Trẻ phát triển chiều cao khi nào?

Từ khi mới sinh đến khoảng 1 hoặc 2 tuổi, trẻ em phát triển với tốc độ nhanh chóng. Sau đó, tốc độ tăng trưởng sẽ chậm lại cho đến khi trẻ bắt đầu tăng trưởng vượt bậc ở tuổi vị thành niên. Do đó, muốn trẻ phát triển chiều cao, bố mẹ cần bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng, đáp ứng được nhu cầu của trẻ tương ứng với từng giai đoạn.

1. Trẻ phát triển chiều cao khi nào?

Phát triển chiều cao là một trong những dấu hiệu cho thấy trẻ đang tăng trưởng tốt. Ngoài ra, tăng trưởng thể chất còn biểu hiện thông qua sự gia tăng cân nặng và những thay đổi khác của cơ thể như mọc tóc, mọc răng và thay răng, cuối cùng là các biến đổi của cơ thể khi vào tuổi dậy thì như vỡ giọng, có kinh nguyệt.

Vậy “trẻ phát triển chiều cao nhanh nhất ở giai đoạn nào”, theo đó từ khi được sinh ra, nếu trẻ khỏe mạnh và được chăm sóc tốt, chiều cao của trẻ sẽ liên tục tăng lên. Năm đầu tiên của cuộc đời là khoảng thời gian tốc độ phát triển chiều cao nhanh nhất và đáng kinh ngạc nhất. Một đứa trẻ sơ sinh trung bình phát triển chiều cao thêm 25 cm.

Sau năm đầu tiên, chiều cao của trẻ vẫn tăng dần tuy nhiên tốc độ có thể chậm lại. Một số bố mẹ có thể ngạc nhiên và lo lắng khi nhận ra con họ không còn tiếp tục phát triển chiều cao nhanh như vậy nữa, tuy nhiên đây là không phải là vấn đề đáng lo lắng. Sau 1 tuổi, sự phát triển chiều cao của trẻ chậm lại một chút. Đến 2 tuổi, sự tăng trưởng chiều cao thường tiếp tục với tốc độ khá ổn định. Trung bình mỗi năm, trẻ phát triển chiều cao khoảng 6 cm cho đến tuổi vị thành niên.

Tuy nhiên, không phải mọi đứa trẻ đều có tốc độ phát triển hoàn toàn ổn định trong suốt thời kỳ thơ ấu. Hầu hết trẻ em sẽ có nhiều tuần hoặc vài tháng tăng trưởng chậm hơn một chút xen kẽ với các khoảng thời gian tăng trưởng vượt trội. Có một điều thú vị là trẻ em thực sự có xu hướng phát triển nhanh hơn một chút vào mùa xuân so với các thời điểm khác trong năm.

Bên cạnh năm đầu đời, tuổi dậy thì là giai đoạn trẻ phát triển chiều cao ở mức độ đáng kinh ngạc. Trẻ em gái dậy thì từ 8 đến 13 tuổi, trong khi trẻ trai dậy thì từ 10 đến 15 tuổi. Giai đoạn tuổi dậy thì kéo dài khoảng từ 2 đến 5 năm. Ngoài chiều cao, sự phát triển vượt bậc trong giai đoạn dậy thì có liên quan đến sự phát triển các đặc điểm giới tính, bao gồm sự xuất hiện của lông mu và lông dưới cánh tay, sự tăng trưởng cũng như phát triển của các cơ quan sinh dục, trẻ gái bắt đầu hành kinh. Vào thời điểm các em gái 15 tuổi và các em nam 16 hoặc 17 tuổi, sự phát triển tuổi dậy thì đã kết thúc và các em sẽ đạt đến độ trưởng thành về thể chất.

Bắt đầu từ giai đoạn sơ sinh, trẻ em nên được đưa đến bác sĩ để kiểm tra sức khỏe thường xuyên. Trong quá trình này, bác sĩ sẽ ghi lại chiều cao và cân nặng của trẻ trên biểu đồ tăng trưởng. Công cụ này có thể giúp bác sĩ xác định liệu một đứa trẻ đang phát triển với tốc độ thích hợp hay có thể có vấn đề.

trẻ phát triển chiều cao khi nào
Muốn trẻ phát triển chiều cao cha mẹ cần có chế độ dinh dưỡng phù hợp

2. Muốn trẻ phát triển chiều cao phải làm sao?

Nếu muốn trẻ phát triển chiều cao một cách bình thường và khỏe mạnh, bố mẹ có thể hướng dẫn trẻ thực hiện một số điều sau:

  • Nghỉ ngơi đầy đủ: Giấc ngủ đóng vai trò quan trọng đến sự phát triển của trẻ. Nhu cầu và đặc điểm của giấc ngủ thay đổi tùy theo độ tuổi và từng đứa trẻ. Hầu hết trẻ em cần ngủ trung bình từ 10 đến 12 giờ mỗi đêm. Giấc ngủ là khoảng thời gian cung cấp cho cơ thể đang phát triển nhanh chóng của trẻ cơ hội để phục hồi sau một ngày dài học tập và vui chơi.
  • Chế độ dinh dưỡng tốt: Một chế độ ăn uống cân bằng với đầy đủ các vitamin và khoáng chất cần thiết sẽ là phương pháp hữu hiệu nếu bạn muốn trẻ phát triển chiều cao đúng chuẩn.
  • Tập thể dục thường xuyên: Bên cạnh mục tiêu tăng trưởng chiều cao hợp lý, béo phì còn là một vấn đề sức khỏe phổ biến của trẻ em, cha mẹ nên đảm bảo rằng con của họ luyện tập thể dục thường xuyên. Đi xe đạp, đi bộ đường dài, trượt băng, thể thao hoặc bất kỳ hoạt động thú vị nào thúc đẩy trẻ vận động sẽ tăng cường sức khỏe và phát triển chiều cao hợp lý.
  • Trò chuyện với trẻ em về sự phát triển: Mỗi đứa trẻ khác nhau về sự tăng trưởng và phát triển trong thời thơ ấu. Các bé gái dậy thì sớm hơn các bé trai, mặc dù một số bé gái có thể chậm phát triển hơn so với các bạn trong cùng độ tuổi, như phát triển ngực hoặc có kinh lần đầu muộn hơn. Tất cả những điều này thường là bình thường. Cố gắng tránh so sánh sự phát triển giữa anh chị em hoặc những đứa trẻ khác. Ví dụ, so sánh chiều cao sẽ chỉ khiến trẻ cảm thấy tự ti về kích thước của mình. Khuyến khích con bạn chấp nhận sự trưởng thành và phát triển của chính chúng. Giải thích rằng một số trẻ em lớn lên và phát triển với tốc độ khác nhau, những đứa trẻ phát triển muộn thường bắt kịp các bạn cùng lứa tuổi ở giai đoạn trưởng thành.
  • Trẻ em có nhiều câu hỏi về sự phát triển của chúng, từ lý do tại sao răng rụng đến các chủ đề tế nhị hoặc xấu hổ khác như sự phát triển của vú hoặc đổ mồ hôi. Khi bé đặt câu hỏi, bố mẹ nên trả lời chúng một cách trung thực và thậm chí bắt đầu nói về sự phát triển để giúp trẻ hiểu được những thay đổi mà chúng đang phải đối mặt. Điều này sẽ giúp trẻ chấp nhận được những thay đổi một cách tích cực hơn.

Những trẻ thấp thường phải đối mặt với sự trêu chọc của bạn bè đồng trang lứa và có thể cần giúp đỡ. Bố mẹ nên là người đầu tiên động viên và củng cố lòng tự trọng của trẻ. Ví dụ, một cậu bé nhỏ người có thể khó có thể tham gia vào đội bóng rổ. Vì thế hãy giải thích rằng trẻ còn nhiều lựa chọn thay thế khác, chẳng hạn như bóng đá hoặc quần vợt. Điều này có thể khiến trẻ cảm thấy tốt hơn về bản thân mình và tự tin hơn về những gì trẻ có thể làm. Cố gắng hiểu cảm xúc của trẻ và giữ các sự liên kết cởi mở giữa bố mẹ và con cái.

Nếu nghĩ sự tăng trưởng của trẻ có vấn đề thì đầu tiên, bố mẹ có thể tạm thời yên tâm khi biết rằng hầu hết những đứa trẻ có chiều cao thấp hoặc thậm chí chậm phát triển đều khỏe mạnh và bình thường. Lý giải cho vấn đề này có thể là các tình huống như cha mẹ thấp hơn có xu hướng sinh con thấp hơn và không phải tất cả trẻ em đều phát triển với tốc độ như nhau. Nếu lo lắng, hãy nói chuyện với bác sĩ nhi khoa. Bác sĩ có thể khám cho trẻ, hỏi các câu hỏi về tiền sử gia đình và nếu cần, yêu cầu các xét nghiệm để xem liệu tình trạng sức khỏe của trẻ có bình thường hay không.

trẻ phát triển chiều cao khi nào
Muốn trẻ phát triển chiều cao, bố mẹ cần bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng, đáp ứng được nhu cầu của trẻ tương ứng với từng giai đoạn

3. Ăn gì cho trẻ phát triển chiều cao?

Trong trường hợp chiều cao của trẻ chưa đúng chuẩn, cha mẹ thường lo lắng và thắc mắc “làm thế nào hay ăn gì cho trẻ phát triển chiều cao hợp lý”. Theo khuyến cáo, thực phẩm có vai trò quyết định đến sự phát triển chiều cao ở trẻ. Do đó, nếu muốn trẻ phát triển chiều cao tốt nhất, mẹ nên bổ sung các loại thực phẩm sau trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày của con:

Trứng: Protein là nền tảng của sự phát triển thể chất của trẻ và trứng là một loại thực phẩm giàu protein. Thay vì chỉ cho trẻ uống sữa và ngũ cốc hoặc bánh mì trong bữa sáng, hãy cung cấp cho trẻ thêm các món ăn từ trứng để cung cấp đủ cho trẻ một lượng protein, carbs phức hợp và canxi lành mạnh. Một bữa sáng đầy dinh dưỡng sẽ giúp trẻ thấy no và học tập, vui chơi hiệu quả hơn trong ngày.

Sữa chua: Probiotics có trong sữa chua giữ cho đường ruột của trẻ khỏe mạnh và hệ tiêu hóa chính là nơi khởi đầu cho sức khỏe toàn diện. Sữa chua cũng rất giàu vitamin D và canxi, do đó rất cần thiết cho xương chắc khỏe và chiều cao tốt.

Sữa: Sữa là một phần thiết yếu trong chế độ ăn uống của trẻ. Đảm bảo trẻ uống ít nhất hai ly sữa mỗi ngày để cung cấp đủ lượng canxi, vitamin-D và protein cần thiết. Thêm vào sữa các loại hạt như hạnh nhân và nghệ tây để có thêm dinh dưỡng.

Đậu nành: Đậu nành rất giàu protein thực vật và hỗ trợ sự phát triển cơ bắp ở trẻ nhỏ. Nếu trẻ không dung nạp lactose và không thể tiêu hóa sữa từ động vật thì hãy chọn sữa đậu nành để bổ sung vitamin D, canxi và protein trong chế độ ăn của trẻ. Cũng nên chọn đậu nành và các sản phẩm từ đậu nành khác để tạo ra những công thức nấu ăn ngon cho con bạn.

Trái cây: Trái cây tươi và theo mùa chứa đầy vitamin và khoáng chất cần thiết cho quá trình tổng hợp protein trong cơ thể. Mỗi ngày cho trẻ nên ăn ít nhất 2-3 quả. Bằng cách này, trẻ sẽ nhận được nguồn cung cấp vitamin tổng hợp theo cách tự nhiên nhất. Ăn trái cây vào các bữa phụ cũng giúp cho trẻ cảm thấy no lâu và tránh các thực phẩm chế biến sẵn ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của trẻ.

Tóm lại, muốn trẻ phát triển chiều cao đúng chuẩn, bố mẹ cần bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng, đáp ứng được nhu cầu của trẻ tương ứng với từng giai đoạn. Bên cạnh đó, bé cũng cần bổ sung thêm các vi chất cần thiết: Kẽm, selen, Crom, Vitamin B1 và B6, Gừng, chiết xuất quả sơ ri (vitamin C),... để cải thiện vị giác, ăn ngon, đạt chiều cao và cân nặng đúng chuẩn và vượt chuẩn, hệ miễn dịch tốt, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt và ít gặp các vấn đề tiêu hóa.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan