường, trong những thể nặng tử cung cứng như gỗ.
  • Bề cao tử cung ngày càng tăng, khối máu tụ càng lớn làm bề cao tử cung ngày càng tăng lên.
  • Sờ nắn các phần của thai nhi qua thành bụng khó khăn do tử cung co cứng.
  • Nghe tim thai thay đổi nhanh chóng hoặc không nghe được trong những thể nặng. Những thể nhẹ cũng có thể nghe được nhưng khó khăn, thường diễn biến đến suy thai rất nhanh chóng.
  • Khám âm đạo thấy cổ tử cung siết cứng như vòng nhẫn, ối căng phồng, bấm ối thấy nước ối lẫn máu đỏ.

3.4 Triệu chứng của rau bong non phân theo thể bệnh

Tùy theo từng mức độ nghiêm trọng của nhau bong non (độ I, II, III), các triệu chứng có thể khác nhau:

  • Nhau bong non độ I: có hiện tượng xuất huyết âm đạo mức độ nhẹ, các cơn co thắt tử cung nhẹ, sinh hiệu ổn định và nhịp tim của thai nhi ổn định. Xét nghiệm đông máu bình thường.
  • Nhau bong non độ II: có hiện tượng xuất huyết âm đạo lượng vừa, tử cung co thắt bất thường, huyết áp thấp, suy thai, rối loạn đông máu.
  • Nhau bong non độ III: là thể nặng nhất. Có hiện tượng xuất huyết âm đạo lượng nhiều và co thắt tử cung mạnh, huyết áp rất thấp, thai chết, rối loạn đông máu nặng.

4. Những yếu tố nguy cơ gây ra rau bong non

Rau bong non hay gặp trong những trường hợp sau:

  • Những người sinh con rạ, lớn tuổi (80%)
  • Tăng huyết áp do nhiễm độc thai nghén (khi có thai mới bị tăng huyết áp, trước đó chưa bao giờ bị)
  • Do chấn thương trực tiếp vào bụng: (do tai nạn giao thông, bị ngã xe, hoặc tai nạn sinh hoạt, ...)
  • Do kim đâm vào lá rau khi chọc dò ối không đúng chỗ gây chảy máu tạo thành khối máu tụ sau rau làm rau bong non.
  • Do thủ thuật ngoại xoay thai không đúng kỹ thuật làm kéo dây rốn gây rau bong non
  • Ngoài ra, những thai phụ không được khám thai định kỳ để phát hiện sớm nguy cơ nhiễm độc thai nghén, những người có chế độ ăn uống kém, sống ở nơi có điều kiện kinh tế xã hội thấp thì khả năng bị rau bong non càng cao. Đó là lý do vì sao những người lao động nặng nhọc, quá sức, những phụ nữ sống ở vùng sâu, vùng xa lại có nguy cơ bị rau bong non cao hơn ở thành thị.
Rau bong non - tai biến sản khoa nguy hiểm
Rau bong non

5. Phòng ngừa rau bong non

Để tránh xảy ra hiện tượng rau bong non gây nguy hiểm cho cả mẹ và con, người phụ nữ khi mang thai cần chú ý:

  • Khoảng cách giữa hai lần sinh con không nên kéo dài quá 7 năm
  • Khi có thai phải có chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi hợp lý
  • Nên đăng ký khám thai định kỳ tại một cơ sở y tế uy tín ngay sau khi có thai để được bác sĩ tư vấn và quản lý thời kỳ thai nghén
  • Bổ sung axit folic trước và ngay sau khi mang thai

Việc theo dõi sức khỏe càng quan trọng hơn ở những tháng cuối thai kỳ, người mẹ mang thai cần thực hiện thăm khám thai định kỳ và lắng nghe cơ thể mình và những phản ứng của thai nhi. Khi phát hiện các yếu tố nguy cơ cao như: xuất huyết âm đạo, đau trằn bụng dưới,... thai phụ cần kịp thời đến bệnh viện chuyên khoa Sản để được chẩn đoán và xử trí kịp thời.

Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đã làm chủ kỹ thuật mổ lấy thai cho các bà bầu có bệnh lý Sản khoa như rau tiền đạo, rau bong non, tiền sản giật, sản giật, ... Kỹ thuật được thực hiện bởi đội ngũ bác sĩ giàu chuyên môn và sự hỗ trợ từ trang thiết bị y tế hiện đại.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan