Vì sao trẻ nhỏ dễ bị nứt hậu môn?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa II Cao Thị Thanh - Bác sĩ Nhi - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Nứt hậu môn ở trẻ em là một bệnh lý thường gặp gây ra nhiều khó chịu trong đời sống sinh hoạt hằng ngày. Bệnh phổ biến hơn ở trẻ lớn, với lứa tuổi mắc bệnh trung bình từ 6 tháng đến 2 tuổi. Theo nhiều thống kê, hơn 80% trẻ em bị nứt hậu môn trong năm đầu tiên.

1. Phân loại nứt hậu môn ở trẻ em

Bệnh nứt hậu môn có thể được chia làm 4 loại tùy thuộc vào đặc điểm của các vết nứt, bao gồm:

  • Vết nứt non: Đây là nhóm dành cho những vết nứt nông mới hình thành, bề mặt hậu môn còn mềm mại, không xơ chai, đôi khi vì thế có thể quan sát thấy máu đang chảy ra. Trẻ em bị nứt hậu môn với các vết nứt non có biểu hiện lâm sàng nhẹ nhàng hơn các nhóm khác, thường chỉ đau rát, ngứa hậu môn.
  • Vết nứt già: Trường hợp này vết nứt thường lớn và sâu hơn. Niêm mạc hậu môn quanh vết nứt bắt đầu có các dấu hiệu xơ chai, khi sờ vào thường có cảm giác thô ráp, ít khi thấy chảy máu. Nứt hậu môn trẻ em nếu có các vết nứt già thường dễ rách toạc trở lại khi đi đại tiện bón, khiến trẻ đau đớn nhiều hơn.
  • Vết nứt mới: Là những vết nứt hậu môn do người bệnh tự phát hiện thông qua các triệu chứng khó chịu mà bản thân gặp phải. Những vết nứt trong nhóm này không dễ để nhận ra, trừ khi các trẻ được đưa đến các cơ sở y tế có chuyên khoa về tiêu hóa để được thăm khám kỹ lưỡng.
  • Vết nứt cũ: Đây là những vết nứt hậu môn đã tồn tại một thời gian nên dễ quan sát thấy các vết xơ chai đi kèm, đôi khi lòi ra thành một mẩu thịt nhỏ quanh lỗ hậu môn.
Nứt kẽ hậu môn ở trẻ có đáng lo?
Nứt kẽ hậu môn gây nhiều đau đớn cho trẻ em

2. Nguyên nhân gây nứt hậu môn ở trẻ em

Nứt hậu môn ở trẻ em xuất hiện thường là kết quả của tình trạng táo bón. Khối phân to, cứng đi qua ống hậu môn khó khăn, khiến niêm mạc hậu môn trẻ phải căng dãn nhiều lần làm cho những vết nứt hậu môn dễ xuất hiện.

Ở trẻ nhỏ hoạt động cơ vòng chưa ổn định, trẻ không biết cách đại tiện, cộng thêm thói quen đi cầu rặn nhiều cũng có thể là nguyên nhân hình thành những vết nứt hậu môn. Ngoài ra tình trạng viêm nhiễm tại chỗ ở hậu môn hay các bệnh lý như viêm đại tràng cũng là yếu tố gây nên tình trạng nứt hậu môn ở trẻ em.

3. Cách nhận biết nứt hậu môn ở trẻ em

Nứt hậu môn ở trẻ em có biểu hiện phổ biến nhất là đau và nóng rát vùng hậu môn, tăng lên khi đại tiện và giảm ngay sau đó. Táo bón là yếu tố nguy cơ làm nặng thêm tình trạng bệnh. Ngoài ra, trẻ bị nứt hậu môn còn gặp phải các tình trạng sau:

  • Chảy máu đỏ tươi: Phát hiện khi thấy chảy máu ngay tại vết nứt hoặc tình cờ phát hiện chấm máu trên giấy vệ sinh sau khi đại tiện.
  • Ngứa và chảy dịch quanh hậu môn.

4. Phương pháp điều trị nứt hậu môn ở trẻ em

Nứt hậu môn ở trẻ em cần được điều trị đúng đắn và kịp thời để mang lại hiệu quả cao nhất, giảm thiểu sự khó chịu và đau đớn cho trẻ. Có 2 phương pháp điều trị chính là nội khoa và ngoại khoa.

4.1 Điều trị nội khoa

Phương pháp điều trị nội khoa có thể áp dụng cho tất cả các nhóm bệnh. Phương pháp này là sự kết hợp giữa việc sử dụng thuốc điều trị chuyên biệt và sự thiết lập một chế độ ăn uống hợp lý cho trẻ.

Các nhóm thuốc thường được chỉ định dùng trong điều trị nứt hậu môn trẻ em là:

  • Thuốc kháng sinh: Phòng chống và điều trị biến chứng viêm nhiễm của bệnh.
  • Thuốc nhuận tràng: Táo bón là một yếu tố làm dễ khiến bệnh trở nặng hơn, các vết nứt hậu môn tái phát nhiều lần, cản trở việc điều trị dứt điểm bệnh. Uống thuốc nhuận tràng và thay đổi chế độ ăn nhằm mục đích làm mềm phân và giảm sự căng giãn của niêm mạc ống hậu môn.
  • Thuốc giảm đau: Dùng trong những trường hợp trẻ đau rát nhiều.
  • Thuốc mỡ: Trong thành phần thường chứa hydrocortisone, giảm tình trạng sưng viêm và đẩy nhanh quá trình lành vết thương.

Bố mẹ hoặc người chăm sóc trẻ tuyệt đối không được tự ý mua thuốc tại các quầy thuốc để điều trị cho trẻ. Lạm dụng thuốc hay điều trị sai đều làm kéo dài bệnh, không những gây nhiều khó chịu và đau đớn cho trẻ mà còn tạo điều kiện cho nhiều biến chứng như viêm nhiễm, áp xe hậu môn dễ xuất hiện hơn. Nứt hậu môn trẻ em cần được chữa trị càng sớm càng tốt.

Thay đổi chế độ ăn uống và sinh hoạt cho trẻ bao gồm:

  • Tăng cường cho trẻ uống nước và bổ sung chất xơ trong chế độ ăn. Nước uống có thể là nước lọc hay nước ép các loại nước trái cây.
  • Chăm sóc hậu môn đúng cách: Nên ngâm, rửa hậu môn trẻ bằng nước ấm 2 lần một ngày, và sau khi đi đại tiện.

4.2 Điều trị ngoại khoa

Có nhiều phương pháp phẫu thuật để bác sĩ và bệnh nhân lựa chọn, tuy nhiên đa phần tất cả đều được áp dụng với các trường hợp nứt hậu môn với vết nứt cũ hoặc điều trị không thành công bằng phương pháp nội khoa. Bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật cắt bỏ những tổ chức xơ chai quanh vết nứt. Sau đó, tiến hành che phủ chỗ nứt bằng cách kéo niêm mạc hậu môn ở nơi khác đến lấp vào và khâu cố định.

Bên cạnh đó, điều trị ngoại khoa còn được áp dụng để giảm sự co thắt của cơ vòng hậu môn, hỗ trợ tiến trình phục hồi bệnh nứt hậu môn ở trẻ. Có nhiều phương pháp khác nhau đã được thực hiện, bao gồm:

  • Nong rộng hậu môn.
  • Mở cơ thắt trong hậu môn, có thể phối hợp thêm với rạch cơ thắt ngoài.
  • Cắt cơ thắt trong bằng đắp mỡ nitroglycerin hoặc tiêm độc tố botulin A.

Khi nứt hậu môn ở trẻ em không được điều trị sớm và đúng cách, nhiều biến chứng như áp xe hậu môn, rò hậu môn có thể xuất hiện. Lúc này, phẫu thuật điều trị bệnh còn phải giải quyết được các biến chứng này như cắt đường rò và dẫn lưu, làm sạch ổ áp xe.

5. Phòng tránh nứt hậu môn ở trẻ em

Nứt kẽ hậu môn ở trẻ có đáng lo?
Nứt hậu môn ở trẻ em là bệnh lý có thể phòng ngừa được

Nứt hậu môn ở trẻ em là bệnh lý có thể phòng ngừa được. Các biện pháp phòng ngừa khá đơn giản, đến từ việc thay đổi chế độ ăn và chăm sóc cho trẻ, bao gồm:

  • Tăng cường chất xơ vào chế độ ăn: Tập cho trẻ ăn nhiều rau củ, các loại hạt.
  • Uống nhiều nước: Ngoài nước sôi nấu chín để nguội, bố mẹ nên khuyến khích trẻ uống thêm nhiều nước trái cây.
  • Ngâm hậu môn bằng nước ấm: Ngâm hậu môn bằng nước ấm sau khi đại tiện giúp trẻ cảm giác dễ chịu hơn, làm giảm biểu hiện ngứa rát hậu môn.
  • Vệ sinh sạch sẽ cho trẻ sau mỗi lần đại tiện.
  • Tập thói quen đi cầu đúng giờ, hướng dẫn trẻ cách rặn khi đi toilet.
  • Đối với những trường hợp táo bón với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, có thể giải quyết nhanh bằng các thuốc bơm thụt tháo trực tràng. Tuy nhiên khi tình trạng táo bón ở trẻ kéo dài, lặp lại nhiều lần, thậm chí gây ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất của trẻ, trẻ nên được đưa tới các cơ sở y tế để thăm khám và tìm nguyên nhân chính xác và điều trị dứt điểm.
Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

15.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan