Rau bong non: Đẻ thường hay đẻ mổ?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Như Thu Trúc - Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang. Bác sĩ có hơn 8 năm kinh nghiệm điều trị trong lĩnh vực Sản phụ khoa.

Rau bong non là một bệnh lý nghiêm trọng trong thai kỳ có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi. Tùy theo mức độ bong rau và thể trạng của người mẹ, các bác sĩ sẽ cân nhắc lựa chọn phương pháp sinh phù hợp, an toàn cho cả mẹ và bé.

1. Rau bong non là gì?

Rau bong non là tình trạng rau bong trước khi thai được sổ ra ngoài.

Hình ảnh đại thể có thể nhìn thấy:

  • Bánh rau: khối máu tụ sau rau in lõm vào bánh rau, có ổ nhồi máu hoặc xuất huyết.
  • Tử cung: ổ nhồi máu hoặc tử cung bầm tím, lan sang dây chằng rộng.
  • Buồng trứng hay nơi khác: chảy máu tại buồng trứng, chảy máu ở thận, ở ruột.

Hình ảnh vi thể:

  • Hoại tử khu trú, nốt nhồi máu đỏ.
  • Viêm mao mạch, động mạch thoái hoá.
  • Huyết khối ở những tĩnh mạch nhỏ hơn ở vùng sau bánh rau.
  • Rau bong non thể nặng có thể thấy các sợi cơ tử cung ngập trong máu và thanh huyết
  • Máu tách vào giữa 2 dây chằng rộng và phúc mạc tiểu khung.
Rau bong non
Hình ảnh rau bong non

2. Rau bong non có nguy hiểm không?

Rau bong non là một bệnh lý nghiêm trọng trong thai kỳ vì bệnh xảy ra đột ngột, tiến triển nhanh sang thể nặng, khó tiên lượng.

Ngoài ra, nếu không được xử trí kịp thời, bệnh có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như:

  • Sốc do mất máu.
  • Rối loạn đông máu.
  • Thiếu máu ở các tạng như gan, thận, thuỳ trước tuyến yên.

3. Nguyên nhân gây rau bong non

Các nguyên nhân có thể gây ra rau bong non bao gồm:

  • Chấn thương
  • Nhiễm độc thai nghén
  • Thiếu yếu tố sinh sợi huyết bẩm sinh
  • Hút thuốc lá
  • Suy dinh dưỡng
  • Thiếu axit folic, vitamin A, canxi
  • Thiếu máu
  • Lạm dụng chất gây nghiện: cocain, ma tuý

4. Chẩn đoán rau bong non

Siêu âm thai có ảnh hưởng gì không
Siêu âm có thể giúp phát hiện rau bong non

Bệnh rau bong non có thể được chẩn đoán bằng nhiều cách:

  • Kiểm tra bệnh sử
  • Khám lâm sàng
  • Xét nghiệm máu và các xét nghiệm khác

Các thể rau bong non bao gồm:

  • Rau bong non thể ẩn: khó chẩn đoán
  • Rau bong non thể nhẹ có các biểu hiện như:
    • Nhiễm độc thai nghén nhẹ.
    • Cường độ cơn co tử cung bình thường, trương lực hơi tăng nhưng khó nhận thấy.
    • Quá trình sinh tiến triển bình thường, sau sinh kiểm tra bánh rau thấy khối máu tụ sau rau lõm vào bánh rau.
    • Siêu âm có thể chẩn đoán được.
    • Xét nghiệm máu thấy yếu tố sinh sợi huyết giảm nhẹ.
  • Rau bong non thể trung bình có các triệu chứng như sau:
    • Nhiễm độc thai nghén thể trung bình.
    • Đột nhiên đau bụng, đau ngày càng tăng và kéo dài.
    • Âm đạo ra máu không đông( máu đen loãng)
    • Sốc: huyết áp giảm hay bình thường, mạch nhanh.
    • Tử cung co cứng, cao dần lên và khó sờ thấy các phần của thai nhi.
    • Tim thai nhanh hoặc chậm hoặc rời rạc.
    • Cổ tử cung cứng.
    • Ối phồng căng, nếu ối vỡ có thể thấy ối hồng lẫn máu.
    • Siêu âm thấy khối máu tụ sau rau
    • Xét nghiệm máu thấy yếu tố sinh sợi huyết giảm.
  • Rau bong non thể nặng:
    • Nhiễm độc thai nghén nặng.
    • Sốc mất máu.
    • Âm đạo ra máu không đông.
    • Tử cung cứng như gỗ.
    • Không có tim thai
    • Siêu âm thấy khối máu tụ sau rau.
    • Xét nghiệm máu thấy tình trạng thiếu máu nặng, yếu tố sinh sợi huyết giảm nghiêm trọng.

Chẩn đoán phân biệt

  • Rau tiền đạo.
  • Vỡ tử cung.

5. Rau bong non nên đẻ thường hay đẻ mổ?

Sản phụ từng bị thai lưu: Cần khám, tư vấn và chăm sóc trước khi mang thai lại
Phương pháp điều trị rau bong non còn tùy thuộc vào thể bệnh

Phương pháp điều trị rau bong non tùy thuộc vào thể bệnh.

Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp việc điều trị được diễn ra trong bệnh viện và bác sĩ phải ổn định tình trạng của thai phụ trước. Người bệnh sẽ được truyền dịch tĩnh mạch, tiêm thuốc để ổn định huyết áp và duy trì lưu lượng nước tiểu ổn định.

  • Rau bong non thể ẩn và thể nhẹ: hầu hết trẻ sơ sinh đã đủ tháng trong tình trạng rau bong nhẹ có thể được sinh tự nhiên theo ngã âm đạo nhưng cần một bác sĩ chuyên khoa sản nhi chăm sóc đặc biệt.
  • Thể trung bình và nặng:
    • Sản khoa: mổ lấy thai, không bấm ối. Nếu đủ điều kiện sinh ngã âm đạo nên giúp sinh bằng forceps.
    • Nội khoa:
      • Hồi sức, chống sốc.
      • Truyền dịch.
      • Truyền máu.

Khi mang thai, bà bầu nên đi khám định kỳ và nếu nhận thấy các triệu chứng như: xuất huyết âm đạo, đau bụng dưới, ... cần kịp thời đến bệnh viện chuyên khoa Sản để được chẩn đoán và xử trí kịp thời. Tùy theo mức độ bong nhau bác sĩ sẽ chỉ định sinh ngã âm đạo hay cần phẫu thuật mổ lấy thai.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số 02973985588 hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Phú Quốc.

1.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan