Vùng kín của trẻ sơ sinh có chất màu trắng, có cần đi khám?

Vùng kín của trẻ sơ sinh có chất màu trắng, có cần đi khám? Là câu hỏi đang được nhiều bậc cha mẹ quan tâm hiện nay. Bé gái hay trẻ sơ sinh đều có thể tiết ít dịch âm đạo sinh lý, dịch trắng đục không hôi. Sau 1 thời gian dịch âm đạo trẻ sẽ đổi màu. Việc hiểu rõ nguyên nhân của vấn đề này sẽ giúp cha mẹ biết cách chăm sóc con đúng hơn.

1. Dấu hiệu nhận biết vùng kín của trẻ sơ sinh có chất màu trắng

Có những dấu hiệu sớm cảnh báo cho chứng viêm nhiễm vùng kín đối với bé gái sơ sinh giúp phụ huynh nhanh chóng phát hiện bệnh và điều trị kịp thời như:

  • Vùng kín có biểu hiện bất thường sẽ khiến trẻ quấy khóc, ngứa ngáy vùng kín và khó tiểu tiện.
  • Môi nhỏ của vùng kín bị viêm và dính với nhau sẽ khiến cho lỗ tiểu bị che kín, khi đi tiểu không thành dòng mà bị tắc và chia nhỏ tia đây thường là biểu hiện của chứng nhiễm khuẩn đường tiểu.
  • Âm dạo bị dính dị vật và trường hợp hay gặp nhất là dính giấy vệ sinh cũng dễ gây ra viêm nhiễm vùng kín. Giấy thường được dùng hóa chất tẩy màu, có mùi hương liệu hóa học vừa gây kích ứng lại dễ bị rớt lại bên trong vùng kín và vùng hậu môn của trẻ. Vì thế khi bé đi ị chúng ta nên lau bằng khăn thay vì sử dụng giấy vệ sinh như của người lớn.
  • Vùng kín mẩn đỏ, ngứa và nổi hăm hoặc rôm sảy li ti là do cha mẹ đóng bỉm quá chặt hoặc không thay mới thường xuyên cho bé.

2. Vùng kín của trẻ sơ sinh có chất màu trắng, có cần đi khám?

Khi mang thai, lượng nội tiết tố nữ (hormon estrogen) trong máu của mẹ sẽ qua nhau thai vào máu con. Sau khi sinh, lượng nội tiết tố này bị sụt giảm với trẻ sơ sinh do không còn gắn với nhau thai nữa dẫn đến hiện tượng âm đạo ra chất dịch trắng giống như huyết trắng. Đây là hiện tượng bình thường nên bạn chỉ cần vệ sinh vùng kín của bé bằng bông gòn sạch và nước ấm, chùi từ trên xuống dưới, không lau ngược từ hậu môn lên vì có thể sẽ làm những chất dơ ở hậu môn nhiễm vào vùng kín của bé. Thông thường hiện tượng này sẽ tự hết sau một vài ngày. Tuy nhiên, nếu chất dịch trắng này có mùi hôi hay kéo dài thì mẹ cũng nên đưa bé đến bác sĩ xem liệu có phải bé bị viêm nhiễm không.

3. Cách vệ sinh vùng kín cho bé gái sơ sinh hằng ngày

Vệ sinh mông luôn phải đi kèm với việc thay đồ cho bé. Vệ sinh vùng này thường xuyên là rất tốt và giúp bảo vệ da của bé, bởi trong phân và nước tiểu có chứa axit và các vi khuẩn gây hại.

Cần phải chú ý làm khô da bé với khăn tắm thấm nước bằng những cái vỗ vỗ nhẹ liên tiếp, đặc biệt chú ý đến những nếp gấp ở bẹn. Cơ quan sinh dục của bé cũng cần phải được chăm sóc kỹ lưỡng.

Đối với một bé gái thì sử dụng miếng gạc hay vải cotton ướt không có xà phòng vệ sinh trong mọi nếp gấp (kể cả những mép âm đạo) và theo hướng là từ âm hộ xuống hậu môn. Do đó, các mẹ cần thực hiện các bước sau để vệ sinh cho bé:

  • Bước 1: Mẹ cần rửa tay thật sạch trước khi tắm rửa cho bé. Chuẩn bị một chậu nước ấm (sử dụng nhiệt kế đo nhiệt độ nước khoảng 35-38 độ C).
  • Bước 2: Sử dụng miếng khăn xô mềm, nhúng ướt nước ấm và quấn quanh ngón tay trỏ hoặc ngón cái nhẹ nhàng rồi lau dọc xung quanh vùng kín của bé.
  • Bước 3: Sử dụng khăn mềm, sạch, nhúng ướt, quấn quanh ngón tay của mình và nhẹ nhàng chùi dọc theo các nếp gấp, không cần thiết phải tách môi âm đạo, lau theo hướng từ âm đạo ra hậu môn và không lau rửa sâu bên trong, cũng đừng dùng xà phòng vì sẽ làm cho bé bị rát. Hãy thực hiện đúng động tác rửa từ trước ra sau để đảm bảo những vi khuẩn từ hậu môn sẽ không thể xâm nhập vùng kín của bé.
  • Bước 4: Sau khi vệ sinh vùng kín cho bé, mẹ hãy sử dụng khăn mềm sạch để thấm khô vùng kín rồi mới đóng bỉm và mặc quần áo vào.

4. Những điều cần lưu ý khi vệ sinh vùng kín bé gái sơ sinh

Trẻ ở độ tuổi sơ sinh đặc biệt sẽ nhạy cảm với mọi tác động từ môi trường bên ngoài. Chính vì vậy, mẹ hãy nhớ kỹ những lưu ý dưới đây để đảm bảo vệ sinh cho bé sạch sẽ mà không vô tình làm ảnh ảnh hưởng đến sức khỏe bé:

  • Không nên tắm cho bé sơ sinh trước khi cuống rốn rụng (khoảng thời gian cho cuống rốn rụng từ 1 đến 3 tuần) vì nguy cơ nhiễm trùng cao. Thay vào đó hãy lau người cho bé với khăn ướt và mềm.
  • Việc thụt rửa sâu vùng kín tuyệt đối không nên đối với trẻ sơ sinh khi kết cấu âm đạo còn đang rất hẹp và dễ tổn thương.
  • Chọn chậu tắm cho bé cần phải lưu ý chọn loại có thiết kế nằm ngửa ngồi, kích thước phù hợp, đổ nước nông ngập nửa thau không để nước tràn vào mắt và mang tai, lỗ mũi của bé.
  • Trẻ sơ sinh từ 1 đến 3 tháng tuổi chưa nhất thiết cần dùng sữa tắm, vì có thể làm da bị khô và dễ kích ứng, giai đoạn bé đã rụng rốn mới đủ vững để tắm trong bồn hoặc chậu và có thể lựa chọn loại sữa tắm thật dịu nhẹ và phù hợp với làn da của trẻ sơ sinh.
  • Nếu muốn sử dụng dung dịch vệ sinh cho trẻ nhỏ ở thời kỳ này, bạn cần tham khảo chỉ dẫn của chuyên gia y tế để chọn sản phẩm phù hợp.
  • Theo kinh nghiệm dân gian, nhiều mẹ tắm rửa cho con bằng các loại nước lá để trị mụn nhọt, ngứa ngáy giúp mát da mát thịt và con dễ ngủ hơn. Nhưng cần phải lưu ý, chọn mua và sơ chế nguyên liệu cẩn thận tránh tạp chất có thể khiến nguy cơ nhiễm trùng cao hơn.
  • Tuyệt đối không được bôi gel hay bất kì loại kem nào vào trực tiếp hay gần sát khu vực vùng kín của bé gái khi chưa có sự chỉ định của chuyên gia y tế.
  • Đồng thời, mẹ cũng nên nhớ thay bỉm tã cho con thường xuyên, vì nếu để như vậy cả ngày dài một lượng vi khuẩn lớn trong nước tiểu và phân có thể làm cho vùng kín của bé bị viêm nhiễm.

Không sử dụng phấn rôm để làm khô vùng bẹn, mông, vùng kín vì các tinh thể phấn rôm siêu nhỏ và dễ phát tán trong không khí nên có thể dẫn đến ngạt đường thở và nhiều bệnh hô hấp khác. Nguy hiểm hơn là Theo cơ quan Nghiên cứu Quốc tế về ung thư thuộc Tổ chức y tế Thế giới “việc sử dụng bột taLc trên bộ phận sinh dục bị liệt vào danh sách tác nhân dẫn đến ung thư”. Vì thế, nhiều chuyên gia sản khoa khuyến cáo các bà mẹ không nên sử dụng phấn rôm để vệ sinh vùng nhạy cảm cho bé, dù loại bột này không trực tiếp gây ra bệnh ung thư nhưng nó lại gây nhiễm trùng tại vùng chậu hoặc khu vực cổ tử cung, có thể dẫn đến vô sinh hoặc các cơn đau mãn tính về sau này.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

103.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan