Trẻ em bị rối loạn tiêu hóa nên ăn gì?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Phan Thị Cẩm Vân - Bác sĩ Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng

Rối loạn tiêu hóa là một vấn đề sức khỏe của hệ thống tiêu hóa, những rối loạn này có thể ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày và ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Vậy triệu chứng, nguyên nhân rối loạn tiêu hóa ở trẻ nhỏ và trẻ em bị rối loạn tiêu hóa nên ăn gì?

1. Triệu chứng trẻ bị rối loạn tiêu hóa

Có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị rối loạn tiêu hóa, nhưng các bệnh này đều có triệu chứng rối loạn tiêu hóa giống nhau, cụ thể như sau:

  • Buồn nôn
  • Đau bụng
  • Tiêu chảy
  • Nôn
  • Mất nước do tiêu chảy và nôn
Trẻ đau bụng quanh rốn
Trẻ xuất hiện dấu hiệu đau bụng

2. Nguyên nhân và chế độ dinh dưỡng cho trẻ rối loạn tiêu hóa

Rối loạn tiêu hóa bạch cầu ái toan (Eosinophilic Gastrointestinal Disorders)

Rối loạn tiêu hóa bạch cầu ái toan là bệnh phổ biến nhất trong số nhóm bệnh viêm thực quản bạch cầu ưa axit với triệu chứng xảy ra do các tế bào bạch cầu quá nhiều trong đường tiêu hóa của trẻ. Điều này dẫn tới đường tiêu hóa bị viêm và sưng, khiến trẻ đau, khó chịu và khó nuốt.

Hiện nay chưa có phương pháp điều trị rối loạn tiêu hóa bạch cầu ái toan, nhưng các loại thuốc như steroid có thể làm giảm số lượng tế bào bạch cầu trong ruột và dẫn tới làm giảm các triệu chứng. Bác sĩ có thể chỉ định cắt bỏ một số loại thực phẩm gây ra phản ứng dị ứng hoặc chế độ ăn uống đặc biệt khác. Một trường hợp nặng, có thể phải sử dụng ống sonde cho ăn.

Bệnh Celiac (Không dung nạp Gluten)

Trẻ em bị bệnh celiac có phản ứng nghiêm trọng khi ăn thức ăn có thành phần là gluten, đây là loại protein trong lúa mì, lúa mạch và lúa mạch đen. Rối loạn đường ruột này làm tổn thương ruột non và khiến trẻ không hấp thụ được các chất dinh dưỡng trong thức ăn.

Đối với các trường hợp này, trẻ cần ăn theo chế độ ăn không có gluten là phương pháp điều trị duy nhất cho bệnh celiac. Do thực phẩm không có chứa gluten nên sẽ ngăn chặn được các tổn thương cho ruột và có thời gian cho các ruột bị tổn thương trước đó được hồi phục.

Bệnh Celiac (Không dung nạp Gluten)
Bệnh Celiac (Không dung nạp Gluten)

Bệnh viêm đường ruột (Inflammatory Bowel Disease)

Bệnh viêm đường ruột thường xảy ra ở trẻ lớn hoặc thanh thiếu niên, bao gồm hai rối loạn tiêu hóa chính:

  • Viêm loét đại tràng gây sưng ở đại tràng
  • Bệnh Crohn, đây là bệnh có thể ảnh hưởng đến bất kỳ bộ phận nào của hệ tiêu hóa

Nếu mắc hai bệnh này, trẻ sẽ có các triệu chứng phổ biến như đi ngoài ra máu hoặc nước và đau bụng. Bệnh viêm đường ruột cũng có thể làm chậm sự tăng trưởng của trẻ hoặc trì hoãn thời điểm dậy thì. Cả viêm loét đại tràng và bệnh Crohn đều có thể dẫn đến đau khớp, ngứa mắt, sỏi thận, bệnh gan và xương giòn hoặc dễ gãy.

Mục tiêu của điều trị bệnh viêm đường ruột là giữ cho các triệu chứng lâu xuất hiện, càng lâu càng tốt. Bác sĩ có thể khuyến cáo bố mẹ nên cho trẻ ăn chế ăn bệnh lý và sử dụng thuốc. Nếu triệu chứng viêm loét đại tràng nghiêm trọng, trẻ có thể cần điều trị tại bệnh viện hoặc phẫu thuật.

Hội chứng ruột ngắn (Short Bowel Syndrome)
Viêm màng ruột - viêm ruột

Bệnh lồng ruột (Intussusception)

Lồng ruột này xảy ra khi một phần của ruột bị lộn lại và chui vào đoạn ruột kế tiếp. Đây là bệnh rất phổ biến ở trẻ nhỏ. Khi mắc bệnh này, trẻ có các triệu chứng như nhiễm trùng gây đau, sưng và đột ngột li bì/mệt mỏi và thậm chí có thể làm rách ruột.

Điều trị thường bắt đầu bằng cách sử dụng thuốc xổ dạng lỏng hoặc dùng không khí để đẩy ruột trở lại. Bệnh này thường không cần phẫu thuật và các phương pháp điều trị đều có hiệu quả. Nếu không, trẻ có thể sẽ cần phải phẫu thuật.

Bệnh xoắn ruột (Volvulus)

Đây là trường hợp cấp cứu, xảy ra khi một vòng ruột của trẻ bị xoắn quanh chính nó và mạc treo hỗ trợ nó, dẫn đến tắc ruột và chặn dòng chất thải. Trong một số trường hợp, nguồn cung cấp máu của đoạn ruột phía sau đoạn xoắn cũng bị cắt đứt dẫn tới thiếu máu cục bộ. Để điều trị và cứu sống trẻ, các bác sĩ sẽ cần thực hiện phẫu thuật khẩn cấp, sau điều trị thành công, hầu hết trẻ đều phát triển và có sức khỏe bình thường.

Bệnh xoắn ruột (Volvulus)
Bệnh xoắn ruột (Volvulus)

Hội chứng ruột ngắn (Short Bowel Syndrome)

Với hội chứng này, trẻ không có đủ ruột để hấp thụ các chất dinh dưỡng và chất lỏng có trong thực phẩm đã ăn. Nguyên nhân có thể do một số trẻ khi sinh ra đã bị thiếu một vài đoạn ruột hoặc trẻ cần phải phẫu thuật để loại bỏ một phần ruột. Các nguyên nhân khác của hội chứng ruột ngắn là:

  • Bệnh Crohn
  • Bệnh lồng ruột
  • Mạch máu trong ruột bị chặn dẫn chậm lưu lượng máu đến nuôi đoạn ruột đằng sau đoạn bị chặn, ví dụ xoắn ruột
  • Tổn thương ruột
  • Ung thư

Các nguyên nhân trên đều gây ra triệu chứng rối loạn tiêu hóa là tiêu chảy. Hội chứng ruột ngắn có thể dẫn đến các vấn đề như suy dinh dưỡng, mất nước, sỏi thận và phát ban nghiêm trọng.

Hội chứng ruột ngắn (Short Bowel Syndrome)
Hội chứng ruột ngắn (Short Bowel Syndrome)

Đối với trẻ có hội chứng ruột ngắn, trẻ cần thay đổi chế độ ăn uống và đôi khi cần cung cấp các chất dinh dưỡng cho trẻ bằng đường tĩnh mạch hoặc cho ăn qua ống sonde. Ngoài ra, trẻ cần phải sử dụng thêm thuốc để làm giảm các triệu chứng và làm chậm quá trình di chuyển thức ăn trong hệ thống tiêu hóa, vì vậy hệ tiêu hóa của trẻ có thời gian để hấp thu các chất dinh dưỡng.

3. Rối loạn tiêu hóa nên làm gì?

Nếu trẻ có những triệu chứng về rối loạn tiêu hóa thường xuyên được liệt kê ở trên, bạn cần đưa trẻ đến khám tại bệnh viện để bác sĩ tìm kiếm nguyên nhân nào dẫn tới trẻ có rối loạn tiêu hóa và từ đó bác sĩ mới đưa ra được phác đồ điều trị cũng như chế độ dinh dưỡng phù hợp cho từng bệnh lý.

Để trẻ khỏe mạnh, phát triển tốt cần có một chế độ dinh dưỡng đảm bảo về số lượng và cân đối chất lượng. Nếu trẻ không được cung cấp các chất dinh dưỡng đầy đủ và cân đối sẽ dẫn đến những bệnh thừa hoặc thiếu chất dinh dưỡng ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển toàn diện của trẻ cả về thể chất, tâm thần và vận động.

Trẻ ăn không đúng cách có nguy cơ thiếu các vi khoáng chất gây ra tình trạng biếng ăn, chậm lớn, kém hấp thu,... Nếu nhận thấy các dấu hiệu kể trên, cha mẹ nên bổ sung cho trẻ các sản phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Đồng thời các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng.

Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm:

Các dấu hiệu bé thiếu kẽm

Thiếu vi chất dinh dưỡng và tình trạng không tăng cân ở trẻ

Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.

Bài viết tham khảo nguồn: Webmd.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

15.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan