Trẻ suy dinh dưỡng không tăng cân gây hậu quả gì?

Trẻ suy dinh dưỡng không tăng cân sẽ gây hại cho cả thể chất và tinh thần của trẻ trong những năm đầu đời cũng như quá trình phát triển trong tương lai. Khi trẻ càng suy dinh dưỡng thì càng có nhiều khả năng gặp vấn đề về phát triển thể chất, trí tuệ cũng như các bệnh lý liên quan.

1. Các dạng suy dinh dưỡng ở trẻ nhỏ

Có 4 dạng phân loại của suy dinh dưỡng, bao gồm gầy còm, thấp còi, nhẹ cân và thiếu vitamin kèm khoáng chất. Tình trạng suy dinh dưỡng khiến trẻ em dễ mắc bệnh tật và tử vong hơn rất nhiều.

Cân nặng so với chiều cao là không tương xứng được gọi là gầy còm. Đây thường chỉ ra tình trạng sụt cân nghiêm trọng hay suy dinh dưỡng cấp tính diễn ra gần đây, trên những cơ địa không có đủ thức ăn để ăn và/ hoặc đã mắc các bệnh lý nhiễm trùng, chẳng hạn như tiêu chảy khiến cơ thể bị giảm cân. Trẻ nhỏ gầy còm ở mức độ trung bình hoặc nặng có nguy cơ tử vong cao hơn nhưng may mắn là vẫn có thể điều trị được nếu can thiệp kịp thời.

Chiều cao thấp theo tuổi được gọi là suy dinh dưỡng thể thấp còi. Đây là kết quả của tình trạng suy dinh dưỡng mãn tính hoặc tái diễn, thường liên quan đến điều kiện kinh tế xã hội kém, sức khỏe bà mẹ và dinh dưỡng kém, bệnh tật thường xuyên hoặc nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ không phù hợp trong giai đoạn đầu đời. Tình trạng thấp còi khiến trẻ không đạt được tiềm năng về thể chất và nhận thức trong quá trình lớn lên.

Trẻ nhẹ cân so với tuổi trung bình được gọi là nhẹ cân. Trong đó, một trẻ có cân nặng nhẹ hơn các trẻ cùng trang lứa có thể đang mắc phải chức suy dinh dưỡng thấp còi, gầy còm hoặc cả hai.

Suy dinh dưỡng liên quan đến vi chất dinh dưỡng là tình trạng thiếu hụt vitamin và khoáng chất. Trong đó, iốt, vitamin A và sắt là những chất quan trọng nhất trong các vi chất cần thiết đối với sức khỏe cộng đồng toàn cầu. Sự thiếu hụt của các chất này là một mối đe dọa lớn đối với sức khỏe và sự phát triển của người dân trên toàn thế giới, đặc biệt là trẻ em và và ở các nước có thu nhập thấp.

2. Trẻ không tăng cân vì sao?

Những trẻ em không có đủ thức ăn thường bị đói và về lâu dài điều này có thể dẫn đến suy dinh dưỡng. Tuy vậy, trẻ vẫn có thể có nguy cơ bị suy dinh dưỡng vì những lý do không liên quan gì đến đói ăn. Ngay cả những trẻ được cho ăn nhiều cũng có thể bị suy dinh dưỡng nếu trẻ không được ăn những thực phẩm cung cấp các chất dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất thích hợp.

Ngoài ra, trẻ có thể bị suy dinh dưỡng nếu mắc phải một số bệnh lý và tình trạng ngăn cản cơ thể tiêu hóa hoặc hấp thụ thức ăn đúng cách như sau:

  • Trẻ nhỏ bị bệnh celiac có các vấn đề về đường ruột do một loại protein gọi là gluten, được tìm thấy trong lúa mì, lúa mạch đen và lúa mạch kích hoạt.
  • Trẻ bị xơ nang gặp khó khăn trong việc hấp thụ chất dinh dưỡng vì bệnh ảnh hưởng đến tuyến tụy, một cơ quan thường sản xuất các enzyme cần thiết cho quá trình tiêu hóa.

Ngoài ra, trong thể suy dinh dưỡng liên quan đến vi chất dinh dưỡng, sự thiếu hụt dinh dưỡng phổ biến nhất trên thế giới ở trẻ nhỏ là thiếu sắt dẫn đến thiếu máu. Mặt khác, trẻ em và thanh thiếu niên theo chế độ ăn kiêng đặc biệt, chẳng hạn như thuần ăn chay thì vẫn cần ăn các bữa ăn cân bằng và nhiều loại thực phẩm để có đủ chất dinh dưỡng nhằm đảm bảo cung cấp đủ protein và vitamin như B12.

Trẻ suy dinh dưỡng không tăng cân
Trẻ suy dinh dưỡng không tăng cân có thể do thiếu hụt các chất dinh dưỡng thiết yếu

3. Trẻ suy dinh dưỡng không tăng cân gây hậu quả gì?

Trẻ suy dinh dưỡng không tăng cân sẽ gây hại cho cả thể chất và tinh thần của trẻ trong những năm đầu đời cũng như quá trình phát triển trong tương lai. Khi trẻ càng suy dinh dưỡng, hay nói cách khác là càng thiếu nhiều chất dinh dưỡng thì trẻ càng có nhiều khả năng gặp vấn đề, chậm phát triển cũng như các bệnh lý liên quan.

Theo đó, trẻ suy dinh dưỡng không tăng cân có thể gặp phải các hậu quả như sau:

  • Thường xuyên mệt mỏi, đuối sức và năng lượng dự trữ thấp
  • Giảm sút chức năng cơ bắp trong thể suy dinh dưỡng gầy còm gây cạn kiệt chất béo và khối lượng cơ trong một thời gian ngắn
  • Chóng mặt, kém tập trung, tốc độ phản ứng chậm lại và khó chú ý
  • Chức năng miễn dịch kém, làm suy giảm khả năng chống lại nhiễm trùng của cơ thể
  • Nhịp tim nhanh, suy tim hay giảm chức năng tim và hô hấp do giảm sút khối lượng cơ tim
  • Da khô, có vảy
  • Sưng và chảy máu nướu răng
  • Răng sâu
  • Bụng phình to, rối loạn đường tiêu hóa do trẻ em bị suy dinh dưỡng mãn tính dẫn đến những thay đổi trong chức năng ngoại tiết của tuyến tụy, lưu lượng máu trong ruột, cấu trúc nhung mao và tính thấm của ruột.
  • Tiêu chảy kéo dài, làm tăng tỷ lệ tử vong cao ở những trẻ suy dinh dưỡng nghiêm trọng.
  • Loãng xương hoặc xương mỏng manh dễ gãy
  • Chậm lành vết thương ở những trẻ bị chấn thương hay sau phẫu thuật
  • Gặp vấn đề trong học tập
  • Hậu quả về mặt tâm lý xã hội như thờ ơ, trầm cảm, lo lắng và bỏ bê bản thân.

Nếu một phụ nữ mang thai bị suy dinh dưỡng, đứa trẻ sinh ra có thể nhẹ cân hơn ngay khi chào đời và có cơ hội sống sót thấp hơn.

Thiếu vitamin A do suy dinh dưỡng ở trẻ em là nguyên nhân chính gây mù lòa nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa được ở các nước đang phát triển. Mặt khác, trẻ em bị thiếu vitamin A trầm trọng có nhiều nguy cơ bị bệnh hoặc tử vong do các bệnh nhiễm trùng như tiêu chảy hoặc sởi.

Thiếu iốt có thể gây hậu quả là trẻ chậm phát triển trí tuệ và chậm phát triển thể chất nói chung.

Thiếu sắt ở trẻ sơ sinh có thể làm chậm sự phát triển và khiến trẻ lớn hơn kém năng động, giảm tập trung hơn. Thanh thiếu niên bị suy dinh dưỡng thường gặp khó khăn khi đến trường.

Trẻ suy dinh dưỡng không tăng cân
Trẻ suy dinh dưỡng không tăng cân lâu ngày sẽ gây ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ

4. Điều trị trẻ em suy dinh dưỡng như thế nào?

May mắn thay, nhiều hậu quả của suy dinh dưỡng ở trẻ em có thể được điều chỉnh, đặc biệt nếu trẻ chỉ bị suy dinh dưỡng nhẹ hoặc thể gầy còm trong một thời gian ngắn.

Tuy nhiên, bất cứ lúc nào nghĩ rằng con không nhận đủ các chất dinh dưỡng thích hợp, cha mẹ hãy nói chuyện với bác sĩ nhi khoa để thực hiện khám sức khỏe và tham vấn về loại và lượng thức ăn mà con cần tiêu thụ hằng ngày. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể:

  • Đo chiều cao, cân nặng và chỉ số khối cơ thể (BMI) để xem trẻ có nằm trong giới hạn khỏe mạnh đối với độ tuổi của trẻ hay không
  • Kiểm tra các tình trạng cơ bản có thể gây suy dinh dưỡng
  • Chỉ định xét nghiệm máu để kiểm tra sự thiếu hụt dinh dưỡng
  • Thực hiện thêm các xét nghiệm bổ sung dựa trên bệnh sử và thăm khám sức khỏe của trẻ

Theo đó, điều trị suy dinh dưỡng phụ thuộc vào nguyên nhân mắc phải trong từng trường hợp của trẻ. Bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng có thể đề nghị những thay đổi cụ thể về loại và số lượng thực phẩm mà trẻ cần ăn vào, đồng thời có thể kê đơn thực phẩm chức năng, chẳng hạn như vitamin và khoáng chất để cha mẹ có thể bổ sung thêm tại nhà cho trẻ.

Hơn nữa, nếu phát hiện thấy các vấn đề cơ bản hay bệnh lý thực thể gây ra suy dinh dưỡng, bác sĩ nhi khoa sẽ định hướng điều trị triệt can hay hỗ trợ chế độ dinh dưỡng nâng đỡ để đảm bảo trẻ nhận được các chất dinh dưỡng cần thiết.

Tóm lại, với những lý do giải thích tình trạng trẻ không tăng cân hay hậu quả trẻ suy dinh dưỡng không tăng cân trên đây, cha mẹ có thêm nền tảng để chú trọng vào bữa ăn hằng ngày của con. Đôi khi trẻ mắc các bệnh lý cấp tính làm giảm khả năng ăn uống hay bé không tăng cân nhưng tăng chiều cao có thể chấp nhận trong thời gian ngắn. Ngược lại, nếu đây là vấn đề trong thời gian dài, cha mẹ cần đưa trẻ đến khám để được điều chỉnh kịp thời, tránh để lại ảnh hưởng nặng nề đến tầm vóc của trẻ khi trưởng thành.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan