Tốc độ lớn của trẻ sơ sinh có thể khiến bạn ngạc nhiên

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Bùi Thị Hà - Bác sĩ Nhi - Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Cân nặng, tốc độ lớn của trẻ sơ sinh hay sự phát triển của trẻ sơ sinh là những chủ đề thường được các bậc phụ huynh thảo luận sôi nổi. Thông qua kiểm tra sức khỏe định kỳ, bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng của bé dựa trên biểu đồ tăng trưởng tiêu chuẩn.

1. Tốc độ lớn của trẻ sơ sinh trong năm đầu tiên

Tất cả trẻ sơ sinh khỏe mạnh đều có thể tăng trưởng với nhiều kích cỡ khác nhau. Tuy nhiên, sự phát triển của trẻ sơ sinh có xu hướng đi theo một đường trung bình chung. Dựa vào đó các bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng sẽ đánh giá tốc độ lớn của trẻ sơ sinh trong năm đầu tiên. Cụ thể là:

Mỗi tháng em bé có thể dài thêm từ 1,5 đến 2,5 cm (1/2 - 1 inch) và tăng khoảng 140 đến 200 gram (5 - 7 ounce) mỗi tuần. Khi được 5 tháng tuổi, dự kiến cân nặng của bé sẽ tăng gấp đôi cân nặng so với lúc mới sinh.

Sự phát triển của trẻ sơ sinh
Khi được khoảng 5 tháng tuổi, dự kiến bé sẽ tăng gấp đôi cân nặng so với lúc mới sinh

Mỗi tháng trẻ có thể phát triển chiều cao thêm khoảng 1 cm (3/8 inch) và tăng cân nặng từ 85 đến 140 gram (3 - 5 ounce) mỗi tuần. Khi được khoảng 1 tuổi, dự kiến bé sẽ tăng gấp 3 lần cân nặng so với lúc mới sinh.

Trong thời kỳ sơ sinh, bác sĩ sẽ vẽ các biểu đồ cân nặng theo chiều dài, thể hiện tốc độ lớn của trẻ sơ sinh và tính toán BMI của con bạn. Phụ huynh có thể sử dụng các biểu đồ để theo dõi xu hướng tăng trưởng của bé và so sánh sự phát triển của trẻ sơ sinh với những đứa bé khác cùng giới tính, cùng trang lứa. Theo biểu đồ tăng trưởng của Tổ chức Y tế Thế giới, một em bé có tỷ lệ cân nặng theo chiều dài lớn hơn bách phân vị thứ 98 được coi là nặng cân.

2. Khi cân nặng của bé đáng lo ngại

2.1. Đồ thị tăng trưởng dao động bất thường

Bác sĩ sẽ thường xuyên theo dõi sự phát triển của trẻ sơ sinh trong các kỳ kiểm tra sức khỏe và đánh dấu lại chỉ số trên biểu đồ tăng trưởng tiêu chuẩn. Tuy nhiên, vị trí của đường cong trong biểu đồ tăng trưởng không quan trọng bằng xu hướng của đường cong nói chung. Điều này đồng nghĩa với việc bé vẫn được xem là khỏe mạnh nếu trải qua một giai đoạn ngắn ngừng tăng cân, hay thậm chí là sụt cân nhẹ. Trường hợp đáng quan tâm là khi bé không đạt được mức cân nặng tối thiểu trong nhiều lần kiểm tra.

2.2. Dư thừa chất béo và calo gây béo phì

Nhằm giúp hỗ trợ tăng trưởng trong thời kỳ sơ sinh, trẻ rất cần một chế độ ăn nhiều chất béo. Các biện pháp hạn chế calo nhằm kiểm soát trọng lượng ở trẻ thừa cân cũng không được khuyến nghị cho bé từ 2 tuổi trở xuống. Tuy nhiên, vẫn cần lưu ý đến lượng chất béo và calo dư thừa vì trẻ quá nặng cân có thể ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và tinh thần. Cụ thể bé sẽ gặp khó khăn khi thực hiện các hoạt động thiết yếu trong cuộc sống, ví dụ như tập bò và đi bộ.

Nếu bạn lo lắng về cân nặng của bé, nên tham khảo ý kiến ​​bác sĩ để nắm được thông tin rõ ràng hơn. Bởi vì một đứa trẻ có kích cỡ lớn nhiều khả năng không trở thành một đứa trẻ thừa cân, trong khi một đứa trẻ đã béo phì có thể vẫn tiếp tục thừa cân khi trưởng thành.

3. Giữ cân nặng khỏe mạnh cho bé

Nhằm giữ cho sự phát triển của trẻ sơ sinh luôn ở trọng lượng thích hợp và khỏe mạnh, phụ huynh nên:

  • Kiểm soát cân nặng của mẹ trong thai kỳ

Tăng cân quá mức khi mang thai có thể khiến em bé bị thừa cân bẩm sinh. Một số nghiên cứu cho thấy rằng cân nặng khi sinh cao sẽ kéo theo nguy cơ béo phì ở trẻ em cũng tăng theo.

  • Cho con bú sữa mẹ

Đối với trẻ được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ, khoảng một nửa lượng calo hàng ngày mà các bé nhận được là từ chất béo có trong nguồn dinh dưỡng tự nhiên này. Bên cạnh đó, các nghiên cứu đã chứng minh cho con bú sữa mẹ có thể làm giảm nguy cơ béo phì ở trẻ em.

Sự phát triển của trẻ sơ sinh
Cho con bú sữa mẹ có thể làm giảm nguy cơ béo phì ở trẻ em
  • Hạn chế đồ uống có đường

Nước trái cây không phải là một yếu tố cần thiết trong chế độ ăn của bé. Khi bước vào giai đoạn ăn dặm, phụ huynh nên giới thiệu cho bé ăn các loại trái cây thật cũng như những rau củ bổ dưỡng.

  • Cho bé thời gian tập làm quen

Không nên tự động chuyển sang sữa mẹ hoặc sữa công thức nếu bé khóc lóc khi ăn. Thay vào đó, có thể thử đổi chỗ ngồi ăn mới cho bé ở môi trường yên tĩnh hơn hoặc vỗ về nhẹ nhàng để xoa dịu cơn khóc quấy của bé.

  • Hạn chế sử dụng thiết bị điện tử

Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến khích trẻ em dưới 2 tuổi không nên sử dụng thiết bị điện tử. Trẻ càng xem TV hay hoạt hình trực tuyến với thời lượng càng nhiều, nguy cơ bé mắc thừa cân béo phì càng cao.

Nếu vẫn còn nhiều băn khoăn và nghi ngại xung quanh vấn đề tốc độ lớn của trẻ sơ sinh, phụ huynh nên thường xuyên đưa bé đến cơ sở y tế nhi khoa để kiểm tra định kỳ và thảo luận với bác sĩ về tình trạng chiều cao, cân nặng của con. Ngoài ra, tham khảo ý kiến các chuyên gia dinh dưỡng nhi cũng là một gợi ý hay bạn mà có thể cân nhắc để bổ sung cho mình thêm kiến thức về sự phát triển của trẻ sơ sinh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: Mayoclinic.org

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

13.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan