Trẻ bị sốt về chiều và đêm: Cảnh giác sốt virus

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Phan Ngọc Hải - Bác sĩ Nhi - Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng và Bác sĩ nội trú, Bác sĩ Nguyễn Hùng Tiến - Bác sĩ Nội trú Nhi - Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Thời điểm chuyển mùa từ hè sang thu là lúc các bệnh dịch bùng phát và đối tượng mắc bệnh thường là trẻ em. Nhiệt độ trong ngày thay đổi ở mức cao kéo theo các trường hợp trẻ nhỏ mắc bệnh và nhập viện ngày càng tăng, một trong những bệnh phổ biến nhất là sốt virus.

1. Dấu hiệu trẻ bị sốt virus

Trẻ bị sốt về chiều và đêm là một trong các dấu hiệu đặc trưng của sốt virus. Trẻ sốt cao liên tục trong 2 - 3 ngày, một số trẻ chỉ sốt về đêm hoặc về chiều, kèm theo các triệu chứng về hô hấp như sổ mũi nhiều, kích thích vùng hầu họng, gây đỏ, khiến bé khó chịu, quấy khóc, có cảm giác bé nuốt vướng, nôn trớ.

  • Sốt cao: Đây là biểu hiện rất thường gặp ở những trường hợp bệnh nhi sốt do virus, thân nhiệt thường tăng từ 38 - 39 độ C, thậm chí lên đến 41 độ C. Khi hạ sốt, trẻ lại tỉnh táo, vui chơi bình thường.
  • Đau mình mẩy: Trẻ nhỏ thường than đau khắp mình, quấy khóc, chạm vào tỏ ra khó chịu, ở trẻ lớn thì đau cơ bắp.
  • Đau đầu: Một số trường hợp sốt virus trẻ bị đau đầu nhưng tinh thần nói chung vẫn tỉnh táo.
  • Hội chứng viêm long đường hô hấp: Các biểu hiện như ho, chảy nước mũi, hay hắt hơi, họng đỏ rát.
  • Rối loạn tiêu hóa: Biểu hiện này thường xuất hiện sớm nếu nguyên nhân gây sốt do virus ở đường tiêu hóa, cũng có thể xảy ra muộn hơn vài ngày sau khi sốt với đặc điểm là đại tiện đi phân lỏng, nhưng không có máu và chất nhầy (không xuất huyết tiêu hóa).
  • Viêm hạch: Sưng to, đau, có thể nhìn hoặc sờ thấy bằng tay, đặc biệt là các hạch ở vùng đầu, mặt, cổ.
  • Phát ban da: Thường xuất hiện từ 2 - 3 ngày sau khi khởi phát sốt, khi đã xuất hiện ban da thì sẽ đỡ sốt.
  • Viêm kết mạc mắt: Sốt virus dẫn đến viêm đỏ kết mạc mắt, có dử mắt, chảy nhiều nước mắt.
  • Nôn ói: Bệnh nhi nôn mửa nhiều lần, nhưng thường xuất hiện sau bữa ăn.

2. Làm gì khi trẻ bị sốt virus?

Đối với sốt do virus, kháng sinh sẽ không có hiệu quả trong điều trị. Bệnh nhi đã bị sốt cao liên tục trong nhiều ngày, cơ thể bé đã mệt mỏi do chống chịu với bệnh, đề kháng suy giảm do tác động của virus, nay lại uống thêm kháng sinh, khả năng phòng vệ lại càng yếu.

Đã từng có trường hợp trẻ 3 tuổi bị sốt về chiều và đêm nhưng phụ huynh không đưa đi khám và chẩn đoán mà lại cho uống kháng sinh, hậu quả là bé bị tác dụng không mong muốn của kháng sinh, bị đề kháng kháng sinh, gây khó khăn trong việc điều trị các bệnh lý sau này. Bệnh chẳng những không hết mà sức khỏe bé lại ngày càng yếu, khiến sốt ngày càng kéo dài và trầm trọng hơn.

Vì thế, trong trường hợp trẻ 3 tuổi bị sốt về chiều và đêm kể trên, bố mẹ không nên tùy tiện sử dụng kháng sinh cho trẻ mà cần đi khám bác sĩ ngay vào sáng hôm sau. Tình huống này, để khắc phục triệu chứng cho bé, bậc phụ huynh cần lưu ý điều quan trọng là dùng thuốc hạ sốt cho trẻ và bổ sung thêm nước (loại nước trái cây, dung dịch oresol). Tuy nhiên, nhiều trường hợp bệnh nhi mới dùng thuốc hạ sốt được 2 - 3 tiếng mà đã tái sốt trở lại thì không cho trẻ dùng tiếp thuốc hạ sốt mà cần chườm khăn ấm vào các vùng cơ thể như bẹn, nách, trán,... Nếu trẻ sốt kèm theo triệu chứng sổ mũi nhiều thì cần cho trẻ rửa nước muối sinh lý hàng ngày để giúp mũi thông thoáng.

Làm gì khi trẻ bị sốt virus
Bổ sung cho trẻ các loại nước trái cây.

3. Trẻ bị sốt khi nào cần nhập viện điều trị?

Phụ huynh cần đưa trẻ nhập viện điều trị khi nhận thấy các triệu chứng sau đây ở trẻ:

  • Sốt cao trên 38,5 độ C, nhất là khi sốt trên 39 độ C mà dùng thuốc hạ sốt không mang lại hiệu quả giảm sốt.
  • Dấu hiệu trẻ lơ mơ, li bì, ngủ nhiều, xuất hiện cơn co giật, đau đầu liên tục và tăng dần, trẻ buồn nôn, nôn khan nhiều lần, tình trạng sốt kéo dài liên tục trên 5 ngày.

Để phòng bệnh cho trẻ trong thời điểm chuyển mùa, phụ huynh cần chủ động bảo vệ và nâng cao sức đề kháng cho trẻ, đảm bảo trẻ uống đủ nước hàng ngày và mặc quần áo thích hợp theo thời tiết. Vì đêm khuya và sáng sớm se lạnh trong khi buổi trưa lại nắng nóng gay gắt, cần điều chỉnh lại quần áo cho trẻ thường xuyên trong ngày để vừa có thể đề phòng nguy cơ nhiễm lạnh, vừa đề phòng khả năng trẻ đổ mồ hôi, cũng là nguyên nhân gây cảm lạnh cho bé.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

420.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan