Những vấn đề hàng đầu về miệng của bạn

Những vấn đề hàng đầu về miệng bao gồm loét miệng, nha chu, viêm lợi, nhiệt miệng... Tình trạng này vừa gây khó chịu, vừa ảnh hưởng đến cuộc sống thường ngày. Tuy nhiên, hầu hết chúng đều dễ giải quyết và ngăn ngừa bằng cách vệ sinh răng miệng, ăn uống hợp lý, thăm khám nha sĩ thường xuyên.

1. Mụn rộp ở miệng và môi

Mụn rộp là một vấn đề hàng đầu ở môi miệng, còn gọi là bệnh Herpes môi hoặc mụn giộp, được kích hoạt khi cơ thể bị sốt hoặc cảm lạnh. Virus Herpes gây ra mụn rộp thường được truyền khi hôn nhau, dùng chung đồ cá nhân hoặc tiếp xúc gần gũi. Các loại kem và thuốc mỡ không kê đơn có thể giúp giảm bớt sự khó chịu và tăng tốc độ chữa lành. Nếu bạn bị loét miệng thường xuyên, cần đến khám bác sĩ để được kê toa thuốc.

2. Bệnh tưa miệng

Việc gỡ các miếng da tưa, bong tróc sẽ gây đau nhức. Nếu gặp phải tình trạng này, nên khám bác sĩ để chẩn đoán và điều trị thích hợp.

3. Lưỡi lông đen

Lưỡi lông đen là vô hại và không gây đau. Tình trạng này xảy ra khi những nhú gai nhỏ trên lưỡi phát triển dài, tạo điều trị cho vi khuẩn sống trong miệng và khiến lưỡi mọc lông đen. Nguyên nhân có thể bao gồm:

  • Sử dụng kháng sinh
  • Vệ sinh răng miệng kém
  • Hút thuốc
  • Uống nhiều trà hoặc cà phê
  • Không tiết đủ nước bọt.

Thông thường, bạn chỉ cần vệ sinh lưỡi bằng dụng cụ cạo là đủ khắc phục tình trạng này. Một số trường hợp nặng sẽ cần dùng thuốc điều trị.

4. Nhiệt miệng

Còn được gọi là loét áp tơ (aphthous) hay đẹn, vết loét miệng có thể xuất hiện trên lưỡi, má, thậm chí là nướu. Những mụn nước nhỏ, lở loét sẽ gây đau đớn trong miệng. Các tác nhân kích thích bao gồm:

  • Quá mẫn cảm
  • Nhiễm trùng
  • Hormone
  • Căng thẳng
  • Thiếu một số vitamin.

Nhiệt miệng thường kéo dài 1 - 2 tuần. Các vết loét dai dẳng, nghiêm trọng có thể được điều trị bằng kem gây tê, thuốc theo toa hoặc laser nha khoa.

nhung-van-de-hang-dau-ve-mieng-cua-ban-1
Nhiệt miệng là tình trạng gặp ở nhiều người

5. Bạch sản niêm (leukoplakia)

Leukoplakia là phản ứng đối với một chất kích thích, ví dụ như chiếc răng giả sần sùi hoặc không vừa vặn, hút thuốc và thuốc lá không khói. Tình trạng này xuất hiện dưới dạng các mảng trắng hoặc mảng bám trong miệng, thường không gây đau đớn và không thể loại bỏ. Leukoplakia cũng có thể là một dấu hiệu tiền ung thư. Do vậy, các mảng trắng dai dẳng hoặc những thay đổi khác bất thường trong miệng đều cần nha sĩ hoặc bác sĩ đánh giá.

6. Li ken phẳng (Lichen Planus)

Đây là một dạng phát ban hiếm gặp, xuất hiện dưới dạng các mảng trắng hoặc vết sưng đỏ ở bên trong má hoặc lưỡi. Không rõ nguyên nhân gây ra li ken phẳng. Nhìn chung, bệnh lichen nhẹ không cần điều trị. Nếu li ken gây đau hoặc loét miệng, bệnh nhân có thể điều trị bằng thuốc uống và thuốc bôi. Tình trạng này có thể kéo dài mãn tính và làm tăng nguy cơ ung thư miệng. Ngoài miệng, lichen phẳng cũng ảnh hưởng đến da, da đầu, móng tay và bộ phận sinh dục.

7. Lưỡi bản đồ

Khi một số phần của lưỡi bị thiếu các nhú gai nhỏ, bề mặt lưỡi sẽ gồ ghề, nổi lên và lõm xuống, tạo hình dạng giống như bản đồ. Các vùng bất thường có thể thay đổi vị trí, kiểu dạng và kích thước trong vòng vài phút đến vài giờ. Lưỡi bản đồ thường vô hại, có thể tự xuất hiện và biến mất mà không cần điều trị. Nếu cảm thấy đau rát, bạn có thể dùng thuốc giảm đau không kê đơn và thuốc chống viêm.

8. Ung thư miệng

Một vài triệu chứng của ung thư miệng thường là:

  • Xuất hiện vết loét miệng dai dẳng, không biến mất
  • Tê bì ở mặt, miệng hoặc cổ mà không rõ nguyên nhân
  • Gặp vấn đề khi nhai, nói hoặc nuốt.
nhung-van-de-hang-dau-ve-mieng-cua-ban-2
Có nhiều nguyên nhân gây ung thư miệng

Nguyên nhân có thể bao gồm:

  • Hút thuốc lá và thuốc lá không khói
  • Uống nhiều rượu
  • Tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời
  • Tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư.

Ung thư miệng cũng có liên quan đến virus papilloma ở người, hay còn gọi là HPV. Vì thế, bệnh nhân đi khám càng sớm càng tốt nếu phát hiện dấu hiệu bất thường, vì bệnh này phát hiện sớm sẽ có thể chữa được.

9. Rối loạn khớp thái dương hàm (TMJ)

Tình trạng này có thể gây đau dữ dội ở hàm, mặt, tai hoặc cổ. Các triệu chứng kèm theo bao gồm: nhức đầu, chóng mặt, thậm chí khó nuốt. Nguyên nhân gây ra hội chứng TMJ có thể là do nghiến răng hoặc chấn thương. Các biện pháp điều trị thường được áp dụng là: nghỉ ngơi, xông, đeo thiết bị bảo hộ răng - hàm, dùng thuốc hoặc phẫu thuật.

10. Răng sứt mẻ

Nhai kẹo hoặc đá lạnh, hoặc nghiến răng, thậm chí để răng tiếp xúc với nóng và lạnh có thể dẫn đến sứt mẻ, nứt và vỡ răng. Sứt mẻ hoặc vết nứt nhỏ có thể không phải là một vấn đề đáng bận tâm. Nhưng nếu nghiêm trọng có thể dẫn đến đau hoặc tổn thương răng vĩnh viễn. Nha sĩ có thể trám lại răng, dán sứ và mão răng để sửa chữa răng bị hư hỏng nặng.

11. Bệnh nướu răng

Khi bệnh nha chu (nướu) phát triển, vi khuẩn trong mảng bám tích tụ dọc theo đường nướu. Viêm nướu là giai đoạn đầu của bệnh nướu răng. Các triệu chứng bao gồm sưng đỏ và chảy máu. Vệ sinh răng miệng đúng cách có thể giúp ngăn ngừa bệnh nha chu. Hút thuốc, chế độ ăn uống kém, và căng thẳng là những yếu tố khiến tình trạng nướu răng trở nên tồi tệ hơn.

12. Viêm nha chu

Giai đoạn tiếp theo của bệnh nướu răng là viêm hoặc nhiễm trùng nướu. Tình trạng viêm miệng gia tăng khiến nướu bị thoái hóa, hình thành các túi giữa răng và nướu. Những túi này tạo ra cao răng, mảng bám và tích tụ mảnh vụn thức ăn, cuối cùng dẫn đến nhiễm trùng và áp xe. Viêm nha chu tiến triển làm hỏng xương hỗ trợ răng. Đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây mất răng ở người lớn. Nha sĩ có thể điều trị được bệnh về nướu này.

13. Sâu răng, áp xe, đổi màu

Dùng chỉ nha khoa, đánh răng và súc miệng hàng ngày, kết hợp với thăm khám nha khoa thường xuyên, sẽ giúp ngăn ngừa các vấn đề như: sâu răng, áp xe và đổi màu răng. Không nên chịu đựng cơn đau răng nghiêm trọng. Nhiễm trùng răng có thể lan đến mặt, hộp sọ và thậm chí đến máu. Gặp nha sĩ càng sớm càng tốt nếu bạn bị răng đau hoặc sốt, đau tai hay đau khi mở miệng.

nhung-van-de-hang-dau-ve-mieng-cua-ban-3
Bệnh hôi miệng có thể dẫn đến mất tự tin

14. Hôi miệng

Nếu không chải răng thường xuyên, các hạt thức ăn còn mắc lại sẽ thúc đẩy vi khuẩn và gây hôi miệng. Hôi miệng dai dẳng hoặc mùi vị khó chịu trong miệng có thể là do:

  • Liên tục thở qua miệng
  • Khô miệng
  • Sâu răng
  • Dấu hiệu của bệnh nướu răng, hoặc thậm chí là bệnh tiểu đường.

Bạn có thể khắc phục lại chứng hôi miệng bằng cách:

  • Đánh răng và cạo lưỡi
  • Dùng chỉ nha khoa và nước súc miệng sát trùng hàng ngày
  • Uống nhiều nước
  • Tránh các thức ăn có mùi nồng.

Gặp nha sĩ nếu tình trạng hôi miệng vẫn không cải thiện.

15. Sưng lưỡi

Những vết sưng nhỏ, vô hại này sẽ tự biến mất sau một vài ngày, nhưng sẽ gây khó chịu. Mặc dù chưa biết rõ nguyên nhân, nhưng các chuyên gia cho rằng đây có thể là phản ứng đối với thực phẩm hoặc chấn thương nhỏ, như cắn lưỡi. Thông thường bạn không cần phải điều trị, đôi khi thuốc gây tê miệng có thể làm giảm sự khó chịu.

Những vấn đề về răng miệng nếu như không được thăm khám và điều trị có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cũng như đến chất lượng đời sống. Vì thế khi xuất hiện những dấu hiệu của bệnh lý, bạn nên đến các trung tâm y tế để thăm khám và điều trị.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: Webmd.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

51.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan