Trẻ chậm tăng cân – Khi nào cần đi khám?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Ngô Thị Oanh - Bác sĩ Nhi - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Trẻ em chậm tăng cân hoặc không tăng cân là một hiện tượng phổ biến xảy ra do rất nhiều nguyên nhân, nhưng phần lớn đến từ chế độ ăn thiếu hợp lý. Tuy nhiên, vẫn có khả năng trẻ đang gặp các bất thường trong cơ thể khiến việc tăng cân gặp khó khăn.

1. Hiện tượng biếng ăn ở trẻ em

Sự chậm tăng cân chủ yếu đến từ sự biếng ăn của trẻ.

Theo ThS.BS Lưu Thị Mỹ Thục, Trưởng khoa Dinh Dưỡng, viện Nhi Trung Ương, có đến khoảng trên 50% trẻ em trong độ tuổi từ 1 đến 6 tuổi trên thế giới mắc chứng biếng ăn. Tuy ở Việt Nam, tỷ lệ này tương đối thấp hơn, chỉ dao động khoảng 20% - 40%, nhưng vẫn là một con số đáng lo ngại.

Sự biếng ăn này diễn ra càng mạnh mẽ khi trẻ từ 1 đến 2 tuổi. Nếu tình trạng này kéo dài, cơ thể của bé sẽ không được cung cấp đủ nguồn dưỡng chất lẫn năng lượng để phát triển bình thường. Từ đó dẫn đến chậm tăng cân, người ốm yếu,... Đồng thời, trẻ cũng có khả năng rơi vào hội chứng chậm phát triển, suy dinh dưỡng, rối loạn tăng trưởng, dễ mắc các bệnh mãn tính,...

Ngoài ra, có rất nhiều yếu tố xung quanh trẻ gây ra tình trạng biếng ăn như:

  • Trẻ bị bệnh (ho, sốt, tiêu chảy,...)
  • Trẻ đã trải qua một đợt điều trị bằng kháng sinh dài ngày, khiến hệ vi khuẩn đường ruột mất cân bằng.
  • Dùng vitamin A và vitamin D quá liều,...

Trẻ nhỏ nếu không được cho ăn đúng bữa, ăn vặt quá nhiều,... cũng ảnh hưởng đến sự phát triển chung.

Bên cạnh các yếu tố về thể chất, tâm lý cũng đóng vai trò không nhỏ trong việc kích thích hoặc kìm hãm thói quen ăn uống của trẻ. Thông thường, khi các bé ăn quá ít, nhiều phụ huynh lại đốc thúc trẻ ăn nhiều hơn mà không tìm phương án giải quyết khác. Điều này càng tạo ra tâm trạng bức bối, áp lực, sợ hãi,... và càng khiến trẻ chán ăn nhiều hơn.

trẻ biếng ăn
Biếng ăn là nguyên nhân khiến bé châm tăng cân

2. Trẻ sơ sinh không tăng cân – có đáng lo ngại?

Ở trẻ sơ sinh, sự tăng trưởng của bé có xu hướng đi theo một biểu đồ chung – gọi là biểu đồ tăng trưởng như sau:

  • 6 tháng đầu tiên, trẻ có thể tăng từ 1.5 đến 2.5cm chiều cao mỗi tháng và tăng 140 – 200 gram mỗi tuần. Dự kiến, một em bé bình thường có thể tăng gấp đôi cân nặng sau khi sinh khoảng 5 tháng tuổi.
  • Trẻ từ 6 tháng đến 12 tháng tuổi, quá trình tăng trưởng có phần chậm lại do một phần năng lượng của bé sẽ được sử dụng trong việc ngồi, bò, đi, chạy,... Thông thường, một em bé có thể tăng khoảng 1cm mỗi tháng và 85 – 140 gram mỗi tuần.

Như vậy, nếu như em bé của bạn tăng cân theo chiều hướng này nhưng chậm hơn một chút, điều này không có gì đáng lo ngại. Tuy nhiên, nếu quá trình tăng trưởng của bé quá ít so với biểu đồ trên, có khả năng bé đang gặp một vấn đề bất thường trong cơ thể ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa.

3. Khi nào bé cần gặp bác sĩ?

Đôi khi, sự chậm tăng cân của một bé chỉ là hiện tượng bình thường, một bước thụt lùi tạm thời, trong quá trình tăng trưởng.

Tuy nhiên, cũng có trường hợp bé không tăng cân trong 2 tháng hoặc bé 3 tháng không tăng cân, thì có khả năng bé đang mắc phải vấn đề sức khỏe liên quan đến tiêu hóa như: Dị ứng thực phẩm, rối loạn tiêu hóa, không dung nạp sữa, bệnh xơ nang, suy dinh dưỡng,...

Để biết chắc chắn vấn đề của bé, việc thăm khám cùng các bác sĩ Nhi khoa là cần thiết.

Ngoài dấu hiệu trẻ sơ sinh không tăng cân trong nhiều tháng liền, một số biểu hiện sau ở bé cũng báo hiệu bé đang bị chậm phát triển:

  • Mệt mỏi, cáu gắt và buồn ngủ nhiều hơn bình thường.
  • Thiếu các phản ứng xã hội phù hợp với lứa tuổi.
  • Các thao tác thường chậm nhịp, phản xạ kém.

Đặc biệt, khả năng suy dinh dưỡng ở trẻ không tăng cân nhiều tháng liền cũng rất cao. Thông thường, tình trạng suy dinh dưỡng còn đi kèm với các dấu hiệu sau:

  • Da xanh xao, khô ráp, thường xuyên lừ đừ, thụ động.
  • Hệ tiêu hóa hoạt động kém, thường xuyên nôn ói, tiêu chảy hoặc táo bón.
  • Trẻ hoạt động kém.
  • Rụng tóc, tóc không đều, tóc thưa.
  • Hay quấy khóc, ngủ không sâu giấc vào ban đêm.
  • Đổ mồ hôi trộm.
  • Chậm mọc răng, răng bị hỏng hoặc dễ bị sâu răng.
Bé quấy khóc
Trẻ hay quấy khóc cần được đi khám bác sĩ.

4. Tại sao bạn nên cho trẻ đi khám dinh dưỡng?

Trẻ sơ sinh là nhóm đối tượng bị động trong việc cung cấp dinh dưỡng. Trong những năm tháng đầu đời, bé không thể tự đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cá nhân mà cần có sự giúp đỡ, chăm sóc từ cha mẹ. Chính vì vậy, việc khám dinh dưỡng cho trẻ cần thực hiện đầy đủ.

Việc khám dinh dưỡng sớm đem lại vô số lợi ích trong quá trình phát triển của trẻ:

  • Phát hiện sớm các vấn đề bất thường, bệnh lý,... liên quan đến dinh dưỡng của bé, bao gồm rối loạn tiêu hóa, béo phì – thừa cân,...
  • Xác định và giúp cha mẹ biết rõ nhu cầu dinh dưỡng của bé, từ đó hướng dẫn xây dựng một chế độ dinh dưỡng phù hợp theo đúng lứa tuổi và tình trạng cụ thể của bé.
  • Góp phần hỗ trợ cha mẹ chăm sóc bé đúng cách để bé phát triển khỏe mạnh nhất.
Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

39.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan