Trẻ sinh non bị mềm sụn thanh quản có biểu hiện gì?

Bài viết được viết bởi Bác sĩ nội trú Dương Văn Sỹ - Bác sĩ Nội trú Nhi, Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Mềm sụn thanh quản là một bất thường bẩm sinh sụn thanh quản dùng để mô tả trường hợp mô nâng đỡ các cấu trúc giải phẫu phía trên thanh quản gồm nắp thanh quản và sụn phễu chưa phát triển kịp khiến các cấu trúc này sa vào đường thở của trẻ tạo nên tiếng thở khò khè.

1. Mềm sụn thanh quản là bệnh gì?

Mềm sụn thanh quản là một khiếm khuyết bẩm sinh hay gặp nhất ở vùng thanh môn và thanh quản,chiếm khoảng 60% các bất thường bẩm sinh của thanh quản. Bệnh gây nên tiếng thở rít trên lâm sàng, trẻ nam gấp 2 lần trẻ nữ.

Hiện tượng mềm sụn thanh quản chủ yếu xảy ra ở vùng sụn nắp của thanh quản, sụn phễu hoặc ở cả hai cấu trúc trên. Bệnh lý mềm sụn thanh quản hiếm gặp, chỉ chiếm 0,01% các bệnh lý tai mũi họng nói chung.

2. Triệu chứng mềm sụn thanh quản

Thở khò khè

  • Trẻ bị mềm sụn thanh quản thường được phát hiện ở 4-6 tuần tuổi do bắt đầu thở khò khè, đôi khi sớm hoặc muộn hơn 2 tháng (trẻ dưới tuổi này lưu lượng khí hít thở chưa đủ mạnh để gậy ra tiếng khò khè).
  • Cơn thở khò khè ngắt quãng khi hít vào. Tiếng thở khò khè lúc đầu dễ lầm tưởng là trẻ bị nghẹt mũi, tuy nhiên nó kéo dài và không có chất nhầy trong mũi của trẻ. Âm sắc của tiếng thở khò khè của trẻ có thể cao giống như tiếng rít.
    Khò khè tăng khi đặt trẻ nằm ngửa, lúc trẻ bứt rứt quấy khóc, hoặc khi có viêm đường hô hấp trên kèm theo. Nhiều trường hợp khò khè trong và sau khi trẻ bú. (khi đặt trẻ nằm ngửa, dưới tác dụng của trọng lực sẽ làm nắp thanh môn sa vào đường thở nhiều hơn và làm cho trẻ khò khè nhiều hơn.)
    + Trừ những lúc có viêm thanh quản kết hợp, nói chung trẻ vẫn chơi và bú như bình thường.

Trào ngược dạ dày thực quản

Có đến 80-100% trẻ MSTQ có kèm trào ngược dạ dày thực quản: do nghẽn tắc một phần thanh môn trong thì hít vào và khi trẻ cố sức hít vào sẽ làm tăng áp suất âm trong lồng ngực quá mức khiến thức ăn trong dạ dày ở khoang bụng trẻ dễ bị trào ngược lên thực quản (phần đường tiêu hóa nằm trong lồng ngực).

Ngược lại, trẻ bị trào ngược dạ dày-thực quản nặng sẽ có các thay đổi về mặt cấu trúc bệnh học tương tự như mềm sụn thanh quản, đặc biệt là sưng và phình sụn phễu.

Các triệu chứng khác có thể kèm theo

Trẻ ọc sữa
Ọc sữa là một trong số những triệu chứng kèm theo khi trẻ bị mềm sụn thanh quản
  • Chậm lên cân
  • Bú khó
  • Ói ọc sữa
  • Sặc sữa
  • Ngưng thở
  • Co kéo lồng ngực khi hít vào
  • Tím tái
  • Ói ọc dịch chua trong dạ dày

Các triệu chứng sẽ tăng nặng trong vòng vài tháng đầu, thường là từ 4-8 tháng tuổi. Đa số trẻ bị mềm sụn thanh quản sẽ hết các triệu chứng khi được 12-18 tháng.

Cận lâm sàng

  • Nội soi thanh quản bằng ống soi mềm chẩn đoán xác định trẻ có bị mềm sụn thanh quản hay không.
  • XQ ngực: Đánh giá bất thường như mềm sụn khí quản, vascular rings.. Nhiều trẻ bị mềm sụn thanh quản có thể có các nguyên nhân khác gây ra khò khè. Hình chụp X quang có thể tầm soát các nguyên nhân tiềm ẩn khác gây khò khè ở đường hô hấp trên, khí quản, lồng ngực và phổi.
  • SA ngực bụng: đánh giá RGO (thường sử dụng trên lâm sàng)
  • Có mối liên hệ chặt giữa mềm sụn thanh quản và trào ngược dạ dày – thực quản. Tất cả trẻ đều có thể nấc và ọc sữa nhưng trẻ bị mềm sụn thanh quản hay bị ói ọc sữa hơn các trẻ khác. Acid từ dạ dày trào ngược ra thực quản và vùng thanh quản có thể gây sưng viêm thêm các mô đã bị ảnh hưởng do bị mềm sụn thanh quản.

3. Phân loại mức độ

3.1 Nhẹ

Thở khò khè thì hít vào không có biến chứng nghẽn tắc đường thở nghiêm trọng, không ảnh hưởng trẻ bú và không có các triệu chứng khác kèm theo.

Các trẻ này thường hay quấy khóc bảo mẫu nhưng không có vấn đề nào khác ảnh hưởng đến sức khỏe và thường tự khỏi sau 12-18 tháng tuổi. Nếu trẻ bị mềm sụn thanh quản nhẹ vẫn rất cần quan tâm theo dõi các dấu hiệu và triệu chứng diễn tiến xấu để kịp thời mang trẻ đến cơ sở y tế.

3.2 Vừa

Trẻ được xếp vào loại này khi có các triệu chứng sau:

  • Khò khè khi hít vào
  • Ói ọc sữa
  • Nghẽn tắc đường thở (do thanh quản mềm)
  • Bú khó nhưng không ảnh hưởng tăng cân đều đặn của trẻ
  • Có tiền sử nhập viện nhiều lần vì nghẽn tắc đường thở
  • Trào ngược dạ dày – thực quản (ói ọc dịch chua trong dạ dày)
  • Các trẻ này cũng tự khỏi sau từ 12-18 tháng tuổi nhưng có thể cần phải điều trị chứng trào ngược dạ dày – thực quản. Ngay cả khi trẻ được xếp vào nhóm bệnh vừa thì vẫn rất cần quan tâm theo dõi các dấu hiệu và triệu chứng diễn tiến xấu để kịp thời mang trẻ đến cơ sở y tế.

3.3 Nặng

Trẻ xếp loại này thường có thể cần phải được phẫu thuật để chữa trị. Các bác sĩ sẽ đề nghị mổ nếu trẻ có bất kỳ triệu chứng sau:

  • Khó thở đe dọa tính mạng
  • Có các cơn tím tái nặng
  • Co kéo lồng ngực và cổ nặng khi thở
  • Cần phải thở oxy
  • Bệnh lý tim phổi gây ra do tình trạng thiếu oxy kéo dài
  • Không lên cân được vì bú khó
thở oxy
Trong trường hợp bé phải thở oxy, bác sĩ sẽ đề nghị phẫu thuật.

4. Chẩn đoán

Lâm sàng và nội soi thanh quản

5. Yếu tố nguy cơ của mềm sụn thanh quản

  • Trẻ sinh non
  • Bệnh lý thần kinh cơ
  • Tổn thương đường hô hấp đi kèm: mềm sụn khí quản, hẹp vùng hạ thanh môn...

6. Điều trị & chăm sóc

6.1 Nội khoa

  • Trên 99% sẽ dần dần tự khỏi mà không cần điều trị, hầu như đa số sẽ hết khò khè khi được 2 tuổi. Tiếng khò khè sẽ tăng trong 6 tháng đầu sau sinh vì lượng khí trẻ hít thở sẽ tăng theo tuổi. Sau tuổi đó tiếng khò khè không tăng nữa và giảm dần rồi biến mất.
  • Nhiều trường hợp, các triệu chứng biến mất nhưng đặc điểm bệnh học vẫn còn kéo dài cho đến lớn và trẻ có thể bị khò khè trở lại khi gắng sức hay thỉnh thoảng khi bị nhiễm virus đường hô hấp.
  • Nhập viện: Không cần thiết trừ khi trẻ có dấu hiệu thiếu oxy hay ngưng thở. Nếu độ bão hòa oxy máu cao hơn 90% thì không cần thở oxy
    Không có thuốc điều trị đặc hiệu, có thể bổ sung thêm vitamin D và canxi. Thường điều trị khi có trào ngược dạ dày thực quản (theo phác đồ) và các nhiễm trùng hô hấp đi kèm
  • Khi trẻ bị thiếu oxy nặng cần phải nhập viện để đo nồng độ oxy máu. Nếu nồng độ oxy máu trong lúc nghỉ <90% thì trẻ sẽ được cho thở oxy.
  • Nếu trẻ vẫn bú được, chơi được, tăng cân bình thường, chỉ có thở khò khè trong 2 tháng đầu sau sinh thì không cần xử trí gì thêm. Mềm sụn thanh quản là một chẩn đoán thường gặp và bác sĩ sẽ trấn an cha mẹ của trẻ về tính chất dạng bệnh này.
  • Điều trị ngoại trú:
    Không cần cho trẻ uống thêm thuốc gì khác.
    Tái khám theo chỉ định của bác sĩ nếu có
    Vẫn tiêm phòng cho trẻ bình thường như các trẻ khác

6.2 Phẫu thuật

Đối với những trường hợp mềm sụn thanh quản nặng gây trẻ khó bú, kém tăng cân và phát triển, có thể dùng phẫu thuật.

  • Phẫu thuật chỉ đơn giản chủ yếu là tạo hình các cấu trúc nâng đỡ quanh nắp thanh quản, lấy đi những phần mô thừa gây tắc khí đạo.
  • Rất hiếm khi phải áp dụng phẫu thuật để điều trị mềm sụn thanh quản. Nếu trẻ đã được phẫu thuật rồi thì vẫn nên tiếp tục điều trị trào ngược dạ dày thực quản và các bậc cha mẹ vẫn rất cần theo dõi các dấu hiệu chuyển biến xấu để kịp thời đưa trẻ đến cơ sở y tế.

6.3 Chăm sóc

Nằm nghiêng
Nên để trẻ sơ sinh nằm nghiêng, thỉnh thoảng trở mình cho bé đỡ mỏi
  • Hạn chế cho trẻ nằm ngửa vì dưới tác dụng của trọng lực, lớp mô sụn thanh quản càng sa vào đường thở của trẻ càng làm trẻ thở khò khè hơn. Đối với trẻ sơ sinh, bạn nên cho trẻ nằm nghiêng, thi thoảng lại trở mình cho trẻ cho đỡ mỏi người, còn với trẻ lớn hơn thì bé sẽ tự nằm theo tư thế mà bé cảm thấy dễ thở nhất.
  • Một số trẻ bị mềm sụn thanh quản sẽ rất khó bú. Vì thế mẹ cần phải tỉnh táo khi cho con bú để điều chỉnh lượng sữa vừa với sức bú của trẻ, tránh hiện tượng sặc sữa rất nguy hiểm.
  • Trước khi đi ngủ, bạn nhớ làm vệ sinh mũi cho trẻ bằng dung dịch muối sinh lý để mũi bé được thông thoáng, giúp bé thở dễ dàng hơn. Trẻ bị mềm sụn thanh quản hay thở bằng miệng khi ngủ, bạn nên thoa bôi kem dưỡng môi cho bé để tránh hiện tượng môi khô, nứt nẻ, trẻ bú sẽ rất khó khăn.
  • Hạn chế tối đa các bệnh liên quan đến đường hô hấp vì trẻ bị mềm sụn thanh quản càng thở khò khè hơn khi mắc thêm các bệnh này. Khi trẻ bước vào độ tuổi ăn dặm thì bố mẹ nên bổ sung thêm các thực phẩm có chứa nhiều vitamin C giúp tăng cường sức đề kháng, phòng ngừa các bệnh viêm đường hô hấp thông thường.
  • Khám và theo dõi tình trạng sức khỏe của trẻ theo định kỳ. Nếu trẻ bị mềm sụn thanh quản dẫn đến sụt cân, ngưng thở, bỏ bú,... thì phải đưa trẻ đến các trung tâm y tế để được hỗ trợ kịp thời.
  • Ăn uống: Không cần kiêng cữ thức ăn nào hết.
  • Hoạt động thể chất: Không cần hạn chế hoạt động thể chất của trẻ.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện không những đảm bảo chất lượng chuyên môn với đội ngũ y bác sĩ, hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại mà còn nổi bật với dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp; không gian khám chữa bệnh văn minh, lịch sự, an toàn và tiệt trùng tối đa.

Khách hàng có thể trực tiếp đến hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc để thăm khám hoặc liên hệ hotline tại đây để được hỗ trợ.

XEM THÊM:

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan