Vai trò của một số vitamin với trẻ nhỏ - P1

Bài viết được viết bởi Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Tâm - Trung tâm Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Vitamin đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ ở độ tuổi từ 0−12 tháng. Vitamin là một nhóm các hợp chất hữu cơ có phân tử nhỏ, có thành phần hóa học khác nhau với các đặc tính hóa học và vật lý cũng khác nhau, nhưng đều có điểm chung là chúng rất cần thiết cho hoạt động sống hàng ngày, đặc biệt là cho sự phát triển của trẻ.

Vitamin tham gia vào sự trao đổi chất của cơ thể, bao gồm các enzyme, tổng hợp, sử dụng và chuyển hóa các chất dinh dưỡng ở tế bào và cơ thể. Việc bổ sung đầy đủ các vitamin sẽ đảm bảo sự phát triển ổn định và cân bằng trong những năm đầu ở trẻ nhỏ.

Thiếu hụt vitamin sẽ dẫn đến suy dinh dưỡng, thiếu chất, cơ thể mệt mỏi, uể oải ảnh hưởng đến hoạt động và cuộc sống hàng ngày, đặc biệt là đối với trẻ em. Cơ thể dường như không tổng hợp được vitamin mà phải được cung cấp chủ yếu từ thức ăn hàng ngày. Việc bổ sung vitamin là điều rất cần thiết.

Trẻ bị suy dinh dưỡng
Thiếu hụt vitamin sẽ dẫn đến suy dinh dưỡng đối với trẻ em

1. Các nhóm vitamin

Vitamin được chia thành hai nhóm chính:

  • Vitamin tan trong nước gồm các vitamin nhóm B và C
  • Vitamin tan trong chất béo gồm các vitamin nhóm A, D, E, K

2. Vitamin A

Vitamin A có vai trò bảo vệ sự toàn vẹn của các biểu mô, giác mạc mắt, da, niêm mạc, khí quản, ruột non và các tuyến bài tiết trong cơ thể. Khi thiếu vitamin A, biểu mô và niêm mạc dễ bị tổn thương, tổn thương giác mạc có thể dẫn đến mù lòa.

Giác mạc
Thiếu vitamin A làm tổn thương giác mạc có thể dẫn đến mù lòa

Vitamin A có vai trò quan trọng đối với sự tăng trưởng, giúp trẻ lớn lên và phát triển bình thường, thiếu vitamin A trẻ sẽ chậm lớn, còi cọc. Vitamin A tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể, tăng cường sức đề kháng của cơ thể chống lại các bệnh nhiễm khuẩn, thiếu vitamin A làm giảm sức đề kháng với bệnh tật, dễ bị nhiễm trùng nặng đặc biệt là sởi, tiêu chảy và viêm đường hô hấp dẫn tới tăng nguy cơ tử vong ở trẻ nhỏ.

Thức ăn có nguồn gốc động vật có nhiều vitamin A. Các thức ăn nguồn gốc thực vật có nhiều tiền vitamin A như các loại củ quả có màu vàng, đỏ hoặc các loại rau xanh sẫm...

3.Vitamin B

Vitamin B: Các loại vitamin B đóng vai trò quan trọng đối với hoạt động của não bộ, tham gia vào quá trình duy trì sức khỏe của tóc, da, hệ thống miễn dịch, và một số cơ quan khác trong cơ thể.

Các loại vitamin nhóm B giúp tăng cường sức đề kháng, hỗ trợ quá trình tiêu hóa, giúp tạo ra enzyme quan trọng trong việc tăng cường khả năng chuyển hóa đường, chất béo, protein trong cơ thể. Ngoài ra, vitamin B1 còn kích thích sự thèm ăn ở trẻ em, vì vậy có liên quan mật thiết đến hệ tiêu hóa của trẻ.

Vitamin nhóm B
Các loại vitamin nhóm B giúp tăng cường sức đề kháng cho trẻ

Đối với trẻ nhỏ, việc bổ sung đầy đủ vitamin nói chung và vitamin nhóm B nói riêng sẽ đảm bảo sự phát triển đều đặn và cân đối trong những năm tháng đầu đời.

Vitamin nhóm B bao gồm các loại: B1, B2, B3, B5, B6, B7, B8, B9, B12. Nhìn chung, vitamin nhóm B đều có tác dụng hỗ trợ quá trình sản xuất năng lượng trong cơ thể cũng như trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng trong tế bào.

Vitamin B1, B2 và B3:

  • Vitamin B1 (Thiamin) tham gia chuyển hóa glucid và năng lượng. Vitamin B1 có nhiều trong lớp vỏ cám và mầm của các loại ngũ cốc, trong đậu đỗ, thịt nạc và phủ tạng động vật.
  • Vitamin B2 (Ribiflavin) tham gia vào sự chuyển hóa thức ăn thành năng lượng thông qua chuyển hóa glucid, lipid và protein bằng các enzym. Vitamin B2 cũng rất cần thiết cho mắt, da, móng tay và tóc, có lợi cho hệ thần kinh và duy trì khả năng thị giác. Nguồn vitamin B2 tốt là phủ tạng, sữa, rau màu xanh đậm, phô mai và trứng.
  • Vitamin B3 (niacin) đóng vai trò tham gia chuyển hoá năng lượng, giúp giải phóng năng lượng có vai trò giữ cho hệ thống thần kinh, hệ tiêu hóa và làn da khỏe mạnh. Vitamin B3 thường là một phần của vitamin tổng hợp hàng ngày. Thực phẩm giàu vitamin B3 bao gồm men, sữa, thịt, bánh ngô và ngũ cốc thô, lạc, đậu đỗ.
  • Vitamin B5: Vitamin B5 (axit pantothenic) giúp sản xuất kích thích tố cần thiết cho sự tăng trưởng. Vitamin B5 bổ sung nước cho da, giúp da khỏe mạnh hơn và làm chậm các dấu hiệu lão hóa.
Vitamin B5
Vitamin B5 bổ sung nước cho da, giúp da khỏe mạnh hơn

Vitamin B5 được tìm thấy trong các loại rau họ cải bắp như cải xoăn và bông cải xanh. Vitamin B5 cũng được tìm thấy trong khoai tây, ngũ cốc nguyên hạt, các sản phẩm từ sữa.

  • Vitamin B6 (Pyridoxine): Tuy chỉ cần một lượng nhỏ, nhưng lại rất quan trọng đối với cơ thể. Vitamin B6 có rất nhiều tác dụng quan trọng đối với sức khỏe con người: Vitamin B6 cần thiết cho quá trình tổng hợp hemoglobin và giữ cho hệ thống thần kinh và miễn dịch hoạt động hiệu quả, có tác dụng duy trì lượng đường huyết trong máu ổn định, giúp bảo vệ tim mạch, tăng cường hệ miễn dịch và duy trì chức năng não khỏe mạnh.

Bổ sung Vitamin B6 thích hợp giúp sức khỏe tim mạch được cải thiện, tâm trạng tốt lên, tập trung hơn, bảo vệ và nâng cao thị giác, giúp điều trị bệnh thiếu máu, giảm đau nhức viêm khớp, điều ổn huyết áp, góp một vai trò trong đề kháng ung thư và hỗ trợ chống xơ cứng động mạch.

Khi bị thiếu vitamin B6, có thể dẫn đến tình trạng thiếu máu nguyên bào sắt, viêm dây thần kinh ngoại vi, viêm da tăng bã nhờn, và tình trạng khô nứt môi. Vì vậy, khi bị thiếu hụt do dinh dưỡng, hoặc nhu cầu cơ thể tăng, cần bổ sung thêm vitamin B6.

Đối với trẻ từ 1-3 tuổi, nhu cầu vitamin B6 khoảng 0,5 mg và trẻ từ 4-8 tuổi là 0,6 mg. Vitamin B6 thường chứa nhiều trong các thực phẩm như: rau quả xanh, các loại hạt và thịt cá. Lượng vitamin B6 trong 1 quả chuối vừa đủ để đáp ứng nhu cầu vitamin B6 dinh dưỡng cho trẻ. Bơ cũng là nguồn cung cấp vitamin B6 tốt.

  • Vitamin B7: Đây là loại vitamin hòa tan trong nước rất cần thiết cho quá trình chuyển hóa chất béo và carbohydrate. Nó cũng giúp duy trì hệ thần kinh khỏe mạnh, kiểm soát mức insulin, duy trì sự khỏe mạnh của lông và móng. Hàm lượng vitamin B7 cần với trẻ là: 12 - 40 microgam.

Vitamin B7 có trong: Lúa mạch, ngô, ngũ cốc, lòng đỏ trứng, quả bơ, súp lơ, phô mai, rau cải bó xôi, nấm...

vitamin B7
Vitamin B7 rất cần thiết cho quá trình chuyển hóa chất béo và carbohydrate

  • Vitamin B9 (Axit folic)
    Axit folic cần thiết cho sự phát triển vì nó giúp tạo ra DNA, giúp tái tạo tế bào cơ thể. Đặc biệt, đối với những phụ nữ mang thai, axit folic là một trong những dưỡng chất quan trọng cho sự tăng trưởng và phát triển của thai nhi. Trẻ từ 1-3 tuổi cần bổ sung khoảng 150 mg vitamin B9 mỗi ngày, trẻ từ 4-8 tuổi cần khoảng 200 mg mỗi ngày.
  • Vitamin B12 và folate

Vitamin B12folate đều thuộc các vitamin nhóm B. Chúng cần thiết cho sự hình thành các hồng cầu bình thường, sửa chữa các mô và tế bào, tổng hợp DNA là vật liệu di truyền trong các tế bào, có vai trò trong đánh giá thiếu máu hồng cầu to, rối loạn thần kinh nguy cơ khuyết tật ống thần kinh và chậm phát triển ở trẻ.

Trong trường hợp kém hấp thu: thiếu hụt cả vitamin B12 và folate được thấy khi có sự cản trở hấp thu ở ruột non. Điều này có thể bao gồm:

  • Thiếu máu ác tính: nguyên nhân phổ biến nhất của sự thiếu hụt vitamin B12.
  • Bệnh Celiac: Bệnh viêm đường ruột, bao gồm cả bệnh Crohn và viêm loét đại tràng. Phát triển quá mức của vi khuẩn hoặc sự hiện diện của ký sinh trùng, như nhiễm sán dây trong ruột.
  • Giảm bài tiết acid dạ dày do sử dụng các thuốc kháng acid hoặc thuốc ức chế bơm proton lâu dài. Phẫu thuật loại bỏ một phần dạ dày hoặc ruột có thể làm giảm đáng kể sự hấp thu. Suy tụy...
  • Thiếu vitamin B12 hoặc folate trong chế độ ăn, có thể thấy trong suy dinh dưỡng và ở người ăn chay người không sử dụng thịt động vật. Thiếu hụt folate là rất hiếm khi chế độ ăn đủ ngũ cốc, bánh mì và các sản phẩm ngũ cốc khác. Cần chỉ định xét nghiệm và bổ sung vitamin B12 và folate khi có các dấu hiệu và triệu chứng của sự thiếu hụt các vitamin này như: Bị tiêu chảy kéo dài, chóng mặt, mệt mỏi, yếu cơ, ăn mất ngon, da nhợt nhạt, khó thở, nhịp tim nhanh, rối loạn nhịp tim, đau lưỡi và miệng, ngứa, tê hoặc nóng ran ở bàn chân, bàn tay, cánh tay và chân, lẫn lộn, quên lãng, hoang tưởng...

Tình trạng thiếu vitamin có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm về sức khỏe lẫn tinh thần của trẻ, do đó, cha mẹ cần quan sát và bổ sung kịp thời các nguồn vitamin quan trọng này.

Ngoài bổ sung qua chế độ ăn uống, cha mẹ có thể cho trẻ sử dụng thực phẩm hỗ trợ có chứa vitamin và các vi khoáng chất thiết yếu như kẽm, Lysine, crom, selen, vitamin B... giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Đồng thời các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng.

>>>Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm: Vai trò của một số vitamin với trẻ nhỏ - P2

Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan