Trẻ sơ sinh 2 tuần tuổi: Cách chăm sóc và những lưu ý

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ nội trú Đặng Thị Ngoan - Bác sĩ Nhi - Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Trẻ sơ sinh 2 tuần tuổi là giai đoạn nhạy cảm, trẻ vẫn còn non nớt và cần được chăm sóc một cách đặc biệt. Do đó, bà mẹ lưu ý những giai đoạn phát triển của trẻ để giúp trẻ có thể phát triển một cách toàn diện.

1. Trẻ sơ sinh 2 tuần tuổi

Trẻ sơ sinh 2 tuần tuổi vẫn còn khá non nớt, một số nhu cầu sinh lý và sự phát triển của trẻ như:

  • Thời gian ngủ của trẻ là chủ yếu khoảng 15-18 giờ đồng hồ
  • Trẻ vẫn chưa nhận biết được sự khác biệt giữa ngày và đêm
  • Cơ cổ của trẻ yếu và cần được sự hỗ trợ để giữ đầu của trẻ
  • Trẻ có thể nhìn tốt trong khoảng 8cm-18cm và có thể nhìn thấy vật chuyển động. Đặc biệt thích nhìn những gương mặt tươi cười và màu sắc sáng như đỏ, trắng vàng,...
  • Trẻ có thể hướng về giọng nói nhẹ nhàng và thích những động tác âu yếm, dỗ dành. Thường giật mình với những âm thanh lớn hay chuyển động đột ngột.
  • Trẻ có thể khóc đến 2-3 tiếng trong một ngày, và thường khác khi đòi một nhu cầu nào đó.
  • Trẻ cần bú khoảng 10 phút mỗi bên và mỗi lần bú cách nhau 2 giờ đồng hồ.

Để chăm sóc trẻ sơ sinh đúng cách và toàn diện, các bà mẹ cần biết được nhu cầu sinh lý của trẻ ở từng giai đoạn để có thể chăm sóc trẻ được toàn diện.

Trẻ 1 tháng tuổi
Thời gian ngủ của trẻ là chủ yếu khoảng 15-18 giờ đồng hồ

2. Cách chăm sóc trẻ sơ sinh 2 tuần tuổi và một số lưu ý

2.1 Cho trẻ bú đúng cách

Trẻ sơ sinh 2 tuần tuổi thường bú 6-12 lần, tùy từng trường hợp có thể nhiều hoặc ít hơn. Trong giai đoạn này, trẻ cần được bú sữa mẹ hoàn toàn. Để tránh tình trạng nôn trớ, các bà mẹ cần chú ý đến tư thế khi bú của trẻ, cho trẻ nghỉ ngơi sau mỗi lần bú cách nhau 2 giờ đồng hồ.

Một số bà mẹ ít sữa, không đủ cho nhu cầu của trẻ. Cần tham khảo ý kiến của chuyên gia dinh dưỡng để lựa chọn loại sữa công thức phù hợp với trẻ.

2.2 Ngủ đủ giấc

Trẻ sơ sinh 2 tuần tuổi dành thời gian chủ yếu là ngủ. Chỉ thức dậy khi ăn hoặc chơi đùa một lúc. Do đó, việc ưu tiên giấc ngủ cho trẻ là yếu tố hàng đầu. Giữ một không gian yên tĩnh để tránh trẻ giật mình trong lúc ngủ. Bà mẹ cũng cần thường xuyên bế, vỗ về trẻ để tạo cảm giác yên tâm cho trẻ.

Ngoài ra, các bà mẹ cũng nên bắt đầu tập cho trẻ phân biệt được ngày đêm, tránh tình trạng chơi đêm ngủ ngày, ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ. Ban đêm cần tắt hết điện, tạo không gian yên tĩnh. Ban ngày để phòng thông thoáng, ánh sáng tự nhiên và cũng không cần quá yên tĩnh. Dần dần trẻ sẽ phân biệt được ngày đêm và có thể ổn định được chu kỳ giấc ngủ của trẻ.

2.3 Cách tắm và chăm sóc da

Trẻ sơ sinh 2 tuần tuổi vẫn còn dây rốn. Tuy nhiên dây rốn của trẻ sẽ khô và rụng rốn sau 10-14 ngày. Vì vậy hãy giữ cho rốn của trẻ khô, sạch tránh nhiễm trùng. Trẻ nên được tắm với miếng bọt biển nhỏ hoặc khăn tắm, lau nhẹ nhàng cho đến khi dây rốn rụng. Khi dây rốn rụng, có thể cho trẻ tắm trong bồn. Việc tắm thường xuyên hàng ngày cho trẻ là không cần thiết, có thể dựa vào yếu tố thời tiết để lên lịch tắm. Sau khi tắm có thể bôi kem dưỡng da cho trẻ.Khi tắm cho trẻ, bà mẹ cần lau sạch vành tai ngoài, rửa sạch da đầu trẻ bằng dầu gội, nhẹ nhàng chà xát khắp vùng da đầu và thân thể bằng khăn vải. Việc chà nhẹ có thể ngăn ngừa sự phát triển của viêm tiết bã nhờn.

Tắm cho trẻ
Trẻ nên được tắm với miếng bọt biển nhỏ hoặc khăn tắm, lau nhẹ nhàng cho đến khi dây rốn rụng

Đối với bé gái, việc ra máu hoặc dịch âm đạo là chuyện bình thường. Đối với bé trai, nếu chưa cắt bao quy đầu đừng cố kéo ra, hãy rửa sạch với nước ấm. Nếu đã cắt bao quy đầu, có vảy cứng vàng trên dương vật trong tuần đầu tiên là bình thường. Rửa sạch đầu dương vật với nước ấm, và thêm một ít dầu cho đến khi không còn rỉ máu và dịch.

Ngoài ra, để tránh hăm, rôm sảy,... bà mẹ cần lưu ý thay tã thường xuyên cho trẻ. Đặc biệt là khi bé rặn, vặn mình hoặc đỏ mặt. Có thể sử dụng kem, dầu chống hăm cho trẻ. Tránh sử dụng khăn giấy có chứa cồn hoặc chất kích thích để lau cho trẻ.

2.4 Tiêm phòng

Trong giai đoạn này bà mẹ cũng cần nên để ý đến lịch tiêm phòng của trẻ, đặc biệt là vaccine phòng lao ( Tiêm trong vòng tháng đầu tiên sau sinh).

2.5 Chế độ dinh dưỡng và vệ sinh răng miệng

Trẻ sơ sinh 2 tuần tuổi cần được bú mẹ hoàn toàn, không ăn dặm, uống nước hay nước trái cây,... trong vòng 6 tháng. Tuy nhiên, trẻ có thể bú sữa công thức để bổ sung sắt nếu trẻ không thể bú mẹ hoàn toàn. Ngoài ra, có thể cung cấp vitamin D bằng cách cho trẻ tắm nắng. Sau khi bú, trẻ cần được làm sạch nướu bằng gạc hoặc miếng vải nhỏ.

Ngoài ra, để giúp cho trẻ phát triển một cách toàn diện, bà mẹ có thể đọc sách, trò chuyện, hoặc hát cho con nghe. Cho trẻ xem những đồ vật có màu sắc sáng, hình ảnh và chất liệu thú vị.

Kể chuyện
Mẹ cũng có thể kể chuyện, hát cho bé nghe để giúp bé phát triển toàn diện

Tóm lại, trẻ sơ sinh 2 tuần tuổi là độ tuổi nhạy cảm, vẫn đang dần thích nghi với môi trường bên ngoài. Do đó, các bà mẹ cần chăm sóc trẻ một cách tỉ mỉ để trẻ có thể phát triển một cách toàn diện.

Để phòng tránh các bệnh lý mà trẻ sơ sinh hay mắc phải, cha mẹ nên chú ý đến chế độ dinh dưỡng nâng cao sức đề kháng cho trẻ. Đồng thời bổ sung thêm thực phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B,... giúp hỗ trợ hệ miễn dịch, tăng cường đề kháng để trẻ ít ốm vặt và ít gặp các vấn đề tiêu hóa.

Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm:

Vì sao cần bổ sung Lysine cho bé?

Vai trò của kẽm - Hướng dẫn bổ sung kẽm hợp lý

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

45.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan