Những loại thuốc hạ sốt nên dùng và không nên dùng khi bị sốt xuất huyết

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Dược sĩ Ngô Thị Thu Thủy và dược sĩ Nguyễn Hoàng Phương Khanh - Khoa Dược - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Sốt xuất huyết uống thuốc gì? Khi cần hạ sốt trong bệnh sốt xuất huyết, đa số bệnh nhân được điều trị tại nhà bằng các thuốc hạ sốt thông thường, không cần chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên để đảm bảo an toàn, việc dùng thuốc hạ sốt trong bệnh sốt xuất huyết cần phải có một số lưu ý và nên theo hướng dẫn hoặc chỉ định của bác sĩ để tránh những tình huống bất lợi khi điều trị.

1. Sốt xuất huyết là gì?

Sốt xuất huyết là bệnh đặc trưng bởi tình trạng sốt do nhiễm vi-rút Dengue từ muỗi vằn truyền sang. Triệu chứng của bệnh thường xuất hiện sau 4 - 7 ngày sau khi bị muỗi nhiễm vi-rút cắn và kéo dài từ 5 - 7 ngày.

Các triệu chứng bệnh sốt xuất huyết là khác nhau ở mỗi người; có người mắc chỉ bị nhẹ nhưng cũng có người bệnh nghiêm trọng. Triệu chứng thường gặp nhất bao gồm sốt, đau đầu, đau sau hốc mắt, đau nhức cơ khớp, nổi mẩn đỏ ... Bệnh nặng hơn có thể khiến người bệnh bị đau bụng dữ dội, nôn ra máu, chảy máu mũi hoặc co giật... nguy hiểm đến tính mạng.

Do vậy khi gặp phải các triệu chứng trên, người bệnh cần phải đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Miếng dán hạ sốt
Dịch sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh thành trên cả nước

2. Điều trị bệnh sốt xuất huyết như thế nào?

Không có một loại thuốc hay phương pháp điều trị nào là đặc hiệu, dành riêng cho bệnh sốt xuất huyết; các bác sĩ sẽ giúp điều trị các triệu chứng của bệnh (sốt, nhức đầu, đau nhức cơ khớp ...) và nâng đỡ tình trạng người bệnh cho đến khi hồi phục. Chỉ những người bệnh nặng mới cần phải điều trị tại viện, còn phần lớn những người bệnh nhẹ hơn, khỏe hơn có thể được nghỉ ngơi và điều trị tại nhà. Tuy nhiên người bệnh không nên chủ quan và phải đến khám hoặc tái khám với bác sĩ theo yêu cầu để phòng ngừa các biến chứng nghiêm trọng của bệnh nếu có.

3. Thuốc hạ sốt nào có thể dùng trong bệnh sốt xuất huyết?

Để giảm sốt và đau đầu, đau mỏi người có thể dùng các loại thuốc hạ sốt, giảm đau thông thường như Paracetamol (Acetaminophen). Đây là thuốc có thể bán không có đơn của bác sĩ, dùng được cho mọi độ tuổi (khi không có chống chỉ định) nhưng cần đảm bảo đủ và đúng liều theo tờ hướng dẫn sử dụng của từng loại thuốc hoặc theo chỉ định của bác sĩ.

Thuốc dùng quá liều có thể gây ngộ độc, hoại tử gan cấp và các biến chứng nguy hiểm khác nên nếu người bệnh không giảm sốt hoặc sốt lại liên tục sau khi đã dùng đến liều thuốc tối đa cho phép thì cần phải đến khám tại các cơ sở y tế để có hướng xử lý phù hợp.

Đối với trẻ em, phụ huynh còn cần phải lưu ý đến các dạng bào chế khác nhau của Paracetamol như thuốc viên, siro, thuốc bột pha uống và viên đạn đặt hậu môn.... Khi cần thiết phải phối hợp nhiều dạng thuốc khác nhau (như thuốc bột hoặc sirô thuốc uống khi trẻ thức kèm viên đặt hậu môn khi trẻ ngủ ...), phụ huynh phải chú ý đến tổng liều thuốc trong ngày không được vượt quá liều tối đa cho phép nhằm tránh ngộ độc do quá liều. Do vậy, để đảm bảo an toàn, trẻ nhỏ hoặc sốt cao khó hạ nên cần được thăm khám bởi bác sĩ để được hướng dẫn dùng thuốc phù hợp.

>> Đọc thêm: Các loại hàm lượng paracetamol, liều dùng và đối tượng sử dụng - Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Dược sĩ, Tiến sĩ Phan Quỳnh Lan - Giám đốc khối Dược Hệ thống Y tế Vinmec - Trưởng khoa Dược, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Paracetamol
Paracetamol là thuốc được sử dụng để giảm đau và hạ sốt

4. Thuốc hạ sốt nào không nên dùng khi bị sốt xuất huyết

Không nên dùng các loại thuốc hạ sốt khác như Aspirin hoặc Ibuprofen (hay các thuốc kháng viêm khác cùng nhóm) để giảm sốt và đau nhức do sốt xuất huyết gây ra.

  • Aspirin

Aspirin là thuốc hạ sốt, giảm đau mức độ vừa và nhẹ nhưng không được dùng trong bệnh sốt xuất huyết. Aspirin còn là thuốc chống kết tập tiểu cầu, ngăn cản hình thành cục máu đông và được dùng trong dự phòng và điều trị một số bệnh lý tim mạch. Việc dùng thuốc làm tăng nguy cơ chảy máu và có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm khác trong bệnh sốt xuất huyết như xuất huyết tiêu hóa, nôn ra máu, xuất huyết dưới da ...).

Aspirin cũng không nên dùng để hạ sốt, giảm đau cho trẻ dưới 18 tuổi, đặc biệt là trẻ mắc phải hoặc đang hồi phục khỏi các bệnh do virus gây ra như thủy đậu, cúm mùa ... Các bệnh này cũng có các triệu chứng tương tư như sốt xuất huyết (sốt cao, mệt mỏi, đau nhức cơ thể ...) và có thể gây nhầm lẫn. Dùng Aspirin không đúng chỉ định có thể khiến trẻ mắc hội chứng Reye là bệnh lý não gan, gây phù não và suy gan có thể dẫn đến tử vong và để lại di chứng tổn thương não không hồi phục.

  • Ibuprofen và các thuốc giảm đau kháng viêm không Steroids khác

Tương tư Aspirin, Ibuprofen cũng là một thuốc không nên dùng trong bệnh sốt xuất huyết do tăng nguy cơ chảy máu và các biến chứng khác của bệnh sốt xuất huyết. Các thuốc khác cùng nhóm với ibuprofen (các thuốc giảm đau, kháng viêm không Steroids – NSAIDs) như diclofenac, meloxicam ... cũng không được dùng do các thuốc trong nhóm này đều có tác dụng làm ức chế kết tập tiểu cầu, gây nguy cơ chảy máu, biến chứng ở mức độ khác nhau trong bệnh sốt xuất huyết.

Thuốc
Không được dùng aspirin cho cả người lớn và trẻ em bị sốt xuất huyết
Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

201.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan