Lùn có phải là bệnh?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Hoàn - Trưởng khoa Ngoại trú Nhi - Trung tâm Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Tầm vóc thấp là thuật ngữ mà các bác sĩ sử dụng cho một đứa trẻ bị lùn (có chiều cao dưới phân vị thứ ba so với tuổi và giới tính trên biểu đồ tăng trưởng). Các bác sĩ theo dõi những con số này theo thời gian để biết trẻ có đang phát triển khỏe mạnh hay không.

1. Phân biệt khái niệm lùn và thấp

  • Lùn: Trẻ thấp dưới 3 bách phân vị ( -3SD);
  • Tầm vóc thấp: Trẻ thấp hơn so với trẻ bình thường từ -1 đến -2SD.

Trẻ bị lùn có thể do bệnh bẩm sinh (lùn do thiếu hormone tăng trưởng, suy toàn bộ tuyến yên, suy giáp, lùn tiên phát hay các bệnh rối loạn chuyển hóa bẩm sinh như: Mucopolysaccharidosis, Achondroplasia, còi xương do thận...), tật nhiễm sắc thể bất thường (hội chứng Turner, bệnh Seckel Cell...)

Tầm vóc thấp thường hay gặp trong bệnh mạn tính như: Bệnh thận mạn, suy dinh dưỡng bào thai hoặc sau sinh, bệnh Celiac...

2. Trẻ bị lùn có phải bệnh?

Quá thấp bé không nhất thiết là con bạn có vấn đề về sức khỏe. Trẻ có thể đã thừa hưởng tầm vóc nhỏ bé từ cha hay mẹ, hoặc đây là một đứa trẻ “nở muộn” - sẽ đạt đến chiều cao trung bình vào tuổi dậy thì.

Nhưng đôi khi tăng trưởng kém cũng có thể là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe cần được chú ý. Nếu bạn lo lắng vì con mình thấp hơn đáng kể so với các bạn cùng trang lứa, hoặc nếu tốc độ tăng trưởng của trẻ dường như đột ngột chậm lại hoặc dừng hoàn toàn, hãy đến gặp bác sĩ.

Bác sĩ sẽ tìm kiếm các vấn đề sức khỏe có thể ảnh hưởng đến tốc độ phát triển và tầm vóc của trẻ, chẳng hạn như:

  • Bệnh celiac
  • Vấn đề về tuyến giáp
  • Thiếu hụt hormone tăng trưởng
  • Bệnh mãn tính: Thiếu máu hồng cầu hình liềm, hội chứng Turner (do thiếu nhiễm sắc thể ở trẻ em gái), bệnh Cushing (do có quá nhiều hormone cortisol).

Trên thực tế, bất kỳ bệnh mãn tính nào cũng có thể ảnh hưởng đến tốc độ phát triển và tầm vóc của trẻ.

ung thư tuyến giáp
Trẻ có vấn đề tuyến giáp sẽ có nguy cơ bị lùn

3. Thăm khám và xét nghiệm cho trẻ bị lùn

Chiều cao thường là vấn đề di truyền, vì vậy bác sĩ sẽ tìm hiểu kỹ tiền sử gia đình từ bạn, bao gồm cả chiều cao trung bình của anh chị em, cha mẹ, ông bà, cô dì và chú bác của trẻ. Bác sĩ cần biết liệu có ai trong gia đình gặp vấn đề sức khỏe liên quan đến vóc dáng thấp bé hay không, vì những vấn đề này cũng có thể di truyền.

Bạn cần cung cấp cho bác sĩ hồ sơ chiều cao và cân nặng của con mình để kiểm tra tốc độ phát triển của trẻ, đồng thời xác định xem trẻ có luôn thấp hơn các bạn cùng lứa tuổi hay không. Những thông tin cần thiết khác bao gồm chế độ ăn uống của trẻ và bất kỳ triệu chứng nào (nếu có).

Trong quá trình khám sức khỏe, bé có thể được xét nghiệm máu và làm các bài kiểm tra khác, đôi khi cũng chụp X-quang cổ tay hoặc bàn tay để xem xương đã trưởng thành như bình thường với độ tuổi hay chưa. Nếu nghi ngờ có vấn đề về hormone, trẻ sẽ được chuyển đến bác sĩ nội tiết nhi khoa để đánh giá kỹ hơn.

Nếu các xét nghiệm cho thấy vấn đề về hormone tăng trưởng, bác sĩ nội tiết có thể cho trẻ làm xét nghiệm kích thích để đo khả năng tuyến yên tiết ra nội tiết tố hGH. Đầu tiên, trẻ sẽ được tiêm một loại thuốc khiến hệ thống nội tiết sản xuất hGH. Sau đó vài giờ, bác sĩ sẽ lấy mẫu máu từ tĩnh mạch IV vào các khoảng thời gian xác định trước. Máu sẽ được phân tích để xác định xem con bạn có sản xuất mức hormone tăng trưởng bình thường hay không.

chiều cao
Chiều cao có thể mang tính di truyền

4. Cách tăng chiều cao cho trẻ

Chiều cao của một người chịu ảnh hưởng bởi 32% dinh dưỡng, 25% sinh hoạt, 23% di truyền và 20% luyện tập vận động. Ngoài yếu tố di truyền không thể can thiệp, bạn có thể tác động đến dinh dưỡng, tập luyện và thói quen sinh hoạt hàng ngày để kích thích chiều cao của trẻ.

4.1. Trong thời kỳ mang thai và sau sinh

Trong suốt thai kỳ, mẹ cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng của mình, bởi chúng sẽ quyết định khá nhiều đến trọng lượng và chiều cao của con. Vì vậy, trước và trong khi mang thai, cũng như cho con bú, mẹ cần ăn uống hợp lý, bổ sung đầy đủ các chất đạm, sắt, canxi, axit folic,... để thai nhi phát triển khỏe mạnh, đạt chuẩn từ khi còn trong bụng mẹ.

4.2. Ăn uống đầy đủ dưỡng chất

Nhu cầu dinh dưỡng của trẻ sẽ khác nhau tùy từng giai đoạn phát triển, nhưng nhìn chung bữa ăn hàng ngày cần đảm bảo có đủ:

  • Đạm (10 - 15%): Thay đổi món liên tục với thịt, cá, tôm, cua, đậu phụ...
  • Tinh bột (60 - 65%)
  • Chất béo (10%)
  • Các vitamin và khoáng chất thiết yếu: Canxi, vitamin D, K2, A, E, C, kẽm và selen...

Các bữa ăn phải đảm bảo cân bằng dinh dưỡng và đa dạng món, không nên ăn quá nhiều hoặc bỏ sót chất nào. Mỗi ngày ngoài 3 bữa chính, bạn nên bổ sung cho trẻ khoảng 2 - 3 bữa phụ để kích hoạt khả năng chuyển hoá, thêm năng lượng hoạt động hiệu quả cả ngày.

Phụ huynh đừng quên tham khảo ý kiến chuyên gia dinh dưỡng để bổ sung canxi phù hợp, tránh tác hại của thừa canxi. Các nguồn cung cấp canxi hiệu quả và an toàn bao gồm: sữa, cá, xương ống, cua, rong biển... Trẻ cũng cần thường xuyên vận động, chạy nhảy ngoài trời để tổng hợp vitamin D tự nhiên từ ánh nắng, giúp hấp thụ canxi hiệu quả hơn.

Chế độ ăn dinh dưỡng
Một chế độ dinh dưỡng sẽ giúp trẻ phát triển chiều cao

4.3. Sinh hoạt khoa học, lành mạnh

Để kích thích chiều cao của trẻ đạt mức lý tưởng, cần tuân thủ thói quen sinh hoạt lành mạnh như sau:

  • Hạn chế tiếp xúc với công nghệ

Dùng điện thoại, xem TV hay chơi game quá lâu không chỉ tạo tư thế xấu, cản trở xương phát triển mà còn làm ảnh hưởng đến thị lực và trí tuệ của trẻ em.

  • Ngủ đúng giờ, đủ giấc

Thời điểm xương tăng trưởng mạnh nhất là lúc trẻ đang ngủ say, nhất là từ 23h đêm đến 3h sáng. Lúc này tuyến yên hoạt động mạnh và tiết ra nhiều hormone hGH. Vì vậy cần cho con ngủ trước 22h và đủ 8 tiếng mỗi đêm, hạn chế ánh sáng và tiếng ồn, nên sử dụng nệm, gối và quần áo ngủ thoải mái, tránh chơi thiết bị điện tử trước khi ngủ.

  • Sinh hoạt đúng tư thế

Đi đứng thẳng người, giữ đầu và cổ thẳng khi ngồi học, không cúi gập người hoặc gục trên bàn... cũng là những lưu ý rất quan trọng đối với việc tăng chiều cao cho trẻ.

  • Tạo môi trường sống chất lượng

Trẻ sống trong điều kiện kinh tế - xã hội kém phát triển, môi trường ô nhiễm, thiếu nước sạch... dễ bị suy dinh dưỡng, thấp còi. Do đó, phụ huynh nên cố gắng tạo điều kiện cho con sống trong môi trường lành mạnh với điều kiện đầy đủ để phát triển toàn diện. Mặt khác, khói thuốc lá cũng gây ức chế quá trình tiết hormone, ảnh hưởng đến sự phát triển của xương, bất lợi cho sức khỏe và chiều cao của trẻ.

4.4. Tích cực tập luyện

Tập luyện khoa học không chỉ giúp kích thích chiều cao của trẻ, mà còn tăng sức đề kháng, giúp trẻ khỏe mạnh. Các bài tập phù hợp với từng lứa tuổi bao gồm:

  • Trẻ dưới 6 tháng tuổi: Mẹ cũng không nên để bé nằm một chỗ quá nhiều, mà hãy massage toàn thân cho con, đặc biệt là vuốt chân, vuốt tay và xoa lưng để máu lưu thông tốt hơn.
  • Từ 6 - 12 tháng tuổi: Khuyến khích và hỗ trợ bé tập lẫy / lật, bò, đứng và chập chững những bước đi đầu tiên.
  • Từ 3 - 4 tuổi: Có thể dạy trẻ các động tác thể dục nhẹ nhàng và khuyến khích con đi bộ thường xuyên để tăng cường hoạt động của cơ, cũng như kích thích hệ xương khớp phát triển.
  • Từ 5 - 10 tuổi: Đây là thời kỳ tiền dậy thì, hệ xương đã phát triển chắc chắn hơn. Phụ huynh có thể khuyến khích con tập chạy bộ, bơi lội, thể dục nhịp điệu... để kích thích xương khớp.
  • Tuổi dậy thì: Là lúc chiều cao phát triển nhất, có thể tăng đến 10 - 15 cm mỗi năm nếu được chăm sóc đúng cách. Bạn hãy khuyến khích con tích cực chơi các môn thể thao như bơi lội, bóng chuyền, bóng rổ, hít xà đơn, và nhảy dây...
trẻ ngủ
Ba mẹ nên lưu ý cho trẻ ngủ đủ giấc

Nên ưu tiên vận động ngoài trời vào buổi bình minh hoặc chiều tà để hấp thu vitamin D từ ánh sáng mặt trời, đồng thời tránh được tia cực tím có hại.

Mỗi trẻ đều có những giai đoạn phát triển và tăng trưởng chiều cao nhất định. Chính vì vậy, bố mẹ cần nắm bắt và áp dụng những biện pháp tăng chiều cao cho trẻ hiệu quả, giúp con phát triển khỏe mạnh về vóc dáng lẫn trí tuệ.

Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị lùn, ngoài nguyên nhân do di truyền thì các yếu tố khác có thể tác động, thay đổi sự phát triển chiều cao ở trẻ. Do đó, việc thăm khám, điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, thay đổi lối sống để thúc đẩy sự phát triển chiều cao cho trẻ rất quan trọng. Vì thế, khi thấy trẻ chậm tăng trưởng chiều cao so với trẻ khác thì cha mẹ nên đưa trẻ đến các trung tâm y tế để thăm khám và tìm ra nguyên nhân.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Ghi chú: Bài báo này nằm trong chương trình Nâng cao nhận thức về Bệnh chậm tăng trưởng của Hệ thống Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec, với sự hỗ trợ của Novo Nordisk

Nguồn tham khảo: babycenter.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

12.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan