Trẻ biếng ăn có thể làm chậm phát triển trí não?

Trẻ biếng ăn hay còn gọi là trẻ lười ăn là tình trạng phổ biến xảy ra ở trẻ trong mọi độ tuổi. Trẻ lười ăn kéo dài sẽ ảnh hưởng đến quá trình phát triển thể chất và sự phát triển trí não của trẻ. Hậu quả của việc trẻ biếng ăn là tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng, dẫn đến chậm phát triển trí tuệ và sức đề kháng yếu.

1. Khái niệm về biếng ăn ở trẻ em

Trẻ biếng ăn hay còn gọi là trẻ lười ăn là tình trạng trẻ ăn với số bữa và số lượng thức ăn không đủ so với nhu cầu. Trẻ lười ăn kéo dài sẽ ảnh hưởng đến phát triển thể chất và sự phát triển trí não của trẻ, do đó trẻ sẽ thấp bé, còi cọc, nhẹ cân và chậm chạp hơn so với những đứa trẻ cùng lứa tuổi.

Biểu hiện thường gặp của trẻ lười ăn là khi trẻ ăn ít hơn so với bình thường, không ăn đủ lượng chất dinh dưỡng cần thiết, trẻ không chịu ăn hoặc trẻ ăn lâu mà không chịu nuốt, tới bữa ăn trẻ chạy trốn hay nhợn ói khi nhìn thấy thức ăn. Trẻ biếng ăn là tình trạng khá phổ biến gặp ở trẻ mọi lứa tuổi, đặc biệt là trẻ ở độ tuổi ăn dặm, tuổi học mầm non.

Tại Việt Nam, tỷ lệ trẻ biếng ăn trong nhóm từ 1 đến 6 tuổi chiếm gần 50% và đa số trẻ có dấu hiệu lười ăn ngay từ khi dưới 3 tuổi.

Trẻ biếng ăn do nhiều nguyên nhân khác nhau như sợ ăn do bị ép ăn; chế độ dinh dưỡng và cách chế biến món ăn không thích hợp; mắc các bệnh nhiễm trùng.... Đôi khi nguyên nhân đơn giản chỉ là do trẻ không thích một món ăn nào đó hoặc do nguyên nhân tâm lý khiến trẻ có cách nhìn tiêu cực về món ăn. Việc xác định nguyên nhân chính xác gây ra biếng ăn ở trẻ sẽ giúp tìm ra biện pháp khắc phục đúng đắn và hiệu quả.

2. Hậu quả của việc trẻ biếng ăn

2.1 Suy dinh dưỡng

Biếng ăn khiến trẻ không ăn đủ chất, không có đủ năng lượng và mất cân bằng chất dinh dưỡng. Trẻ biếng ăn kéo dài không thể phát triển đúng chuẩn về cân nặng, chiều cao và trí tuệ. Trẻ sẽ có thể trạng suy dinh dưỡng, xanh xao, ốm yếu, gầy còm, thấp còi hơn so với các trẻ đồng trang lứa.

trẻ lười ăn
Trẻ lười ăn là tình trạng trẻ ăn với số bữa và lượng thức ăn ít so với nhu cầu

2.2 Thiếu vi chất dinh dưỡng dẫn đến rối loạn tăng trưởng

Trẻ em đang trong giai đoạn phát triển về trí não và thể chất nên nhu cầu dinh dưỡng mỗi ngày rất lớn. Trẻ biếng ăn sẽ không cung cấp đủ vi chất dinh dưỡng đáp ứng cho nhu cầu phát triển của cơ thể.

Các bệnh lý thường gặp do thiếu vi chất dinh dưỡng như thiếu máu do thiếu sắt; còi xương do thiếu canxi và vitamin D; tê phù do thiếu vitamin B1; trẻ thấp bé chậm phát triển do thiếu kẽm; khô mắt, khô giác mạc do thiếu vitamin A có thể dẫn đến mù lòa...

2.3 Chậm phát triển trí tuệ

Dinh dưỡng là một trong ba yếu tố chính quyết định sự phát triển trí não của trẻ (gen, dinh dưỡng, môi trường học tập và rèn luyện).

Tình trạng biếng ăn sẽ làm cho trẻ chậm phát triển trí tuệ do mất cân bằng và thiếu các chất dinh dưỡng quan trọng cho hoạt động hiệu quả của não bộ như: Chất đạm, chất bột đường, chất béo đặc biệt là các axit béo và axit amin thiết yếu như: Lysine, histidine, threonine, DHA, taurin, omega-3 và omega-6, ...

Sự thiếu hụt các dưỡng chất để nuôi dưỡng não bộ phát triển khiến cơ thể trẻ hay mệt mỏi, khó tập trung học, giảm khả năng tư duy và đưa ra quyết định một cách nhanh chóng và chính xác. Trẻ chậm phát triển trí tuệ dẫn đến giảm trí thông minh là hậu quả nghiêm trọng nhất ở trẻ biếng ăn, gây ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài đến tương lai sau này của trẻ.

Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy tình trạng biếng ăn làm ảnh hưởng đến khả năng nhận thức và học tập của trẻ có thể kéo dài cho đến 5 năm sau, giảm chỉ số phát triển trí tuệ MDI (Mental Developmental Index) so với trẻ được bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng.

2.4 Suy giảm chức năng hệ miễn dịch

Thiếu hụt dinh dưỡng sẽ khiến cho sức đề kháng yếu, suy giảm chức năng hệ miễn dịch nên trẻ dễ mắc các bệnh nhiễm trùng về đường hô hấp và tiêu hóa như: Viêm họng, viêm tai giữa, viêm phổi, nhiễm trùng đường ruột,...

2.5 Ảnh hưởng đến cảm xúc

Chỉ số thông minh cảm xúc (chỉ số EQ) được xem là nền tảng giúp trẻ hoàn thiện nhân cách và kỹ năng cần thiết cho cuộc sống để thành công trong tương lai. Trẻ có chỉ số EQ cao sẽ phát triển tốt khả năng diễn đạt, giao tiếp, hòa đồng với bạn bè và thích ứng nhanh với sự thay đổi của môi trường sống.

Trong khi đó, trẻ biếng ăn thường có chỉ số EQ thấp, trẻ có xu hướng cáu gắt, thụ động, khó hòa nhập sống thu mình, thiếu bạn bè... lâu dài có thể dẫn đến tự kỷ, trầm cảm, mất tập trung, học hành kém, khó thành đạt.

trẻ lười ăn
Trẻ biếng ăn thường có chỉ số EQ thấp, thụ động, khó hòa nhập

3. Các biện pháp khắc phục tình trạng trẻ biếng ăn

Cha mẹ hãy ước tính lượng calo cần thiết trong một ngày dựa vào tháp dinh dưỡng cho trẻ để biết lượng thức ăn mà trẻ cần phải tiêu thụ trong một ngày là bao nhiêu, tránh ép trẻ ăn vượt quá nhu cầu. Mỗi trẻ cần một lượng calo khác nhau tùy thuộc vào 3 yếu tố sau: giới tính, độ tuổi, và tình trạng sức khỏe của trẻ. Có 10 biện pháp giúp khắc phục tình trạng trẻ biếng ăn, bao gồm:

3.1 Không ép trẻ ăn khi trẻ không muốn ăn vì chỉ gây tác dụng trái ngược

Các biện pháp thúc ép trẻ ăn như: La mắng, đe dọa, trừng phạt thậm chí là đánh đập sẽ tạo tâm lý căng thẳng, ám ảnh vào mỗi bữa ăn, khiến tình trạng biếng ăn của trẻ ngày càng trầm trọng hơn. Không nên ép trẻ ăn bằng mọi cách kể cả bóp miệng trẻ hoặc đè trẻ ra nhét thức ăn vào miệng.

Nếu cha mẹ muốn tập cho trẻ ăn món ăn mới, thì nên cho ăn vào bữa sáng. Vì đây là khoảng thời gian trong ngày mà trẻ có cảm giác đói nhất và có thể sẵn sàng ăn thử món ăn mới. Khi đã chịu ăn, cha mẹ có thể đưa món ăn vào bữa trưa hoặc tối và chế biến thêm món mới khác vào bữa sáng tiếp theo.

3.2 Bữa ăn phải đa dạng, nhiều màu sắc và trình bày đẹp mắt

Trong mỗi bữa nên có ít nhất một món ăn mà trẻ thích vì điều này có thể kích thích sự thèm ăn của trẻ. Đồng thời, cha mẹ nên khuyến khích trẻ ăn tất cả các món ăn có trên bàn, dù có thể chỉ ăn mỗi món một ít.

Thức ăn được chế biến đa dạng về loại, màu sắc mùi vị và trình bày đẹp mắt, thu hút sự chú ý của trẻ.

3.3 Sắp xếp bữa ăn đúng giờ và cho trẻ ăn cùng với gia đình

Hãy tạo thói quen ngày từ nhỏ cho trẻ đó là không nên ăn vặt khi gần đến bữa chính, nhất là các loại bánh kẹo ngọt, nước ngọt, thức ăn nhanh.

Các bữa ăn của trẻ nên được sắp xếp hợp lý vào những khung giờ nhất định. Khoảng 10–15 phút trước khi bắt đầu bữa ăn.

Đa số trẻ nhỏ thích bắt chước hành động của người khác. Vì vậy, cha mẹ hãy ăn uống đúng giờ, cho trẻ ăn chung bữa cơm với gia đình và vừa ăn vừa trò chuyện vui vẻ để tạo bầu không khí phấn khích, vui vẻ giúp trẻ ăn ngon miệng hơn.

3.4 Chia thức ăn trong ngày thành nhiều bữa

Hãy chia khẩu phần ăn trong ngày của trẻ thành nhiều bữa ăn, cho trẻ ăn từng chút một vào mỗi bữa trong một khoảng thời gian nhất định. Có như vậy thì dù trẻ ăn được lượng thức ăn ít nhưng mà vẫn không sụt cân.

Không nên cho trẻ vừa ăn vừa chơi đồ chơi hay xem tivi, điện thoại, máy tính bảng.

Không nên cho trẻ ăn quá lâu. Đối với bữa ăn chính không nên kéo dài hơn 30 phút và bữa phụ không quá 20 phút, dù bé ăn quá chậm hay chưa ăn hết thức ăn. Sau 30 phút, hãy dừng bữa ăn lại, lau miệng cho trẻ và giới thiệu món ăn cho trẻ vào bữa tiếp theo. Điều này sẽ hình thành thói quen ăn uống tốt, giảm áp lực cho trẻ trong mỗi bữa ăn và giảm căng thẳng cho ba mẹ.

3.5 Cho trẻ ăn bữa ăn nhẹ bằng những loại thực phẩm tốt cho sức khỏe

Cha mẹ có thể cho trẻ ăn những loại thức ăn nhẹ giàu vitamin và khoáng chất vào các bữa phụ như: Sữa, phô mai, sữa chua, trái cây, bánh ít ngọt cũng giúp cung cấp thêm năng lượng đáng kể cho trẻ, nhưng không nên gần với bữa chính.

3.6 Không cho trẻ uống nước nhiều trước và trong khi ăn

Việc trẻ uống quá nhiều nước, kể cả thức uống là sữa hay nước trái cây, trước và trong khi ăn sẽ khiến trẻ có cảm giác no giả tạo và không còn hứng thú để ăn. Ngoài ra, cha mẹ cần hạn chế cho trẻ uống sữa vào giữa đêm vì như vậy sẽ làm ảnh hưởng tới bữa ăn sáng ngày hôm sau.

3.7 Khuyến khích trẻ vào bếp cùng mẹ

Hãy khuyến khích trẻ vào bếp cùng mẹ và làm những việc đơn giản như nhặt rau, rửa rau, dọn bàn ăn cho cả nhà. Trẻ sẽ thích ăn những món do mình tự làm ra nên điều này kích thích trẻ ăn ngon miệng hơn.

trẻ lười ăn
Khuyến khích trẻ vào bếp cùng mẹ để kích thích trẻ ăn ngon miệng hơn

3.8 Đảm bảo bữa ăn của trẻ đầy đủ dưỡng chất

Theo các chuyên gia về dinh dưỡng, trẻ biếng ăn cần chế độ dinh dưỡng đầy đủ chất, đủ lượng với 4 nhóm chính là đạm, đường bột, chất béo, vitamin và khoáng chất.

Bên cạnh đó, cha mẹ cũng nên bổ sung các nhóm dưỡng chất giúp kích thích ăn ngon, tăng cường khả năng hấp thu để bắt kịp đà tăng trưởng. Đặc biệt, cha mẹ cần chú trọng bổ sung các dưỡng chất hỗ trợ cho sự phát triển trí não của trẻ, giúp tránh để lại những hậu quả đáng tiếc về chậm phát triển trí tuệ và khả năng nhận thức. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng kẽm có thể kích thích sự thèm ăn ở trẻ. Những thực phẩm có chứa kẽm như là thịt gà, thịt bò, cá và nhiều loại rau có màu xanh đậm.

3.9 Cho trẻ vận động thể lực

Việc ít vận động thể lực cũng có thể làm trẻ biếng ăn. Cha mẹ nên khuyến khích trẻ tập thể dục mỗi ngày. Nếu có thể, tốt nhất hãy dành thời gian cùng trẻ vận động thể lực như đi bộ, nhảy dây, đá banh, chơi đuổi bắt,... Việc vận động khiến trẻ tiêu hao nhiều năng lượng nên trẻ sẽ có cảm giác đói nhiều hơn, giúp ăn ngon hơn và có sức khỏe tốt hơn.

Nếu trẻ còn quá nhỏ, cha mẹ nên massage cho trẻ để giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn, hạn chế các bệnh về đường tiêu hóa, góp phần giúp trẻ mạnh khỏe và tăng trưởng tốt.

3.10 Khám dinh dưỡng cho trẻ

Khám dinh dưỡng cho trẻ em là việc làm cần thiết nhằm xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học phù hợp với từng trẻ. Khám dinh dưỡng cho trẻ giúp đánh giá chính xác thể trạng, tình trạng dinh dưỡng; phát hiện sớm các bệnh lý phổ biến về dinh dưỡng ở trẻ em; kiểm soát tốt các yếu tố làm cản trở sự phát triển của trẻ để tạo tiền đề cho sự phát triển của trẻ sau này; hướng dẫn để cung cấp cho trẻ chế độ ăn uống và vận động hợp lý, khoa học, phù hợp với sự phát triển ở từng thời điểm. Điều quan trọng là cha mẹ không được tự ý dùng thuốc cho trẻ mà không có sự chỉ định của bác sĩ. Vì phải tìm đúng nguyên nhân gây biếng ăn ở trẻ thì mới uống đúng thuốc có tác dụng, nếu không có thể làm trẻ sẽ biếng ăn hơn.

Ngoài ra, để cải thiện vị giác, ăn ngon, đạt chiều cao, cân nặng đúng chuẩn và vượt chuẩn, hệ miễn dịch tốt, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt và ít gặp các vấn đề tiêu hóa... bé cần bổ sung thêm các vi chất cần thiết: Kẽm, selen, crom, vitamin B1 và B6, gừng, chiết xuất quả sơ ri (vitamin C),...

Cũng theo các chuyên gia về dinh dưỡng khuyến cáo cha mẹ cần bình tĩnh và kiên trì khi bổ sung chất cho bé kể cả qua đường ăn uống hay các thực phẩm chức năng. Đặc biệt việc dùng thực phẩm chức năng nên chọn các loại có nguồn gốc tự nhiên dễ hấp thụ, không cho còn dùng đồng thời nhiều loại hoặc thay đổi liên tục các loại thực phẩm chức năng. Bên cạnh đó, các chuyên gia dinh dưỡng cũng nhấn mạnh về vai trò của kẽm sinh học; cha mẹ nên tìm hiểu và bổ sung kẽm cho trẻ đúng cách vào các mốc thời điểm thích hợp, tránh tình trạng thiếu kẽm làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển toàn diện của trẻ.

Để có thêm kiến thức về việc nuôi con và chăm sóc trẻ theo từng độ tuổi, bạn hãy thường xuyên truy cập website https://vinmec.com và đặt hẹn với các bác sĩ, chuyên gia Nhi - Dinh dưỡng khi cần tư vấn nhé.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan