Trẻ bị nấm miệng bôi thuốc gì?

“Trẻ bị nấm miệng bôi thuốc gì” là thắc mắc của nhiều cha mẹ khi thấy con gặp phải tình trạng này. Thuốc bôi nấm miệng trẻ em là những loại thuốc kháng nấm, thường được chỉ định trong giai đoạn đầu điều trị. Nếu việc sử dụng thuốc bôi nấm miệng trẻ em không hiệu quả, bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc kháng nấm toàn thân đường uống để tiêu diệt hoàn toàn vi nấm và ngăn ngừa bệnh tái phát.

1. Nấm miệng ở trẻ là bệnh gì?

Nấm miệng ở trẻ là bệnh do một loại nấm có tên là Candida gây ra. Bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ với đặc điểm là ở lưỡi có những đốm trắng nhỏ li ti. Lúc đầu, những đốm này chỉ xuất hiện ở đầu lưỡi sau đó thì lan ra cả lưỡi, khiến trẻ rất khó chịu.

Nấm miệng ở trẻ nếu không điều trị, các vi khuẩn nấm sẽ lan ra khắp mặt lưỡi, ở trẻ sơ sinh có thể khiến trẻ quấy khóc thường xuyên và bỏ bú, còn trẻ lớn hơn thì mất vị giác và bỏ ăn. Trong trường hợp nghiêm trọng nhất, vi khuẩn nấm theo đường thở đi vào phổi và hệ tiêu hóa gây viêm phổi, rối loạn tiêu hóa...

Thực tế, có một số yếu tố làm cho nấm Candida sẵn có trong cơ thể người phát triển mạnh mẽ và gây nấm miệng ở trẻ, chẳng hạn như:

  • Cho trẻ sử dụng thuốc kháng sinh sai cách dẫn đến lạm dụng thuốc.
  • Trẻ bị nhiễm nấm ở các vùng da khác và lan đến miệng gây nấm miệng.
  • Trẻ sơ sinh bú mẹ và tiếp xúc với vú mẹ bị nhiễm nấm.
  • Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có sức đề kháng kém, suy giảm hệ miễn dịch.

2. Trẻ bị nấm miệng bôi thuốc gì?

Khi phát hiện trẻ bị nấm miệng, cha mẹ nên đưa trẻ thăm khám bác sĩ để kiểm tra tình trạng và chỉ định thuốc điều trị hợp lý, tránh tự ý mua thuốc bôi nấm miệng trẻ em mà không có hướng dẫn của bác sĩ. Thông thường, bác sĩ sẽ chỉ định các loại thuốc bôi kháng nấm như:

  • Miconazole: Miconazole là một trong những loại thuốc kháng nấm phổ biến với phổ kháng nấm rộng, có thể dùng được cho trẻ sơ sinh từ 4 tháng tuổi đến 2 tuổi. Miconazole được bào chế dưới dạng gel có nồng độ 2%, dùng để bôi tại chỗ bị nấm. Lưu ý, không dùng thuốc bôi nấm miệng trẻ em Miconazole ở trẻ bị dị ứng với thành phần của thuốc, không nuốt được hoặc trẻ mắc bệnh gan.
  • Nystatin: Nystatin cũng là một loại thuốc kháng nấm rất tốt, có thể dùng được ở cả trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, không gây độc cho trẻ dù dùng trong thời gian dài. Nystatin được bào chế dưới dạng dung dịch, dùng để rơ lưỡi cho trẻ với liều dùng khoảng 4 lần/ngày và thời gian điều trị ít nhất là 7 ngày.

Ngoài 2 loại thuốc bôi nấm miệng trẻ em nêu trên, trong trường hợp nặng và việc dùng thuốc bôi không hiệu quả, trẻ cần được dùng thuốc kháng nấm toàn thân mạnh hơn bằng đường uống, đó là Amphotericin B, Fluconazole hoặc Itraconazole.

3. Hướng dẫn sử dụng thuốc bôi nấm miệng trẻ em

Việc dùng thuốc bôi nấm miệng trẻ em được thực hiện theo trình tự các bước như sau:

  • Bước 1: Vệ sinh, rửa tay thật sạch, sau đó dùng khăn sạch lau khô tay.
  • Bước 2: Dùng miếng gạc quấn quanh ngón tay hoặc loại gạc bọc vừa đầu ngón tay. Chuẩn bị một chén nước ấm để cho tay có quấn gạc vào, giúp làm mềm miếng gạc.
  • Bước 3: Cho thuốc lên gạc theo liều dùng được bác sĩ chỉ định.
  • Bước 4: Dùng tay đã quấn gạc và tẩm thuốc chà vào hai má trong, sau đó đến vòm miệng rồi rà lưỡi từ ngoài đến trong để không khiến trẻ khó chịu, nôn trớ.

4. Lưu ý khi sử dụng thuốc bôi nấm miệng trẻ em

Khi sử dụng thuốc bôi nấm miệng trẻ em để điều trị cần lưu ý:

  • Không nên lạm dụng thuốc, các loại thuốc kháng nấm chỉ nên dùng theo chỉ định của bác sĩ và trong thời gian ngắn để không gây mất cân bằng hệ vi khuẩn trong cơ thể của trẻ.
  • Sau khi hết triệu chứng, cần tiếp tục dùng thuốc bôi nấm miệng trẻ em theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ để vi khuẩn nấm được tiêu diệt hoàn toàn, không tái phát. Bên cạnh đó, cần vệ sinh răng miệng kỹ cho trẻ 2 lần/ngày. Sau khi ăn nên dùng miếng gạc sạch và tẩm nước muối sinh lý để làm sạch lưỡi cho trẻ. Cho trẻ súc miệng bằng nước sạch sau khi ăn hoặc dùng kem đánh răng.
  • Trong vòng 20 phút sau khi bôi thuốc chữa nấm miệng thì không được cho trẻ bú hoặc ăn uống. Nên bôi thuốc cho trẻ trước bữa ăn hoặc cữ bú để tránh tình trạng trẻ bị nôn trớ.
  • Cần lưu ý khi sử dụng một số loại thuốc bôi nấm miệng trẻ em dạng gel ở trẻ sơ sinh để không làm tắc nghẽn cổ họng của trẻ. Đối với thuốc dạng này, nên chia tổng liều dùng trong ngày thành nhiều liều nhỏ và khi bôi thuốc cho trẻ cần theo dõi trẻ kỹ lưỡng.
  • Một số loại thuốc bôi nấm miệng trẻ em có thể gây tác dụng phụ ở hệ tiêu hóa như buồn nôn, nôn, tiêu chảy, nổi mẩn, viêm gan,... Vì vậy, cần theo dõi trẻ sau khi dùng thuốc để kịp thời phát hiện triệu chứng không mong muốn và xử trí.
  • Thận trọng khi dùng thuốc kháng nấm ở trẻ đang điều trị với một số loại thuốc khác vì có thể xảy ra tương tác thuốc.
  • Trong khi điều trị bằng thuốc bôi nấm miệng trẻ em không được dùng tay để cậy những đốm trắng trong miệng hoặc lưỡi trẻ vì có thể khiến trẻ bị chảy máu, trầy xước và làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, lan rộng vết loét. Ngoài ra, tuyệt đối không dùng các bài thuốc dân gian như lấy chanh hoặc mật ong, cỏ mực, rau ngót chà lưỡi trẻ vì có thể làm tăng nguy cơ bội nhiễm. Đồng thời cũng không được tự ý cho trẻ dùng thuốc kháng sinh trị bệnh mà không có bất kỳ sự chỉ định nào của bác sĩ.
  • Tránh hôn miệng trẻ dù lúc trẻ đang khỏe mạnh hay đang bị bệnh vì có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm nấm, vi khuẩn, virus gây bệnh cho trẻ.
  • Để việc điều trị bằng thuốc bôi nấm miệng trẻ em hiệu quả, cha mẹ cần chú ý vệ sinh đồ dùng của con sạch sẽ như chén bát, muỗng, đồ chơi, núm ti giả, bình sữa. Với trẻ sơ sinh còn bú mẹ thì mẹ cần vệ sinh ngực và vú sạch sẽ trước khi cho trẻ bú cũng như sau khi trẻ bú xong.
  • Tăng cường đề kháng cho trẻ bằng cách cho trẻ ăn uống lành mạnh, nhiều trái cây và rau xanh, uống đủ nước. Hạn chế ăn thực phẩm ngọt, béo, hải sản hay các loại thực phẩm dễ gây dị ứng, ...

Thuốc bôi nấm miệng trẻ em thường được bác sĩ chỉ định là Miconazole hoặc Nystatin. Đây đều là những loại thuốc kháng nấm tốt và dùng được cho trẻ sơ sinh. Ba mẹ chỉ nên dùng theo chỉ định của bác sĩ và trong thời gian ngắn để không gây mất cân bằng hệ vi khuẩn trong cơ thể của trẻ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

21.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan