Những vị trí đo thân nhiệt xác định trẻ bị sốt

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Phan Ngọc Hải - Bác sĩ Nhi - Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng và Bác sĩ nội trú Dương Văn Sỹ - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Có nhiều cách để đo thân nhiệt của trẻ. Trong đó, đo nhiệt độ ở nách lại là phương pháp ít chính xác nhất, nhưng lại thuận tiện đối với trẻ dưới 3 tháng tuổi.

1. Cách đo thân nhiệt khi trẻ bị sốt

Có nhiều cách để đo nhiệt độ cơ thể, và mỗi cách đo sẽ có độ chính xác khác nhau. Sử dụng phương pháp đo nhiệt độ tại nách là một cách an toàn và hiệu quả để theo dõi nhiệt độ cơ thể, đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Tuy nhiên, nó không phải là phương pháp chính xác nhất. Vì vậy, nếu bạn nghi ngờ trẻ bị sốt, bạn nên đo nhiệt độ tại hậu môn.

Hiện nay, nhiệt kế điện tử được sử dụng phổ biến hơn và thay thế cho nhiệt kế thủy ngân do an toàn và cho kết quả chính xác hơn.

Nhiệt kế khi trẻ bị sốt
Nhiệt kế điện tử được sử dụng phổ biến hơn để đo thân nhiệt khi trẻ bị sốt

1.1 Cách đo nhiệt độ ở hậu môn

Phương pháp đo thân nhiệt ở trực tràng:

  • Đặt trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ nằm sấp trong lòng cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ.
  • Thoa một lượng nhỏ vaseline hoặc chất bôi trơn vào phần cuối của nhiệt kế.
  • Đặt nhiệt kế một cách nhẹ nhàng vào hậu môn của trẻ cho đến khi không còn thấy phần đầu bạc của nhiệt kế nữa (tương đương khoảng 1⁄4 – 1⁄2 inch ≈ 0,6 – 1,3 cm).
  • Giữ nguyên nhiệt kế trong khoảng 2 phút đối với nhiệt kế thủy ngân và 1 phút đối với nhiệt kế điện tử.
  • Khi nhiệt độ ở hậu môn đo được > 100.4oF (tương đương 38oC) nghĩa là trẻ bị sốt.

1.2 Cách đo nhiệt độ ở miệng

Cách đo nhiệt độ ở miệng thường dành cho trẻ khoảng từ 4 tuổi trở lên, đã biết nghe lời ngậm miệng lại khi đo. Khi dùng cách này thì bố mẹ lưu ý trước đó khoảng 30 phút bé không ăn hay uống đồ lạnh hay đồ nóng để tránh hiện tượng thông số không chính xác.

  • Rửa nhiệt kế bằng nước lạnh và xà phòng, sau đó rửa sạch lại với nước.
  • Đặt đầu nhiệt kế vào bên dưới lưỡi của trẻ và bảo trẻ giữ nhiệt kế bằng môi, giữ môi kín xung quanh nhiệt kế trong khoảng 3 phút đối với nhiệt kế thủy ngân và 1 phút đối với nhiệt kế điện tử.
  • Khi nhiệt độ ở miệng đo được > 99.5oF (tương đương 37.5oC) nghĩa là trẻ bị sốt.

1.3 Cách đo nhiệt độ nách

  • Kiểm tra xem nhiệt kế đã bật chưa.
  • Ấn nhẹ đầu của nhiệt kế vào giữa nách.
  • Giữ cánh tay của bạn, hoặc cánh tay con của bạn, áp sát vào cơ thể để nhiệt kế giữ nguyên vị trí.
  • Đợi cho nhiệt kế đọc chỉ số nhiệt độ. Việc này sẽ mất khoảng một phút hay lâu hơn. Hãy chờ cho đến khi nhiệt kế phát ra tiếng bíp.
  • Lấy nhiệt kế ra khỏi nách và đọc nhiệt độ.
  • Khi nhiệt độ ở nách đo được > 99oF (tương đương 37.2oC) nghĩa là trẻ bị sốt.

1.4 Cách đo nhiệt độ tai

Để lấy nhiệt độ đo tại tai, bạn cần một nhiệt kế đo tai đặc biệt. Cách sử dụng:

  • Lắp một đầu dò vào nhiệt kế và bật lên theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
  • Kéo nhẹ phần vành tai ra ngoài để mở dọc ống tai, nhẹ nhàng đẩy nhiệt kế vào ống tai cho đến khi nhiệt kế được đưa vào hoàn toàn
  • Nhấn nút đọc và chờ thông báo xong của nhiệt kế.
  • Tháo nhiệt kế cẩn thận và đọc nhiệt độ đo được
  • Khi nhiệt độ ở tai đo được > 100.4o (tương đương 38oC) nghĩa là trẻ bị sốt.

1.5 Đo tại trán

Phương pháp đo trán sẽ giúp bé yêu cảm thấy thoải mái, đầu đo không cần phải tiếp xúc trực tiếp vào trán mà vẫn cho kết quả khá chính xác. Đo nhiệt độ ở trán bạn cần trang bị nhiệt kế hồng ngoại đo trán.

Cách đo: Bạn hãy đưa đầu dò hồng ngoại vào giữa trán của trẻ. Để đầu dò cách trán trẻ khoảng 1 - 3 cm sau đó bấm nút đo, kết quả sẽ có chỉ sau khoảng 1 - 3 giây.

Khi nhiệt độ tại trán từ 37.5 độ C trở lên, trẻ đã bị sốt

Khi trẻ bị sốt cha mẹ nên làm gì
Khi trẻ sốt cao, cha mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế thăm khám

2. Khi trẻ bị sốt thì cha mẹ nên làm gì?

Sốt có thể làm trẻ khó chịu. Khi trẻ bị sốt, đặc biệt là sốt cao cha mẹ cần quan sát thêm hành vi và vẻ ngoài của trẻ, có đi kèm các triệu chứng khác không, nếu có cần được xem xét bởi nhân viên y tế.

Đa số các trường hợp bị sốt có thể được theo dõi và điều trị tại nhà. Tuy nhiên, quan trọng là cha mẹ và người chăm sóc trẻ cần phải biết khi nào nên đưa trẻ đi khám và khi nào cần cho trẻ uống thuốc hạ sốt.

Sốt khiến trẻ mệt mỏi và đau nhức. Do đó, khi trẻ bị sốt, cha mẹ cần khuyến khích trẻ nghỉ ngơi như trẻ mong muốn. Không cần phải ép trẻ ngủ hoặc nghỉ ngơi nếu trẻ cảm thấy khỏe hơn. Có thể cho trẻ đi học lại hoặc tham gia các hoạt động khác khi thân nhiệt của trẻ đã trở về bình thường sau 24 giờ.

Khi trẻ bị sốt, cha mẹ phải bình tĩnh và nắm vững kiến thức, cách đo thân nhiệt ở đâu và như thế nào để có thể đo nhiệt độ cơ thể trẻ chính xác. Cần theo dõi thân nhiệt của trẻ liên tục để phòng ngừa các trường hợp sốt cao gây co giật.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

195.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan